Theo cáo trạng của VKSND TP.T.B, tỉnh T.B, vào khoảng 5h30 sáng 14/7, Phạm Triều (SN 1965), trú thôn T, xã Đ.M, TP.TB, cầm theo con dao băm rau lợn chạy sang nhà chị dâu là bà Lê Thị B. (SN 1961) đuổi chém bà này.
Thấy vậy, bà B. chỉ kịp kêu cứu rồi bỏ chạy, nhưng Triều vẫn cầm dao tiếp tục đuổi theo. Do quá hoảng sợ nên bà B. nhảy xuống con sông trước nhà bơi sang bờ bên kia, nhưng chạy được khoảng 200m thì bị Triều đuổi kịp, vung dao chém tới tấp.
Hậu quả bà Lê Thị B. bị chém một nhát vào cổ tay khiến cổ tay bị gãy, 4 nhát vào vùng đầu và vai gáy gây thương tích nặng, gục xuống ven đường. Phát hiện sự việc, người dân đã đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện.
Sau khi bị bắt Triều khai, vì ghét chị dâu nên Triều đã tấn công bà này. Trước đó, giữa Triều và gia đình anh trai, chị dâu không có mâu thuẫn gì lớn.
Kết quả giám định cho thấy bà B. bị tổn thương cơ thể 51%.Căn cứ kết quả điều tra, VKS quyết định truy tố bị can Phạm Triều về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 4 Điều 134 BLHS.
Ngày 17/8, TAND TP.T.B mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Đắc Phúc. Đại diện VKSND, bà Lê Minh Ngọc. Luật sư Hoàng Huynh, đoàn luật sư tỉnh T.B, làm người bào chữa cho bị cáo Triều. Đại diện gia đình bị cáo và bị hại.
VKS: Bị cáo phạm tội với tình tiết côn đồ
Theo lời khai nhận của bị cáo tại cơ quan điều tra, giữa bị cáo và gia đình nạn nhân vốn không có mâu thuẫn gì lớn. Tuy nhiên, bị cáo rất ghét chị dâu vì bà này hay góp ý, nhắc nhở bị cáo uống rượu. Trước hôm xảy ra vụ án 3 ngày, khi sang nhà anh trai làm giỗ cha, Triều có uống rượu và lại bị bà Bưởi góp ý. Cho rằng bà B. cố ý hạ nhục mình trước mặt anh em, họ hàng, Triều sinh lòng thù tức nhưng vì có đông người nên bị cáo kiềm chế.
Sáng 14/7, sau khi uống hết nửa chai rượu trắng, Triều nhờ tới chuyện hôm trước và cơn tức giận nổi lên. Bị cáo chạy xuống bếp, lấy con dao thường dùng để băm rau cho lợn, chạy sang nhà anh trai tìm chị dâu để “tính sổ”. Thấy bị cáo hùng hổ chạy tới với con dao trên tay, bà B. sợ hãi bỏ chạy, thậm chí nhảy xuống sông, bơi qua bở bên kia.
Tuy nhiên, Triều quyết tâm đuổi theo và khi đuổi kịp bà này, bị cáo đã tấn công khiến bà B. trọng thương. Gây án xong, Triều xách dao về nhà, sau đó bị cơ quan công an mời lên làm việc rồi tạm giữ.
Như vậy, chỉ vì khó chịu với sự nhắc nhở, góp ý của chị dâu mà Triều sinh lòng thù tức, gây thương tích cho bà này. Hành vi này đã cấu thành tội Cố ý gây thương tích, được quy định tại Điều 134 BLHS. Bị truy tố theo khoản 4 do bị hại bị tổn thương cơ thể 51%, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Phạm Triều 7 năm tù giam.
Bị cáo Triều: Chị B. đã cố ý xúc phạm tôi
Kính thưa HĐXX, tôi thừa nhận hành vi mà cáo trạng đã quy kết và không có ý kiến gì về tội danh. Tuy nhiên, việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Ngay từ khi kết hôn với anh trai tôi, chị B. đã rất ghét tôi, ra mặt thể hiện thái độ không ưa tôi, dù tôi chả làm gì nên tội.
Bất cứ khi nào có dịp tụ họp gia đình là chị ấy lại kiếm cớ xúc xiểm, mỉa mai tôi. Lúc thì chê tôi không nhanh nhẹn, lúc lại nói tôi thiếu chín chắn. Dù tôi có uống rượu hay không, chị ấy cũng lớn tiếng mắng mỏ tôi.
Khi còn trẻ, vì nể tình anh trai tôi nên tôi nín nhịn cho êm cửa êm nhà, nhưng giờ đã 2 thứ tóc rồi mà chị ấy vẫn mắng tôi như trẻ nít, lại ngay trước mặt con cháu khiến tôi cảm thấy mất mặt. Nếu như chị ấy gọi tôi ra một chỗ rồi góp ý thì tôi cũng chả làm vậy. Mong tòa minh xét.
