Liên quan đến sự việc gây chấn động dư luận tỉnh Thái Bình những ngày gần đây, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Tưởng rằng những vụ việc giết tình địch để tranh vợ, cướp chồng chỉ có ở trong phim hoặc trong cổ tích, không ngờ lại xảy ra ngay giữa TP.Thái Bình. Sự việc này gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người bởi hành vi đê hèn, tàn độc của đối tượng gây án.
Hoàn toàn có căn cứ áp dụng án tử hình
Bị can Lại Thị Kiều Trang (SN 1994, trú tại xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) khai nhận do có quan hệ tình cảm với anh P.V.Q. (trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là chồng của chị Đ.T.Y., chị họ của Trang.
Sau một thời gian, anh Q. đề nghị chấm dứt mối quan hệ nhưng Trang không đồng ý. Trang cho rằng anh Q. chia tay với mình là để về với vợ nên đã lên kế hoạch đầu độc chị Đ.T.Y.
Thực hiện ý định, Trang đã lên mạng tìm mua 2 lọ chất độc Natri Xyanua. Ngày 3/12 Trang đổ số chất độc này vào 6 ly trà sữa, tuy nhiên mới đổ chất độc vào được 4 ly thì hết. Tiếp đó, đối tượng dùng sim rác gọi nhờ người gửi 6 ly trà sữa này đến bệnh viện phổi Thái Bình cho chị Y. Do chị Y. không có ở bệnh viện nên đã nhờ đồng nghiệp nhận hàng và để vào tủ lạnh tại phòng hành chính.
Đến khoảng 10h ngày 3/12, chị N.T. H. mở tủ lạnh thấy có nhiều trà sữa nên đã lấy ra 1 ly để uống. Vừa uống được vài ngụm thì chị H. phát hiện thấy có vị lạ nên đã chạy vào nhà vệ sinh định nôn ra nhưng ngã gục rồi tử vong tại chỗ.
Cũng tại thời điểm này có 2 mẹ con điều dưỡng tại bệnh viện Phổi Thái Bình cũng uống 2 ly trà sữa, nhưng rất may 2 ly trà sữa này không có chất độc nên 2 mẹ con điều dưỡng thoát nạn. Bác sĩ trưởng khoa tại bệnh viện cũng định uống nhưng có việc gấp nên đã bỏ ly trà sữa lại và cũng thoát chết.
Đến ngày 25/12, Trang bị Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình bắt giữ, khởi tố về tội Giết người
Natri Xyanua (NaCN) là chất kịch độc. NaCN có mùi tương tự như mùi quả hạnh, nhưng không phải ai cũng có thể ngửi thấy do đặc điểm di truyền. Các muối Xyanua thuộc về số các chất độc có phản ứng nhanh nhất. Chỉ cần 50mg - 200mg xyanua hoặc hít phải 0,2% khí xyanua, có thể giết chết ngay lập tức một người trưởng thành.
Luật sư Cường cho rằng, đây là hành vi mang động cơ đê hèn và vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự nên việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý đối tượng này là cần thiết và có căn cứ theo quy định pháp luật.
Đối tượng này sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là: Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người hoặc giết nhiều người và với động cơ đê hèn (mặc dù chỉ một người chết).
Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao thì: “Giết người vì động cơ đê hèn là giết người vì tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc (ví dụ: giết người để cướp vợ hoặc chồng nạn nhân; giết tình nhân đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm; giết người đã cho vay, giúp đỡ khắc phục khó khăn, hoạn nạn nhằm trốn nợ v.v…”.
Như vậy, nếu cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy đối tượng Trang đã giết người để “tranh vợ, cướp chồng” thì đây là động cơ đê hèn, là căn cứ tăng nặng trách nhiệm hình sự, là tình tiết định khung hình phạt “Vì động cơ đê hèn” quy định tại điểm q, Khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự với mức hình phạt là phạt tù từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ về điều kiện hoàn cảnh sống của nạn nhân, sinh hoạt của nạn nhân như thế nào mà đối tượng đã lên kế hoạch đầu độc như vậy.
Kế hoạch này có khả năng làm chết nhiều người, đối tượng có mong muốn hay bỏ mặc hậu quả chết nhiều người có thể xảy ra hay không làm căn cứ xác định tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức của đối tượng Trang đối với chất độc, phương thức thủ đoạn bỏ chất độc vào trà sữa và nhận thức của đối tượng đối với việc sử dụng số trà sữa này trong âm mưu, thủ đoạn của đối tượng.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng hoàn toàn nhận thức được rằng với môi trường, hoàn cảnh sống của chị Y. thì hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp nhiều người sẽ cùng sử dụng số trà sữa này bởi số trà sữa có độc không phải là một ly, mà là 4/6 ly.
Trang cũng không gửi tới địa chỉ cá nhân mà đưa tới cơ quan... thì có căn cứ để xử lý đối tượng này thêm tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;” hoặc “giết 2 người trở lên” theo quy định tại điểm l, hoặc điểm a, Khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự.
