Hành trình tìm hài cốt liệt sĩ Tạ Ngọc Rư hy sinh năm 1972
Nhớ lại 18 năm về trước, khi tôi mới lập gia đình không lâu, lúc ấy cha tôi ốm nặng và ông đã gọi tôi về nhắc nhở tôi hai điều: Một là sinh con, hai là đi tìm người anh đã hy sinh. Tôi đã lặng lẽ thực hiện những điều cha dặn. Ngay năm 1992 đó tôi đã lên đường đi Quảng Trị tìm anh với vỏn vẹn chỉ có giấy báo tử của Sư đoàn 304, trong đó ghi rõ: "Liệt sĩ Tạ Ngọc Rư, sinh năm 1952, nguyên quán: Thái Thụy, Thái Bình. Nhập ngũ tháng 01/1972. Hy sinh tại mặt trận phía Nam Quân khu 4. Đơn vị đã mai táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận".
Gần một tuần lăn lộn đến phòng Lao động - Thương binh & Xã hội các huyện Đông Hà, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị và sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đều không thấy tên anh lưu trong danh sách liệt sĩ của tỉnh Thái Bình. Tôi tiếp tục đến trên 10 nghĩa trang lớn nhỏ để nuôi hy vọng biết đâu có ngôi mộ nào đó có thông tin liên quan đến anh mình. Nhưng chuyến đi đầu tiên năm ấy đã thất bại.
Những năm sau, vì không có bất kỳ thông tin nào về đồng đội của anh nên tôi đã nhờ một người thân là sĩ quan cao cấp của quân đội đăng tin và liên hệ tìm kiếm, rồi đồng nghiệp của tôi cũng là cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị đi tìm. Cả 3 lần đều không có thông tin gì hơn. Những lúc ấy, lời dặn của cha tôi lại văng vẳng bên tai. Tôi nghĩ, phải tiếp tục tìm cho bằng được, bằng mọi cách có thể. Và từ đó, việc đi tìm anh nhờ phương pháp ngoại cảm đã bắt đầu hình thành trong tôi như là một giải pháp cuối cùng trên con đường tìm trả lại tên cho anh.
Đất nước sau 35 năm giải phóng đã phát triển vượt bậc trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Cuộc sống của người dân, trong đó có tôi đã khấm khá lên nhiều. Việc đi tìm anh lại trỗi dậy như một việc phải làm ngay, không được chậm trễ. Đúng lúc ấy, thủ trưởng cơ quan tôi kể chuyện vừa tìm được phần mộ liệt sĩ là ông chú ruột hy sinh thời chống Pháp năm 1952. Tôi đã hỏi cặn kẽ kinh nghiệm và bắt đầu thực hiện kế hoạch tìm anh nhờ ngoại cảm.
Nơi tôi tìm đến là Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) đóng tại số 1 - Đông Tác - Hà Nội. Tôi đã đăng ký tham gia khảo nghiệm giao lưu với hương linh liệt sĩ và gia tiên, đồng thời xin đăng ký tìm mộ liệt sĩ nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện (sau đây gọi tắt là Cậu). Ngày 01/3/2010, sau hơn một giờ liên tục gọi điện, tôi đã may mắn được Cậu cho lịch hẹn vào ngày 09/3/2010. Sau khi Cậu xem Giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công, Cậu đã nói nhiều điều và vẽ cho tôi sơ đồ mộ chí nơi anh tôi đang nằm. Cậu khẳng định “phần hài cốt của anh tôi thiếu, nhưng vẫn còn, hiện nằm trong rừng, cạnh khe suối, cách cây mít 12m, bên cạnh còn đồng đội khác họ, thuộc địa phận xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị”. Cậu nói đi càng sớm càng tốt, chuyến đi này để xác định địa hình, chuyến sau tiến hành khai quật.
Ngày 22/3/2010, tôi và anh trai cả cũng là thương binh chống Mỹ lên đường đi tìm người anh liệt sĩ. Chúng tôi đã tìm đến địa chỉ theo sơ đồ Cậu vẽ. Trước đó, qua Trung tâm đón tiếp thân nhân liệt sĩ và Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị thì được biết, anh tôi hy sinh tại xã Triệu Nguyên chứ không phải ở xã Cam Nghĩa và cùng với anh, còn có ba đồng đội nữa - cùng đơn vị, cùng quê huyện Thái Thụy và cùng nhập ngũ một ngày.
