Đua nhau lập kỷ lục gia
Tình trạng bát nháo kỷ lục khiến không ít người đổ xô sáng tạo, bắt chước những kỷ lục vô bổ. Nhiều người còn lợi dụng việc lập được kỷ lục để "làm tiền" thiên hạ.
Việt Nam có hơn 1.300 kỷ lục gia và các đơn vị sở hữu kỷ lục hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Trong số đó, khoảng 400 kỷ lục gia có giá trị nội dung kỷ lục được đánh giá cao. Đây là tín hiệu vui, cổ vũ cho người Việt Nam không ngừng phát huy bản lĩnh, tài năng và chuẩn bị tư thế vươn ra chinh phục kỷ lục mang tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề kỷ lục việt Nam cũng tồn tại nhiều bất cập, xuất hiện hiện tượng chạy đua lập kỷ lục. Bởi lẽ trong tâm thức của nhiều người, mục đích việc lập kỷ lục chỉ để gây chú ý, đánh bóng tên tuổi mà quên đi vấn đề ý nghĩa và giá trị thực của kỷ lục ấy. Chưa bao giờ việc lập kỷ lục được mọi người ồ ạt chạy theo như hiện nay.
Trở thành kỷ lục gia, một số người nhanh chóng trở thành người của công chúng, họ được mời đi diễn nhiều hơn. Thậm chí, cái tên của họ đã trở thành tâm điểm cho các đoàn xiếc hay ca nhạc tạp kỹ bán vé ở những chuyến lưu diễn tại địa phương. "Người dân ở quê nghe tên của tôi là mua vé vô coi nườm nượp. Họ thấy tôi biểu diễn trên tivi "chưa đã", muốn tận mắt chứng kiến khả năng đặc biệt của tôi ở ngoài. Nói thật, không có tôi thì đoàn này ế chắc”, kỷ lục gia N.Đ.S., khoe khoang. Cũng vì thế mà kỷ lục gia này vướng vào căn bệnh ngôi sao, đòi mức cát xê cao ngất ngưởng cho môishow diễn. Bầu show của đoàn X. cho biết: "Một tháng kỷ lục gia N. chỉ diễn ở đoàn của tôi có vài đêm. Đoàn nhỏ như chúng tôi đâu có mời anh ấy diễn suốt nổi. Vậy mà ảnh cứ đòi nghỉ để ký hợp đồng độc quyền với đoàn khác hoài".
Khả năng đặc biệt của một số kỷ lục gia, hay các dị nhân cũng được nhiều người học theo để làm phương tiện kiếm sống. Điều này khiến khán giả không biết đâu là khả năng đặc biệt thật sự, đâu là nhái mác để kiếm tiền. Đó là những người đeo đuổi nghiệp xiếc đường phố, nhại theo một võ sư nổi tiếng. Anh L.H.B. đã bỏ ra hơn 5 năm trời khổ luyện để có thể nhai bóng đèn và nuốt rắn. Theo đoàn biểu diễn đã lâu, tích lũy nhiều kinh nghiệm, nhưng B. cũng không tránh khỏi tai nạn trong nghề: "Tôi chỉ bắt chước người ta thôi. Có khi sơ suất nhai bóng đèn bị đứt lưỡi đau điếng người mà vẫn ráng gượng cười. Làm theo người nổi tiếng đâu có dễ", anh B. bộc bạch.
Lễ trao bằng tiến sỹ danh dự cho những kỷ lục Việt Nam và nước ngoài ngày 21/9.
Theo nhiều kỷ lục gia thì việc xác lập kỷ lục đang bị lạm dụng quá mức. Nhiều người tưởng rằng, tạo ra được một sản phẩm độc đáo, khác lạ nào đó thì có thể lập kỷ lục chứ, không hề nghĩ đến giá trị của tác phẩm. Ông N.K.T., người từng lập kỷ lục Việt Nam cho biết: "Có rất nhiều người mong muốn theo tôi để học nghề nhưng tôi không dạy. Thứ nhất, đó là cái mà không phải ai cũng làm được. Bản thân tôi đã bỏ ra cả nửa đời người để khổ luyện với bao mồ hôi và máu mới thực hiện được. Thứ hai, để học được phải có một cái tâm trong sáng chứ không phải để lập kỷ lục. Càng không phải, lập kỷ lục để có nhiều show diễn, "làm tiền" thiên hạ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp lợi dụng bằng kỷ lục để đội giá sản phẩm mà mình tạo ra".
