Các nhà khoa học Nhật Bản đang đào sâu tìm hiểu về một xác ướp kỳ lạ được thờ cúng tại đền Enjuin, tỉnh Okayama, Nhật Bản.
Mẫu vật dài khoảng 30,5 cm, thân hình trông như một đứa trẻ nhưng có đuôi cá, có tóc và móng tay. Hai tay của mẫu vật đưa lên gần mặt. Ngoài móng tay và răng, xác ướp có lông trên đầu và vảy ở phần thân dưới.
Qua quan sát, các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Khoa học và Nghệ thuật Kurashiki cho rằng xác ướp có thể bao gồm phần thân của một con khỉ được gắn vào đuôi một con cá. Phần tóc và móng tay nhiều khả năng là của con người.
Hồi tháng 2, nhóm nghiên cứu thuyết phục thành công đền Enjuin cho phép họ đưa xác ướp tới phòng quét CT của bệnh viện thú y tại Đại học Khoa học, Nghệ thuật Kurashiki. Các nhà khoa học cho biết họ đã quét CT và lấy mẫu DNA từ xác ướp, kết quả sẽ được công bố chính thức vào cuối năm nay.
Theo ghi chú trong hộp đựng xác ướp, mẫu vật mắc vào một lưới đánh cá ở ngoài khơi tỉnh Kochi trong khoảng thời gian từ năm 1736 đến năm 1741. Các nhà khoa học vẫn chưa biết vì sao xác ướp “nàng tiên cá” này lại xuất hiện trong đền. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, người trong đền đã đem xác ướp này thờ cúng với hy vọng đại dịch sớm bị đẩy lùi. Trước đó, nó nằm trong két sắt chống cháy, theo tờ The Asahi Shimbun.
Xác ướp "nàng tiên cá" có phần giống với 2 sinh vật thần thoại trong văn hóa dân gian Nhật Bản: Amabies - nàng tiên cá có mỏ thay vì miệng và ba vây đuôi riêng biệt, Ningyos - sinh vật giống cá có đầu người. Cả hai đều gắn liền với các truyền thuyết về chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ.
Huyền thoại “nàng tiên cá” khá phổ biến ở Nhật Bản và đâu đó vẫn có những ngôi đền thờ những xác ướp nàng tiên cá tương tự.
Tuy nhiên, theo Science Alert, xác ướp bị nghi ngờ là tương tự "nàng tiên cá Feejee" được bán cho một du khách Hà Lan đến Nhật vào những năm 1810, sau đó tiếp tục được bán sang Anh và Mỹ.
“Nàng tiên cá Feejee” dài 91 cm, được các nghiên cứu sơ bộ sau đó cho là tạo ra bằng cách khâu cơ thể của một con đười ươi và đuôi của một con cá hồi.
Minh Hoa (t/h)