Mặc dù thông tin rất khác nhau nhưng chúng tôi vẫn quyết định đi theo chỉ dẫn của Cậu. Liên tục 9 ngày tìm kiếm tại khu rừng, đã làm đầy đủ thủ tục theo sự hiểu biết về tâm linh, đã khoanh vùng và đào 5 khu vực theo chỉ dẫn của Cậu. Hầu như tất cả mọi dấu ấn, sự kiện, con người như gốc cây, ngọn cỏ, viên đá, khe suối, lối mòn, người đào, hình dáng người cùng đi… đều đúng như lời Cậu nói qua điện thoại. Chỉ có điều, đào mãi vẫn chưa thấy anh đâu.
Ngày 30/3, chúng tôi rời Quảng Trị về Hà Nội vì đã có lịch hẹn áp vong ngày 01/4 tại Trụ sở Liên hiệp UIA.
Tôi là người can đảm, nhưng đã bật khóc nhiều lần về nỗi đau khi chứng kiến những dấu ấn khốc liệt còn sót lại của chiến tranh, đã cùng anh trai đi cùng "nằm gai, nếm mật" ngay cả khi chúng tôi có đầy đủ điều kiện vật chất tốt nhất. Cả chuyến đi ấy tôi chỉ mặc đúng một bộ quần áo lính, mũ tai bèo, đặc biệt hơn, tôi vẫn nâng niu và đến nay có dịp mặc chiếc áo bộ đội của anh tôi ngày xưa. Với hy vọng, sự thành tâm, sự đồng cam cộng khổ, thông qua Cậu, anh sẽ chỉ chỗ cho chúng tôi tìm được phần cốt của anh sau 38 năm ly biệt.
Người anh liệt sĩ muốn trở về quê hương cùng đồng đội
Trở về Hà Nội sau chuyến đi đầu tiên nhờ nhà ngoại cảm với kết luận ban đầu là sơ đồ Cậu vẽ khá đúng với hiện trạng, riêng những cảnh vật ở hiện trường thì rất đúng. Chúng tôi nghĩ có thể anh chưa muốn về vì hai lý do: Một là anh muốn thử thách những người còn sống, những người được hưởng hạnh phúc trong hòa bình, để họ hiểu thêm về sự đau thương, mất mát của chiến tranh; Hai là đồng đội níu kéo chưa cho anh về.
Ngày áp vong, anh tôi đã về và nói rõ: Còn đồng đội bên cạnh, cách cây mít 300m về hướng đông nam, riêng anh tôi bị mất đầu, vị trí nằm ở làng Cù Hoan, xã Cam Nghĩa nhưng không phải ở gần chỗ đã đào lần trước. Anh còn nói rõ là phải cho đứa con trai tôi đi cùng - đứa con là kết quả sau lời cha tôi đã dặn 18 năm về trước - thì mới tìm được, nay nó đã 17 tuổi rồi. Qua áp vong, anh cho biết và tôi đã tìm được một người đồng đội của anh còn sống. Chúng tôi cũng đã làm lễ cầu siêu cho các anh liên tục một tuần sau đó nhờ sự tư vấn của cán bộ Liên hiệp UIA. Cha tôi cũng về và nhắc chúng tôi những điều đúng như anh tôi đã nói. Chúng tôi nhanh chóng lên lịch tiếp tục hành trình.
Trước khi lên đường chuyến này, Cậu giới thiệu cho chúng tôi thầy Thông ở Gio Linh, Quảng Trị chuyên đi dò xương cốt liệt sĩ. Vì vậy, sáng 28/4/2010 khi vào đến Đông Hà, chúng tôi đã liên hệ nhờ thầy Thông giúp đỡ. Ngay lập tức, 6 người gồm: Tôi, anh trai, con trai, đồng đội, thầy Thông và người trợ lý của thầy chuẩn bị các thứ cần thiết và đến khu vực đã đào lần trước cách Đông Hà 30km. Khi áp vong, phải rất khó khăn anh mới lên và lắc đầu liên tục khi hỏi anh có nằm ở khu vực này không? Anh nhắc phải căn từ cây mít. Trước đó, đồng đội cũng vẽ một sơ đồ khá giống với sơ đồ Cậu vẽ, nhưng lại ở khu vực thuộc động Ông Do. Sự tin tưởng vào nhà ngoại cảm, kết hợp áp vong, kết hợp phương tiện hiện đại hỗ trợ từ hình ảnh vệ tinh và sự thành tâm tuyệt đối, các thông tin rất khác biệt không làm chúng tôi nản chí. Hành trình theo nhà ngoại cảm vẫn tiếp tục được lựa chọn.