Vàng thau lẫn lộn
Không nên để "kẻ xấu” lợi dụng Thạc sỹ Phan Thị Kim Huyền, trung tâm tư vấn tâm lý Việt (TP.HCM) chia sẻ: “Hiện tượng nhiều tổ chức, công ty tạo ra một sản phẩm nào đó bằng tiền rồi xác lập kỷ lục là để đánh bóng tên tuổi. Hay nói cách khác, họ tưởng rằng làm như thế là được quảng cáo tên tuổi, hình thức này chẳng khác mua danh. Cần phải có những kỷ lục mang giá trị văn hóa cộng đồng, mang tính thiết thực, độc đáo có một không hai hoặc mang ý nghĩa xã hội nhất định, chứ không nên đổ xô đi lập kỷ lục, ghi nhận kỷ lục một cách dễ dãi, chẳng để làm gì như thế”. |
Cuộc hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần 26, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam - trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, tổ chức ngày 21/9/2013. Trong đó, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (chùa Lân) được Đại học kỷ lục thế giới công nhận và trao bằng Tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục. Bên cạnh đó, còn có thêm 6 bằng tiến sĩ danh dự và 4 kỷ lục gia châu Á được trao cho các cá nhân và tổ chức kỷ lục. Ngoài ra, trong lễ trao giải còn có nhiều bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục khác và hơn 70 bằng kỷ lục được trao tặng. Trong đợt trao bằng kỷ lục lần thứ 26 này, có nhiều cá nhân và các tổ chức là các công ty sở hữu nhiều kỷ lục. Tuy nhiên, giá trị kỷ lục của nhiều đơn vị sở hữu chỉ mang tính tượng trưng và theo hình thức mua danh.
Bên cạnh những giá trị đích thực thì lại xuất hiện nhiều kỷ lục chỉ nhằm mục đích quảng cáo. Nhiều đơn vị sở hữu kỷ lục là các công ty với những sản phẩm lớn nhất, to nhất nhưng liệu có giúp ích gì cho xã hội? Đó là những kỷ lục bắt chước nước ngoài và được gọi là những kỷ lục phung phí với nền kinh tế Việt Nam hay nói cách khác, bất cứ ai có tiền đều làm được. Một số kỷ lục như: Chiếc xe đạp có kích thước lớn nhất sở hữu bởi công ty Pepsico Việt Nam, bánh bông lan kem gắn hình tượng "xì trum" có kích thước lớn nhất sở hữu bởi công ty H.N; mô hình chiếc răng lớn nhất Việt Nam được kết hợp từ vỏ hộp P/S trà xanh... đều mang tính phung phí, không thật sự thuyết phục.
Trong khi đó, nhiều kỷ lục khác đã được phát hiện hoặc chưa được phát hiện lại thiếu tính tổ chức. Một số kỷ lục gia đình đám như: Nguyễn Văn Diệu với tuyệt chiêu thổi sữa bằng mắt; Nguyễn Kim Tuấn với "quái chiêu" lột dừa bằng răng, lại đang vật lộn với cuộc sống mưu sinh từng ngày bằng nghề biểu diễn lấy tiền khắp phố phường. Nhiều người cho rằng, nên có những kỷ lục thiết thực và mang tính khuyến khích nhiều hơn. Ông T.B.D., một kỷ lục gia Việt Nam cho biết: "Tôi thấy nhiều kỷ lục khá nhảm. Tôi nghĩ nên có những kỷ lục về học tập, giáo dục để khuyến khích người ta giật giải cao, giúp cho xã hội phát triển hơn. Bên cạnh đó, khi đã xác lập kỷ lục thì cũng nên có phương án tổ chức cho họ có đất diễn, chứ lập xong mà thả trôi nổi thì cũng như không".
Những giá trị đích thực Những kỷ lục thực sự được đánh giá cao như 6 bằng tiến sỹ danh dự hay một đơn vị được công nhận bằng Tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sáu bằng tiến sỹ danh dự mang một ý nghĩa nhất định và mang tính cộng đồng cao như: NSƯT, đạo diễn Nguyễn Văn Lượng với 220 bộ phim về đề tài Biển đảo và con người Việt Nam; ông Phạm Đình Phong với cuốn sách viết về lịch sử võ học Việt Nam đầu tiên; Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo, người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học công nghệ trên thế giới; nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần với hai công trình nghiên cứu lớn về lịch sử Việt Nam; nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn với quyển sách âm nhạc CROR độc đáo và sáng tạo hay ông Võ Văn Tường với luận án Người chụp ảnh, viết sách và triển lãm hình ảnh chùa Việt Nam nhiều nhất. |
H.Minh - V.Điền