Ngày 20/05/2013, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Đăng Nghĩa, Nguyễn Thành Luân bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm truy tố về tội Cướp tài sản theo Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt từ ba năm đến mười năm. Trong hai bị cáo có bị cáo Luân là người chưa thành niên. Bị cáo phạm tội mới ngay trong ngày mình vừa bị tuyên án về tội Trộm cắp tài sản.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Luân là một luật sư của Đoàn luật sư TP Hà Nội và là Cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội.
Theo nội dung Cáo trạng số 61 /CT- VKS ngày 23/04/2013 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm và lời khai của các bị cáo có trong hồ sơ và tại phiên tòa cho thấy:
Các bị cáo đang làm việc với cán bộ điều tra |
Vào sáng ngày 27/02/2013 Nguyễn Đăng Nghĩa đến nhà Nguyễn Thành Luân để đèo Luân tới Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm tham gia phiên tòa vì trước đó Luân bị truy tố về tội Trộm cắp tài sản.Tại phiên tòa ngày hôm đó Luân bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 12 tháng 15 ngày tù giam. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Sau phiên tòa, Nghĩa về nhà Luân ăn cơm và nghỉ trưa tại đó. Đến chiều Nghĩa rủ Luân đi chơi. Luân đồng ý vì nghĩ rằng mình sắp phải thi hành bản án nên thời gian đi chơi cùng bạn bè sẽ không có. Đi chơi cùng bạn nhưng Luân cũng không hề nghĩ rằng ngay trong lần đi chơi đó, do hành động bột phát, thiếu suy nghĩ mà bị cáo đã phạm tội: Cướp tài sản.
Đến khoảng 22 giờ cùng ngày 27/02/2013, Nghĩa và Luân đi đến đoạn đường liên thôn giáp cánh đồng thôn Cổ Giang, xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội thấy 03 em học sinh là Nguyễn Duy Lợi, Lê Văn Vượng, Nguyễn Duy Đức đi cùng chiều trên hai chiếc xe đạp. Nghĩa đã ép xe của các em vào lề đường để hỏi xin tiền. Do các em không có tiền nên hai bị cáo đã yêu cầu các em đi vào đoạn đường đất vắng người qua lại thuộc cánh đồng thôn Cổ Giang. Tại đây các bị cáo đã lấy của các em 03 điện thoại. Các bị cáo đã mang 02 chiếc điện thoại đi bán được 500.000 đồng và ăn tiêu hết. Còn 01 chiếc điện thoại Luân giữ để sử dụng.
Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT công an Gia Lâm đã thu hồi và trao trả tài sản cho người bị hại. Gia đình Luân cũng đã trả số tiền 500.000 cho chủ cửa hàng nơi Nghĩa và Luân đã bán chiếc điện thoại.
Trong phần tranh luận, vị đại điện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đưa ra lời luận tội, trong đó xác định bị cáo Nguyễn Đăng Nghĩa giữ vai trò là kẻ khởi xướng và thực hành, đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 133, điểm p khoản 1 điều 46, điểm h khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Đăng Nghĩa từ 36 đến 42 tháng tù giam; Đối với bị cáo Nguyễn Thành Luân tuy là trẻ vị thành niên, không phải là kẻ khởi xướng, nhưng lại giữ vai trò là kẻ thực hành tích cực, có nhân thân xấu, bị cáo vừa bị tuyên án về tội Trộm cắp tài sản, nhưng ngay trong ngày tuyên án đó bị cáo đã phạm tội mới, đề nghị áp dụng khoản 1 điều 133, điểm p khoản 1 điều 46, điểm h khoản 1 điều 48, điều 69 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Thành Luân bằng mức án với bị cáo Nghĩa 36 đến 42 tháng tù giam.
Tranh luận với vị đại diện Viện kiếm sát, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Luân đã nêu ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội của bị cáo và đưa ra quan điểm:
Bị cáo Nguyễn Thành Luân phạm tội là do hoàn cảnh xô đẩy, nhận thức pháp luật còn hạn chế cộng với sự buông lỏng việc giáo dục giám sát của gia đình bị cáo, đây là một phần trách nhiệm không nhỏ đối với những người làm cha làm mẹ. Giá như trước khi thực hiện hành vi phạm tội mà bị cáo có được sự can ngăn, khuyên răn kịp thời của cha mẹ và những người lớn tuổi thì có lẽ bị cáo đã không phải đứng trước vành móng ngựa như vậy.
