Điều đáng nói là hơn chục năm trước, "tuổi rụng răng" của các chị em còn ở ngưỡng 30 thì đến nay xu hướng này thậm chí giảm xuống chỉ 24-25 tuổi.Tình hình trầm trọng đến mức, Trạm y tế xã đã thống kê được số lượng hơn 90% phụ nữ Trạm Tấu bị hành hạ bởi hiện tượng rụng răng kỳ lạ. Bởi vậy mới có chuyện, nhiều phụ nữ trẻ… móm mém ở miền đất này, cả đời không dám cười và cũng chẳng tiếp xúc với khách phương xa vì xấu hổ.
Ế chồng... vì rụng răng
Đường về bản Tấu cheo leo trên sườn núi, con đường nhỏ ngoằn ngoèo chạy ngang qua những thửa ruộng bậc thang, những biển lúa xanh dập dờn như cánh sóng làm say đắm lòng người. Bỏ lại sau lưng những bụi đất, những cú xóc nảy người, chúng tôi gần như choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ vĩ và thơ mộng nơi này. Thế nhưng trái ngược với phong cảnh hữu tình ấy, thì chuyện những người phụ nữ nơi đây suốt đời… không dám cười lại khiến bất kỳ ai đặt chân đến mảnh đất này cũng cảm thấy chạnh lòng. Vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc sẽ bớt phần quyến rũ rất nhiều khi thiếu vắng nụ cười của những "bông hoa rừng" duyên dáng, xinh đẹp.
Phụ nữ Mông từ xưa đến nay rất ít cười với người lạ.
Xã Trạm Tấu có hơn 98% là người Mông. Tuy nhiên theo thông tin chúng tôi nắm được từ Trung tâm y tế xã, hơn 90% phụ nữ ở đây đều bị rụng răng từ khi còn rất trẻ. Điều khá lạ lùng là đàn ông người Mông ở bản, hầu như không có ai bị lâm vào tình trạng này. Chia sẻ bằng chất giọng lơ lớ, thi thoảng lại xen lẫn tiếng Mông, chị Vàng Thị Rủ (33 tuổi, xã Trạm Tấu) cho biết: "Tôi bị rụng chiếc răng đầu tiên ở hàm dưới khi mới 28 tuổi. Hồi ấy, chiếc răng không rụng luôn mà cứ vỡ dần từng mảng rồi sau đó cụt đến tận chân. Bây giờ, cả hàm dưới của tôi cũng chỉ còn lại mấy chiếc. Nhiều chị em trong bản cũng bị giống tôi đều phải siêng làm nương rẫy dành dụm tiền đi trồng lại răng giả".
Nằm đối diện nhà chị Rủ, gia đình anh Vàng A Páo và chị Thào Thị Sim từng là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất bản khi sinh được hai cô con gái đẹp như "tranh vẽ". Nhưng rồi đến tuổi cập kê, cả Púi (con gái lớn – PV) và Ban (con gái nhỏ - PV) đều lần lượt mắc phải căn bệnh rụng răng quái ác. Từ chỗ là những bông hoa rừng yêu kiều, Púi và Ban mặc cảm nhốt mình trong nhà. Nhiều chàng trai trước từng lấp ló đầu ngõ với hy vọng chinh phục trái tim người đẹp, thì nay họ lặng lẽ rút lui bởi hễ thấy Púi và Ban hé miệng đã rụng nửa hàm răng mà cười là "hồn xiêu phách lạc". Tâm sự với chúng tôi, anh Páo tủi thân: "Gia đình tôi thật sự rất buồn. Con gái đến tuổi trưởng thành rồi nhưng chẳng thấy ai ngỏ lời cầu hôn, tất cả cũng chỉ bởi hàm răng không còn được nguyên vẹn nữa. Ở cái bản này, đến lứa tuổi đó mà chưa có ai lấy làm vợ thì coi như ế mất rồi. Nghĩ thương con, tôi cũng muốn trồng cho con cái răng để làm duyên. Nhưng gia đình nghèo quá nên đến giờ phút này, tôi vẫn đành chấp nhận nhìn tụi nó chịu cảnh dùng lợi để ăn cơm".
