Khoáng sản vẫn đang trôi sang bên kia biên giới
Tuy nhiên, việc khai thác ồ ạt tài nguyên và khoáng sản để xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô khiến cho tài nguyên ngày càng "chảy máu". Vì thế, để chặn đứng tình trạng trên, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên được xem là giải pháp hữu hiệu nhất.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2009-2011, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 2,1-2,6 triệu tấn khoáng sản các loại (không kể than, dầu thô) chủ yếu sang Trung Quốc và chỉ mang lại giá trị 130-230 triệu đô la Mỹ. Năm 2012, lượng khoáng sản xuất đi giảm, chỉ còn gần 800.000 tấn, bằng đường chính ngạch. Nếu cộng cả số xuất lậu, xuất qua đường biên mậu, số lượng còn lớn hơn nữa. Chẳng hạn vào năm 2008, chỉ riêng xuất lậu quặng titan ước tính đã lên đến 200.000 tấn.
Những vụ khai thác lậu khoáng sản được phát hiện cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Cách đây một năm, báo chí đăng tải nhiều thông tin liên quan đến việc tài nguyên khoáng sản chảy máu ở tỉnh Bình Dương. Những đầu nậu đã áp dụng rất nhiều thủ đoạn trong khai thác khoáng sản trái phép, vượt thiết kế, bán không kê hóa đơn, không kê khai thuế... để rút ruột tài nguyên.
Điển hình, ngày 30/8/2012, phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với sở TNMT kiểm tra một khu đồi có diện tích hàng ngàn mét vuông nằm trong cụm công nghiệp Tân Mỹ (thuộc xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên). Tại đây, một khu đồi đã bị đào thành một vực thẳm sâu hút để lấy trộm đất sét và đất phún (loại đất sỏi đỏ) là một trong hai loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều hầm hố ngổn ngang và đang trong hiện trạng khai thác khoáng sản. Tại khu hầm đào khoáng sản có một máy cuốc chuyên dùng đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên nằm cách đó không xa, có 3 - 4 máy cuốc khác và hàng chục xe ben đang nằm chờ thời cơ. Các ngành chức năng đã lập biên bản số lượng khoáng sản đã khai thác và vận chuyển ra khỏi hầm lên đến 1.536m3.
Được biết, đơn vị khai thác này trước đó từng bị lập biên bản vi phạm lợi dụng cải tạo mặt bằng, đã bạt nhiều khu đồi để trộm khoáng sản trái phép.
Tĩnh trạng khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra khá phức tạp (ảnh Laodong.com.vn).
Thực tế việc khai thác lậu tài nguyên, khoáng sản diễn ra khá phức tạp. Điển hình, chuyện từng xảy ra ở Bồng Miêu, Phước Sơn (Quảng Nam), Na Rì (Bắc Kạn) và nhiều nơi khác... Trước thực trạng này, TS. Đỗ Quốc Bình- Chủ tịch hội Khoáng sản Việt Nam đặt câu hỏi: "Thử kiểm tra xem mỏ vàng Bồng Miêu mỗi năm nộp ngân sách được bao nhiêu. Tại sao ở Phước Sơn, Bồng Miêu người dân cứ liều mình nhảy vào làm vàng, công an bắt người ta vẫn cứ nhảy vào? Bởi vì có thực tế là dân ở đó người ta làm vàng bao đời nay, nó là nghề, là nghiệp, là mưu sinh. Nếu vì lý do gì đó không được làm nữa, họ cũng không được tái đầu tư bằng cách giải quyết việc làm mới, tăng cường phúc lợi xã hội thì họ lại tìm mọi cách khai thác lậu, bất chấp hiểm nguy".
TS. Bình nhận định, điểm yếu nhất của chúng ta trong khai thác khoáng sản là trí tuệ về công nghệ. Cùng là cát thủy tinh, người Nhật nhập của Việt Nam về làm ra rất nhiều sản phẩm, nhưng vì sao chúng ta không sản xuất được gì? Đơn giản là vì chúng ta thiếu "chất xám". Chúng ta xuất khẩu đá vôi trắng rồi lại nhập bột đá tinh đắt gấp mấy lần để làm giấy cao cấp, làm sơn, trong khi hoàn toàn có thể nhập công nghệ về nghiền đá.
