Khu rừng thích “bắt” trai trẻ
Mỗi khi có khách từ xa đến, người dân xã Liên Sơn gần như đều hồ hởi giới thiệu những chuyện kỳ lạ về khu rừng nằm ngay trên địa phận xã. Rừng không có tên gọi chính thức, còn khá nguyên sơ, cây cối um tùm, vẻ đẹp tự nhiên, gần như chưa bị con người và thời gian tác động.
Người dân quanh vùng từ xưa sống dựa vào rừng, nhưng từ khi liên tục xảy ra các vụ mất tích bí ẩn, họ đâm sợ nên ít lai vãng. Công việc kiếm củi hay bẫy chim thú trước nay thường do đàn ông trong làng đảm nhiệm, nhưng đã có nhiều trường hợp vào rừng rồi mất hút không thấy trở ra.
Chủ yếu người bị giữ chân lại đều là thanh niên trai tráng chưa vợ, đều thông thuộc đường đi lối lại nhưng bỗng dưng một ngày không thể tự mình tìm đường ra cho đến khi có người đi tìm dẫn về. Chính sự lạ lùng ấy khiến cho người dân ít khi dám bén mảng đến khu rừng nếu không có chuyện cần thiết.
Nhận thấy vẻ ngạc nhiên hoài nghi của phóng viên, một người dân mau mắn kể lại câu chuyện gần đây nhất mới xảy ra khoảng giữa năm 2007 với gia đình ông Lê Văn Thành, cũng là người trong xã. Khi đấy, nhà ông Thành chuyển đến đây sinh sống chưa được bao lâu, người con trai út mới 17 tuổi nghe lời chúng bạn kể về nguồn gốc rùng rợn của khu rừng liền nổi hứng vào “cho biết”, sẵn tiện bẫy vài chú chim về chơi.
Cậu đi từ đầu giờ chiều đến mãi sập tối vẫn chưa thấy về, người nhà bắt đầu lo lắng bủa đi tìm, hỏi bạn bè lại được biết cậu đã vào rừng từ sớm. Mọi người càng thêm hoảng hốt, quyết tâm thắp đèn tìm kiếm. Tuy nhiên, khu rừng thì rộng, trời lại tối, ngay cả một dấu vết để lần theo cũng không có. Đêm ấy đoàn người đành quay về, sáng sớm hôm sau một lần nữa quay lại tìm kiếm, đến gần trưa thì phát hiện thiếu niên đang ngồi vắt vẻo trên ngọn cây cao ven bờ suối, nhưng người ở dưới gọi thế nào cũng không thưa.
Lúc này mọi người đều ngỡ ngàng sợ hãi vì sự việc diễn ra giống hệt những gì họ vẫn được nghe các cụ trong làng thường kể. Cũng theo lời truyền lại, trong trường hợp này, nếu người quen vô tình gọi tên thì người ở trên cây sẽ giật mình ngã lộn cổ. Do vậy, người nhà phải nhờ một thanh niên khỏe mạnh nhẹ nhàng trèo lên cây, dùng dây đưa chàng trai đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê xuống đất. Sau một thời gian về nhà nghỉ ngơi, được mọi người chạy chữa, anh này dần dần hồi tỉnh, nhưng hỏi gì cũng không trả lời, cũng không thể nhớ tại sao và bằng cách nào lại có thể trèo lên ngọn cây cao như thế?
Vết tích được cho là cổng hang chứa kho báu một thời trong rừng |
Lời nguyền của “con gái thần rừng”?
Đã xuất hiện nhiều giả thiết khác nhau về nguồn gốc của những sự bí ẩn nói trên. Theo cụ bà Nhâm, năm nay hơn 80 tuổi, khu rừng chuyên “bắt đàn ông” là do trước đây có một cô gái trẻ chết oan ức, linh hồn không siêu thoát nên hay bắt thanh niên vào rừng nhốt lên ngọn cây để trêu ghẹo.
Đầu đuôi câu chuyện từ thời Pháp thuộc, bọn giặc hay càn quét qua làng, mỗi lần như thế chúng đều giở trò cướp bóc, gặp phụ nữ chúng hãm hiếp rồi tàn sát rất dã man. Vào một buổi tối trời, cả làng đang yên tĩnh bỗng náo động bởi bọn giặc càn qua bất ngờ. Sau khi lùng sục khắp mọi nơi trong làng giết người cướp của, toán lính phát hiện một cô gái chạy thoát được ra phía khu rừng liền đuổi theo.
Ven rừng có một con sông lớn chảy qua, có ông lão lái đò hiền lành chuyên đưa người qua sông. Cô gái mải miết chạy thẳng đến bến đò thì khẩn thiết xin ông chở giúp sang bên kia. Không may hôm đó trời lại nổi giông bão. Đêm đã khuya, kinh nghiệm chở đò lâu năm cho thấy với thời tiết này, đò chỉ ra giữa sông là đắm nên ông lái không dám chở người.