Không đến nỗi bi đát như gia đình chị Rủ và những đứa con gái tội nghiệp của anh Páo, chị Giàng Thị Mùa ở bản Mù may mắn hơn vì gia đình có điều kiện về mặt kinh tế. Chị Mùa tâm sự: "Năm nay, tôi mới 28 tuổi, lấy chồng được 4 năm thì bị rụng mất 4 cái răng. Tháng trước, tôi vừa phải ra huyện Văn Chấn để lắp răng giả xong, rất may vụ vừa rồi được mùa, nên chồng tôi cho tiền để xuống huyện làm lại răng đấy", nói xong chị Mùa nở nụ cười tươi rói, để lộ ra những chiếc răng vàng ươm lấp lánh. Ở bản Trạm Tấu, không chỉ có chị Rủ, chị Mùa hay hai người con gái anh Páo mà hầu hết phụ nữ đều lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười vì căn bệnh kỳ lạ này. Quanh năm sống trên bản làng, nương rẫy, họ không hiểu và cũng chẳng muốn hiểu tại sao… răng mình bị rụng. Cuộc sống ở bản người Mông này, với câu chuyện đầy bi hài, cứ thế nối dài từ thế hệ này sang thế hệ kia.
Cả đời không dám cười
Những ngày lưu lại Trạm Tấu, chúng tôi từng được nghe lời thở than của anh Vàng A Lử, cán bộ phụ trách văn hóa xã, rằng: "Khắp đất nước mình, chắc không ở đâu người phụ nữ khổ như Trạm Tấu. Mới vào độ 25 tuổi, chị em lại phải bất lực nhìn những chiếc răng thi nhau rụng dần. Nhiều người mới 30 tuổi mà trông móm mém hệt như cụ già 70 tuổi vậy". Chị Dào Thị Dở, Chủ tịch hội phụ nữ xã Trạm Tấu khi tâm sự với phóng viên tiết lộ thêm: "Chuyện chị em phụ nữ bản Trạm Tấu rụng răng xảy ra lâu lắm rồi, ngay bản thân tôi giờ cũng phải sử dụng mấy cái răng giả. Chính vì vậy, khi các anh đến bản Mông này, phụ nữ rất ít tiếp chuyện. Họ rất sợ phải "khoe" ra hàm răng móm mém, rụng trên rụng dưới của mình".
Chị Giàng Thị Múa hạnh phúc với những chiếc răng mới lấp lánh.
Răng rụng sớm gây rất nhiều bất tiện, nhưng khi phóng viên gợi chuyện đi trồng răng giả, nhiều chị em cũng nói rất thật rằng: Họ biết nhưng không thể vì kinh tế gia đình còn quá khó khăn. Tại Trạm Tấu, nguồn thu chính của các gia đình vẫn chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Thế nên, chuyện đủ ăn, đủ mặc cũng đã vất vả. Các chị em chẳng mấy ai dám mơ mộng xuống phố huyện trồng mỗi chiếc răng trị giá cả triệu bạc. Ngồi nói chuyện cùng phóng viên, anh Lử bảo: "Cũng chính vì nghèo mà tình trạng phụ nữ bản rụng răng ngày càng trầm trọng. Nhưng dưới phố huyện, giá mỗi chiếc răng giả loại tốt bây giờ lên đến 1,5 triệu đồng. Ở đây, người dân làm nương rẫy quanh năm như chúng tôi phải vất vả lắm mới có được số tiền ấy".
