Nghèo nhưng vẫn phải sống kiểu... đại gia
Thôn Văn (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì) hiện có 429 hộ dân nhưng phần lớn người dân trong thôn chưa được dùng nước sạch. Hai trạm bơm với công suất khiêm tốn chỉ đủ đáp ứng cho 1/3 số dân. Tức là có khoảng 350 hộ vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Khảo sát một vòng quanh thôn, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp tình trạng người dân đi chở nước sạch mua lại từ các xã lân cận. Đời sống cao hơn chút nữa thì nhấc điện thoại gọi nước bình tinh khiết để sử dụng cho gia đình.
Theo chị Phạm Hảo (thôn Văn) cho biết, gia đình chị gồm hai vợ chồng và một cháu nhỏ, hàng tháng chỉ dám dùng nước bình vào việc ăn uống, nấu nướng; còn việc tắm rửa vẫn phải “trung thành” với nước giếng khoan. Chị Hảo chia sẻ: “ Mỗi bình nước giá 15.000 đồng, mỗi tháng gia đình dùng hết khoảng 10 bình thì chi phí đã lên tới 150.000 đồng. Vào những tháng cao điểm mùa nóng, số lượng có thể còn tăng gấp đôi nên cũng tốn một khoản kha khá chi phí cho nước sạch rồi. Trời nắng nóng như mấy ngày hôm nay mọi sinh hoạt hàng ngày từ tắm giặt, rửa rau, vo gạo, chăn nuôi đều phải tính toán sao cho tiết kiệm”.
Chị Hằng - người cung cấp nước bình
Vừa dứt lời, một người phụ nữ khệ nệ khiêng bình nước khoảng tầm 20 lít bước vào. Chị Hảo giới thiệu đó là chị Hằng – người được dân trong khu gọi vui là “trạm bơm nước cơ động” cho toàn ngõ. Chị Hằng xởi lởi cho biết: Một ngày chị thường chở từ 15 - 20 bình nước cho khách.
Phóng viên thắc mắc vì đã tìm hiểu “đỏ mắt” các nhà cung cấp quanh đây nhưng không hề thấy xuất hiện các nhãn hiệu nổi tiếng… mà chỉ thấy các tên tuổi lạ hoắc. Chị Hằng lý giải: “Do giá thành cao nên ở đây những nhãn hàng đó không tiêu thụ được. Loại nước tôi cung cấp có tên là Queen bee, Minchi, tuy nhiên phổ biến nhất ở đây vẫn là loại bình 20 lít mang nhãn hiệu King với giá thành 15.000 đồng/bình. Loại này ở những chỗ khác người ta thường lấy 16.000 đồng - 17.000 đồng/bình nhưng tôi chỉ lấy giá mềm 15.000 đồng/bình thôi nên khách gọi nhiều”.
Bình lọc nước nhân tạo
Những nhà sáng chế bất đắc dĩ
Với những gia đình có diện tích đất đai rộng rãi thì phương pháp khắc phục bằng nguồn nước trời cho là nước mưa xem ra là một phương án hữu hiệu. Trưởng thôn Đặng Đình Cường vui vẻ giới thiệu với PV bể nước mưa được xây cất ngay trong sân, dùng để trữ nguồn nước mưa từ trên trần nhà thông qua một đường ống máng. Ông Cường cho biết, hiện gia đình ông đang sử dụng nguồn nước này cho việc nấu nướng còn những nhu cầu sinh hoạt khác vẫn phải sử dụng nước giếng khoan.
Trên thực tế không phải gia đình nào cũng có điều kiện xây cất bể chứa nước mưa nên một phương pháp khác để người dân xử lý nguồn nước sạch là tậu bể lọc nước. Từ bể lọc tự tạo đơn giản đến việc móc hầu bao trang bị cho gia đình máy lọc nước công nghệ cao. Mục sở thị tại nhà chị Nguyễn Thị Bình - một cư dân thôn Văn - ở góc sân là một chiếc bể lọc do gia đình tự chế. Khi hỏi về công thức, chị cho biết cấu tạo bể gồm 3 lớp: Dưới cùng là sỏi, tạo khoảng trống để thu gom nước, tiếp theo là than hoạt tính để hấp thụ mùi, màu và các loại hóa chất hòa tan, trên cùng là lớp cát vàng.
Trưởng thôn Nguyễn Đình Cường
Cũng theo chị Bình: “Với chiếc bể tương tự nếu gọi dịch vụ vào lắp có giá khoảng 1,2 triệu - 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, dù mất công tự chế để tiết kiệm chi phí hay lắp đặt dịch vụ thì người dùng vẫn không hoàn toàn yên tâm về chất lượng nước đã qua khử lọc”. Do nhà có hai con nhỏ nên anh chị vẫn phải nghiến răng đầu tư thêm một máy lọc nước được siêu thị điện máy gần nhà quảng cáo là loại máy lọc công nghệ cao của Malaysia giá 3,4 triệu gồm 5 cột lõi lọc nước. Hiện, nguồn nước gia đình chị Bình đang sử dụng được trải qua các công đoạn: Nước từ máy lọc tự chế tiếp tục được đưa vào xử lý ở máy lọc nước công nghệ cao, sau đó chủ nhà mới tạm yên tâm để sử dụng. Tuy nhiên, theo chị Bình, dù lọc cẩn thận đến mức nào cũng không hết được taạ̊p chất nên tâm lý lo ngại cho sức khỏe lâu dài của cả gia đình là tâm lý chung của dân cư thôn Văn.
Trăm cách đối phó để có nguồn nước sạch dành cho sinh hoạt chật vật là thế nhưng đến khoản “kém ưu tiên hơn” như giặt giũ, tắm rửa mới thật nan giải. Chị Phạm Hảo ngao ngán: “Nhà tôi phải thay không biết bao nhiêu vòi nước dẫn nước giếng khoan rồi, bởi vòi cứ rỉ sét ra rất bẩn, khiến nguồn nước vốn đã không được đảm bảo lại thêm phần nguy hiểm hơn”. Theo chị Hảo thì hầu hết người dân quanh đây đều “ngại” mặc áo trắng bởi: “Quần áo mà dùng nước giếng khoan để giặt giũ rất chóng bị ố vàng, chưa kể đến việc phải dùng một lượng nước xả vải lớn để át đi mùi tanh đặc trưng của nguồn nước này”.
Đáng lo ngại hơn, kết quả kiểm tra một số mẫu nước tại địa bàn huyện Thanh Trì trong thời gian gần đây cho thấy: Hàm lượng asen ở trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, hàm lượng amoni dao động từ 10 đến 28 mg/l, cao 6-18 lần. Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Việt Bắc, đại diện Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), cho rằng: “Amoni ở mức này mặc dù chưa đến tình trạng báo động đỏ nhưng về lâu dài nếu sử dụng nguồn nước có chứa amoni với nồng độ cao sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe” |
Tuệ Linh