Các giả thuyết về vụ ám sát Tổng thống Kennedy
Năm ngày sau khi nghi phạm Oswald bị giết, tân Tổng thống Lyndon B. Johnson thành lập Ủy hội Warren, dưới sự lãnh đạo của Chánh án Tòa Tối cao Earl Warren để điều tra vụ ám sát. Cả Ủy hội Warren và Ủy ban Hạ viện điều tra vụ ám sát đều đưa ra kết luận Oswald là thủ phạm và hành động một mình. Dù vậy, lại có những người chỉ trích cho rằng: Oswald hoặc không hành động một mình hoặc không dính líu gì hết vào vụ ám sát, Oswald là nạn nhân của một vụ dàn xếp, và vụ ám sát xảy ra theo những âm mưu trái ngược với những kết luận chính thức.
Công chúng Mỹ mới đầu tin vào kết luận của Ủy hội Warren, song các cuộc khảo sát sau đó từ năm 1966 tới 2004 cho thấy có tới 80% người Mỹ nghi ngờ có âm mưu hoặc có sự che đậy đối với vụ việc. Dư luận đã đặt ra rất nhiều nghi vấn và giả thuyết quanh vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Có giả thuyết cho rằng thất bại của Kennedy trong việc hỗ trợ những người dân Cuba lưu đày chống Fidel Castro trong vụ Vịnh con Heo (lật đổ chính quyền cộng sản Castro ở Cuba) đã làm trở thành nguyên do trả thù cho những người này. Trong vụ Vịnh con Heo, Tổng thống Kennedy đã đỡ đầu cuộc lật đổ, tuy nhiên ông này rút không quân yểm trợ về và từ chối việc dùng quân lực Mỹ để giúp đỡ.
Tổng thống Kennedy trong ngày ông bị ám sát.
Lại có giả thuyết cho rằng Kennedy và Martin Luther King, Jr. bị ám sát để làm chậm đi sự tiến bộ trong đấu tranh xã hội của người Mỹ gốc Phi (cả hai nhân vật đều ủng hộ sự bãi bỏ nạn phân biệt chủng tộc). Một giả thuyết tương đối nổi trội, có nhiều người cho rằng CIA cố gắng thủ tiêu Kennedy sau khi ông này muốn giảm quyền lực của cơ quan CIA. Hay Fed (Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ) bị đe dọa mất nhiều quyền lực dưới thời Kennedy. (Ví dụ như Công lệnh 11110 được Kennedy ký) nên đã gây ra vụ ám sát này.
Nhưng cũng nhiều người hoài nghi mafia muốn có Kennedy, vì người em của Tổng thống, Robert Kennedy đang tiến hành một cuộc thanh trừng các băng nhóm tội ác có tổ chức. Các băng nhóm này có liên hệ mật thiết với CIA trong việc cố gắng lật đổ chính quyền Castro.
Cũng có ý kiến cho rằng, chung quy, quan hệ giữa Kennedy và Fidel Castro không hề tốt đẹp. Nên chú ý rằng đây là vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa hai hệ tư tưởng: Mỹ với chế độ tư bản và các nước xã hội chủ nghĩa với chế độ cộng sản. Kennedy và CIA đều có nhiều kế hoạch nhằm lật đổ hay thủ tiêu chính quyền Fidel Castro, đáng để ý là cuộc xâm lược Vịnh con Heo do Mỹ đỡ đầu. Fidel cũng có lần công bố cảnh báo các vị lãnh đạo của Mỹ sẽ gặp nguy hiểm khi mưu toan tới việc giết ông này.
Như một số các thuyết trên, mâu thuẫn của chế độ cộng sản và Mỹ lên rất cao. Có nhiều người cho rằng Lee Harvey Oswald được chế độ cộng sản nước ngoài tiếp tay. Oswald được biết là một người theo chủ nghĩa Marx, có sống ở Liên bang Xô Viết và có bằng chứng ghi nhận là ông này ủng hộ chính quyền Castro. Tuy nhiên, Oswald từ chối các buộc tội, và nhận mình là một người dễ bị lợi dụng.
