Xung quanh nó là rất nhiều những giai thoại và cả những chuyện có thật đang được người đời ngày ngày truyền tai nhau.
Tìm đường về tháp cổ
Tháp cổ 7 tầng nằm ở độ cao khoảng 80 mét tính từ chân núi Đề Liêm (phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), toàn bộ thân tháp được bao bọc bởi rễ cây bồ đề. Hàng trăm năm nay, tháp vẫn đứng đó, vững chãi và linh thiêng. Trèo lên dốc cao thẳng đứng để đến tháp thiêng, nắng chiều len qua kẽ lá cây bồ đề, chiếu thẳng vào thân tháp, tạo nên một màu vàng huyền hoặc, càng làm cho chúng tôi tò mò về những điều được kể khi chưa đến đây. Những người già nhất sống cạnh tháp kể rằng, xưa kia khu vực xung quanh tháp cây cối còn rậm rạp, hoang vu nên chẳng ai đặt chân đến đây, không ai nghĩ rằng có cái tháp nhỏ đang tồn tại.
Tháp được bao bọc bởi rễ cây bồ đề.
Nhưng đến năm 1969, như có duyên kỳ ngộ, những người khai hoang đã tìm ra cái tháp này và giữ gìn nó cho đến ngày nay. Theo truyền thuyết, vào khoảng nửa thế kỷ 17, có một vị chân tu vì muốn yên tĩnh đã tìm đến ngọn núi này dựng chùa tu hành, nhưng vì dốc núi dựng đứng, không thể lên cao được nên vị chân tu này lập một chùa nhỏ ở lưng chừng núi, ngày ngày ăn chay niệm phật.
Thuở ấy, có nhiều người thấy vị này đắc đạo nên theo ông tu hành, sống an nhàn nơi cửa Phật. Nhưng một thời gian sau, vị chân tu này tạ thế, đệ tử của ông cho xây dựng một cái tháp nhỏ ngay bên cạnh chùa, đặt kim thân (xác vị chân tu-PV) của thầy vào để tiện bề hương khói. Cái tháp 7 tầng có từ đó. Nhưng theo thời gian, mưa gió, tháp đã bị vùi lấp đi hai tầng bên dưới nên nhìn chỉ còn 5 tầng. Những người sống ở đây tin rằng, dưới hai tầng âm ấy, là kim thân của vị chân tu, vẫn ngày ngày hiển linh, cứu nhân độ thế.
Sử sách xưa còn ghi lại, bên cạnh chiếc tháp cổ huyền bí có một ngôi chùa tên Tiêu Sơn Tự, được biết đến là một trong mười thắng cảnh đẹp nhất Hà Tiên khi xưa. Trải qua chiến tranh liên miên, giặc Xiêm La nhiều lần sang quấy phá, đã xới tung cả ngôi chùa và đập phá tan tành, chùa xưa nay không còn nữa nhưng vẫn còn trơ lại nền đá vững chắc, dấu tích của thắng cảnh xưa.
Duy chỉ có chiếc tháp nhỏ không bị xâm phạm, rồi thời gian sau, từ trên đỉnh tháp, mọc lên một cây bồ đề, cây lớn nhanh, cành lá sum suê, rễ cây mọc dần xuống, ôm trọn thân tháp, chỉ trừ cửa ra vào là rễ cây không bịt kín. Theo quan sát của chúng tôi, thành tháp chẳng có vẻ gì là kiên cố, ấy vậy mà, trải qua hơn ba thế kỷ, vẫn không hề hư hại, thành tháp không bị sập xuống. Rễ cây bồ đề vẫn bám chặt lấy thân tháp, những người đến khai hoang tin đó là điềm lành nên ngày ngày hương khói, bảo vệ tháp trước sự tàn phá của thời gian và cả người đời.
Đến nay, trước cửa tháp vẫn còn một tấm bia đá, trên đó chạm khắc dòng chữ: "Lâm Tế tam thập lục thế. Ấn Đàm Lão hòa thượng chi tháp". Theo những người tu hành, dòng chữ này có nghĩa là: "Tháp mộ của Lão hòa thượng Ấn Đàm, tu dòng Lâm Tế đời thứ 36".
Cùng với sự tồn tại đến kỳ lạ của tháp cổ là rất nhiều câu chuyện được người đời truyền tai nhau, có một sự thật phải thừa nhận rằng, ngôi tháp cổ này đã từng che chở cho 11 người dân trốn bên trong khi giặc Pôn Pốt tràn qua chém giết, điều này được những người may mắn thoát chết kể lại rất rành mạch. Hơn 3 thế kỷ chưa phải là dài so với lịch sử, nhưng có lẽ là quá dài so với một ngôi tháp mộ chỉ xây bằng vôi vữa bình thường. Rễ cây bồ đề vẫn bám chặt vào thân tháp nhưng không ăn sâu vào lòng tháp như một sự che chở vững chắc, người ta càng tin rằng, cây bồ đề như sự hiển linh của Lão hòa thượng muốn che chở cho vùng đất và con người nơi đây.
Ông Lương Phến Cang kể lại những câu chuyện xoay quanh tháp cổ với phóng viên.
Tháp cổ cứu người
Trước khi đến tìm hiểu về tháp cổ trên núi Đề Liêm, chúng tôi đã được nghe nhiều người kể rằng, vào một ngày tháng 3 năm 1978, giặc Pôn Pốt tràn qua giết hại người dân Việt, có 11 người trốn vào thân tháp và may mắn không bị chết.
