Dân tình vẫn đang xôn xao với việc anh Lâm xe lăn tố quán phở gà ở phố cổ Hà Nội. Sau hai ngày tấn công quán phở vì tin vào clip thì cư dân mạng phát hiện clip có vấn đề, mấy bạn có trình suy luận và cả kỹ thuật giỏi đã chỉ ra rằng clip ấy có vấn đề. Thế là lại ào ào quay xe lên án người quay clip.
Anh ấy là một tiktoker có rất đông người theo dõi.
Và đúng là, sau khi check camera của quán thì thấy tiktoker kia đã “nói thêm”. Thực tế là quán rất chật, và anh cùng bạn gái đã được đón tiếp “hơn mức bình thường”, bởi thêm cái xe lăn cồng kềnh.
Sau vài ngày để nguyên thì tới giờ tất cả “dấu tích” của “sự kiện” này đã được chàng tiktoker này xóa.
Trước đó, một loạt các quán ăn, nhà hàng ở Sài Gòn cũng khốn khổ với các tiktoker khi họ cho mình có quyền vào các quán ăn nhà hàng ấy quay clip phát lên mạng và... chấm điểm, bình phẩm...
Cũng mới nhất nữa, là sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng phải kêu cứu vì bị khán giả hiểu nhầm là họ tổ chức sô diễn cho một nghệ sĩ mà họ cho rằng đã cướp công cướp danh tiếng, sống không tốt với nghệ sĩ mà họ yêu mến. Cô này, là cháu của nghệ sĩ nổi tiếng mới mất, đang có những kiện tụng thừa kế với con gái của chính nghệ sĩ ấy. Một sân khấu có tên gần giống sân khấu này tổ chức nhưng dân mạng tưởng nhầm sân khấu này, ào ạt vào comment xấu và chấm một sao.
Lại nữa, cũng mới, một thanh niên hoi, 22 tuổi, giả mạo một cái công văn của Chủ tịch tỉnh Gia Lai giao bốn trăm héc ta đất rừng cho một Công ty ở một huyện của Gia Lai, theo lời khai ban đầu là để... khè cư dân mạng, tức giải quyết khâu oai, và tất nhiên thì bây giờ đang giải quyết hậu quả với cơ quan chức năng.
Trước đấy thì nhiều, rất nhiều những vụ ầm ĩ trên mạng, do các “thế lực mạng” gây ra, vụ thì bị phạt, vụ thì ầm ĩ rồi thôi. Nhiều người đáng kính bị “gán chữ vào mồm” rồi tung lên mạng và ào ào ăn gạch đá. Như hồi một Giáo sư sử học rất đáng kính bị xuyên tạc câu nói và ông ăn đủ. Tất nhiên, ông không thanh minh, bởi trên mạng cũng có rất nhiều người tốt, hiểu biết, họ vạch ra những trò bẩn ấy, và lên tiếng. Dân mạng, như thường lệ, một số im lặng như mình chưa từng vừa chửi ầm ầm, một số khác thì “quay xe”, một từ mới của dân mạng. Và nhiều người dũng cảm, tử tế, lên trang của mình xin lỗi.
Nó có một thực tế như thế này, rất nhiều người chơi mạng nhưng không hiểu mạng, thấy mình như vua trên trang của mình. Thấy gì cũng phát biểu, thấy ai cũng comment, cũng phán xét, và cao hơn, chửi vô tội vạ.
Nó cũng như nghề báo, dẫu được đào tạo bài bản, dẫu chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan, sự bồi dưỡng nghiệp vụ và cả tư cách đạo đức nhưng thi thoảng vẫn có những ông bà rất "bố đời", rất muốn dạy thiên hạ. Nhiều người bắt tay được lãnh đạo là nghĩ mình cũng có thể làm lãnh đạo, nên lâu lâu lại có vụ nhà báo này bị bắt, nhà báo kia bị kỷ luật. Mà nhà báo, muốn được xuất bản những gì mình viết, phải qua nhiều khâu biên tập.
