Gặp anh trong buổi chiều muộn, vẫn phong cách hào sảng và năng động của một doanh nhân hiện đại. Anh luôn làm tôi "nóng" lên trong từng câu chuyện về cơ hội kinh doanh của một công ty đa cấp anh đang làm việc, biết anh từ 3 năm trước với vị trí tổng giám đốc một công ty khoáng sản, bất động sản ăn nên làm ra. Trường hợp như vị tổng giám đốc trên trong giai đoạn kinh tế khó khăn không còn là số ít khi mà các doanh nghiệp không thể tiếp tục "bơi" giữa sóng to gió lớn của nền kinh tế thị trường.
Con thuyền doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế thị trường (ảnh minh họa)
Những con số buồn
Trả lời báo chí tại một buổi họp báo VCCI cho biết, trung bình những năm qua, mỗi năm có khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp phá sản/giải thể, tức thấp hơn năm 2011 khoảng 8 lần. Tuy nhiên, tốc độ tăng của năm 2011 vẫn chưa phải là ghê gớm nếu so với những tháng đầu năm 2012. Theo phó giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ, có 169 doanh nghiệp (DN) đã làm thủ tục phá sản trong 2 tháng đầu năm tại Hà Nội, cao gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2011. Tại TP.HCM, số liệu từ Cục Thuế cho biết, trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp xin giải thể hoặc ngưng hoạt động lên tới hơn 3.000, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6/2012 tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm thì tình hình doanh nghiệp hiện tại như sau: Số DN giải thể là 4.105, tăng tới 35,4%. Số DN ngừng hoạt động là 22.219, tăng 1,3%. Tính riêng ở tháng 6, số DN phá sản và ngừng hoạt động là 4.110, trong đó, số DN phá sản là 610. Nếu như các năm trước, trung bình số DN thành lập mới thường tăng cao hơn thì năm nay, xu hướng thành lập DN mới đã diễn biến ngược lại. Trong 6 tháng, chỉ có thêm 5.800 DN thành lập mới và tính chung 6 tháng, cả nước chỉ có thêm 36.195 DN thành lập mới, giảm tới 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn thành lập DN mới cũng chỉ đạt 232 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê thì qua điều tra 9.331 DN trên cả nước trong 4 tháng đầu năm, cơ quan thống kê phát hiện số DN thực tế đang hoạt động chiếm 91,6%, số DN phá sản, giải thể và DN ngừng sản xuất kinh doanh, đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể (gọi chung là doanh nghiệp phá sản, giải thể) chiếm 8,4%. Trong đó số DN đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,1%, số DN ngừng sản xuất kinh doanh, DN chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,3%.
Trong ba loại hình DN thì DN ngoài Nhà nước có tỷ lệ phá sản, giải thể cao nhất chiếm tới 9,1%, tiếp đến là khu vực DN Nhà nước 2,7% và thấp nhất là khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài với 2,4%.
Đồng nghĩa với báo cáo trên là hàng chục ngàn các vị "thuyền trưởng" đã không còn chốn nương thân, không còn "thuyền" để ra khơi, một giai đoạn cuộc đời mới của những doanh nhân thời đại được mở ra với đầy đủ dư vị cuộc sống.
Luật sư Trần Văn Tuấn (trái ) và PV Người Đưa tin
Cuộc sống mới
Không còn không khí của những buổi họp "hét ra lửa", nhân viên phải giật mình thảng thốt khi bị nhắc tên. Tổng giám đốc Nguyễn Tuấn M. được xem như tượng đài của một công ty công nghệ thông tin, vậy mà giờ đây sau 2 tháng công ty phá sản, anh quyết định lựa chọn cho mình một công việc không mới nhưng có lẽ chưa bao giờ anh có điều kiện thực hiện nghiêm túc… đó là làm chồng, làm cha. Anh quyết định ở nhà chờ thời thế vì không muốn làm nhân viên cho người khác, không muốn phung phí chất xám trí tuệ của mình cho những nơi không xứng đáng.
Sáng chở con đi học, cà phê, đọc báo, đánh cờ với các bô lão. Trưa đi chợ, nấu cơm đợi vợ về ăn. Chiều đón con, đưa con đi công viên, tối trà đá "chém gió" với bạn bè hoặc nằm ở nhà xem tivi. Ngày qua ngày, anh làm quen và chấp nhận một cuộc sống an nhàn như vậy. Mọi chi tiêu trong gia đình nhìn vào đồng lương của người vợ tảo tần. Cũng may anh còn có một gia đình bình yên để nương thân trong thời tao loạn.
Không may mắn như vậy, trường hợp của chị Y. thật đáng xót xa. Công ty của chị chỉ là một công ty bé hoạt động về truyền thông nhưng cũng không thoát khỏi tình trạng khó khăn chung, khi không còn gì để giản tiện nữa, chị quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh có thời hạn. Ôm một khoản nợ không lớn nhưng có lẽ cú sốc kinh doanh đã làm cho gia đình chị xáo trộn ghê gớm. Chồng chị vốn là một công chức Nhà nước mẫn cán, khi xảy ra cơ sự vậy đã không những cảm thông mà suốt ngày cằn nhằn về thất bại của chị. Để rồi khi sự việc vượt quá giới hạn, chị đã đâm đơn li dị rồi bế con vào Nam sinh sống, bắt đầu một cuộc sống mới với vị trí của một nhân viên tập sự.
Không quá nổi bật trong giới quà tặng nhưng khi nhắc tới tên công ty N.N thì cũng được anh em trong giới ngưỡng mộ. Vậy mà đùng một cái, tổng giám đốc công ty tuyên bố vỡ nợ rồi nhanh chóng chuyển sang làm trưởng phòng cho một công ty khác. Nhưng có lẽ chịu không nổi áp lực công việc mới mà mỗi lần gặp nhau, anh không ngừng hút thuốc và chửi thề tràn lan. Trái ngược với tác phong điềm đạm và ung dung của anh ở giai đoạn trước, giờ đây anh xuất hiện như một kẻ hận đời, hận thời thế. Những lúc như thế, tôi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc hút cùng anh một điều thuốc để tiếp tục lắng nghe bầu tâm sự u uất về một thời đã xa.
Đường đời muôn nẻo Không ít những giám đốc khi công ty đóng cửa, phá sản, tạm dừng kinh doanh đã phải cay đắng chấp nhận một cuộc sống khác. Người bản lĩnh thì vẫn giữ được nhân cách, giá trị. Người kém cỏi thì co mình ở ẩn, kẻ liều lĩnh thì chấp nhận những cơ hội kinh doanh mới dù rủi ro cao để lấy lại những gì đã mất. Các thủ lĩnh doanh nhân thời đại mỗi người một ngã rẽ tạo nên một bức tranh đa màu sắc trong thời buổi kinh tế khó khăn. |
Nguyễn Đức Thọ