Tổng thống Kennedy và những bê bối tình ái
Một “nghi phạm” lớn nữa là phó tổng thống đương nhiệm Lyndon B. Johnson, người đạt được nhiều quyền lợi nhất từ cái chết của Tổng thống Kennedy. Dễ thấy, theo Hiến pháp Hoa Kỳ thì ông này sẽ lên làm Tổng thống. Chính ông cũng đã nói khi nhậm chức Phó tổng thống là "Trong 4 Tổng thống thì 1 bị ám sát, có thể tôi sẽ gặp may mắn?". Thái độ của Johnson khi nhậm chức Tổng thống trên Air Force One ngay sau khi Kennedy qua đời cùng với Nhật ký Nhà trắng của Lady Bird - vợ của Johnson - cũng đáng bàn cãi. Quan hệ giữa Kennedy và Johnson cũng không hề tốt đẹp gì trong nhiệm kỳ Kennedy. Thực tế thì Kennedy có ý định bãi nhiệm ông này.
Trong nửa thế kỷ qua, tổng cộng nước Mỹ đã xuất bản gần 1.400 cuốn sách liên quan đến vị Tổng thống này, đề tài bao gồm sự kiện Tổng thống Kennedy bị ám sát, âm mưu ám sát, truyện ký và bài diễn thuyết. Người dân Mỹ vẫn kỳ vọng trong năm 2013 này, những tài liệu liên quan đến cuộc điều tra về cái chết của ông Kennedy sẽ được công khai, nhưng sự chờ đợi này có thể sẽ phải kéo dài vô thời hạn...
Theo báo chí Mỹ, so sánh với các đệ nhất phu nhân và các Tổng thống tiền nhiệm, Kennedy và vợ ông- Jackie, đều còn rất trẻ. Cả hai đều được yêu thích đặc biệt, theo cung cách dành cho các ca sĩ nhạc pop hoặc ngôi sao điện ảnh hơn là cho giới chính khách, làm ảnh hưởng đến các khuynh hướng thời thượng và trở nên mục tiêu săn ảnh của các tạp chí đang đắt hàng. Gia đình Kennedy đem đến Nhà Trắng một sức sống mới.
Họ tin rằng Nhà trắng là địa điểm nên được dùng để tán dương những thành quả của nền văn hóa và lịch sử Hoa Kỳ. Nhưng bên dưới bề mặt hào nhoáng, rực rỡ là những nỗi đau đến từ các thảm họa cá nhân, đáng kể nhất là cái chết của con trai, Patrick Bouvier Kennedy, vào tháng 8 năm 1963, khi chỉ là một bé sơ sinh.
Sau khi Tổng thống Kennedy chết, những bí mật về những mối quan hệ ngoài hôn nhân với các nhân viên và khách viếng thăm Nhà Trắng khi Kennedy còn đương chức dần dần được khơi mở. Chúng không bao giờ được tiết lộ cho công chúng khi ông còn sống, ngay cả khi có những chỉ dấu công khai về mối quan hệ với Marilyn Monroe, theo như cách người nữ diễn viên rất được yêu thích này hát ca khúc Happy Birthday Mr. President tại tiệc chiêu đãi sinh nhật của Kennedy được truyền hình vào tháng 5/1962.
Nhiều điều đã được tiết lộ, trong đó có mối quan hệ của ông với Judith Campbell Exner, người phụ nữ này cùng lúc có mối quan hệ với một ông trùm Mafia tại Chicago, Sam Giancana. Mặc dù thời gian của John F. Kennedy tại Nhà Trắng ngắn ngủi, và dù trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông không có đạo luật quan trọng nào được thông qua, Kennedy vẫn được xem là một trong những Tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ.
Chân dung tại Nhà Trắng của Tổng thống John F. Kennedy.
Nghi vấn về vụ ám sát liên quan đến chiến tranh Việt Nam
Sau khi Kennedy qua đời, hé lộ thông tin về một bức thư gửi cho Nhà Trắng vào đúng đêm hôm trước khi Tổng thống bị ám sát. Chỉ đơn giản một lá thư ngỏ đúng lúc, có lẽ đã có thể ngăn được cái chết của vị tổng thống của nước Mỹ John Fitzgerald Kennedy. Nó đã được viết ngày 19/11/1963, bởi một người thủy thủ Bỉ không muốn lộ tên.
