Vụ việc có thật xảy ra vào khoảng 20h30’ ngày 8/8, tại tầng 3 lô Y, chung cư Hoàng Diệu, phường 6, quận 4, TPHCM. Nạn nhân là thanh niên tên Phú (23 tuổi, quê Tây Ninh). Nạn nhân bị một con chó đuổi cắn, nam thanh niên đã nhảy lên lan can tránh nhưng không may trượt chân rơi xuống đất và bị chết.
Nhiều người cho rằng, nuôi chó mà không nhốt để chó đuổi cắn người thì trách nhiệm bồi thường phải thuộc về chủ con chó. Xoay quanh vấn đề này chúng tôi đã có bài phỏng vấn ngắn với luật gia Giang Văn Quyết, thuộc thành hội luật gia Hà Nội.
Pv: Thưa luật gia, đối với trường hợp nuôi chó nhưng không nhốt, khiến chó đuổi người gây hậu quả như chết người thì pháp luật có quy định nào liên quan đến trường hợp này không?
Pháp luật có nhiều quy định về việc nuôi chó và hành vi để chó thả rông. Trong đó có thể kể đến quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra ghi nhận trong Bộ luật dân sự năm 2005; Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật; Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về xử phạt hành chính người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không có rọ mõm. Thậm chí, trong trường hợp dùng súc vật nuôi để tấn công người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường
Pv: Theo luật gia, trong trường hợp cụ thể trên, con chó chưa cắn người thanh niên, mà chỉ có hành vi đuổi khiến người thanh niên hoảng loạn, bỏ chạy và ngã chết thì chủ sở hữu của con chó phải chịu trách nhiệm gì?
Đối với trường hợp cụ thể như trên, chủ sở hữu súc vật đã không thực hiện đúng các quy định về nuôi giữ chó, để chó thả rông. Mặc dù con chó chưa cắn người nhưng việc con chó tấn công thanh niên khiến thanh niên này hoảng sợ, bỏ chạy và ngã từ trên cao xuống. Do đó chủ sở hữu của con chó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật của mình gây ra cho người khác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến yếu tố lỗi trong trường hợp này.
Cụ thể Khoản 1, Điều 629 Bộ luật Dân sự quy định: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
Như vậy, ở đây cần xác định người thanh niên có lỗi hay không trong việc bị chó đuổi. Lỗi ở đây được hiểu là thanh niên trên có chọc giận con chó hay có những hành vi xua đuổi, đánh đập con chó khiến con chó tức giận mà truy đuổi thanh niên này. Trong trường hợp thanh niên trên chỉ đi đứng ở khu đó mà bị chó đuổi thì rõ ràng thanh niên không có lỗi và việc thả rông chó ở khu nhà có nhiều người đi lại thuộc lỗi của chủ sở hữu súc vật và chủ sở hữu súc vật phải có trách nhiệm bồi thường.
Pv: Luật gia có thể cho biết, chủ sở hữu của con chó phải bồi thường như thế nào?
Theo quy định của Bộ luật dân sự thì việc bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định như sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết, chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Cụ thể theo quy định của Điều 610 Bộ luật dân sự năm 2005.
Pv: Vâng, xin cảm ơn ông
Băng Tâm