Đẻ được thì nuôi được
Con đường gấp khúc dẫn lên xóm Mỏ Ba là một thách thức với những người chưa quen đường. Từ trung tâm xã vào đến giữa xóm khoảng hơn chục cây số, mặc dù đã có nhiều đoạn bê tông nhưng dốc khá cao, nhiều vòng cua. Người dân sống thưa thớt, ở những vùng đất trũng hoặc trên đỉnh đồi, đến trung tâm thì chỉ còn những con đường mòn dẫn vào các nhà. Xóm là nơi định cư của 140 hộ gia đình, thuộc các dân tộc khác nhau: H'Mông, Dao, Tày, Kinh, Ba Na, Sán Dìu… trong đó dân tộc H'Mông chiếm phần lớn dân số. Có tới 98 hộ thuộc diện nghèo, người dân chủ yếu hoạt động nông nghiệp, một phần nhỏ dựa vào lâm nghiệp và buôn bán.
Sinh năm 1989 anh Vương Văn Sự đã có 3 mặt con ở những độ tuổi san sát nhau
Cuộc sống cứ âm thầm trôi đi, những đứa con lớn lên trong sự thiếu thốn đủ bề. Ngay từ nhỏ chúng đã theo cha mẹ lên nương, lên rẫy học cách làm việc, theo cách nói của họ thì đã có thể nuôi sống được bản thân. Bởi vậy khi được hỏi lý do tại sao lại sinh nhiều con, cô Vương Thị Sa, người mẹ của 13 đứa con chia sẻ: "Mình đẻ được thì mình nuôi được. Mà mỗi người lớn lên nó tự nuôi nó chứ mình có phải nuôi đâu. Nhà càng đông con thì càng làm được nhiều, hết đất lại đi khai hoang, ruộng nương nhiều lắm".
Đời sống khó khăn, việc học không được coi trọng, đa phần các em chỉ theo học hết cấp 1 ở trường làng, hiếm hoi mới có em xuống trọ ở thị trấn để học tiếp. Những ngày đông trên núi cao, gió rít vào căn nhà gỗ ọp ẹp, được ghép với nhau bằng những tấm gỗ cong vênh mới cảm thấy cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn nơi đây.
Bao năm nay, số lượng con em trong một gia đình ngày càng tăng lên, mặc dù hội Phụ nữ xã cũng đã thường xuyên đến thăm, vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch để đời sống người dân được nâng cao hơn. Chị Ngô Thị Mai là cán bộ phụ nữ xóm cho biết: "Chúng tôi vẫn xuống tuyên truyền, vận động người dân kế hoạch hóa gia đình đều đặn, nhưng người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên nhà nào cũng muốn có đông người làm. Với lại họ sống đơn giản lắm, có gì ăn nấy mà càng đông càng vui, công tác dân vận gặp rất nhiều khó khăn".
Anh Vương Văn Lầu, trưởng xóm Mỏ Ba
Nhà nhà đông con
Anh Vương Văn Lầu (24 tuổi) trưởng xóm Mỏ Ba nhận định: "Số lượng gia đình sinh nhiều con ở xóm Mỏ Ba vẫn tiếp tục tăng lên. Số hộ gia đình có 5 - 6 con thì nhiều lắm, mình cũng chỉ biết vận động thôi chứ còn nói đến biện pháp thì khó".
Sinh năm 1989, anh Vương Văn Sự đã có 3 đứa con, đứa lớn nhất lên 4, còn đứa út hơn 1 tuổi. Khi được hỏi tại sao sinh con gần nhau như vậy, vợ anh cười ngượng: "Cứ có bầu là sinh thôi, ngại đi ra trạm y tế, với lại sinh luôn một lúc, nuôi luôn một thể, từ ngày xưa người ta vẫn thế rồi".