Ông Lương Phến Cang (sinh năm 1941, ngụ khu phố 4, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) cho biết: "Tháng 3 năm 1978, người dân Hà Tiên được lệnh sơ tán bởi quân Pôn Pốt đang tràn qua. Nhưng khi xưa, xung quanh khu vực núi Đề Liêm còn thưa người sinh sống nên những người sống gần khu vực chân núi không hề biết lệnh sơ tán. Đến khi nghe tiếng la hét của những người sống bên ngoài thì chúng tôi mới biết có giặc. Không thể trốn chạy khi quân Pôn Pốt đang đến rất gần, gia đình ông Trần Kim Sáu, cùng những người sống ở chân núi gồm tất cả 11 người chạy vào tháp lẩn trốn, cầu mong một điều thần kỳ xảy ra. Tôi là một trong những người trốn trong đó, thoát chết trong gang tấc, khi được cứu, ai cũng cho rằng, có lẽ tháp thiêng đã che chở cho mình".
Ông Cang còn nhớ như in: "Đến sáng ngày 13/3/1978, một toán quân Pôn Pốt chừng 18 - 20 tuổi ăn mặc xộc xệch, ôm súng tiến đến chân núi Đề Liêm, chúng lùng sục vào từng căn nhà tàn phá. Không tìm thấy ai, chúng thấy một con đường mòn nhỏ dẫn lên núi nên theo con đường này lên sục sạo. Lúc này, nghe tiếng gót giày của giặc, một đứa trẻ bên trong tháp khóc ré lên, dù mẹ nó đã kịp bịt miệng lại nhưng giữa núi rừng, tiếng khóc ấy nghe quá rõ.
Toán lính này tập trung sự chú ý vào ngôi tháp cổ, chĩa súng vào miệng tháp dòm ngó. Những người trốn bên trong ai cũng kinh hồn, nhắm mắt chờ tên lính nã đạn. Nhưng không biết vì lý do gì mà tên lính không bắn, bỗng tiếng chó sủa vang, rồi chồm tới tên lính, như một phản xạ tự nhiên, hắn quay lại bắn một loạt súng nhưng không trúng ai, chỉ trừ tấm bia đá khắc chữ đặt trước miệng tháp là bị mẻ một góc. Rồi tên lính cùng đồng bọn bỏ đi, lúc đó, ai ai cũng nghĩ rằng mình được tháp thiêng bảo vệ?.
Hốt hoảng lo chạy trốn nên không ai mang theo gì, toán lính xuống chân núi ở luôn dưới đó nên không thể ra ngoài lấy gì ăn được. Những đứa bé đói lả người nhưng như biết tình cảnh lúc đó nên không ai kêu khóc. Đến trưa ngày 14/3/1978, bộ đội chủ lực của ta đã phản công, đánh bật giặc Pôn Pốt ra khỏi bờ cõi, toán lính kia bị tiêu diệt. Khi nghe tiếng những người lính Việt Nam, một người chạy ra thăm dò và cầu cứu, nhưng chạy được mấy bước thì ngã nhào, phần vì sợ, phần vì đói khát.
May mắn được phát hiện, 11 người được cứu sống, đưa về bệnh viện chăm sóc. Mãi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể giải thích nổi, tại sao tên lính nhìn vào tháp mà không thấy chúng tôi, bởi nếu đứng ở vị trí cửa tháp nhìn vào bên trong thì thấy rõ ràng. Rồi con chó xuất hiện đúng lúc để đánh lạc hướng toán lính như một sự sắp đặt. Tôi vẫn không tin mình còn may mắn sống sót cho đến ngày nay".
Dẫn chúng tôi ra ngôi tháp cổ, ông Cang chỉ cho chúng tôi vết đinh đóng bùa chú, vết cưa cây bồ đề mà cách đây vài năm có nhóm người đến với ý định đốn cây mang đi. Theo ông Cang, sau khi nhóm người này cưa được vài tấc thì lưỡi cưa kẹt cứng, dùng búa chặt nhưng lưỡi búa bị hút chặt không gỡ ra được. Lúc này, có một vị sư đến niệm chú, tụng kinh, sau buổi tụng, vị sư này cầm cưa và búa lấy ra dễ dàng. Câu chuyện huyền bí đến mức khó tin, nhưng đến nay vẫn được nhiều người truyền tai nhau. Trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu về đất Hà Tiên, họ cũng khẳng định, chuyện có 11 người trốn trong tháp được cứu sống khi quân Pôn Pốt tràn qua là có thật. Nhiều nhân chứng trong lần thoát chết đó vẫn còn sống và họ đều khẳng định như ông Cang kể.
Cần có biện pháp bảo vệ di tích cổ Tháp 7 tầng trên núi Đề Liêm là kiến trúc cổ độc đáo nhất ở Hà Tiên còn sót lại và nguyên vẹn đến ngày nay, từ khi được xây dựng đến giờ chưa một lần phải tôn tạo nhưng vẫn vững chắc. Đó không chỉ là một di tích, mà còn khẳng định sự sinh tồn mãnh liệt của cha ông người Việt nơi mảnh đất xa xôi ở cực Nam Tổ quốc. Nhưng theo nhiều người dân sống ở đây, tháp cổ 7 tầng vẫn chưa được quan tâm, bảo vệ trước sự bào mòn của thiên nhiên. |
Công Thư