"Bí ẩn" tang lễ đình đám của Tưởng Giới Thạch

Thứ 6, 28/12/2012 00:08

Năm 1927 khi kết hôn với Tống Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch đã từ bỏ đạo Phật để theo đạo Cơ đốc của phương Tây. Khi mất vào ngày 5/4/1975, đám tang của cựu Tổng thống Trung Hoa Dân quốc vẫn được diễn ra bằng những nghi lễ truyền thống nhưng quy mô và cấp độ quả là "có một không hai". Theo đó, những bí ẩn dần dần được hé lộ.

Năm 1972, Tưởng Giới Thạch đã mắc khá nhiều bệnh liên quan đến tuổi già. Trong lúc bệnh tật đầy mình thì một tai họa lại giáng xuống đầu người đàn ông nổi tiếng này vào ngày 6/8/1972, trên đường đi điều dưỡng ở bệnh viện tại Đài Bắc: Tưởng Giới Thạch đã bị một tai nạn bất ngờ khi một chiếc xe ngược chiều đâm phải. Từ đó, thân thể của Tưởng Giới Thạch đã không gượng dậy nổi, cuộc sống của ông bắt đầu lịch trình dai dẳng để giành giật hơi thở với tử thần. Tuy nhiên, Tưởng Giới Thạch cũng đã không thể chống chọi được với quy luật sinh tử, ngày 5/4/1975, Tưởng Giới Thạch chính thức trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở Đài Bắc, hưởng thọ 89 tuổi.

Bốn cuốn sách tiễn biệt chồng

Tống Mỹ Linh (đứng giữa) trong đám tang của chồng

Dù từ bỏ đạo Phật để theo đạo Cơ đốc khi kết hôn với Tống Mỹ Linh, tuy nhiên việc này chỉ mang tính hình thức. Bản thân Tưởng Giới Thạch chưa bao giờ trở thành một con chiên ngoan đạo của Cơ đốc giáo. Theo Tống Mỹ Linh nhận xét thì Tưởng Giới Thạch chưa khi nào là một người theo đạo chân chính, mặc dù sau khi đến Đài Loan ông cũng đã cũng cố gắng hòa nhập. Vì thế khi Tưởng Giới Thạch mất đi, để đạt được nguyện vọng của mình, Tống Mỹ Linh đã đặt vào quan tài của chồng một quyển sách Kinh thánh.

Mục đích của Tống Mỹ Linh là mong sau khi lên “thiên đường”, Tưởng Giới Thạch sẽ được Chúa che chở và phù hộ. Đồng thời, Tống Mỹ Linh cũng muốn rằng, việc chuyển đạo của Tưởng Giới Thạch là một việc làm chân chính và hoàn toàn do ông tự nguyện, không phải do gia đình họ Tống trước đó bắt ép. Việc đặt quyển Kinh thánh vào quan tài của Tưởng Giới Thạch cũng bày tỏ nguyện vọng tha thiết củaTống Mỹ Linh rằng: "Nếu có kiếp sau, mong Tưởng Giới Thạch cũng theo Cơ đốc giáo".

Ngoài quyển Kinh thánh, Tống Mỹ Linh còn đặt vào quan tài của Tưởng Giới Thạch ba quyển sách khác nhau. Một là "Chủ nghĩa tam dân" của Tôn Trung Sơn, một quyển "Thơ Đường" và một quyển sách mang tên "Suối trong sa mạc". Những quyển sách này đều có mối quan hệ thân thiết với Tưởng Giới Thạch trong suốt cuộc đời đầy biến động của ông.

Trước đây, khi cùng sát cánh bên Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch đã từng lấy Chủ nghĩa tam dân như một kim chỉ Nam cho mọi hành động của mình. Chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn dựa căn bản trên ba nguyên lý là Dân tộc, Dân quyền và Dân sinh.

Còn “Thơ Đường” và “Suối trong sa mạc” là hai quyển sách yêu thích nhất của Tưởng Giới Thạch lúc sinh thời. Vì thế khi Tưởng Giới Thạch mất, Tống Mỹ Linh đã đặt những quyển sách gối đầu giường này vào quan tài chồng với sự trân trọng và yêu thương lớn lao.

"Kịch bản" tang lễ đình đám

Dân chúng Đài Loan trên “một con đường tang tóc” trong buổi đưa tang Tưởng Giới Thạch.

Cùng tham gia trong đội quân hùng hậu để vĩnh biệt Tưởng Giới Thạch, chính quyền Đài Loan khi đó cũng đã phát động hàng nghìn sinh viên và học sinh quỳ rạp trên đường mỗi khi xe tang của Tưởng Giới Thạch đi qua. Hầu hết các nhà máy xí nghiệp tại Đài Loan khi đó cũng đóng cửa, tại các nơi công cộng, lệnh treo cờ rủ luôn đi thực thi đúng quy định. Màu sơn của những ngôi nhà có xe tang đi qua cũng đượ̣c sơn sửa lại, các biển quảng cáo với màu sắc rực rỡ cũng được gỡ xuống để không bị lạc lõng giữa bầu không khí đầy tang tóc. Một loạt các tuyến đường có xe tang đi qua cũng đẩy mạnh tiến độ sửa chữa để buổi tang lễ được diễn ra thông suốt.