Lá thư đến Nhà Trắng ngày 21/11/1963, đêm trước ngày định mệnh. Vào đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng 9 năm 1963, chàng thủy thủ của Bỉ làm quen với một người thủy thủ nước ngoài, trong một quán bar của Trạm tại Anvers, Quán bar có tên là Het Koestierke.
Người thủy thủ này là một sĩ quan Nga, chính xác là một người Ukraina đến từ Kiev, tên là Ivan Kutscharenko (Anvers là trạm chuyển đổi liên lạc của KGB và GRU đối với Bắc Âu), cùng với một nhóm thủy thủ. Theo lời chàng người Bỉ, người thủy thủ Nga cao hơn 1,80m, tóc vàng quăn và khuôn mặt đỏ hồng. Kutscharenko nói thành thạo tiếng Tây ban nha, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập, tiếng Anh, ngay cả tiếng Mỹ. Anh ta cho anh bạn người Bỉ xem cả 5 passport khác nhau, trong đó có hộ chiếu Pháp.
Nhờ bữa nhậu, anh ta có vẻ thân thiện với người bạn thủy thủ Bỉ và khoe sẽ khởi hành đi Mỹ vào ngày mai. Đề tài được chuyển sang Việt Nam và quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô. Kutscharenko cho biết rằng Liên Xô muốn gây một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, để từ đó Liên Xô có thể là người thắng. Chàng người Bỉ cam đoan không bao giờ Kennedy tiến hành một cuộc chiến như vậy.
Khi đó, người Nga tuyên bố, nhìn thẳng vào mắt: “Tôi nói cho anh biết điều này, anh bạn ạ, và đây không phải là một trò đùa. Sẽ không có kỳ Giáng sinh 1963 nào hết đối với John Kennedy… Tới Noel thì ông ta đã bị chôn từ lâu và người kế tục ông ta sẽ làm tất cả những cái mà chính ông ta không muốn làm. Hắn sẽ mở rộng chiến tranh Việt Nam, tăng số quân Mỹ tại Sài Gòn, sẽ ném bom Hà Nội, sẽ ngày một tăng cường khiêu khích Trung Quốc. Johson và vây cánh ông ta đang tìm kiếm chiến tranh, và đấy chính là mong muốn của chúng tôi. Kennedy phải biến khỏi chính trường. Tất cả đã được sắp đặt, tất cả mọi biện pháp đã được sử dụng để rút vụ thủ tiêu vào im lặng”.
Ngày 19/11/1963, hoảng sợ từ sự tiết lộ từ phía Nga, chàng thủy thủ Bỉ cầm bút và viết cho Kennedy lá thư mà chính tả với ngữ pháp sai rất nhiều. Nội dung bức thư như sau: “Ngài Tổng thống, tôi xin chuyển đến Ngài lá thư này để báo cho Ngài vụ ám sát có thể xảy đến cho chính cuộc sống của Ngài.
Đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 tháng 9/1963, tôi gặp trong quán bar ở Anvers, đường Station, một người tên là Ivan Kutschrenko, sinh tại Kiev. Người này tự giới thiệu là sĩ quan hải quân Liên Xô. Anh ta đi cùng một nhóm khoảng bốn, năm người. Anh ta uống nhiều, và tuyên bố với tôi rằng: Tổng thống Kennedy sẽ không có mặt đón lễ Noel tại gia đình, ông ta sẽ chết và sẽ bị chôn. Xin Ngài trả lời tôi, nếu Ngài nhận được lá thư này. Tôi xin lỗi vì những lỗi chính tả và ngữ pháp, vì tôi là người Bỉ. Trân trọng kính chào. Người phục vụ của Ngài”.
Bức thư được gửi tới cho chính Tổng thống Kennedy (với ghi chú “tới đích thân Ngài Tổng thống”). Bức thư đã đến tới Nhà Trắng, như Bưu điện Mỹ xác minh. Nhưng những người thân cận bên cạnh Kennedy khẳng định rằng không có bất cứ bức thư nào được chuyển đến. Phải chăng một bàn tay nào đó đã thủ tiêu bức thư cảnh báo mà tay thủy thủ kia gửi đến? Và đó chỉ là một trong số và hàng trăm câu hỏi nghi vấn xung quanh cái chết.
Tổng thống John.F.Kennedy.
