Sáng 4/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 47 bị cáo khác về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Đây là nhóm bị cáo có kháng cáo sau khi bị TAND TP.HCM tuyên án vào ngày 11/4 vừa qua. Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 1).
Phiên tòa phúc thẩm sẽ xem xét kháng cáo của Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm; kháng cáo của nguyên đơn dân sự là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và kháng cáo của nhiều cá nhân, pháp nhân được xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Từ sáng sớm, một nhóm bị cáo, trong đó có Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ, Trương Huệ Vân…được áp giải đến phiên tòa phúc thẩm, nhóm bị cáo còn lại tham dự phiên tòa tại trại giam, được kết nối trực tiếp qua đường truyền internet. Trong số 47 bị cáo kháng cáo, có 4 bị cáo tại ngoại.
An ninh phiên tòa được thắt chặt, chỉ những người có giấy triệu tập mới được vào tham dự phiên tòa. Phóng viên, nhà báo khi vào tác nghiệp phải có thẻ riêng và phải để các thiết bị thu phát sóng, máy tính (ngoại trừ máy chụp hình) ở ngoài.
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, phiên tòa phúc thẩm xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm diễn ra tại một phòng xử án lớn. Bị cáo Trương Mỹ Lan ngồi ở hàng ghế đầu tiên nơi dành cho các bị cáo, thần sắc tươi tỉnh. Thỉnh thoảng, bị cáo nhìn qua hoặc trao đổi với các bị cáo khác.
Phiên tòa do thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên làm chủ tọa, khai mạc vào sáng 4/11 và dự kiến kéo dài đến ngày 25/11.
Trước đó, hồi giữa tháng 4/2024, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tổng mức án tử hình.
Cụ thể, cấp sơ thẩm nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan.
Trương Mỹ Lan thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; Lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; Mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Với các thủ đoạn nêu trên, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng của SCB. Hành vi của Trương Mỹ Lan đủ yếu tố cấu thành các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản và Đưa hối lộ.
Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu. Vì vậy, cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất mới đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Xét thấy bị cáo Trương Mỹ Lan không còn khả năng cải tạo, cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường 677.000 tỷ đồng cho SCB.
Sau bản án, bị cáo Trương Mỹ Lan có kháng cáo. Theo đơn kháng cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày các nguyên nhân trong việc tham gia tái cơ cấu SCB dẫn đến có rủi ro, nhưng bị cáo không chiếm đoạt tiền của SCB.
Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan xin xem xét lại tội danh mà tòa án cấp sơ thẩm đã buộc tội và tuyên án tử hình đối với bị cáo.