Bị bôi nhọ trên mạng xã hội, bao nhiêu nạn nhân dám lên tiếng?

Bị bôi nhọ trên mạng xã hội, bao nhiêu nạn nhân dám lên tiếng?

Đỗ Thị Thơm

Đỗ Thị Thơm

Thứ 3, 18/07/2017 18:21

Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội có đất sống vì không phải nạn nhân nào bị bôi nhọ cũng dám lên tiếng.

Xã hội - Bị bôi nhọ trên mạng xã hội, bao nhiêu nạn nhân dám lên tiếng?

ĐB Đặng Thuần Phong: "Với tình trạng này, không biết khi nào tôi và bạn sẽ là nạn nhân trên mạng xã hội". (Ảnh: Đỗ Thơm).

Vừa qua, thông tin “lại có vụ chặt đầu ở Phú Thọ”, “hai cô gái hiếp nam thanh niên đến chết tại Bình Thuận” được lan truyền chóng mặt trên các mạng xã hội. Điều đáng nói, đây hoàn toàn là thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến người trong cuộc.

Trước thực trạng sử dụng mạng xã hội theo kiểu "thích đăng gì thì đăng" như hiện nay, một vị ĐBQH đã phải thốt lên với PV: “Không biết khi nào tôi và bạn sẽ là nạn nhân của tình trạng này”. Dù bị xúc phạm, chịu ảnh hưởng của thông tin bịa đặt nhưng không phải nạn nhân nào bị bôi nhọ trên mạng xã hội cũng dám lên tiếng và tố cáo hành vi trên. Đó phải chăng là nguyên nhân khiến tin thật, tin giả vẫn có đất sống trên mạng xã hội?

Chia sẻ với PV, anh T.A. (Hà Tĩnh), người thân một học sinh từng là nạn nhân của việc bôi nhọ, tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội tâm sự: “Chỉ vì chuyện tình cảm của học sinh mà các em xảy ra xô xát trong lớp. Tuy nhiên, một học sinh đã tung lên clip với chú thích rằng, em gái tôi xúc phạm mẹ một người bạn và bị đánh. Thời điểm clip xuất hiện, em tôi bị hàng triệu bạn trẻ khác chửi bới, miệt thị… dù không biết nguyên nhân thực sự có phải như thế không. Em tôi đã rất sốc. Nếu em không vững vàng, nghĩ quẩn, làm chuyện dại dột thì ai phải chịu trách nhiệm cho sự đơm đặt đó?”.

Đáng buồn, việc tung tin đồn thất thiệt, xúc phạm, bôi nhọ nhân phẩm người khác đang xảy ra khá nhiều.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, một phần nguyên nhân của thực trạng này là nhiều người trẻ bốc đồng, thích giật gân, làm vì vui chứ không nghĩ đến hậu quả. Quan trọng hơn, hiện nay, người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đang muốn nói gì, đăng gì cũng được, không có bất kỳ sự kiểm duyệt nào. Chính vì thế, nhiều người lợi dụng mạng xã hội đưa các tin giật gân, bịa đặt. Thậm chí, họ dựng cả clip giả tạo để phục vụ mục đích riêng.

Tung tin đồn, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức nhưng đa số trường hợp vi phạm chỉ bị xử lý hành chính. ĐBQH Đặng Thuần Phong nhận định: “Nhiều người tung tin lên chỉ để “chơi chơi” thôi nên khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Một điểm nữa là chính bị hại cũng không muốn đính chính, không muốn làm lớn chuyện. Họ e ngại khi nói sự thật ra có thể bị “soi”, ném đá và hàng loạt chuyện có thể vỡ ra. Vì thế, nạn nhân cũng mặc kệ để cho mọi người muốn nói gì thì nói.

Câu chuyện đặt ra, nếu người dùng mạng xã hội tẩy chay với những tin thất thiệt, bịa đặt thì người tung tin “bẩn” làm sao đạt được mục đích. Tuy nhiên, hiện nay, chính những bài viết kiểu này lại được chia sẻ chóng mặt. Vô tình chính người dùng mạng xã hội đang “nuôi dưỡng” cho tin đồn thất thiệt có đất sống. Tôi và bạn không biết khi nào sẽ là nạn nhân tiếp theo của việc này nếu không ngăn chặn triệt để tình trạng này”.

“Chúng ta có quy định xử lý việc tung tin đồn thất thiệt, nhưng thực tế xử lý không được bao nhiêu. Chúng ta chỉ xử lý hình sự khi các thông tin giả trên mạng xã hội vi phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến tiền đồ chính trị... Còn đa số các trường hợp chỉ dừng ở xử phạt hành chính”, ĐBQH Đặng Thuần Phong trăn trở.

Thơm Lan

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.