Bị hại B.: Tôi chỉ muốn tốt cho chú ấy
Khi sự việc mới xảy ra tôi cũng rất giận chú ấy. Chị em mấy chục năm rồi mà chú ấy dám làm vậy với tôi thì thật là không thể chấp nhận được. Nhưng sau tôi ngồi suy nghĩ lại, thấy mình cũng có chút hơi quá.
Vì coi chú ấy như em ruột của mình nên thấy chú ấy không lo làm ăn mà cứ suốt ngày rượu chè nên tôi mới góp ý để chú ấy sửa chữa. Có thể là cách góp ý của tôi chưa thật sự khéo léo, tế nhị nên chú ấy thấy ấm ức.
Giờ sự việc cũng đã xảy ra rồi, trách hận cũng chả giải quyết được gì. Tôi chỉ mong chú ấy sớm hiểu được hành vi của mình là sai trái, cải tạo tốt để sớm trở về với vợ con. Ngoài ra, tôi chỉ yêu cầu chú ấy bồi thường tiền thuốc men, không yêu cầu tiền tổn thất tinh thần.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Triều:
Thân chủ của tôi bị kích động mạnh
Thưa quý tòa, sau khi nhận lời làm người bào chữa cho bị cáo Triều, tôi đã gặp và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của anh ta.
Tôi cũng đã gặp các thành viên trong gia đình Triều, những người đã chứng kiến sự việc hôm đám giỗ. Đa số đều nói rằng bà B. có hơi quá khi mắng Triều như mắng con cháu ngay trước mặt người thân.
Vẫn biết việc bà B. góp ý là để tốt cho Triều nhưng việc góp ý cũng phải có văn hóa, tế nhị, để người bị góp “thẩm thấu” được chứ không phải là thấy “mất mặt”, xấu hổ…
Theo như lời Triều nói thì nhiều năm qua Triều đã phải nín nhịn, không phản ứng lại chị dâu vì sợ anh trai buồn.
Tuy nhiên, sự ấm ức đó bị tích tụ trong một thời gian dài nên càng dễ “bùng nổ”. Và những lời góp ý nhứ té nước vào mặt của bà B. vào hôm đám giỗ khiến Triều bị kích động mạnh.
Trong đầu bị cáo chỉ có một ý nghĩ duy nhất là bà B. đã làm mình mất hết thể diện, mình phải trả thù. Và bị cáo đã làm cái việc không ai ngờ tới…
Tuy tôi không đồng tình với cách hành xử của Triều nhưng tôi nghĩ mọi người nên thông cảm và hiểu cảm giác của Triều lúc đó.
Ngoài ra, trước khi phạm tội, Triều có nhân thân tốt, chưa tiền án, tiền sự, lại thành khẩn khai báo. Vì vậy tôi thấy mức án mà đại diện VKS vừa đề nghị là quá nặng. Đề nghị HĐXX xem xét.
HĐXX: Bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình
Căn cứ và lời khai nhận tội của bị cáo, lời khai của bị hại, nhân chứng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa hôm nay, HĐXX nhận thấy việc VKS truy tố bị cáo Phạm Triều về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 4 Điều 134 BLHS là có cơ sở.
Chỉ vì giận chị dâu đã góp ý mà Triều đã tấn công bà này rất dã man. Hành vi của Triều thể hiện tính côn đồ, manh động và coi thường mạng sống của người khác, coi thường pháp luật. Nếu không đồng ý với cách góp ý của chị dâu, bị cáo có thể nói thẳng với bà này. Đằng này bị cáo lại chọn cách giải quyết quá bạo lực, quá côn đồ. Hành vi của bị cáo cần phải cách ly khỏi đời sống xã hội để làm gương.
Việc luật sư bào chữa cho rằng bị cáo phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là không có cơ sở. Chuyện góp ý đã diễn ra từ 3 ngày trước và cũng chỉ dừng lại ở những lời nói, mức độ chưa có gì nghiêm trọng. Có thể bà B. thiếu tế nhị, thiếu khéo léo chứ hành vi đó không phải là hành vi trái pháp luật, yếu tố bắt buộc khiến người phạm tội phạm tội trong tình trạng bị kích động. Do vậy, quan điểm này không có cơ sở để xem xét.
Áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 4 Điều 134 BLHS, xử phạt bị cáo Phạm Triều 7 năm tù giam về tội Cố ý gây thương tích. Buộc bị cáo phải bồi thường 120 triệu đồng tiền chi phí điều trị, tiền thuốc cho bà B.
Bị cáo, bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương