PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã chia sẻ về ca bệnh cô gái 25 tuổi bị tê yếu nửa người trái, đi khám phát hiện ung thư phổi di căn não giai đoạn 4.
Bác sĩ cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt nửa người trái. Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện cơn co giật toàn thân trong 3 phút rồi tê yếu nửa người trái. Trước đó, cô gái trẻ không có các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở, ho ra máu... Tiền sử gia đình không có bất thường.
Đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ sọ não. Kết quả phát hiện u não vùng thùy trán phải, có hoại tử, chảy máu, phù não xung quanh. Người bệnh tiếp tục chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, phát hiện hình ảnh u thùy trên phổi trái. Bác sĩ xác định, trường hợp này mắc ung thư phổi di căn não, giai đoạn 4.
Với tổn thương di căn não gây chèn ép dẫn đến co giật nhiều lần một ngày và chảy máu trong u, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu lấy khối u não.
Hậu phẫu, người bệnh được chuyển sang Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai điều trị hóa trị phối hợp điều trị đích.
Sau 1 tháng, người bệnh tỉnh táo, không xuất hiện co giật, không đau tức ngực, không khó thở, không đau đầu, tình trạng liệt nửa người trái cải thiện dần. Sáu tháng sau, khối u trên phổi bệnh nhân giảm kích thước, không xuất hiện thêm tổn thương não.
Hiện, sức khỏe nữ bệnh nhân ổn định hơn, không yếu liệt, sinh hoạt bình thường, tiếp tục truyền hóa chất theo phác đồ.
Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến thứ hai trên thế giới (chiếm 11,4%) với khoảng 2,2 triệu ca mắc mới năm 2020. Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi cao nhất trong tất cả bệnh ung thư, với gần 1,8 triệu ca tử vong trong năm.
Ở Việt Nam, ung thư phổi ở vị trí thứ hai sau ung thư gan với khoảng 26.000 người mắc mới và 23.000 người tử vong mỗi năm. 75% bệnh nhân ung thư phổi tại nước ta phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Đây là bệnh lý ác tính tiến triển rất âm thầm ở giai đoạn sớm, hầu như không có biểu hiện lâm sàng. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi khối u kích thước đủ lớn và xâm lấn vào các tổ chức lân cận xung quanh. Đa số trường hợp phát hiện sớm là do khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám các bệnh lý khác tình cờ phát hiện ra.
Ung thư phổi có hai loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 10%; Ung thư phổi không tế bào nhỏ, chiếm khoảng 90%.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tác động gây nên bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
ThS.BS Lê Văn Long, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai 5 triệu chứng hay gặp nhất bạn cần đi khám ngay gồm:
- Ho kéo dài không rõ nguyên nhân: Với tất cả trường hợp ho kéo dài trên 2 tuần, đã điều trị nhưng không có hiệu quả.
- Ho ra máu: Là một dấu hiệu nguy hiểm cần phải được phát hiện sớm và xử trí ngay. Thường được mô tả là ho ra đờm nhuốm ít máu đỏ tươi, trong vài ngày liên tiếp, thậm chí số lượng máu tăng dần theo thời gian.
- Đau ngực: Đôi khi chỉ đau âm ỉ, đau tăng lên khi ho, thường đau một bên ngực hoặc có thể lan lên vai, lan ra sau lưng.
- Khó thở: Là triệu chứng khá thường gặp trong ung thư phổi. Mới đầu có thể khi vận động mạnh, leo cầu thang, khi bệnh tiến triển gây khó thở liên tục, ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Gầy sút cân, mệt mỏi: Đôi khi những người mắc ung thư phổi thường không ho hay đau ngực, chỉ thấy xuất hiện cảm giác chán ăn, ăn không ngon kéo dài, gầy sút từ vài kg tới 5-6kg trong 1,2 tháng.
Ngoài ra, nhóm nguy cơ cao như tuổi trên 50, hút thuốc lá nhiều năm; người làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, các chất phóng xạ hoặc trong gia đình có nhiều người mắc ung thư... cần khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, VnExpress)