Nên việc cư dân mạng, khi mình làm chủ một tài khoản mạng, tự coi mình vừa là tổng biên tập vừa là phóng viên trang mạng của mình, mà không có kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội và cả ý thức công dân... thì rất dễ trở thành nạn nhân của chính mình, khi mà thấy gì viết nấy, thấy gì comment ngay lập tức, hoặc vô tư share về, không phải qua ai, qua khâu nào.
Nhớ năm nào đó, một ông nhà báo có thẻ, tù mù thế nào, lấy cái ảnh các quan tham nước ngoài đi nhậu với gái gán cho là giáo viên ở một tỉnh đi tiếp khách, đăng lên facebook của mình, tất nhiên là ông bị kỷ luật nặng, tối tăm mặt mũi.
Người hiểu biết, trong nghề còn thế, huống gì người thường.
Và mạng cũng gây tai nạn vào chính nồi cơm của từng gia đình.
Những người đăng tin vịt đa phần bị phạt 7,5 triệu, số tiền không nhỏ với người bình thường. À nhân đây nói luôn, hôm qua lại cũng có tin vịt là cái ông tiktoker tố quán phở gà ấy bị phạt 7,5 triệu, cơ quan chức năng phải vội vàng cải chính là đang còn tìm hiểu để xử lý, chưa có mức phạt nào được đưa ra.
Cái nồi cơm từng gia đình ấy, qua mạng bị lừa cũng khá khủng khiếp.
Hôm qua ở ngay Hà Nội, có một người bị mất mười lăm tỉ ba trăm triệu sau cuộc gọi lừa và thao tác “theo hướng dẫn” trên mạng. Và không chỉ người này, mà công an Hà Nội thông báo, từ đầu tháng 1 đến nay, tại Thủ đô có tới 6 người dân bị lừa hơn 20 tỉ đồng qua mạng, với bài là cài app dịch vụ công.
Hà Nội còn thế, các địa phương vùng sâu vùng xa thì như thế nào?
Theo thống kê thì nước ta là một “cường quốc” về bị lừa tiền trên mạng. Cả thế giới bị lừa mất 53 tỉ đô la, Việt Nam của chúng ta “góp” vào đấy hơn 16 tỉ, chiếm xấp xỉ 1/3 của thế giới. Rất là đau xót nhưng cũng chứng tỏ rằng dân ta vẫn nhiều người giàu và rất ngây thơ.
Tất nhiên chúng ta đã có Luật An ninh mạng, có nhiều thông báo, hướng dẫn giúp người dân hiểu biết vân vân, nhưng quả là, mạng nó cũng giống như ngoài đời thật, cũng có đầy đủ các trạng huống hỉ nộ ái ố, có đủ mọi hạng người. Người tốt là chủ yếu nhưng cũng có người xấu trà trộn để làm điều xấu. Người thông minh nhiều nhưng người ngây thơ cũng không ít, nên mới bị lừa, nhiều vụ lừa rất dễ. Nhiều quy định, nhiều hướng dẫn, và cả luật chưa theo kịp sự phát triển. Như ai ngờ rất đông thanh niên có học, bị lừa vào những hang ổ lừa đảo, ngồi ở nước ngoài dùng mạng lừa chính đồng bào mình trong nước, có khi là chính bố mẹ mình, một nắng hai sương kiếm tiền nuôi con.
Có hai việc cần làm song song, một là Nhà nước cần tăng cường hơn nữa các biện pháp để làm trong sạch thế giới mạng, bảo vệ công dân. Và hai, từng cá nhân phải tự nâng mình lên để không bị lừa và dẫn dắt người khác bị lừa. Rõ ràng bây giờ, vai trò của các KOLs là rất lớn. Nếu họ dẫn dắt đúng thì cư dân mạng không bị lôi vào mê hồn trận, còn nếu họ sai, thiên kiến, thì tiếp tục những cãi vã, chửi nhau và cả sai trái, thậm chí là tội ác, vi phạm pháp luật... tiếp tục diễn ra.
Đã đành, ai cũng có quyền, nhưng quyền tới đâu, như thế nào, nó phụ thuộc vào sự hiểu biết, sự thông minh và cả bản lĩnh của từng người.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.