Sai lầm chết người
Cách đây hơn nửa thế kỷ, để khẳng định vị thế quân sự bá chủ của mình, hai cường quốc Mỹ và Liên Xô liên tục tung ra những "chiêu bài" chiến lược nhằm đánh bật đối phương. Cùng với việc phát triển vũ khí mặt đất, cuộc đua chinh phục vũ trụ cũng diễn ra gay gắt từng ngày từng giờ. Cả Mỹ và Liên Xô đều chạy đua chế tạo ra những loại tên lửa đạn đạo hiện đại nhất để thực hiện giấc mơ đưa con người lên vũ trụ.
Trên thực tế, việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik hay chuyến bay của nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin của Liên Xô đều sử dụng tên lửa đạn đạo. Thậm chí, John Glenn, người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh Trái đất cũng phải "cậy nhờ" đến "bảo bối" này.
Theo các chuyên gia quân sự Liên Xô, loại tên lửa mà Liên Xô sử dụng thời kỳ này là R-7. Cho đến tận ngày nay, phiên bản của nó vẫn được người Nga ưa chuộng để thực hiện hầu hết các chuyến bay vào vũ trụ. Chương trình này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Sergei Korolev, chuyên gia chế tạo tên lửa nổi tiếng thời đó của Liên Xô.
Tên lửa R-7 tiến hành thành công nhiều chuyến bay thử nghiệm trong khoảng từ năm 1957 đến 1959, trong đó bao gồm cả lần phóng hai vệ tinh nhân tạo đầu tiên. Tính đến năm 2.000, người ta đã phóng loại tên lửa này hơn 1.600 lần với tỉ lệ thành công đạt gần 98%.
Một thời gian sau, Liên Xô đã "lên đời" cho tên lửa, lấy tên là R-16. Việc giám sát thực hiện được giao cho Nguyên soái pháo binh Mitrofan Nedelin, Tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến lược Liên Xô (hay còn gọi là lực lượng tên lửa hạt nhân). Nhóm chế tạo làm việc không ngừng nghỉ để hoàn thành tên lửa R-16 đầu tiên càng sớm càng tốt. Mặc dù quá trình phát triển bị ảnh hưởng bởi vô số các vấn đề kỹ thuật, nhưng tháng 9/1960, nhà thiết kế hàng đầu Yangel vẫn đồng ý chuyển tên lửa đến bãi thử, (ngày nay được biết đến dưới tên gọi sân bay vũ trụ Baikonur).
Thảm họa Nedelin năm 1960.
Tuy nhiên, sự cố kỹ thuật với hệ thống điều khiển tiếp tục xảy ra. Bất chấp những trở ngại này, việc nạp nhiên liệu cho tên lửa bắt đầu được tiến hành. Nội quy an toàn quy định, tất cả những người không có nhiệm vụ không được có mặt ở khu vực này trong quá trình nạp nhiên liệu, đề phòng xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, Nguyên soái Nedelin lại yêu cầu đặt một cái ghế ở bãi phóng để từ đó ông có thể giám sát công tác chuẩn bị. Ước tính có khoảng 150 nhân viên dân sự và quân nhân cũng có mặt ở vị trí đó theo lệnh của Nedelin.
Khi công tác chuẩn bị cho việc phóng tên lửa đang được tiến hành thì nhiên liệu bị rò ra ngoài ngày càng nhiều và các sự cố về điện cũng bắt đầu xuất hiện. Hàng loạt các lỗi kỹ thuật về điện xảy ra khiến cho việc bơm nhiên liệu không thể diễn ra suôn sẻ. Sau này, các chuyên gia quân sự cho biết, vụ việc này đã dẫn đến hậu quả khủng khiếp nhất trong lịch sử ngành tên lửa thế giới.
Bí ẩn "thảm họa Nedelin"
Điều mọi người lo ngại cuối cùng cũng đã xảy ra. Vào 18h45' ngày 26/10/1960, khoảng 250 người đang có mặt quanh bãi phóng, động cơ tầng thứ hai của tên lửa R-16 được khởi động. Lượng khí thoát ra ngay lập tức được đẩy qua buồng chứa nhiên liệu trong tầng đầu tiên, tạo ra một vụ nổ lớn làm bắn tung a xít ra khắp khu vực bãi phóng. Một số người bị chết cháy ngay tức khắc trong quả cầu lửa bao trùm toàn bộ tên lửa.
