Trong cuộc gặp với ông Surukiat Sathirathai, Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Hòa bình Châu Á và cũng là cựu Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan, ông Vương Nghị đã đưa ra đề xuất về 3 hướng giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải mỗi lúc một căng thẳng và nóng bỏng giữa Trung Quốc với một loạt các nước láng giềng ở Biển Đông.
Theo ông Vương Nghị, cách thứ nhất là đạt được thỏa thuận thông qua các cuộc đàm phán, tham vấn giữa những bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp. Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh, đây là cách cơ bản và cũng là cách duy nhất có thể dẫn tới giải pháp cuối cùng.
Ông Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc luôn mở rộng cửa cho các cuộc đối thoại với tất cả các bên có tranh chấp. Những cáo buộc cho rằng, biện pháp đàm phán không thể được thực hiện là không có cơ sở và hoàn toàn không chính xác.
Cách thứ hai mà Ngoại trưởng Trung Quốc đề xuất là tiếp tục thực hiện Tuyên bố về Cách ứng xử của Các bên ở Biển Đông và dần tiến tới việc đàm phán, tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng, cả Tuyên bố về Cách Ứng xử của Các bên ở Biển Đông và Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông đều không phải là giải pháp cho các cuộc tranh chấp nhưng chúng có ý nghĩa trong việc bảo đảm hòa bình và sự ổn định trong khu vực.
Theo lời ông Vương Nghị, Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông đang bị cản trở bởi hành vi của một số cá nhân và Trung Quốc không muốn nhìn thấy chuyện đó xảy ra.
Cách thứ ba được Trung Quốc đưa ra là tìm kiếm các cách thức để tiến hành khai thác chung ở Biển Đông. Ông Vương Nghị cho rằng, sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm được một giải pháp cuối cùng cho các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Vì thế, trước khi có được giải pháp này, các bên có liên quan nên cùng tìm kiếm các cách thức để khai thác chung trên cơ sở các bên cùng có lợi và vì lợi ích chung.
Ngoại trưởng Trung Quốc tin rằng, khai thác chung không chỉ vì lợi ích kinh tế mà nó còn phát đi những thông điệp và tín hiệu cho những khu vực khác trên thế giới rằng, các nước ở Châu Á sẵn sàng giải quyết tranh chấp theo cách thức hợp tác.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh, Trung Quốc luôn ủng hộ giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế. Đây là hai điều vô cùng quan trọng và không điều nào được bỏ qua.
Bắc Kinh đã đưa ra các đề xuất trên trong bối cảnh nước này liên tiếp phải đối mặt với sự dồn ép, “bao vây” từ phía Mỹ, Philippines và Nhật Bản. Philippines và Nhật Bản không chịu được sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp nên đã “tung” ra nhiều biện pháp đáp trả đồng thời thiết lập liên minh để đối phó với nước này. Trong khi đó, Mỹ cũng đứng về phía hai đồng minh lâu năm là Nhật Bản và Philippines để chỉ trích, lên án Trung Quốc.
ASEAN, Trung Quốc bàn về Biển Đông
Trong một diễn biến khác có liên quan đến vấn đề Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc hôm qua đã có cuộc gặp gỡ, bàn thảo về một loạt vấn đề, trong đó có cả các cuộc tranh chấp biển đảo đang nóng bỏng hiện nay.
Thái Lan đã đứng ra chủ trì một diễn đàn cấp cao kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc nhằm đánh giá lại mối quan hệ và sự hợp tác giữa hai bên trong thập kỷ qua.
Tất cả các lĩnh vực quan hệ như kinh tế, an ninh và những sự hợp tác khác giữa ASEAN và Trung Quốc đều đã được đưa ra thảo luận tại diễn đàn với sự tham gia của các bộ trưởng, cựu bộ trưởng, đại sứ, cũng như các học giả, chuyên gia.
Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovijakchaikul trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn đã ca ngợi “mối quan hệ thân thiết” giữa ASEAN và Trung Quốc đồng thời bày tỏ mong muốn mối quan hệ này được thúc đẩy hơn nữa trong tương lai.
Philippines gần đây liên tiếp thực hiện nhiều bước đi, động thái nhằm gây sức ép, đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc có một vướng mắc khá lớn, đó là các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt ở Biển Đông.
Nói về các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và một số thành viên ASEAN, Ngoại trưởng Surapong kêu gọi các bên giải quyết bất đồng, mâu thuẫn một cách hòa bình và nỗ lực hợp tác vì hòa bình, sự ổn định trong khu vực.
"Chúng ta không nên để vấn đề này trở thành một phong vũ biểu trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Chúng ta cần phải biến vùng biển bất ổn và thiếu tin cậy lẫn nhau thành vùng biển của sự hợp tác và chia sẻ lợi ích chung", ông Surapong nói.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Thái Lan cũng nói thêm rằng, “có nhiều khả năng” đạt được những tiến bộ cụ thể trong việc tạo ra một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông tại Hội nghị Thượng định Đông Á ở Brunei vào tháng 10 tới. Hội nghị này sẽ diễn ra sau khi các quan chức cao cấp giải quyết vấn đề Biển Đông vào tháng 9 tới đây.
Phản ứng trước những phát biểu trên của Ngoại trưởng Thái Lan, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc cam kết sẽ giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông với các nước thành viên ASEAN để duy trì hòa bình và sự ổn định. Ông này tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ASEAN trong việc tìm kiếm một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông và thực hiện Tuyên bố chung về Cách Ứng xử của Các bên ở Biển Đông.
Giới lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng vẫn luôn đưa ra những lời phát biểu hết sức tốt đẹp về hòa bình, ổn định khu vực, về mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán. Tuy nhiên, trên thực tế, những hành động của Trung Quốc trong thời gian vừa qua lại luôn đi ngược lại với tuyên bố của họ.
Theo Vnmedia