Bí ẩn về nhà nữ tiên tri dự đoán tương lai của các Tổng thống
Cũng theo báo chí Mỹ, có một nhà nữ tiên tri đã dự đoán trước về cái chết của Tổng thống Kennedy. Đó là nhà nữ tiên tri đầy bí ẩn Jeane Dixon (1904 - 1997), vốn là người gốc Đức nhưng định cư tại Mỹ. Khi còn trẻ, bà từng có cuộc gặp gỡ rất kỳ bí với một thầy bói Ai Cập ở California, vị thầy bói nói rằng, Dixon có khả năng đặc biệt và tặng bà một quả cầu pha lê chuyên dùng để bói toán. Và từ đó, bà trở thành một nhà tiên tri chuyên nghiệp.
Vốn là một tín đồ Thiên Chúa trung thành, bà cho rằng, năng khiếu ấy là hồng ân của Chúa và nhiệm vụ của bà chính là giúp đỡ những người xung quanh. Bà thường nhìn vào quả cầu thủy tinh để tiên đoán, nghiên cứu chiêm tinh và bói quẻ. Bà bắt đầu cứu mạng nhiều người khi báo trước cho họ những tai ương sắp tới. Bà khuyên người hàng xóm đừng đến gần cây sồi ở sân sau vì nó sắp đổ. Quả nhiên một tuần sau, dù không mưa bão, cây sồi bật gốc, làm hỏng công trình sau nhà.
Một sự việc gây sự chú ý quan tâm đặc biệt của dư luận. Tháng 1/1942, nhà tiên tri Dixon khuyên nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Carole Lombard nên hủy chuyến đi diễn 6 tuần sau bởi cô sẽ gặp tai nạn máy bay. Tuy nhiên, ngôi sao này đã không tin và chỉ đồng ý tung đồng xu để đưa ra quyết định. Nếu đồng xu ngửa cô sẽ hủy, nếu sấp thì kế hoạch không thay đổi. Kết quả là Carole tiếp tục dự định của mình bởi đồng xu hiện mặt sấp. Lượt đi của cô an toàn, thế nhưng khi trở về... Những lời tiên tri của Dixon ám ảnh Carole nên cô dự định trở về bằng tàu hỏa.
Tuy nhiên đến phút chót, Carole đổi ý, cô mua vé bay chuyến nửa đêm. Tại điểm dừng Albuquerquer (tiểu bang Mexico, Mỹ), cô và nhiều hành khách khác được đề nghị nhường vé cho một quân nhân nhưng cô từ chối vì nóng lòng trở về để giải quyết chuyện gia đình. Thật không may, khi tới gần Las Vegas, máy bay gặp trận bão lớn và đã lao vào núi. Vụ tai nạn đã xảy ra đúng như những gì Dixon nói, diễn viên Carole không bao giờ có thể trở về.
Trong một buổi tiệc từ thiện được tổ chức tại Selgrave, Harry Truman đã hỏi đùa bà: “Jean Dixon, cô có nhìn thấy tương lai của tôi không?”. JeanDixon cười và nói: “Nhanh thôi, ông sẽ trở thành Tổng thống”. Lạ lùng thay, vào đúng năm 1945, Harry đã trở thành Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ. Trong năm 1944, Tổng thống Roosevelt mời Jean Dixon tới Nhà Trắng và hỏi: “Này Jean, hãy cho tôi biết liệu nhiệm vụ của tôi có thành công không?”. Bằng giọng điệu nghiêm trọng, bà nói với Tổng thống: “Xin lỗi Roosevelt, ông sống không được thọ cho lắm”. Quả nhiên Franklin Roosevelt đã qua đời do đột quỵ vào ngày 29/03/1945.
Tiên đoán trước nhiều năm vụ ám sát Kennedy
Nhà nữ tiên tri Dixon có rất nhiều lời tiên đoán cho các nhân vật nổi tiếng, nhưng có lẽ, dự báo về cái chết của Tổng thống J.F. Kennedy đã đưa bà trở thành một trong những nhà tiên tri nổi tiếng nhất nước Mỹ. Vào một buổi sáng đầu thập niên 50, khi đứng trước tượng Đức mẹ Đồng Trinh tại nhà thờ St. Matthew, Washington (Mỹ), bà chợt thấy hình bóng tòa Nhà Trắng với con số 1-9-6-0 trên nóc và hình ảnh một người đàn ông trẻ tuổi, mắt xanh, tóc nâu, lơ lửng trước cửa chính.
