Kỳ 1: Nhẹ dạ nghe cò mồi…
Tạp chí Người Đưa Tin pháp luật nhận được đơn tố cáo của nhóm người lao động (NLĐ) gồm anh Nguyễn Văn Thìn (sinh năm 1976), Trương Xuân Bình (SN 1977), Nguyễn Cao Long (SN 1986) tại tỉnh Nghệ An và các anh Nguyễn Văn Hoàn (SN 1973) tại tỉnh Hà Tĩnh, về việc bị lừa đưa đi XKLĐ “chui” bằng đường du lịch khiến tiền mất tật mang, ảnh hưởng cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Theo nội dung phản ánh, tháng 2/2020, qua giới thiệu, nhóm người nói trên được bà Nguyễn Thị Hương (ĐT: 037.7273xxx) cho biết có đơn hàng đi làm thợ đổ bê-tông, lắp cốt-pha… tại Bờ Biển Ngà (tuyển lao động phổ thông, không yêu cầu trình độ). Chi phí đi là 4.000 USD, chỉ cần nộp trước 1.000 USD, còn lại NLĐ có thể nợ khi đi làm tại Bờ Biển Ngà (lương 1.000 USD/tháng, làm 26 ngày) và được trừ dần vào lương.
Sau đó, họ được đưa đến trụ sở công ty Cổ phần Giáo dục và Du lịch VIETKITE (gọi tắt là công ty VIETKITE) tại địa chỉ: Tầng 3, nhà B6A, khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, cùng với bà Hương còn có ông Nguyễn Phạm Đềm (ĐT: 0982.232xxx), xưng là lãnh đạo cty VIETKITE và hai người của công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực ABC (gọi tắt là công ty ABC) là ông Trần Văn Quỳnh (ĐT: 0984.883xxx) và bà Nguyễn Thị Bảy (ĐT: 0982.884xxx) để thống nhất nội dung mà bà Hương tư vấn.
Sau khi đã nộp 9 đến 10 triệu đồng khám sức khoẻ, ngày 11/3 họ được yêu cầu có mặt ở TP.Hồ Chí Minh và nộp 14 triệu đồng cho ông Đềm (có phiếu thu đóng dấu treo của công ty VIETKITE), nộp 1.000 USD cho người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Thuý Hồng (ĐT: 0819.133xxx). Toàn bộ giao dịch XKLĐ này không hề có hợp đồng mà chỉ có một thư mời bằng tiếng Anh do ông Đềm, bà Hồng cho NLĐ xem nhưng họ không hiểu gì.
Ngày 15/3, NLĐ xuất cảnh và sang Bờ Biển Ngà ngày 16/3, được một người đàn ông tên là Hà ra đón. Tuy nhiên, khi tới nơi, công ty sử dụng lao động thông báo, họ chỉ nhận công nhân kỹ thuật có trình độ cao, nên 5 người không được nhận vào làm việc.
Nhưng sự việc không dừng tại đây, họ bị giữ hộ chiếu và bắt phải nộp tiền chuộc. Trong quá trình chờ đợi, 3 người được đưa về nhà ông Hà, 2 người còn lại thì công ty yêu cầu đi làm để trừ vào tiền hộ chiếu. Đúng lúc này, dịch Covid-19 bùng phát tại Bờ Biển Ngà .
Sau đó, nhóm NLĐ đã nhiều lần đề nghị ông Đềm phải có trách nhiệm mua vé máy bay để về nước nhưng không được, nên gia đình NLĐ phải tiếp tục vay mượn, cầm cố nhà cửa để mua vé máy bay từ Bờ Biển Ngà sang Pháp và từ Pháp về Việt Nam vào ngày 23/7/2020, với tổng số tiền là 64.900.000 đồng/người. Tổng chi phí họ đã phải chi trả cho chuyến XKLĐ “chui” này là 150 triệu đồng/người.
“Sau khi về nước, chúng tôi yêu cầu những người có liên quan phải có trách nhiệm trả lại chúng tôi số tiền đã nộp, cũng như phần nào bù đắp khắc phục hậu quả với những gì họ đã gây ra cho chúng tôi, nhưng ông Đềm còn lên tiếng thách thức. Do đó, chúng tôi xin cầu cứu đến các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn ngôn luận để làm rõ trách nhiệm của ông Đềm cũng như những người liên quan, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chúng tôi”, anh Bình cho hay.
Thực hư vụ việc này là như thế nào, có đúng như đơn thư phản ánh không? Vai trò của ông Nguyễn Phạm Đềm và hai công ty VIETKITE, công ty ABC ra sao? Có hay không đường dây "ngầm" XKLĐ trái phép, trục lợi trên sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân nghèo ở nông thôn hay không?...
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong kỳ 2: Sự thật được hé mở...
Minh Minh - Phạm Tùng