Hai con kênh bị "trời hành" này nằm trên hai cánh đồng mênh mông của Đồng Tháp Mười. Gần như năm nào vào những ngày mưa cũng có sấm sét giáng xuống hai con kênh này. Không ít người đi làm đồng, đốn tràm, bắt cá,... mưa không kịp chạy bị sét đánh trúng. Điều đặc biệt nữa là vị trí của hai con kênh này thuộc hai huyện khá xa nhau. Một con kênh ở ấp 3, xã Long Thành, huyện Thủ Thừa. Một con kênh ở ấp 5, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
Con kênh "trời đánh" ở ấp 3, xã Long Thành
Nơi cứ mưa là không ai dám ra khỏi nhà
Quốc lộ N2 đoạn chạy qua tỉnh Long An khá vắng vẻ. Hai bên đường chỉ thấy những cánh đồng thẳng cánh cò bay và những rừng tràm xanh dài tít tắp. Lâu lâu mới thấy thấp thoáng một vài nóc nhà lướt qua bên đường.
Ngang qua ấp 3, xã Long Thành, huyện Thủ Thừa có một cây cầu có tên là cầu "trời đánh". Nhưng chữ "đánh" đã bị xóa bỏ, chỉ còn lại chữ "Cầu trời" trên tấm bảng chỉ dẫn màu xanh còn khá mới. Cây cầu bắc ngang một con kênh nhỏ, lúp xúp những tán tràm nghiêng bóng xuống dòng kênh. Người dân nơi này gọi tên là kênh "trời đánh".
Cách đây vài chục năm, khu vực này còn là vùng đất trũng bỏ hoang, nhiễm phèn rất nặng, chỉ có cây tràm là sống được. Vào mùa lũ có thêm loại lúa mọc hoang, nước dâng đến đâu lúa cao đến đó. Nhờ công sức của người dân khai hoang và Nhà nước bỏ chi phí đào kênh xả phèn, mới có được cánh đồng Bo Bo màu mỡ như hiện nay.
Kênh "trời đánh" ban đầu vốn có tên là kênh 7, được đào vào năm 1993 để phục vụ việc xả phèn, cải tạo đất. Sở dĩ người dân gọi con kênh này là kênh "trời đánh" vì 7 - 8 năm nay, khu vực hai bên kênh đều có người bị sét đánh trúng, nhất là vào đầu mùa mưa. Từ tuyến đường N2, men theo con đường mòn dọc bờ kênh đi vào lâu lâu mới thấy một nhà dân sống cập hai bên kênh. Gặp một người nông dân đi làm đồng về ngang tên Nguyễn Văn Tư. Chúng tôi hỏi ông Tư sao đi làm đồng về sớm quá vậy? Ông Tư ngó lên trời rồi nói: "Mùa này trời về chiều hay có mưa nên tôi phải về sớm. Không để lát mưa không chạy kịp lỡ gặp sét thì toi mạng".
Rồi ông nói tiếp: "Xã này cũng có vài ba người bị sét đánh chết ở gần con kênh này rồi. Người nào may mắn thì chỉ bị thương thôi. Những người bị sét đánh thường là do đi làm đồng, bắt cá, trời mưa không kịp chạy vô nhà. Riết rồi bà con ở đây cứ ngó chừng trời chuyển cơn sắp mưa là lo chạy vô nhà hoặc tìm nhà nào đó trú nhờ chứ không dám ở ngoài nữa".
Thấy trời tắt nắng và mây đen kéo tới, nghe lời ông Tư, chúng tôi trở ra quốc lộ đi tiếp tới huyện Mộc Hóa. Đi khoảng 50km nữa thì tới xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. Lúc này trời đã lắc rắc có những hạt mưa nhỏ. Từ cây cầu 79, chúng tôi rẽ trái chạy men theo con đường đất dọc một con kênh. Càng chạy vào sâu càng không thấy có nhà dân, chỉ thấy cánh đồng và những vạt rừng tràm đang mùa trổ hoa. Quay trở ra, thấy một lão nông đang ngồi bổ củi trước nhà, chúng tôi ghé vào hỏi thăm đường tới con kênh "trời đánh". Ông nông dân tên Tám Triệu cùng vợ đồng thanh chỉ chúng tôi quay trở ra đường quốc lộ, bởi đây là ấp 4, còn con kênh "trời đánh" thuộc ấp 5. Ông Tám Triệu cho biết: "Trước đây nhà tôi ở thị trấn Thạnh Hóa, mới chuyển về đây 7 - 8 năm, nhưng đã biết về kênh "trời đánh" lâu lắm rồi. Trước đây tôi có thời gian dài rong ruổi đó đây nên biết chuyện về con kênh này. Những năm trước, gần như năm nào cũng có người đi làm đồng bị sét đánh chết ở con kênh đó. Vài năm trở lại đây thì đỡ rồi, vì ai cũng biết nên cứ trời sắp mưa là đề phòng, chạy vào nhà hết".
Trở ra cầu 79, hỏi về con kênh "trời đánh", người dân sống bên quốc lộ chỉ chúng tôi phải đi thuyền qua bên kia sông, con kênh "trời đánh" nằm đâu đó ở giữa cánh đồng. Nhìn theo tay họ chỉ, thực sự cũng không thể xác định được chính xác đâu là con kênh "trời đánh" vì qua một con sông là cánh đồng với vài con kênh ngang dọc xanh màu tràm. Ngồi trong quán nước ven đường hỏi thăm về kênh "trời đánh", chúng tôi gặp một anh nông dân tên Tuấn, nhà ở trong khu vực con kênh, ghé vào quán chờ thuyền qua sông.
