Bị điều tra, phó giám đốc ra nghĩa trang thề độc: Ít ra còn dám thề!

Bị điều tra, phó giám đốc ra nghĩa trang thề độc: Ít ra còn dám thề!

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 6, 21/04/2017 08:57

Lời thề tại nghĩa trang liệt sỹ không giúp vị phó giám đốc chứng minh sự trong sạch của bản thân trước các cán bộ điều tra, nhưng nên nhớ, không phải ai cũng dám thề độc khi bị điều tra, tố cáo.

Theo logic thông thường, thề là một hành động hiếm thấy. Người ta phải uốn lưỡi rất nhiều lần trước khi quyết định đem những điều thiêng liêng, quý báu như danh dự, tính mạng, quỷ thần… để làm chứng cho lời nói của mình. Dẫu biết rằng mọi lời thề đều xuất phát từ nhu cầu được tin tưởng nhưng không phải lời thề nào cũng đáng để lắng nghe.

Trong giao tiếp, một lời thề có thể giúp người nói bảo vệ thông tin mà mình đưa ra nhưng cũng có thể biến người nói thành một diễn viên xuất chúng trong mắt người nghe. Tôi biết một số người sẵn sàng cúi đầu van xin, thề thốt “lần sau không thế nữa” khi bị bắt quả tang nhưng sau cùng vẫn ngựa quen đường cũ – và đáng buồn thay, kiểu người này không hề hiếm gặp trong xã hội.

Mang đầy “tác dụng ngược” và “phản ứng phụ” như thế nhưng người ta vẫn dành ưu tiên số một cho việc thề thốt khi muốn khẳng định những chuyện trời biết, đất biết, anh biết, tôi biết còn những người khác đều không biết. Bởi so với việc để mất danh dự, tự trọng thì sự xui xẻo nếu thực sự xảy ra ở thì tương lai cũng chẳng đáng sợ bằng.

Mới đây, ông Nguyễn Công Khanh - Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Công trình Đô thị Mỹ Tho (Tiền Giang) đã ra nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang thề độc rằng nếu ông gian dối, “ra đường xe cán chết luôn”.

Xi nhan Trái Phải - Bị điều tra, phó giám đốc ra nghĩa trang thề độc: Ít ra còn dám thề!

 Cầu và đường vào nhà ông Khanh do công ty Công trình Đô thị Mỹ Tho thi công. (Ảnh: Dân Việt)

Trước đó, thanh tra tỉnh Tiền Giang đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại công ty Công trình Đô thị Mỹ Tho, với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Theo kết luận thanh tra, việc ông Khanh nhờ công ty làm 2 cây cầu và 1 đường nhựa vào nhà mình nhưng “quên” trả tiền là có thật. Đồng thời, đoàn thanh tra cũng yêu cầu ông Khanh nộp số tiền 33 triệu đồng cho công ty.

Tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, ông Khanh thừa nhận việc nhờ công ty xây cầu và đường vào nhà nhưng phủ nhận việc “quên” trả tiền: “Tôi có gửi lại tiền cho anh T., số tiền tôi không nhớ rõ. Hôm nay, cảnh sát điều tra, đã 2 năm trôi qua rồi mà anh T. nói là không đưa, tôi rất là nhức nhối nhưng tiền tôi đã khắc phục theo yêu cầu của công an.”

Dĩ nhiên, lời thề này không thể giúp ông Khanh tạo được niềm tin, chứng minh mình trong sạch trước các cán bộ điều tra; thậm chí khiến người nghe băn khoăn về mối quan hệ giữa ông Khanh và “anh T.” (phải thân đến đâu mới có thể đưa tiền mà không cần giấy biên nhận) cũng như khả năng ghi nhớ của một vị phó giám đốc (phải suy giảm tới mức nào mới quên mất số tiền đã trả năm xưa). Nhưng xét ra, không phải ai cũng dám đem tính mạng của mình ra để thề khi bị tố cáo.

Ai về hội Minh Thề ở Hải Phòng mà xem ngoài trưởng thôn (không phải cán bộ công chức Nhà nước) ra, có bao nhiêu “quan chức” cấp xã, cấp huyện dám hô vang lời thề trung thực, minh bạch trước bàn dân thiên hạ?

Câu trả lời - đáng tiếc - lại là một số 0 tròn trĩnh.

Trương Chi

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.