Trong đó sừng Dinh Rắn mới có tác dụng chữa các bệnh về nọc độc, bởi thức ăn của loài Dinh này là rắn độc. Nhưng cũng có người bảo, thực ra Dinh Rắn lớn như con trâu và chỉ có một sừng duy nhất. Tất nhiên, tất cả những điều đó đều là những lời đồn, vì cho đến nay, vẫn chưa ai dám khẳng định là đã gặp con Dinh Rắn trên. Nhưng có một sự thật là, một số người được cho là đang sở hữu sừng Dinh Rắn vẫn ngày ngày dùng nó để hút nọc độc cho những người không may bị rắn cắn.
Sừng Dinh rắn
Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Thanh Tùng (86 tuổi, ngụ thôn Thới Thượng, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), là người duy nhất tại Tịnh Biên còn giữ được một miếng nhỏ sừng Dinh Rắn cho đến ngày nay. Vì là người làm phúc chữa bệnh rắn độc cắn không công cho nhiều người, nên khi hỏi ai cũng biết đến ông.
Tiếp chúng tôi, ông cho biết: "Tôi tham gia kháng chiến khi mới 17 tuổi, ba năm sau tôi đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng. Năm 1963, tôi được cử đi dự Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận). Tại hội nghị, tôi quen biết với một đồng chí người dân tộc tên Bảy Biên, thấy đồng đội của mình thiếu thốn, tôi không ngần ngại tặng ông này mấy bộ quần áo tôi mang theo. Cảm kích trước điều này nên khi đại hội kết thúc, tạm biệt nhau ra về, ông Bảy Biên đã đã tặng tôi hai miếng sừng Dinh Rắn mà ông luôn đeo bên mình để làm kỷ niệm, và còn giới thiệu là có khả năng trị rắn độc cắn".
Theo giai thoại mà bô lão tại vùng núi Tịnh Biên kể lại, các đạo sĩ vùng Bảy Núi từ hàng trăm năm trước đã thấy Dinh Rắn nhiều lần, họ cũng bắt được nó và cắt lấy sừng rồi thả chúng đi mà không giết chết. Chỉ thời gian sau, sừng này lại mọc lại như sừng hươu và khi sừng không dài thêm được nữa là có thể cắt dùng làm bảo bối khi đi rừng. Ngoài tác dụng hút nọc độc của rắn khi áp vào vết thương, chúng tôi còn được ông Tùng cho biết, nếu mang sừng Dinh Rắn bên mình khi đi rừng thì các loài rắn độc đều tránh xa.
Ông Tùng còn khẳng định, sau khi trở về Tịnh Biên, ông công tác tại tiểu đoàn 510, chiến đấu trong vùng rừng thiêng nước độc nên nhiều đồng chí bị rắn cắn phải bỏ mạng. Nhớ lại bảo bối được ông Bảy Biên tặng trước đây, ông đem ra dùng thử thì hiệu quả ngay tức thì. Nhiều người được ông cho mượn miếng sừng để hút nọc rắn, họ thấy hiệu nghiệm nên cắt lại một miếng để phòng thân. Qua tay quá nhiều người nên đến giờ ông Tùng chỉ còn giữ lại được một miếng nhỏ bằng hạt lựu. Cũng nhờ miếng sừng nhỏ này, mà cho đến nay ông đã cứu được hơn 200 người khỏi rắn độc cắn.
Hỏi ông đã bao giờ thấy con Dinh Rắn chưa, ông cho biết: "Tôi chưa bao giờ được gặp con Dinh Rắn, nhưng nghe nói trên đỉnh Thiên Cấm Sơn có một đạo sĩ tên Ba Lưới đã từng chứng kiến tận mắt con "quái" thú này. Theo đạo sĩ này thì Dinh Rắn thuộc họ bò sát, nhưng nó ngắn hơn rắn, dài hơn một mét và nặng trên dưới khoảng 10kg. Đầu con Dinh Rắn tù chứ không dài và bành ra như nhiều loại bò sát khác. Trên mũi của con vật này có một chiếc sừng cong ra phía sau.
Chúng là loại thú chỉ ăn các loài rắn độc nên sừng của nó có tác dụng chữa hút nọc độc khi bị rắn cắn. Chuyện kể đã gần trăm năm nay, thực hư thế nào chỉ có người trong cuộc biết chứ không ai dám khẳng định. Ngày nay, từ nhiều nguồn tin tôi được biết, hiện trên thế giới chỉ còn hai con Dinh Rắn, một con ở Lào và một ở vùng núi phía Tây của Ấn Độ. Con Dinh Rắn sống trong các hang động trên núi cao, nơi con người không đặt chân đến nên việc gặp được loài thú này là hết sức khó khăn".
Một chiếc sừng Dinh Rắn nguyên vẹn.