Ngoài tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm h khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự mà đại diện Viện kiểm sát đã ghi nhận, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự với lý do gia đình bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả, trả số tiền 500.000 đồng cho chủ cửa hàng điện thoại, nơi Nghĩa và Luân đã bán hai chiếc điện thoại để lấy tiền tiêu sài. Tuy rằng việc khắc phục hậu quả này không phải cho người bị hại, nhưng chủ cửa hàng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Do vậy việc gia đình bị cáo trả số tiền đó cho chủ cửa hàng điện thoại cũng được coi là khắc phục những thiệt hại gián tiếp do hành vi phạm tội của bị cáo Luân gây nên mà những thiệt hại này không thể bồi thường hay sửa chữa được. Việc áp dụng thêm điểm b khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn có căn cứ.
Bên cạnh đó, luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm các tình tiết được coi là giảm nhẹ khác được quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự cho bị cáo Luân với lý do gia đình bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố bị cáo mất sớm, bị cáo phải nghỉ học sớm, mẹ bị cáo bị bệnh thường xuyên đau ốm…
Đặc biệt, luật sư nhấn mạnh khi phạm tội bị cáo Nguyễn Thành Luân là trẻ vị thành niên. Đây là lứa tuổi suy nghĩ còn bồng bột, nông nổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như tâm sinh lý, chưa nhận thức và ý thức hết được những hậu quả của hành vi mà mình gây ra, thiếu kinh nghiệm sống, khả năng nhận thức về xã hội đã kém, hiểu biết về pháp luật lại càng kém hơn.
Trong phần đối đáp, vị đại diện Viện kiểm sát đã ghi nhận quan điểm của luật sư và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 điều 46, khoản 2 điều 46 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thành Luân
Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình sự cũng như xét về nguyên nhân, điều kiện phạm tội, thái độ của các bị cáo và gia đình trong việc khắc phục hậu quả sau khi thực hiện hành vi phạm tội cũng như xem xét về nhân thân, hoàn cảnh gia đình các bị cáo, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đã xử phạt bị cáo Nguyễn Đăng Nghĩa 40 tháng tù giam, xử phạt bị cáo Nguyễn Thành Luân mức khởi điểm của khung hình phạt là 36 tháng tù giam.
Như vậy, bị cáo Luân sẽ phải chấp hành cả hai bản án cũ và mới. Tổng hợp hình phạt của cả hai bản án là 48 tháng 15 ngày.
Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan -Văn phòng luật sư Hà Lan và Cộng sự, Đoàn luật sư TP Hà Nội Bị cáo Nguyễn Thành Luân phạm tội Cướp tài sản ngay trong ngày tuyên án tội Trộm cắp tài sản. Đây là một điều rất đáng tiếc cho một cậu bé chưa đủ 18 tuổi khi phải cộng dồn cả hai bản án. Chứng kiến cảnh con em mình đứng trước vành móng ngựa chịu sự phán xét của Toà án, một lần nữa những người thân trong gia đình Luân cũng không khỏi đau lòng bởi trong đó cũng có một phần lỗi không nhỏ của chính họ vì đã quá buông lỏng việc quản lý, giáo dục con, chưa kịp thời uốn nắn, khuyên răn Luân để em ngày càng trượt dài, trượt sâu vào con đường tội lỗi. Chỉ mới cách đây chưa đầy 03 tháng họ đã phải chứng kiến cảnh con em mình đứng trước vành móng ngựa để đón nhận phán quyết của pháp luật. Nay một lần nữa họ lại phải chứng kiến cảnh tượng này. Bản án mà bị cáo Luân đón nhận có lẽ sẽ giúp cho bị cáo trưởng thành hơn, sớm trở thành một người con ngoan, một công dân có ích cho xã hội sau này. |
Băng Tâm (BT, Nguồn CTTĐT Liên Đoàn Luật sư Hà Nội)