Thời gian gần đây, bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận trường hợp bệnh nhi bị chó cắn, dao đâm vào mắt khiến thị lực của trẻ bị tổn thương.
Tại khoa Chấn thương, bệnh viện Mắt Trung ương, bé Trần Quang Thanh (8 tuổi, xã Xuân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đang chờ để được xuất viện, dù những vết thương do bị chó cắn để lại trên mặt vẫn còn.
Bé Thanh nhập viện ngày 20/1/2018. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chị Trần Thị Lâm (mẹ bé Thanh) cho hay, sáng hôm xảy ra sự việc, đàn chó nhà anh chồng chị (nhà sát vách - PV) mới sinh được một ngày. Vì vẫn chơi với chó mẹ nên Thanh có tới bế chó con nhưng không may bị chó mẹ cắn vào vùng mặt.
“Lúc đó, hai vợ chồng tôi đang bốc hàng ở nhà. Sự việc xảy ra quá nhanh, tôi thực sự hoảng sợ và lo lắng”, chị Lâm chia sẻ.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chị Lâm và gia đình đã đưa Thanh tới bệnh viện huyện Phú Bình sơ cứu. Sau đó, các bác sĩ chuyển cháu Thanh lên bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, rồi chuyển lên bệnh viện Mắt Trung ương. “Các bác sĩ thông báo cho gia đình, mắt cháu bị đứt lệ quản. Trưa 20/1, bác sĩ đã mổ cho cháu và nối lại lệ quản”, chị Lâm cho biết thêm.
Chia sẻ về ca bệnh này, Ths.BS Hoàng Cương, bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, cơ địa cháu Thanh bị dị ứng vắc-xin nên cũng khó khăn trong công tác tiêm phòng chó dại về sau.
Trường hợp cháu Triệu Tiến Chiến (11 tuổi, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đang nằm tại khoa Chấn thương, bệnh viện Mắt Trung ương cũng khiến nhiều người xót xa. Theo chị Triệu Thị Tâm (mẹ của Chiến – PV), vài ngày trước, Chiến và một bạn cùng làng đang chơi đùa, do sơ ý, trong lúc rút con dao cau đang cắm ở thân cây ra, chiếc dao vung mạnh, đâm trúng mắt của Chiến đang đứng ngay sát.
“Khi đó, tôi đang làm ruộng, nghe mọi người gọi điện bảo con tôi không biết vì sao bị chảy máu mắt nhiều lắm, tôi vội chạy về. Con bị ngã nằm dưới bùn đất, mọi người cứ thế bế con đi cấp cứu. Lên bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ còn tắm rửa cho cháu vì người cháu đầy bùn đất. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của địa phương. 11 tuổi nhưng con chỉ nặng có 24 cân. Vào viện một ngày, con lại bị sút cân trông thấy. Nhìn con, tôi xót lắm”, nói tới đây chị Tâm ứa nước mắt.
Ths.BS Hoàng Cương cho hay, cháu Chiến bị dao đâm vào mắt như bổ đôi, trong mắt thành đám máu tụ lầy nhầy chứ không còn hình hài của mắt. Tiên lượng việc cứu mắt cháu rất khó khăn và thời gian điều trị cũng lâu dài. Bệnh viện đã tiến hành mổ gây mê, hỗ trợ cháu Chiến về phương tiện thuốc men vì gia đình ở xa và thuộc diện hộ nghèo.
Trao đổi thêm với PV về nguy cơ từ các tai nạn trên, Ths.BS Hoàng Cương nhấn mạnh, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các cháu học sinh được nghỉ học rải rác. Bố mẹ cũng như ông bà đều bận chuẩn bị Tết cũng như tham gia công tác địa phương. Các cháu rơi vào tình trạng ít được người lớn chăm sóc hoặc ở nhà ít được quan tâm, bảo ban nên tự do chơi đùa, tự sáng tác các loại đồ chơi để tự do chơi với nhau mà không có người lớn định hướng nên tai nạn về mắt nói riêng, các tai nạn nói chung xảy ra rất nhiều.
“Khi bị tai nạn, các cháu sợ bố mẹ nên không dám nói, cố tình giấu giếm, không dám khóc. Bên cạnh đó, vì các trường hợp để xảy ra những tai nạn đáng tiếc trên, phần lớn ở nông thôn nên việc di chuyển đến bệnh viện tuyến Trung ương tương đối muộn, thêm phần điều trị trước đó chưa đúng cách khiến bệnh nặng hơn.
Về hậu quả để lại, Ths.BS Hoàng Cương chia sẻ, trẻ có thể bị giảm thị lực, hoặc thị lực mất hẳn. Bởi lẽ, các cháu bé cấu trúc nhãn cầu phát triển chưa ổn định, tiên lượng mù lòa nặng hơn so với người lớn, tương lai có thể thay đổi định hướng nghề nghiệp, hôn nhân. “Chúng tôi thực sự ái ngại cho tai nạn về mắt của trẻ em ở Việt Nam”, Ths.BS Hoàng Cương thông tin.
Nguyễn Huệ