Ngay sau khi Tưởng Giới Thạch mất, lập tức chính quyền Đài Loan khi đó đã cử hành nghi lễ quốc tang với 3 nội dung chính: Từ ngày mồng 4 đến mồng 6/4: Đài Loan sẽ ngừng mọi hoạt động vui chơi giải trí. Quân nhân và những người trong nội các phải mặc quần áo tang. Thi thể của Tưởng Giới Thạch được quàn trong nhà tang lễ 5 ngày để người dân đến viếng.

Trong đám tang của Tưởng Giới Thạch, 88 cây nến màu trắng được thắp xung quanh quan tài, bức chân dung Tưởng Giới Thạch cùng 5 cây thánh giá theo nghi lễ của đạo Cơ đốc được bày ở chính giữa phòng tang lễ. Trước khi nhập quan, con trai của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc đã tự tay mặc quần áo cho cha mình. Theo nghi lễ của người Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch được mặc 7 cái quần, 7 chiếc áo lót, bên ngoài là một chiếc áo choàng dài. Xung quanh thi thể còn được bao quanh bởi vải lụa và chân của Tưởng Giới Thạch được đi một đôi giày đen. Ngoài ra, tất cả những huy chương trong cuộc đời binh nghiệp của Tưởng Giới Thạch cũng được đặt vào phía bên phải của quan tài. Sau đó, Tống Mỹ Linh mới đặt bốn quyển sách đã nói ở trên vào quan tài của chồng.

Để chứng minh rằng Tưởng Giới Thạch hoàn toàn được nhân dân Đài Loan ủng hộ, Tưởng Kinh Quốc đã dàn xếp để một số nhân vật trong chính quyền Đài Loan khi đó quỳ sụp dưới di ảnh của Tưởng Giới Thạch giống như quỳ trước một vị quốc phụ. Không những thế, những hình ảnh này còn được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn của Đài Loan khi đó nhằm xác nhận cho thế giới về niềm xót thương vô hạn đối với lãnh đạo Tưởng Giới Thạch. Khi ấy, báo chí Trung Quốc đại lục đã gọi đó là "Sự nực cười từ Đài Loan".

Ngày 16/4/1975, lễ an táng Tưởng Giới Thạch chính thức được diễn ra. Quan tài của Tưởng Giới Thạch được phủ kín bởi lá cờ của Trung Hoa Dân quốc. Sau khi đọc xong bài điếu văn dài 23 trang ca ngợi công lao của Tưởng Giới Thạch, 21 phát đại bác được bắn lên theo đúng nghi thức quốc tang. Quan tài của Tưởng Giới Thạch sau đó đã được đưa lên xe tang và diễu hành qua các đường phố lớn của Đài Bắc.

Xe tang của Tưởng Giới Thạch

Trước xe tang của Tưởng Giới Thạch, người ta đã kết 20 vạn bông cúc vàng, hai bên xe còn vắt thêm rất nhiều chiếc khăn trắng biểu tượng cho sự tang tóc. Phía trước xe tang còn treo quốc huy màu xanh và cây thập tự biểu thị cho đạo Cơ đốc giáo. Trước xe tang là sự diễu hành rầm rộ của 99 xe quân sự mang theo quốc kỳ, cờ đảng, ảnh của Tưởng Giới Thạch.... Theo sau xe tang là hơn 2000 người thuộc các thành phần của chính quyền, quân đội và một số bạn bè quốc tế...

Cũng để tăng thêm phần trang trọng và khác người, những người tổ chức tang lễ cho Tưởng Giới Thạch còn thiết lập “một con đường tang tóc”. Trên những tuyến đường mà xe tang đi qua, họ đã cho đặt rất nhiều các loại bàn thờ khác nhau. Đồng thời những nhà tổ chức còn yêu cầu nhân dân hai bên đường mỗi khi xe tang đi qua không được ngẩng đầu lên để nhìn trực diện. Không những thế, khi quân đội Đài Loan chính thức bắn 21 phát đại bác, dân chúng khi đó dù đang làm gì cũng phải dừng lại tại chỗ để tưởng niệm Tưởng Giới Thạch trong 3 phút.

Hoài niệm cố hương

Di hài của Tưởng Giới Thạch đã được tiến hành ướp lạnh và chôn cất tại bờ hồ Từ Hồ, cách phía Nam Đài Bắc khoảng 60 km. Nơi đây chính là chỗ Tưởng Giới Thạch đã trú ngụ sau khi đã rút khỏi Trung Quốc đại lục vào tháng 6/1949. Sinh thời, để tưởng nhớ mẹ của mình - Vương Thái phu nhân, Tưởng Giới Thạch đã đích thân đặt tên nơi đây là Từ Hồ, rồi xây dựng thành một dãy nhà gọi là Hành quán. Việc chôn cất Tưởng Giới Thạch tại Từ Hồ cũng xuất phát từ tâm nguyện của ông vì Từ Hồ có phong cảnh "rất giống" thị trấn Khê Khẩu, Phụng Hóa, Triết Giang - nơi chôn nhau cắt rốn của Tưởng Giới Thạch.

Thủy Bình

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.