Chuyển sang khu vực có cây mít. Khi áp vong, anh nhất định không chỉ chỗ, cứ nói tự tìm đi, anh, em, đồng đội, thầy Thông nói thế nào cũng không được. Nhưng anh đã nhắc đến cái que mà con trai tôi đã vô tình cắm trước đó vài phút. Tôi hiểu, mình đang đến gần tọa độ anh nằm. Chúng tôi tiếp tục thảo luận và băn khoăn tự hỏi tại sao khi nói với anh là tìm được sẽ đưa anh về quê thì anh lắc đầu, ngay cả khi đã hứa là nếu thấy đồng đội thì cũng sẽ cố gắng tìm thân nhân và đưa về quê hết. Tín hiệu nhận được vẫn là những cái lắc đầu mạnh và dứt khoát. Sau khi lại thảo luận trong khí trời ngột ngạt của mùa hè Quảng Trị, chúng tôi suy luận: Danh sách Sư đoàn 304 cung cấp có bốn người, trùng với khẳng định của đồng đội đi cùng nhưng ngoại cảm chỉ nói có ba. Sau lần thảo luận này, sự tế nhị về người thứ tư đã hé lộ và chúng tôi tự hứa sẽ làm mọi việc theo ý anh.
Điện cho Cậu cũng nhận được chỉ dẫn như vậy. Tiếp tục áp vong, nhưng có lẽ anh tôi đã hiểu được sự thành tâm, hiểu được tấm lòng của những người đi tìm và dự đoán được hiện trạng phần cốt của bốn anh. Thế nên, vị trí và lần áp vong tiếp theo thật kỳ diệu. Giữa nơi rừng thiêng nước độc, cạnh khe suối nơi đặt bàn thắp hương các anh chính là vị trí trung tâm nơi bốn anh hy sinh. Rất nhanh và vui vẻ, anh đã lên và sau những câu hỏi, lời hứa, anh đã đồng ý chỉ chỗ ba đồng đội đang nằm. Anh không chỉ chỗ mình nằm cho đến khi được tôi hỏi.
Ngay tức thì, thầy Thông đưa máy kiểm tra và xác định rõ có phần hài cốt ở đúng các vị trí anh chỉ, nhưng không theo hàng lối gì cả. Chúng tôi hiểu, sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến các anh hy sinh ngay lúc đó tại trận địa mà không được ai chôn cất. Đêm 28/4, trời Quảng Trị thật đẹp, chúng tôi hồi hộp và tin tưởng sẽ tìm thấy anh mình. Càng hạnh phúc gấp bội khi nhờ có anh, ba đồng đội của anh cũng sẽ được tìm thấy. Đúng là Liệt sĩ đi tìm Liệt sĩ. Kỷ niệm ngày Chiến thắng 30/4 đang đến rất gần, hy vọng và vui sướng biết bao khi nghĩ đến viễn cảnh tìm thấy các anh.
Sáng 29/4, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục cần thiết cho một cuộc khai quật bốn bộ hài cốt theo phong tục địa phương nơi các anh đang nằm. Chính quyền xã, thôn, các cựu chiến binh ở địa phương, trưởng làng,… đã sẵn sàng giúp đỡ. Chúng tôi đã làm đúng theo ý anh, tìm hài cốt các đồng đội trước, anh mình sau cùng. Đồng thời, sau khi tìm đủ, sẽ đưa cả bốn anh cùng về quê, giao cho từng gia đình và chính quyền từng xã, làm thủ tục truy điệu tập thể rồi an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê hương các anh. Chúng tôi cũng hứa, sẽ đưa các anh về quê vào đúng ngày Chiến thắng 30/4 theo nguyện vọng của anh tôi.
Đưa hài cốt 4 liệt sĩ về quê hương
Trước và sau mỗi lần khai quật từng người, chúng tôi lại áp vong rất nhanh hỏi cặn kẽ phần cốt hết chưa, đã kết thúc được chưa. Điều vô cùng ngạc nhiên là anh nói chỉ đào sâu 5cm thôi là đến cốt rồi, và sự thật đúng như vậy. Đặc biệt hơn, các anh nằm rất nông, cạnh lối mòn dệ đồi gần khe suối, sau 38 năm mà hài cốt vẫn còn. Riêng phần anh tôi, đúng là không còn đầu như lời cha tôi và chính anh đã nói khi áp vong ở Liên hiệp UIA. Cũng lúc này, chúng tôi mới hiểu, anh tôi là tiểu đội phó, là cấp trên của ba đồng đội còn lại. Sự hy sinh vì đồng đội, sự mong muốn đồng đội phải được về quê cùng với mình, tất cả, không thiếu một ai, cho thấy rõ sự nhân văn, tình đồng chí đồng đội của các anh thật vô cùng lớn lao. Nó dạy cho những người còn sống về lẽ sống, về sự hy sinh vì đồng đội, đồng chí của mình. Nó cũng cho thấy rõ, chiến tranh dù ác liệt thế nào đi chăng nữa, người dẫu có chết đi nhưng chỉ chết phần thân xác mà thôi, phần hồn vẫn tồn tại. Chính phần hồn của các anh đã góp phần làm nên một dân tộc Việt Nam anh hùng, thủy chung, bất khuất.