Bấy giờ, bọn giặc đã đuổi theo sát nút, chúng lớn tiếng dọa nếu ông đưa cô gái qua sông sẽ giết cả hai. Nhìn người con gái khóc lóc van xin thảm thiết, ông lão động lòng thương cảm, lại không biết làm cách nào cứu cô thoát khỏi nanh vuốt bọn giặc nên đã dùng con dao vẫn mang theo dưới đáy đò đâm chết cô gái giúp cô bảo toàn trinh tiết, sau đấy cũng tự vẫn theo. Bọn giặc không làm gì được liền tức tối bỏ đi.
Người trong làng từ đấy đồn đại linh hồn người con gái bị chết oan khuất vẫn lẩn khuất trong khu rừng, khiến những thanh niên vào rừng lạc lối không thể tìm được đường ra, dân làng thường gọi cô là “con gái của thần rừng”.
Một giả thiết khác không liên quan gì đến chuyện hồn trinh nữ trêu người. Theo lời cụ Khang, cũng là một cao niên sống lâu năm tại địa phương, nơi đây vốn “rừng thiêng nước độc”, chứa nhiều bí mật mà ngay cả người già nhất làng cũng chưa chắc biết hết được. Khi cụ còn nhỏ, đã nghe người lớn kể, trước kia trong vùng có một thương gia người Trung Quốc sang làm ăn khá phát đạt, của cải nhiều đếm không xuể. Sau nghe tin gia đình ở bên kia có việc khẩn cấp, ông ta liền bán vội hết gia sản ở Việt Nam, gói ghém quay trở về. Nhưng tiền của quá lớn không thể mang theo hết được, ông ta liền tìm chỗ cất giấu trong rừng và mua một người con gái xinh đẹp còn trinh tiết, trấn yểm bắt làm thần coi giữ kho báu.
Vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, có một nhóm người làng vào rừng săn bắn bỗng tình cờ phát hiện một cái hang, thoạt nhìn chưa biết hang tự nhiên hay do nhân tạo nhưng rất kỳ lạ. Hang toàn bằng đá xanh khá kiên cố, chiều dài và chiều rộng bằng nhau khoảng gần 1m tạo nên một khoảng trống vuông thành sắc cạnh. Toán người tò mò lần tìm vào hang, lối dẫn xuống dốc dần, càng xuống sâu đường càng ẩm ướt và trơn trượt. Lúc này tất cả đều cảm thấy khó thở và có cảm giác lạnh lẽo bủa vây cơ thể. Mọi người thấy ớn lạnh bàn nhau trở lên.
Họ quay về kể cho người nhà và xóm giềng biết chuyện, nhưng không hiểu vì sao chỉ trong vòng một tháng những thành viên trong đoàn hôm trước đều lần lượt mắc phải những tai họa kỳ lạ, người nhẹ thì thương tật, nặng thì mất mạng. Có một gia đình trong số họ đi xem bói được thầy phán đấy chính là hang chôn kho báu của người Tàu, được trấn yểm bằng thần giữ của, vì những người này tự ý đột nhập nên bị trừng phạt “mang tai, mắc nạn”.
Một số người trong làng nghe nói thế liền họp nhau quay trở lại nơi cũ đào bới mong tìm được của nả, nhưng mấy chục trai tráng hì hục đào xới từ sáng đến tối, sâu xuống lòng đất gần 20m vẫn không tìm thấy gì lạ. Không ngờ sáng hôm sau quay trở lại thì cái hang hôm qua đã biến thành hố sâu hoắm, ngay cả cửa hang bằng đá cũng biến mất, chỉ còn miệng lỗ bằng đất dẫn xuống cái hố to trống trơn.
Tất cả mọi người chứng kiến đều nổi gai ốc kinh sợ, một số người già trong làng cho rằng: “Thần giữ của linh thiêng, biết có người phát hiện ra kho báu đến đào bới nên đã chuyển đi nơi khác”. Từ đấy người ra vào khu rừng càng thưa thớt.
Nhiều câu chuyện khác nhau đã được truyền tụng lại qua nhiều thế hệ, những người dân sinh ra và sống ở đây dường như không để ý thắc mắc về độ xác thực của nó. Họ nhắc đến khu rừng “nuốt người” một cách vừa thân thương vừa kính cẩn. Khu rừng hầu như còn nguyên sơ với những tán cây lớn đan xen vào nhau âm u, rậm rạp, lại thêm nhiều côn trùng, rắn rết, con người ít lai vãng nên càng khó giải thích cặn kẽ những lời đồn đại xung quanh.
Thêm vào đó, những chuyện kỳ bí từ xưa càng làm cho mọi người e dè ngại “thâm nhập” khám phá tìm hiểu, khu rừng trải qua bao nhiêu năm vẫn được bao bọc một màu sắc linh thiêng, ma mị. Có lẽ một phần nhờ thế mà nó vẫn “may mắn” được bảo toàn trong khi rất nhiều cánh rừng khác đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá để khai thác tài nguyên.
Theo Pháp luật Việt Nam