Những người khác đón nhận cái chết một cách chậm chạp hơn bởi họ bị bỏng trong khi tìm cách thoát thân khỏi thảm họa kinh hoàng. Một số nạn nhân may mắn thoát khỏi khu vực lân cận quanh bãi phóng nhưng rồi lại bị chết ngạt bởi khói độc do nhiên liệu cháy tạo ra.
Các nhân chứng may mắn sống sót cho biết, số phận bi thảm nhất giáng xuống đầu những người ở những tầng trên của giàn cần cẩu. Họ bị lửa bao trùm và bùng cháy trông giống như những ngọn nến sống. Nhiệt độ ở tâm của vụ hỏa hoạn là vào khoảng 3.000 độ C. Người nào chạy được thì vừa chạy vừa cố gắng xé mớ quần áo đang bốc cháy trên người.
Thế nhưng, nhiều người chưa kịp làm điều này đã bị lửa lấy mạng. "Một cột lửa bùng lên phía trên bệ phóng. Kinh hoàng, chúng tôi chứng kiến ngọn lửa bùng đi bùng lại và những tiếng nổ..., cho đến khi mọi thứ im lặng hoàn toàn", một nhân chứng nói thêm.
Yangel và một vài quan chức cấp cao khác may mắn thoát nạn bởi trước khi xảy ra vụ nổ vài phút họ đã vào một boongke để nghỉ giải lao. Nhiều người khác, trong đó có những "lão tướng" của chương trình vũ trụ của Liên Xô đã không được may mắn như thế. Trong những người thiệt mạng có Nguyên soái Mitrofan Nedelin, nhà chế tạo đầu ngành hệ thống điều khiển tên lửa R-16 Boris Konoplev, phó Chủ tịch Ủy ban công nghệ quốc phòng Lev Grishin, Chỉ huy trưởng sân bay vũ trụ Baikonur Đại tá A. Nosov... Vụ nổ tên lửa này được đặt tên là "thảm họa Nedelin", theo tên của Nguyên soái Mitrofan Nedelin.
Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita Khrushchev ngay lập tức ra lệnh mở một cuộc điều tra về nguyên nhân vụ nổ. Ủy ban điều tra đưa ra con số thiệt mạng là 90 người. Con số này bao gồm 74 người bỏ mạng trong vụ nổ đầu tiên (gồm 57 quân nhân và 17 dân thường) và 16 người tử thương sau đó. Thêm hai thi thể người lính bị chết ngạt được tìm thấy sau khi báo cáo chính thức được hoàn thành, nâng tổng số người chết trong thảm kịch này lên con số 92. Ngoài ra, còn có 49 người bị thương.
Sau thảm họa, một trong những vấn đề đáng chú ý nhất là Liên Xô đã che giấu vụ việc này. Nguyên soái Nedelin là Anh hùng Liên Xô trong Thế chiến hai, và cái chết của ông được người ta lý giải là do tai nạn máy bay. Gia đình của các nạn nhân khác cũng không được thông báo sự thật, cho dù nhiều người đồn đoán đã xảy ra một vụ tai nạn kinh hoàng khi có nhiều chuyên gia tên lửa chết vào cùng một thời điểm như vậy.
Thương vong thực tế vẫn là điều bí ẩn Con số thương vong thực tế vẫn luôn là một điều bí ẩn. Những cuộc điều tra gần đây ước tính tổng số người thiệt mạng trong vụ nổ kinh hoàng đó lên đến 200 người. Tuy nhiên, con số có khả năng chính xác nhất là 122 người, trong đó có 74 người bị chết trong vụ nổ và 48 người mất trong những tuần sau đó bởi những vết bỏng hoặc do tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Trong số những nạn nhân này có 84 người là sĩ quan quân đội hoặc những người lính kỹ thuật, 38 người còn lại là kỹ sư dân sự. |
Anh Văn