Anh kể câu chuyện từ nhiều năm trước có hai cha con (mà anh không nhớ tên) đi làm đồng, thấy trời mưa người con chạy vào nhà trước thì không việc gì, người cha ở lại vào sau. Khi anh con trai vừa vào đến nhà quay ra thì không thấy bố đâu. Thì ra ông đã bị sét đánh ngã lăn ra ruộng chết. Anh Tuấn cho biết thêm: "Ở đây chuyện sét đánh gãy cây, cháy nhà là chuyện bình thường. Vài năm trở lại đây không có ai bị sét đánh trúng nữa. Vì ai cũng cảnh giác cao độ, không dám lơ là như trước. Mùa mưa, cứ chiều là không còn ai ở đồng. Nếu không cứ thấy trời chuyển mây là bỏ hết cuốc, xẻng, dao chạy vào nhà. Trong nhà phải tắt mọi thiết bị truyền sóng như ti vi, điện thoại, radio...".
Chúng tôi hỏi anh có trường hợp nào ở trong nhà mà vẫn bị sét đánh không. Anh Tuấn cho biết: "Có một trường hợp hy hữu cũng lâu lắm rồi, hồi tôi còn nhỏ có một bà già, ngồi trong nhà mà vẫn bị sét đánh chết". Nói đến đây thì thuyền sang tới, anh vội lên thuyền qua bên kia sông bởi lúc này trời vừa ngớt một cơn mưa và không biết sẽ đổ mưa tiếp vào lúc nào.
Cầu "trời đánh" với chữ "đánh" đã được xóa bỏ ở ấp 3, xã Long Thành, huyện Thủ Thừa
"Lời nguyền" của trời xanh với nơi không ai dám thề "trời đánh"
Những người nông dân quanh năm bám đất, bám ruộng ở vùng Đồng Tháp Mười - Long An nhiều năm qua chỉ tìm mọi cách tránh những "cơn thịnh nộ" của ông trời. Nhưng không một ai có thể lý giải vì sao khu vực quanh hai con kênh này lại thường xuyên bị sét đánh như vậy. Những kiến thức khoa học cơ bản chỉ cho họ biết rằng sét thường đánh vào những nơi có vật dụng làm bằng vật liệu sắt, thép hoặc cột thu sóng, những tán cây lớn. Nhưng không nơi nào sét lại đánh với tần suất dày đặc như khu vực ven hai con kênh này. Ngay cả khi có người không mang theo trên người vật dụng gì, không trú mưa dưới tán cây vẫn bị sét đánh. Ngay cả khi không một bóng người thì sét cũng giáng xuống trúng những thân cây, con vật trên kênh.
Đã từ lâu, những người dân biết về con kênh "trời đánh" thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa đều ngầm truyền tai nhau điều khá mê tín về một lời nguyền của trời xanh. Ông Tám Triệu hạ giọng khi nói với chúng tôi về điều này. Ông kể rằng: Thời gian còn trẻ khỏe, ông thường đi lang bạt nhiều nơi dọc theo những con kênh, nên nghe được nhiều chuyện về con kênh Trời đánh này. Ông Tám Triệu cho biết, nhiều người dân sống quanh đó tin rằng do Ngô Đình Diệm cho đào con kênh ở vùng đất phạm húy nhà trời. Vì vậy mà hàng năm trời đều sai thiên lôi giáng sấm sét xuống trừng phạt những kẻ đã trái lệnh thiên đình. Và những người dân thường vì sống quanh khu vực đó nên bị vạ lây, chịu chung số phận.
Cũng vì ám ảnh về những trận sấm sét trong cơn mưa, hết năm này qua năm khác mà người dân sống gần hai con kênh này không bao giờ dám thề độc "trời đánh". Họ cũng rất hạn chế khi nhắc đến hai từ này. Đó cũng là lý do vì sao mà bảng chỉ dẫn có tên cầu "trời đánh" đã được một ai đó vụng về xóa đi từ "đánh", còn lại chữ "cầu trời". Cầu trời còn như một lời nguyện mong trời đừng giáng sấm sét xuống nữa, để không ai còn thiệt mạng chỉ vì trời mưa không kịp chạy vào nhà. Để những cơn mưa không còn là nỗi ám ảnh với người dân sống ở một nơi có khí hậu phân chia hai mùa mưa, nắng rõ rệt của đất phương Nam này.
Nhà khoa học sớm nhập cuộc Trao đổi với PV, T.S Lê Ngọc Thanh, viện trưởng Viện Địa lý Tài nguyên TP.HCM cho biết: Cần phải có những cuộc khảo sát, nghiên cứu cụ thể mới có thể đưa ra kết luận chính xác lý giải cho hiện tượng này. Nhưng hiện nay, Viện Địa lý Tài nguyên TP.HCM chưa có cuộc khảo sát thực địa nào được tiến hành tại khu vực Long An, nên không thể phát biểu gì được về vấn đề này. Hy vọng một ngày gần đây, Viện Địa lý Tài nguyên TP.HCM sẽ có những nghiên cứu địa chất về vùng đất Đồng Tháp Mười - Long An, để đưa ra những kết luận có tính khoa học cho hiện tượng sét đánh với tần suất cao ở hai con kênh này cũng như để những người dân nơi đây hết hoang mang suy đoán, và có những biện pháp phòng tránh sét hiệu quả hơn. |
Hương Lam