Với hành vi và thủ đoạn như vậy, với đặc điểm của loại chất độc này thì khả năng thực tế nhiều người chết là hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế, ngoài nạn nhân là chị H. đã chết do trúng độc thì đã có thêm 2 người khác cũng đã uống số Trà sữa do Trang gửi đến nhưng rất may là 2 ly đó không có chất độc, nếu tất cả mọi người cùng uống 6 ly đó thì ít nhất sẽ có 4 người chết.
Hành vi và thủ đoạn của đối tượng cho thấy mức độ nham hiểm, tàn độc, đê hèn cao độ. Hành vi này không chỉ sát hại một người mà có thể sát hại nhiều người, gây hậu quả hết sức nguy hiểm cho xã hội. Bởi vậy, đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt rất nghiêm khắc, có thể sẽ là án tử hình mới tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Hành vi của đối tượng này cũng cho thấy mức độ nhận thức ngây ngô về pháp luật, về xã hội hoặc tâm địa quá độc ác, tàn nhẫn đến mức khiến đối tượng lũ lẫn mà thực hiện hành vi phạm tội, bất chấp pháp luật.
Trong bối cảnh xã hội phát triển như ngày nay, nhiều thiết bị điện tử, phương tiện kĩ thuật hiện đại, không khó khăn gì để phát hiện ra trường hợp một người bị đầu độc. Mặc dù hành vi, thủ đoạn của đối tượng tinh vi (cho chất độc vào trà sữa, sử dụng sim rác để liên hệ...) nhưng khi đã xác định được nạn nhân bị đầu độc thì việc tìm ra hung thủ trong vụ việc này là không có gì khó khăn với cơ quan điều tra.
Trình độ của cán bộ điều tra hiện nay tốt hơn trước rất nhiều, thêm vào đó là nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ công tác điều tra, cơ quan điều tra sẽ xác minh nguồn gốc của số sản phẩm Trà sữa đó đồng thời khoanh vùng đối tượng, xác định nguyên nhân, động cơ do những mâu thuận, thù oán cá nhân hay do nguyên nhân khác (tranh chấp làm ăn, nợ lần..) làm cơ sở xác định nghi phạm.
Những vụ việc như thế này không khó để phá án, những hung thủ dạng này không dễ gì trốn tránh được sự trừng phạt của pháp luật. Bởi vậy, đây sẽ là một bài học cho những ai ích kỷ, bội bạc, đê hèn và nhẫn tâm xuống tay với người thân của mình để thực hiện hành vi đê hèn “tranh vợ, cướp chồng”.
Vụ việc này cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai lầm đường, lạc lối trong quan hệ tình ái và mù quáng, bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng của người khác.
Người chồng “bắt cá 2 tay” có thể bị xử lý nếu chứng minh được hành vi không tố giác tội phạm
Vẫn theo luật sư Cường, đối với người đàn ông trăng hoa, bội bạc trên thì cũng cần phải có sự lên án mạnh mẽ của dư luận và phải trả giá cho những hành động của mình.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm rõ vai trò của người đàn ông này đối với vụ án: Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người đàn ông này biết về âm mưu đầu độc nhưng không ngăn cản, không tố giác thì có thể bị xử lý hình sự về tội không tố giác tội phạm.
Trong trường hợp người đàn ông này biết hành vi của đối tượng Trang có âm mưu đầu độc vợ mình nhưng không ngăn cản mà còn xúi giục hoặc giúp sức cho đối tượng Trang thực hiện hành vi phạm tội thì người đàn ông này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người cùng với Trang với vai trò đồng phạm.
Trường hợp, cơ quan điều tra không chứng minh được vai trò đồng phạm hoặc hành vi không tố giác tội phạm thì không có căn cứ để xử lý hình sự người đàn ông này.
Còn đối với hành vi quan hệ nam nữ bất chính (có bồ chính là cô em họ của vợ mình) thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, bị người đời cười chê, nên án. Hành động tội lỗi của người đàn ông này gián tiếp gây nên cái chết của người khác và suýt chút chút nữa là vợ mình cũng thiệt mạng.
Hành vi này thực tế là vi phạm hôn nhân một vợ một chồng tuy nhiên đối tượng chỉ dấm dúi, thậm thụt chứ không công khai nên hiện nay chưa có chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự để xử lý đối với những con người bội bạc như thế này.
Hiện nay pháp luật chỉ có chế tài hành chính hoặc hình sự để xử lý đối với người đã có vợ, có chồng mà “chung sống như vợ chồng”, chung sống công khai với người khác, (việc chung sống công khai, tổ chức đám cưới hoặc có con chung, tài sản chung...). Còn quan hệ nam nữ thậm thụt, giấu diếm thì chưa có chế tài xử lý mà sẽ bị lên án bằng sức mạnh của dư luận xã hội.
Theo quy định tại điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng nêu rõ: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm...”.
Như vậy, trường hợp anh rể và nữ nghi phạm Trang có quan hệ bất chính nhưng không sống như vợ chồng thì không bị xử lý theo quy định này.
Dù không có chế tài để xử lý hành vi của người anh rể. Tuy nhiên, trong vụ án mạng này, người anh rể có liên quan khi quan hệ yêu đương với em họ dẫn đến mâu thuẫn và khiến người em họ thực hiện hành vi đầu độc dẫn đến chết người nên sẽ bị dư luận lên án về lối sống không thiếu lành mạnh, gây ra những hậu quả đau lòng.