Trong thâm tâm bà bỗng có tiếng nói mách bảo, người đàn ông trẻ đó là một người thuộc đảng Dân chủ, sẽ được bầu làm tổng thống vào năm 1960, nhưng rồi bị chết giữa nhiệm kỳ. Dixon miêu tả vô cùng chi tiết: “Tổng thống bị ám sát trên phố bằng súng. Thi hài sẽ được chuyển về Nhà Trắng. Một cảnh tượng ghê rợn hiện ra trước mắt. Nhiều người sẽ chết và bị thương. Em gái Tổng thống cũng không tránh khỏi nạn này”.
Chuyện này được bà kể lại nhiều lần và năm 1956 được đăng hàng loạt trên báo. Gần 10 năm sau, John Fitzgerald Kennedy thuộc đảng Dân chủ trở thành chính khách trẻ tuổi nhất đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ. Nhà tiên tri Dixon nhận ra, đây chính là người bà nhìn thấy năm nào. Bà tìm mọi cách thuyết phục ông và những người thân cận bảo trọng. Thế nhưng Kenedy dù biết tin vẫn bỏ ngoài tai, chỉ coi đây là một tin đồn lừa bịp rẻ tiền.
Tháng 10/1963, trong mơ bà bỗng nhìn thấy thêm nhiều chi tiết mới: Kẻ ám sát có 2 vần và 5-6 chữ, chữ đầu trông như O hay Q, chữ sau chắc là S, chữ cuối dựng đứng. Sau đó ít ngày, Dixon đến gặp Kay Halle - người có mối quan hệ thân thiết với gia đình Kennedy, nhờ khuyên nhủ Tổng thống. Tuy nhiên, Kay Halle đã không làm theo đề nghị của Dixon, một phần vì không tin, một phần không dám ngăn cản chuyến công tác quan trọng của Tổng thống.
Kỳ bí hơn, ngày 22/11/1963, khi Dixon đang dùng bữa trưa tại khách sạn Mayflower cùng hai người bạn. Bỗng nhiên bà nói: “Trong lúc chúng ta đang ngồi đây một cách bình thản thì Tổng thống lại sắp gặp một chuyện vô cùng khủng khiếp, khó mà qua khỏi”. Cùng lúc đó, Kennedy tới Texas để tham gia hoạt động chuẩn bị cho việc tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới, cũng như hòa giải các xung đột chính trị tại đây.
Khoảng 11h30, xe chở Tổng thống khi tiến gần đến kho sách ở trung tâm thành phố, bất ngờ nhiều tiếng súng vang lên. Kennedy bị trúng đạn ở lưng nơi giáp cổ và bên phải phía sau đầu. Thống đốc Texas cũng bị thương nặng. Ngay lập tức, tất cả được đưa tới bệnh viện Parkland.
Các đài phát thanh nhanh chóng đưa tin: Tổng thống bị ám sát. Trong phòng cấp cứu, các bác sỹ đang cố gắng hết sức cứu mạng vị Tổng thống trẻ. Bên ngoài, Dixon ngậm ngùi: “Tổng thống không thể sống được. Điều này đã được dự báo từ 10 năm trước.
Tất cả phải chịu trách nhiệm, mọi người đã không tin tôi”. Sau nhiều nỗ lực bất thành, 1h trưa ngày 22/11/1963, các bác sỹ thông báo Tổng thống qua đời. Không lâu sau, nghi phạm của vụ ám sát bị bắt. Đó là một kẻ có tên bắt đầu bởi chữ O, sau là chữ S và kết thúc bằng chữ D - chữ có nét cong: Lee Harvey Oswald. Và tất cả đúng như những lời “tiên tri” của bà Jeane Dixon! Nhiều tài liệu đã ghi nhận, ngoài lời tiên đoán về cái chết của Tổng thống Kennedy, Jeane Dixon còn dự báo về cái chết Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - Dag Hammarskjold năm 1961, vụ tự tử của diễn viên nổi tiếng Marilyn Monroe năm 1962 hay cái chết Martin Luther King - nhà hoạt động nhân quyền gốc Phi có sức hút khá lớn thời bấy giờn
Thu Hà-Linh Lan