Bài thuốc hút nọc độc có một không hai
Ông Tùng cho biết: “Dinh Rắn là loài vật rất đặc biệt, chúng chỉ lớn bằng con chó nhà. Trên đầu có một chiếc sừng quắp lại, đêm ngủ nó lấy sừng móc lên ngọn cây và ngủ. Điều kỳ lạ là đêm ngủ nếu mũi của nó hướng về phía nào thì sáng ra nó đi về phía đó. Vì khi ngủ Dinh Rắn phát ra hơi thở, khi rắn ngửi được mùi này thì ra nằm bất động, Dinh Rắn chỉ việc đi về hướng hơi thở của mình mà ăn rắn. Thức ăn của nó chính là những con rắn độc nên sừng nó mới có tác dụng hút nọc đuộc của rắn ra ngoài”.
Để khẳng định miếng sừng Dinh Rắn có tác dụng chữa rắn độc cắn, ông Tùng cho hay: "Chuyện nhiều đồng chí chiến đấu trong rừng rồi bị rắn độc cắn chết là chuyện bình thường thời chiến. Nhưng có một lần hành quân, nhiều đồng đội của tôi bị rắn cắn, tôi đã dùng miếng sừng Dinh Rắn này bỏ vào vết thương, nó hút chặt vào rồi khoảng gần nửa tiếng sau tự nó rơi ra, và những người được miếng sừng này cứu lại tiếp tục hành quân và chiến đấu bình thường. Từ đó, hễ ai bị rắn cắn là đến mượn sừng Dinh Rắn của tôi để trị bệnh, và sau mỗi lần như thế, họ đều cắt lấy một ít, đến lúc chỉ còn một miếng bé xíu thì tôi không cho mượn nữa, mà ai bị rắn cắn thì tôi tự tay đưa trực tiếp đến cho hút nọc. Chính vì thế mà tôi là người duy nhất giữ được miếng sừng Dinh Rắn này cho đến hôm nay".
Ông Bùi Thanh Tùng đang nói về công dụng của sừng Dinh Rắn (Ảnh: Công Thư).
Chị Bùi Thị Lan (46 tuổi, con gái của ông Tùng) cho biết: "Khu vực mà chúng tôi đang sống là vùng núi nên có rất nhiều rắn độc như: Chàm quạp, quạp voi, quạp dây, hổ sơn, hổ chuối, hổ đất, hổ hèo, mai gầm, hổ mây, hổ chúa... Vào mùa mưa chúng chui từ các hang núi ra kiếm mồi, những người đi rừng hay đi làm rẫy vô tình đạp phải nó là nó rượt theo cắn. Có nhiều trường hợp sau khi bị rắn cắn, người đó chạy nhanh về nhờ ba tôi dùng sừng Dinh Rắn hút nọc. Tính đến nay đã có rất nhiều người đến chữa bệnh tại nhà và hầu hết đều được chữa khỏi”.
Nhà ông Tùng cách núi Cấm không xa, rắn trên núi lại rất độc nên hễ ai trong vùng bị rắn độc cắn đều được khiêng đến cho ông chữa trị. Khi vết thương không còn chảy máu nữa, ông dùng vật nhọn khều cho chảy máu rồi áp miếng sừng vào. Miếng sừng sẽ tự động dính vào vết thương như nam châm, đến khi hút hết nọc độc sẽ tự nó rơi ra. Sau khi hút hết nọc độc, miếng sừng Dinh Rắn sẽ chuyển sang đen bóng, lúc đó, chỉ cần bỏ vào rượu 45 độ cồn ngâm là nó hết màu, rồi đem cất dùng cho những lần khác.
Ông Tùng không phải là một thầy thuốc, việc ông có miếng sừng Dinh Rắn chữa được rắn độc cắn chỉ là một bí kíp. Sau khi chữa khỏi ông không hề lấy tiền của bệnh nhân, cũng có người đề nghị ông bán miếng sừng đặc biệt này với giá cao nhưng ông không đồng ý, vì ông muốn cứu người bệnh. Những người sống trong vùng và cả chính quyền xã Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang) cũng khẳng định việc ông Tùng chữa khỏi bệnh rắn cắn cho hàng trăm người là có thật. Song câu hỏi về loài vật này, cũng như chuyện về nó vẫn là một ẩn số.
Chuyện huyền bí xưa nay Đại diện chính quyền thôn Thới Thượng (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết vùng Bảy Núi xưa nay vốn lắm điều bí ẩn, chuyện chiếc sừng Dinh Rắn hút được nọc độc cũng là chuyện huyền bí xưa nay. Nhiều nhà nghiên cứu y dược đã cất công tìm hiểu, nghiên cứu về loài sừng đặc biệt này nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải thỏa đáng. Thế nhưng, có một sự thật phải thừa nhận là có hàng trăm người bị rắn cắn không đến bệnh viện mà tìm đến người có sừng Dinh Rắn để nhờ chữa trị. Và cho đến nay, tất cả đều khỏe mạnh. |
Công Thư