Nhìn 3 đứa nhỏ tranh nhau quả bóng, khóc thét lên, bò lăn ra đất, đứa lớn dùng hết sức ôm đứa nhỏ đứng dậy mới thấm cái cảnh nhà có nhiều con mọn. Anh kể, những ngày đông khi công việc nương rẫy đã vãn anh chị lại vào rừng bẫy chuột, hái rau rừng kiếm thức ăn, để con ở nhà nhờ ông bà trông nom. Ngoài việc làm nương gia đình cũng không có thêm khoản thu nhập nào. Nhiều khi con ốm đau cũng phải đi vay tiền mua thuốc, hoặc là đi kiếm lá trong rừng cho con uống.
Nhà anh Hồng Văn Dình cũng góp tới 13 đứa con. Cưới vợ từ năm 13 tuổi, giờ ông đã có 5 trai, 8 gái, những đứa trẻ san sát nhau về độ tuổi. Hiện, 2 người con gái đầu của anh đã lập gia đình. Anh đã lên chức ông ngoại ở tuổi 39. 11 người con khác của anh Dình học rải rác từ mầm non đến hết cấp 1 thì nghỉ ở nhà.
Còn có nhiều hộ khác cũng có trên 10 người con như gia đình Đào Văn Tư 13 con, ông Hồng Văn Páo 12 con, Lý Văn Día 11 con, Hùng Văn Nó 10 con, Vương Văn Khìn 10 con,… Đó cũng là hậu quả của việc người dân chưa mạnh dạn thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa, ngại tiếp xúc với khoa học. Những người dân ở đây chủ yếu là sinh đẻ tự nhiên, không đến bệnh viện mà đều do bàn tay những người già trong làng.
Những năm trở lại đây, người dân đã nhận thức được và chấp hành nghiêm chỉnh việc mỗi người chỉ có 1 vợ, 1 chồng. Anh trưởng thôn Vương Văn Lầu lấy vợ đã 6 năm, giờ có 2 đứa con, là một trong những người đi đầu về việc sinh ít con. Tuy nhiên tình trạng tảo hôn cũng như sinh con vỡ kế hoạch ở nơi đây vẫn còn rất phổ biến.
Anh Lầu cho biết: "Với quan niệm lạc hậu, cuộc sống giản đơn với những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, họ chưa có khát vọng sâu xa, sự giao lưu với bên ngoài, quanh năm chỉ nương rẫy, dựng vợ, gả chồng rồi lại tiếp tục cái vòng luẩn quẩn, không màng đến mọi thứ đang diễn ra bên ngoài. Khi chưa thay đổi được nhận thức, cách nhìn về một cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp hơn thì quan niệm càng đông con càng vui vẫn sẽ tiếp tục được duy trì, và bài toán kế hoạch hóa gia đình là một vấn đề nan giải. Mỏ Ba rất cần sự quan tâm sát sao hơn nữa của các cấp chính quyền, nhất là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.
Lời khuyên của người đàn ông có 18 con: “Không nên đẻ nhiều nữa” Điển hình cho những con số ấn tượng đó là gia đình ông Ngô Văn Sùng, sinh năm 1956. Ông có tới 18 người con, chúng được dựng vợ gả chồng từ rất sớm, nên hiện tại trong căn nhà lớn vợ chồng ông ở chỉ còn 3 đứa con, một đứa năm nay 12 tuổi, chậm nói, bị tật ở chân nên đi lại rất khó khăn. Ông Sùng lấy bà Lý Thị Chi từ năm 15 tuổi, sau hơn 10 năm, ông bà đã có 9 người con. Sau đó, ông Sùng lấy vợ hai. Đó là bà Vương Thị Nhung, chồng mất, đã có 2 người con riêng. Một thời gian sau, bà Vương nâng tổng số các con của ông Sùng lên 18. Ông Sùng vui vẻ nói: "Ngày xưa thì cuộc sống khó khăn, giờ các con đi lấy vợ, lấy chồng hết rồi. Mỗi lần cả gia đình gặp mặt cũng phải mổ một con lợn. Vui thật nhưng cuộc sống vất vả lắm, bây giờ khuyên các con không đẻ nhiều như mình ngày xưa nữa". |
Trang Thu