Những cú "alô sex" lúc nửa đêm
Tuy nhiên, bên cạnh những người sử dụng điện thoại một cách hợp lí, coi điện thoại là phương tiện hữu ích cho mục đích thông tin liên lạc, thì nhiều người còn thiếu văn hóa trong việc sử dụng. Nháy máy, dùng "alô" để quấy rối trở thành trò đùa của không ít thanh thiếu niên nhàn cư vi bất thiện.
Với không ít người thì việc nháy máy là một trò đùa khoái trí vì họ cứ cố tình ấn số của người cần trêu trọc hoặc quấy rối cho phát tín hiệu ầm ĩ rồi sau đó lại nhanh tay tắt máy. Việc nháy máy khiến cho người được gọi luôn bực bội, căng thẳng vì bị làm phiền mọi lúc. Tắt máy, không nghe thì không đành mà để máy trả lời thì bị quấy rối bởi trò nháy máy của những kẻ thiếu ý thức.
Anh Nguyễn Văn Học, một thanh niên nhàn rỗi ở làng Trường Lâm (Việt Hưng, Hà Nội) được mọi người đặt cho biệt danh là "vua nháy máy". Kì tích nhất của anh Học là chỉ trong một buổi trưa mà anh nháy vào số máy của một người bạn lên đến hơn 200 lần, lí do là vì con bé ấy tinh tướng không chịu trả lời tin nhắn làm quen. Anh Học còn tự đắc khoe rằng: "Máy lại chỉ báo là 0 giây, nên chẳng mất xu nào mà còn được sướng tay".
Thanh niên nông thôn nghĩ ra vô khối trò quậy phá từ dế. Ảnh minh họa.
Còn anh Trần Minh Hiếu, ở Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, cứ vào tầm 2 - 3h đêm, số máy lạ nháy vào số máy anh. Sau một thời gian điều tra, anh mới biết chủ nhân của số thuê bao lạ đó là của một người khác làng nhưng có quen sơ sơ nên biết được số di động của anh và nảy ra ý định trêu chọc. Chẳng chịu để yên cho kẻ phá đám, anh Hiếu cùng một số chiến hữu trong làng kéo sang dằn mặt anh chàng nháy máy kia. Làng xóm hai bên phải chứng kiến một trận ẩu đả vì những chuyện không đâu.
Chị Hoài Thanh, quê ở Mĩ Đức, Hà Nội ngậm ngùi kể lại, từ hồi mua điện thoại cho con trai, cứ tưởng sẽ dễ bề quản lí, ai ngờ đám trẻ chỉ toàn sa vào các trò chơi điện tử trên điện thoại, "chat chit" nhắn tin. Hết tiền nạp thẻ không xin được bố mẹ thì lấy trộm đồ ở nhà đem đi bán, học hành ngày càng giảm sút. Nhưng như thế vẫn còn may mắn hơn bé Hương "Tèo" xóm bên cạnh, chẳng hiểu quen biết người yêu qua điện thoại thế nào mà "bụng vượt mặt". Bây giờ cả bố mẹ, họ hàng cũng không biết tác giả là ai? "Truy từ cái điện thoại di động mà ra đâu có dễ", mẹ Hương than thở.
Từ cái "alô" đến những vụ "quậy"
Chị Nguyễn Thị Thúy, quê ở thôn Phú Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) đang làm nhân viên tiếp thị cho hãng mỹ phẩm Unilever ở Hà Nội, ngậm ngùi kể lại, do công việc bận rộn, ít dành thời gian để về quê, nên chị chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Vậy mà, cách đây khoảng một tháng, gia đình chị Thúy nhận được cú điện thoại nặc danh cho biết chị đang làm gái trên thành phố, thậm chí đã có người nhìn thấy đi vào khách sạn.
Mẹ chị Thúy nghe tin, nhục nhã đến mức phải vào trạm xá cấp cứu. Còn bố chị nổi giận lôi đùng, lên tận thành phố để tìm con. Đến nơi, sau khi nghe con gái giải thích cụ thể, bố mẹ chị mới vỡ lẽ. Hóa ra số điện thoại lạ kia là của một người bạn cùng công ty của chị Thúy. Do không cưa cẩm được chị đã nảy ý định trả thù.
Anh Nguyễn Văn Nhót ở thôn Lưu Xá (Đức Giang, Hà Nội) kể lại, vào ban đêm, đang trong lúc men say ngà ngà, anh nhận được một cú điện thoại từ một số máy lạ, lời lẽ miệt thị, chửi bới thậm tệ và hẹn: "Giỏi thì 20 phút nữa mày đến trước cổng trạm xá quyết một trận". Đang trong cơn tức giận, anh Nhót cầm ngay chiếc gậy phi thẳng ra trạm xá. Trong màn đêm nhập nhoạng, anh Nhót nhảy vào đánh, đấm tới tấp. Sau đó, anh Nhót mới nhận ra người mình đánh là anh Hưng, cán bộ văn hóa xã. Anh Nhót bị gọi vào Ủy ban xã để giải quyết vì vô cớ đánh người.
Từ ngày có cái "alô", nhiều nhóm trai làng không việc làm có thêm công cụ tiện lợi để phục vụ việc "quậy" để "giữ" gái thôn. Chỉ cần thấy thấp thoáng bóng thanh niên lạ dò hỏi một chị em nào trong thôn, các trai làng quá khích ngay lập tức “alô” cho nhau để "dạy dỗ”. Nhiều trận hỗn chiến của đám trai làng đã xảy ra chính vì mức độ truyền thông nhanh nhậy của điện thoại di động. Cân bằng được sự phát triển của văn hóa với sự phát triển của thời buổi công nghệ hiện đại, để công nghệ không bị sử dụng một cách thiếu văn hóa là một bài toán khó thực tế xã hội đang đặt ra với các nhà quản lí.
Phương Thu