Người dân Churu (buôn Sóp) đời đời vẫn truyền lại cho con cháu câu chuyện đã xảy ra cách đây từ lâu lắm. Ngày đó, vùng Phan Rang, Phan Rí đang an bình, đầm ấm bỗng nổi chiến tranh, loạn lạc. Không lâu sau, một vị phiên vương Chămpa dẫn theo rất đông binh lính cùng người nhà, đi sau là từng nhóm tùy tùng chở theo rất nhiều châu báu, nhung lụa, vũ khí, lương thực… Đến vùng rừng núi giáp ranh Lâm Đồng – Bình Thuận thuộc xã Đà Loan, Tà Hine, Nin Loan ngày nay, nhận thấy cư dân bản địa hiền hòa, không có dấu hiệu bị kẻ thù truy đuổi, vị phiên vương này đã dừng lại lập buôn cộng sinh hòa thuận với người Churu bản địa.
Đường vào đền Sóp. Ảnh: T.G
Không lâu sau, chiến tranh vùng Phan Rang, Phan Rí diễn ra ngày càng khốc liệt, hoàng tộc Chăm-pa bị thất thế. Để bảo toàn tính mạng dòng tộc quyền quý của mình, vị phiên vương này liền triệu tập tất cả binh lính lập nên những ngôi đền ẩn sâu trong rừng, lưu lại một phần của cải, châu báu vào bên trong rồi nhờ cư dân bản địa trông coi, lo hương khói. Trước khi lên đường, vị phiên vương này còn căn dặn cứ 50 năm phải thay đổi vị trí đền một lần. Người dân địa phương không rõ ý nghĩa của việc di dời đền này nhưng cũng không dám hỏi rõ bởi đó là sự linh thiêng, kỳ bí của mỗi dân tộc.
Kho báu sẽ vẫn còn nguyên vẹn nếu như không có chiến tranh, không bị quân lực Việt Nam Cộng hòa cưỡng đoạt. Những người Churu lớn tuổi ở vùng Tà Hine, Đà Loan, Ninh Loan, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) ngày nay vẫn thường kể lại cho đám con cháu nghe câu chuyện cướp kho báu của binh lính Sài Gòn (cũ) đã xảy ra cách đây tròn 45 năm. Một ngày giữa năm 1968, trong lần càn quét qua vùng ranh giới Lâm Đồng – Bình Thuận, những ngôi đền cổ chứa kho báu ẩn sâu trong rừng đã bị giặc phát hiện. Ngay ngày hôm sau, dân buôn Sóp đang làm rẫy bỗng nghe tiếng động cơ rền vang khắp chốn núi rừng khiến mọi người hốt hoảng chạy vội về nhà. Đó là chiếc trực thăng bay lướt qua buôn, tiến đến các ngôi đền cổ Sóp, Krayo.
Biết có chuyện chẳng lành, nhiều người dân trong buôn liền gọi nhau chạy một mạch vào bảo vệ đền. Tới nơi, trước mặt họ là những binh lính Sài Gòn mặc quần áo rằn ri đang cẩn thận chuyển từng báu vật lên máy bay. Đứng kề đó là những người khác cầm súng trên tay đứng gác nghiêm ngặt. Dân buôn Sóp gào lên dữ dội, nhất quyết không cho binh lính Sài Gòn đem những báu vật mà đã được phiên vương Chămpa căn dặn gìn giữ suốt hàng thế kỷ qua. Một loạt đạn bắn chỉ thiên nổ vang trên bầu trời, người Churu chỉ còn biết gào thét, bất lực đứng nhìn quân lính Viêt Nam cộng hòa chuyển kho báu lên trực thăng.
Một điều lạ là khi kho báu bao gồm những vương miện của vua chúa, ngọc ngà, nhung gấm lụa là, súng thần công, hàng chục Klon bằng vàng, bạc, trong đó có những hộp Klon chứa xương trán nhà vua Chămpa Poklongkahul và hoàng hậu Poklongnaiqua... đã được chuyển tất cả lên máy bay thì phi cơ này không sao cất cánh lên được. Biết đã có điềm gở, toàn bộ quân lính liền đứng thành hàng, trang nghiêm cúng vái. Nhưng sau nhiều phút loay hoay, cuối cùng chiếc trực thăng mới ì ạch cất cánh lên được nhưng phải bỏ lại chiếc long bào của vua Chămpa tại hiện trường rồi sau đó cho xe Jeep chở lên Đà Lạt. Từ đó, kho báu vĩnh viễn bị mất…
Điêu tàn những ngôi đền cổ
Trước mắt chúng tôi, một không gian điêu tàn, hoang phế. Đền cổ buôn Sóp là đây nhưng những gì chứng kiến khiến chúng tôi không muốn tin. Sự tàn phá của thời gian, hủy diệt của chiến tranh và chính con người đã khiến một đền cổ chứa kho báu vốn là chốn linh thiêng, một minh chứng rõ ràng cho sự giàu có của một hoàng tộc thất thế trong lịch sự bị biến mất.
Đền Sóp ngày nay được dựng trên lưng chừng một quả đồi lớn, cách trung tâm buôn Sóp hơn 1km. Đền được dựng vội vã bằng những cây gỗ không tròn trịa, cũng không vuông vắn. Mái tôn đã hoen gỉ, bốn bề không vách, ngôi đền hoang tàn, xiêu vẹo. Cách đây chưa lâu, một cơn gió đã giật đổ mái đền, người dân địa phương phải quyên góp vật dụng làm lại ngôi đền để chứa một vài cổ vật còn sót lại. Đó là ít cổ vật bằng gốm sứ, những cái bát cổ được xếp lộn lẫn với những chiếc bát mới được người dân đem đến cúng viếng. Ở đây, ngoài hai cái bát lớn (trông giống như hai cái nắp) bằng đồng màu đen thường dùng để đựng nước cúng, còn có 15 hiện vật bằng gốm sứ (chủ yếu là gốm hoa lam). Đặc biệt, trong đó có một tô bên ngoài có những ô viết chữ Hán (có thể là một bài thơ vịnh) và một liễn sứ men trắng vẽ lam.
Rời đền Sóp, hôm sau chúng tôi tìm đến đền Krayo, nơi những hiện vật quý báu lừng lẫy một thời của hoàng tộc Chămpa được lưu giữ lại khá hơn. Thầy cúng Ya Thương cho biết, ban đầu ngôi đền vốn bằng gỗ, sau này người Pháp phát hiện ra ngôi đền bí ẩn trong rừng sâu có chứa nhiều cổ vật linh thiêng gắn liền với hoàng tộc Chămpa lừng lẫy một thời liền cho chở vật liệu xây dựng đền bằng xi măng, mái lợp tranh, hai tầng rất kiên cố. Tất cả các cổ vật, châu báu đều được phân loại, cho vào đền thờ cúng cẩn thận. Nhưng rồi, khi Ngụy quân tràn qua càn quét, đền Krayo cũng nằm chung số phận với đền Sóp, bao nhiêu của cải, châu báu, gấm lụa đều bị cướp hết. Từ đó, kho báu trong đền Krayo thất lạc.
Cư dân địa phương cho biết, khác với đền Sóp, đền Krayo thờ vua Chăm Poklongkahul và hoàng hậu Poklongnaiqua, cũng chính vì vậy mà những hiện vật ở đền này cũng quý báu hơn cả. Trước đây trong đền có cả kho đựng đồ bạc và y phục của vua Chăm. Trong đó, có những hộp klon bằng vàng, mỗi hộp có ba lớp từ lớn đến nhỏ đựng tro và xương trán của vua và hoàng hậu, 500 chén, bốn mâm thờ bằng bạc, một vương miện bằng vàng, ngoài ra còn có bốn rương quần áo có viền vàng và 52 cây súng thần công.
Đền Krayo khuất dần sau quả đồi cao vút, phút linh thiêng trước ngôi đền cổ trong chúng tôi cũng rời xa. Ngoảnh lại phía sau lưng, trên lưng chừng đồi hoang vắng, đền Krayo lấp ló hoang phế, chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa. Một kho báu vốn là chứng tích một thời của hoàng tộc Chăm-pa bị thất lạc trải qua sự tàn phá, hủy diệt của thời gian và con người đã trở nên điêu tàn, hoang phế.
Theo Giadinhnet