Cái khó bó cái khôn khiến phụ nữ bản Trạm Tấu đành tặc lưỡi sống cùng sự bất tiện khi những chiếc răng "đến hẹn lại… rụng". Nhiều phụ nữ ở đây bảo hàm răng móm mém không chỉ khiến họ khổ sở vì thẩm mỹ, giao tiếp mà đến cả sinh hoạt cũng trở nên hết sức bất tiện. Rất đông chị em suốt cả năm trời không dám ăn một miếng thịt, hoặc nếu có ăn cũng phải tìm cách hầm thật nhừ cho miếng thịt mềm ra. Anh Giàng A Sử ở bản Mù (xã Trạm Tấu) chia sẻ: "Vợ tôi cũng bị rụng mất 3- 4 cái răng, nhưng mấy năm nay làm ăn khó khăn quá, ngô lúa thu hoạch lại chẳng được bao nhiêu mà nhà lại còn 7 miệng ăn nữa. Nhiều lúc nhìn hàm răng cái còn, cái mất của vợ, tôi cũng thấy buồn. Người dân Trạm Tấu chỉ mong Nhà nước sớm tìm ra nguyên nhân để những người phụ nữ ở đây không còn bị hiện tượng quái ác trên hành hạ nữa".
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trạm Tấu Nguyễn Thị Mai Phượng chi sẻ với PV .
Mang đề nghị khẩn thiết ấy hỏi chị Nguyễn Thị Mai Phượng, Trạm trưởng trạm y tế xã Trạm Tấu, chúng tôi được biết: Chuyện hơn 90% phụ nữ địa phương rụng răng sớm cũng đang làm đau đầu các cán bộ y tế cũng như chính quyền xã Trạm Tấu. Chị Phượng bảo: "Từ lúc tôi về công tác tại địa phương hơn 10 năm trước, tình trạng này đã rất phổ biến rồi. Ban đầu, tôi cũng ngạc nhiên đặt câu hỏi vì sao tình trạng này chỉ xảy ra ở phụ nữ mà không phải nam giới (?)". Nhiều đêm mất ngủ với thắc mắc ấy, chị Phượng từng đinh ninh rằng nguyên nhân có thể yếu tố ngoại cảnh tác động, hoặc do nguồn nước. Nhưng càng cố tìm câu trả lời thích đáng, chị càng thấy bế tắc, bởi nếu do ngoại cảnh hay nguồn nước thì tại sao cánh đàn ông ở Trạm Tấu lại không bị rụng răng (?).
Một điều kỳ lạ hơn nữa là suốt quá trình tìm hiểu, chúng tôi được nhiều chị em phụ nữ tại Trạm Tấu cho biết, họ đều có ý thức giữ gìn vệ sinh răng miệng. Thế nhưng gần đây, hiện tượng rụng răng sớm không những không giảm mà lại có xu hướng tăng lên. Chị Phượng quan ngại: "Không những gia tăng về số trường hợp mà độ tuổi rụng răng của chị em cũng giảm xuống đáng kể. Trước đây, phụ nữ khoảng 30 tuổi mới bắt đầu có hiện tượng này. Nhưng hiện nay, các chị em khoảng 24 – 25 tuổi là đã bị rụng răng rồi. Thời gian qua, chúng tôi liên tục tổ chức vận động chị em đến Trung tâm y tế xã để khám và chữa bệnh, nhưng hầu như không có ai hưởng ứng. Bởi vậy, nguyên nhân thực sự gây nên tình trạng rụng răng của hơn 90% phụ nữ Trạm Tấu vẫn là một bí ẩn".
Chiều dần xuống, trên bản bóng nắng đã khuất dần sau những quả núi cao chót vót, chúng tôi từ biệt Trạm Tấu, từ biệt những người phụ nữ ở cái bản lạ lùng này. Đứng giữa bóng chiều vàng vọt, không hiểu sao trong tâm trí người viết lại bùng lên hy vọng: Lần sau về Trạm Tấu, chúng tôi sẽ được ngắm nụ cười say đắm lòng người của những "đóa hoa rừng" này. Nhưng nghĩ rồi lại thấy chạnh buồn, bởi cái ngày ấy, dường như vẫn còn xa vời lắm…
Theo Đời sống & Hôn nhân