Trở lại chuyện xuất khẩu quặng, mặc dù Chính phủ cấm xuất khẩu quặng thô nhưng thực tế tình trạng trên vẫn diễn ra trái phép. Số lượng các dự án chế biến sâu chưa nhiều, trình độ công nghệ chế biến chưa cao, chưa chú trọng đến chiều sâu, chưa đầu tư thích đáng cho công nghệ dẫn đến tổn thất lớn, việc xuất khẩu khoáng sản thô đã không phát huy được tối đa giá trị sản phẩm, từ đó giảm hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Rõ ràng, Chính phủ và một số bộ ngành đã nhìn thấy sự lãng phí từ việc xuất khẩu khoáng sản thô, đã có không ít văn bản cấm khai thác và xuất khẩu thô khoáng sản... thế nhưng, thực tế xem ra ngược lại. Phải chăng do chúng ta thiếu cương quyết hay vì lý do nào khác để rồi tài nguyên quốc gia vẫn tiếp tục “chảy máu”?!.
Câu chuyện "chảy máu" tài nguyên khoáng sản có lẽ không dừng lại đơn thuần từ việc xuất thô hay xuất lậu mà còn chính từ sự buông lỏng quản lý. Tại phiên họp UBTVQH vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên "cấp phép như thế này thì chết rồi" khi nghe Bộ trưởng bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang báo cáo, trong hai năm qua, các địa phương đã cấp 957 giấy phép khai thác khoáng sản thì có quá nửa vi phạm pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, luật Khoáng sản đã có hiệu lực thi hành cách đây 25 tháng nhưng câu chuyện "loạn cấp phép" vẫn chưa có hồi kết. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng "chảy máu" tài nguyên khoáng sản hiện nay.
Liều thuốc "cầm máu" tài nguyên
Tại phiên họp UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ quan điểm không khuyến khích khai thác và xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc tăng mức thuế suất tài nguyên là vấn đề quan trọng, có tác động lớn nên cần nghiên cứu kỹ. |
Tại phiên họp thứ 20, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, song cho rằng, trong số 54 nhóm, loại tài nguyên thì Chính phủ chỉ đề nghị tăng thuế suất đối với 15 loại là chưa bao quát toàn diện phạm vi, đối tượng cần điều chỉnh. Về mức thuế suất cụ thể, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình khai thác, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản trong thời gian qua và xem xét, nâng hợp lý thuế suất đối với một số tài nguyên lên cao hơn mức thuế suất thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ.
Liên quan đến việc tăng thuế tài nguyên, trao đổi với PV Người đưa tin, ĐBQH Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) nhận định: "Việc quản lý tài nguyên, khoáng sản thời gian qua rất là kém, từ việc phân cấp, khai thác và xuất khẩu. Trước thực trạng trên, theo tôi, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên, đặc biệt là khoáng sản thô, thậm chí tăng kịch trần mới chặn đứng nạn "chảy máu" tài nguyên khoáng sản. Bởi nếu vẫn chấp nhận xuất thô thì nạn khai thác tài nguyên khoáng sản lậu vẫn hoành hành".
Cũng theo bà An, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ hạn chế các cơ sở khai thác nhỏ, lẻ, doanh nghiệp khai thác kém hiệu quả, dẫn đến một số lao động có thể mất việc làm. Tuy nhiên, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ khai thác hiện đại, đầu tư nhà máy và công nghệ chế biến sâu khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó, sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm mới, ổn định cho người lao động, khuyến khích đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề để phù hợp với công việc, theo đó sẽ nâng cao đời sống của người lao động. Hơn nữa, việc tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho người lao động sẽ góp phần giải quyết thêm hàng loạt lao động dịch vụ kèm theo (thực tế hiện nay, một người lao động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản sẽ tạo thêm từ 2 đến 4 lao động dịch vụ kèm theo).
Theo bộ Tài chính, với mức thuế suất mới sẽ góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương (điện, đường, trường, trạm,...), đầu tư bảo vệ, phục hồi môi trường và nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân nơi khai thác, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt tại các địa phương ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đồng tình với quan điểm của bà An, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, cần đánh thuế cao hơn nữa để hạn chế khai thác các loại tài nguyên quý của quốc gia. Phải tăng cường quản lý vĩ mô, lấy lợi ích quốc gia làm trọng chứ không vì lợi ích của địa phương, vùng miền, thậm chí theo tư duy nhiệm kỳ. "Đừng tư duy theo kiểu nhà nghèo có gì là đem bán. Hôm nay bán hết thì ngày mai lại phải đi mua với giá cao hơn rất nhiều", ông Hiện chia sẻ.
Mai Giang