Nhiều khoản thu gây bức xúc
Gần đây, đường dây nóng của báo Người Đưa Tin liên tiếp nhận được nhiều cuộc gọi của phụ huynh từ tỉnh Bạc Liêu phản ánh, vào đầu năm học mới, họ phải đóng nhiều khoản phí mà đáng lẽ địa phương và ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm.
Theo phản ánh của một số phụ huynh có con em học lớp 1 bán trú tại trường tiểu học Trần Phú (TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), đầu năm học 2017 – 2018, nhà trường đã thu nhiều khoản cao ngất ngưởng.
Cụ thể, các khoản thu mà trường tiểu học Trần Phú đưa ra gồm: Tivi (5 triệu đồng/cái), dán gạch men xung quanh lớp (10 triệu đồng/phòng), bàn học sinh bán trú (24 triệu đồng/20 bộ), bạt che nắng (2,5 triệu đồng/phòng), máy lạnh (15 triệu đồng/2 cái), mắc bóng đèn led, thiết bị điện (1,5 triệu đồng/phòng), màn lớp (4 triệu đồng/phòng)…
Cũng theo phản ánh của các phụ huynh, trường tiểu học Trần Phú có 4 lớp 1 bán trú, với khoảng 200 em học sinh (trung bình 48 em/lớp). Tổng số tiền ước tính thu mua tài sản trên dưới 300 triệu đồng. Theo đó, tính trung bình, mỗi học sinh lớp 1 đóng trên 1,5 triệu đồng.
“Ngoài các khoảng thu ngất ngưởng nói trên, các em lớp 1 còn phải mua sắm vật dụng phục vụ 250.000 đồng/năm (kệ để gối, ca, tủ thuốc, khăn, khay đựng thức ăn, muỗng…) và hằng tháng mỗi em phải đóng thêm trên 800.000 đồng (tiền ăn, tiền học phí và tiền học vi tính) …”, một phụ huynh bức xúc nói.
Trả lời báo chí xung quanh các khoản thu gây bức xúc, ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Phú thừa nhận, nhà trường có đưa ra các khoản thu như phụ huynh phản ánh. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, trường đã “vận động” chủ trương xã hội hóa giáo dục và các phụ huynh đóng trên tinh thần… “tự nguyện”.
Tương tự, nhiều phụ huynh có con em học tại trường THCS Nguyễn Minh Nhựt (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) phản ánh, nhà trường cũng “vận động” đóng góp tiền để trang bị thêm cơ sở vật chất như ti vi, quạt gió, màn che, sơn tường, mua bình bông trang trí lớp...
Đặc biệt, trường THCS Nguyễn Minh Nhựt còn "vận động" phụ huynh đóng tiền để mua vật dụng che chắn. Bởi, nhà trường sợ học sinh trường THPT Lê Văn Đẩu (cạnh bên) ra chơi làm ảnh hưởng đến học sinh bên này.
Phụ huynh có thể… trả góp?
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, bàn ghế và một số hạng mục khác, nhà trường đã mua sẵn trước đó rồi mời họp phụ huynh để cha mẹ học sinh ký biên bản “tự nguyện” đóng tiền.
Ở vấn đề này, vị hiệu trưởng lập luận, hàng đặt đơn vị khác làm nên phải làm sớm thì mới có, chứ vào năm học, không thể làm kịp để trang bị cho học sinh.
“Nhà trường không áp đặt và cũng không cào bằng tất cả khi thu tiền. Phụ huynh nào khó khăn thì có thể trả góp. Nếu phụ huynh không đồng tình trả, nhà trường phải ôm nợ”, ông Nghĩa phân trần.
Đối với trường THCS Nguyễn Minh Nhựt, ông Tô Thành, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lợi cho rằng, việc trường triển khai các khoản phí đầu năm là áp dụng theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của cấp trên. Các khoản tiền "vận động" được phụ huynh đồng ý đóng góp, nhà trường mới thực hiện thu.
“Trường hoàn toàn không ép buộc tất cả học sinh đều phải đóng tiền, mà ai có điều kiện thì ủng hộ nhà trường trang bị cơ sở vật chất để các em học tốt hơn…”, Phó phòng GD&ĐT phân trần.
Sẽ tham mưu chấn chỉnh
Trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc trên, ông Nguyễn Tấn Khương, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, sẽ tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát chấn chỉnh lại các khoản thu gây bức xúc đối với phụ huynh.
Theo ông Khương, trước đây, UBND tỉnh cũng đã có chỉ thị, yêu cầu sở GD&ĐT tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2017 – 2018.
Theo chỉ thị, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị trường học phải nâng cao vai trò hiệu quả hoạt động tự kiểm tra của thủ trưởng đơn vị nhằm kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ của đơn vị.
Đặc biệt, kiểm tra việc thực hiện các khoản thu đầu năm học, nhất là các khoản ngoài quy định theo tinh thần tự nguyện (xã hội hóa, hội phí…), kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục, để kịp thời chấn chỉnh tình trạng chạy trường, chạy lớp…
“Trước mắt, chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát chấn chỉnh lại các khoản thu mà gần đây có nhiều phụ huynh bức xúc phản ứng”, ông Nguyễn Tấn Khương thông tin với báo chí.