Quá trình khai quật đã chứng tỏ các anh hy sinh tại chỗ và không được chôn cất. Đó là lỗi của chiến tranh. Nhưng xương cốt của các anh vẫn còn đó sau 38 năm cũng lại do chiến tranh, bom nổ, đạn rơi đã tự chôn cất các anh. Lúc 13h, sau khi khai quật xong ba đồng đội, trời bỗng ùn ùn mây đen kịt. Nhưng rất may, không mưa, khai quật xong phần cốt anh tôi cũng là lúc trời mát mẻ, sáng trở lại. 17h, sau khi làm xong các thủ tục cần thiết, chúng tôi đưa các anh ra nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Nghĩa để chính quyền xã làm lễ truy điệu, tiếp đó về huyện đội Cam Lộ làm thủ tục bàn giao hài cốt. Đúng 23h ngày 29/4, bốn người chúng tôi mỗi người ôm một anh, bắt đầu hành trình thâu đêm đưa các anh về quê nhà ở huyện Thái Thụy, Thái Bình.
Ngày 30/4, lúc gần 14h các anh đã về đến sân vận động của xã Thái Hòa, là xã có nghĩa trang liệt sĩ chung của ba trong số bốn anh, trong đó có anh tôi. Hàng nghìn người đang chờ đợi các anh trở về. Sau lễ truy điệu được UBND 4 xã phối hợp tổ chức trong không khí vô cùng trang nghiêm với cờ hiệu, kèn đồng, quân nhạc nam, dàn trống nữ. Những giọt nước mắt của cả những người đeo và không đeo khăn tang là những giọt nước mắt nghẹn ngào, xúc động và hạnh phúc. Đau thương đã lùi vào quá khứ gần 40 năm rồi. Những giọt nước mắt của niềm vui chào đón những anh hùng trở về sau chiến tranh vệ quốc vĩ đại vào đúng ngày 30/4 đáng nhớ.
Đám tang truy điệu tập thể bốn liệt sĩ đã được thực hiện đúng như những gì chúng tôi đã hứa trước vong linh các anh. Vậy là sau 38 năm, tại nghĩa trang liệt sĩ nơi quê nhà, phần mộ của các anh đã có tên. Chúng tôi càng thấu hiểu: Trên đời này, cái tâm, cái đức mới là quan trọng nhất. Khi con người mất đi, phần hồn của họ vẫn tồn tại trong thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh, mặc dù đã và đang được nghiên cứu, mặc dù chưa có câu trả lời cuối cùng về sự tồn tại của nó, nhưng rõ ràng có tồn tại một mối liên hệ rất mật thiết trong thế giới này. Đúng như Liệt sĩ đi tìm Liệt sĩ vậy.
Tôi đã bị chinh phục hoàn toàn khi biết con người có thể có những khả năng đặc biệt và tin tưởng về khả năng tìm mộ liệt sĩ nhờ ngoại cảm. Mong rằng, bài viết này sẽ được những ai quan tâm đọc và suy nghĩ trên con đường tìm kiếm phần mộ của biết bao liệt sĩ vẫn còn nằm rải rác ở nơi rừng thiêng, nước độc hay đã được quy tập về nghĩa trang nhưng chưa biết tên.
Chiến tranh đã kết thúc nhưng nỗi đau của chiến tranh vẫn còn hiện hữu xung quanh chúng ta, ở mỗi gia đình có người thân hy sinh, mất mát. Cuộc sống thanh bình hôm nay có được nhờ sự hy sinh cao cả của các anh, nhắc nhở chúng ta biết căm thù chiến tranh, nhưng cũng biết gác lại quá khứ đau thương để cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và làm nhiều việc thiện, việc nghĩa hơn nữa để vong linh các anh được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.
Tạ Ngọc Đôn (Trường đại học Bách khoa Hà Nội)