Bi hài trẻ nghiện tên Tây chê tên Việt

Bi hài trẻ nghiện tên Tây chê tên Việt

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

– Một phần do phụ huynh sính ngoại một phần do các trường quốc tế yêu cầu học sinh phải có tên Tây

Xu hướng đặt tên cho con theo tiếng Tây, Tàu, Hàn đang nở rộ tại Việt Nam. Ngoài tên Việt trên giấy khai sinh, nhiều ông bố bà mẹ tìm một cái tên nước ngoài như Julie, Maya, Tommy, Bill, Alan, Tony, Jimmy, Cindy, Vivian, Tony, Calvin Doan, Adrian Le, Susan… để gọi con. Đáng lo sợ, cái tên đó được đứa trẻ dùng chính cả ở trường, được bạn bè, thầy cô gọi, lâu dần làm lu mờ sự hiện diện của tên Việt...

Xã hội - Bi hài trẻ nghiện tên Tây chê tên Việt

Nhiều phụ huynh sính tên ngoại cho con

“Nghiện” tên Tây

Đến lớp, bị bạn bè cho rằng tên Lực quê mùa, nghe đã thấy “hai lúa”, về đến nhà, Lực (14 tuổi, Q.Tây Hồ, Hà Nội) nằng nặc đòi bố mẹ phải gọi mình bằng cái tên Jennifer (vì cu cậu thần tượng ca sĩ Jennifer Lopez) cho nó Tây. Theo đó, tất cả các tập vở, nick yahoo, tài khoản facebook, Lực đều đổi tên thành Jennifer Nguyễn (Nguyễn là họ của Lực). Rắc rối nhất là có lần, Lực còn ghi cả tên Jennifer Nguyễn trong bài thi làm giáo viên chủ nhiệm giật mình và phải tổ chức họp lớp ngay để hỏi. Khi cô giáo hỏi vì sao không ghi tên thật, Lực thản nhiên trả lời: “Em sợ thầy cô không biết tên gọi tiếng Anh của em”.

Có lần, cả khu phố Lực ở tổ chức tiệc 1/6, đến phần trao quà, khi bác tổ trưởng đọc tên Nguyễn Văn Lực lên nhận quà, cu cậu mặt bí xị nói với mẹ: “Mẹ bảo với bác tổ trưởng tên con là Jennifer đi, bạn bè đều gọi con như thế”. Đưa Lực đi đăng ký lớp học piano, lúc mẹ ghi tên, tuổi với cô giáo, Lực nhất định đòi mẹ chỉ ghi tên tiếng anh, không ghi tên tiếng Việt. Chiều con, mẹ Lực đành gặp riêng giáo viên piano để trình bày và ghi tên thật của Lực ra một tờ giấy đưa cho cô giáo.

Bé Trần Diệu (10 tuổi, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) được bố mẹ đặt cho tên tiếng Anh là Stephanie (Stephanie là một tên có nguồn gốc từ Hy Lạp, nghĩa là vương miện). Trong các nhãn vở, Diệu đều tự ghi là Stephanie Trần Diệu. Cô giáo dạy Diệu không giỏi tiếng Anh nên chỉ gọi bé là Diệu chứ không phát âm từ “Stephanie”. Tuy nhiên, Diệu cứ mặc kệ, nhất quyết không nghe, không trả lời bất cứ điều gì khi cô gọi như vậy. Cô giáo đành hỏi giáo viên dạy tiếng Anh cách đọc và từ đó cô gọi Diệu là Phá Nì. Lúc đi thi, trong tờ giấy gọi vào phòng, ngoài tên chính xác còn đóng mở ngoặc từ Phá Nì. Không chỉ vậy, với ai, Diệu cũng muốn gọi mình là Stephanie, bạn bè lỡ phát âm sai thì Diệu giận rỗi, bỏ chơi. Được biết, bố mẹ Trần Diệu đều là người Việt và chưa từng sống ở nước ngoài.

Học 3 năm bên Tiệp, bé Trần Minh Thư (11 tuổi. Q.Ba Đình, Hà Nội) được cha mẹ đặt tên tiếng Tiệp là Mina. Khi về nước, cả nhà đã vô cùng đau đầu vì con quá “nghiện” tên này. Đến nhà họ hàng hay gặp bất cứ ai, khi ba giới thiệu tên là Thư, bé liền phản đối gay gắt: “Ba nói sai rồi, con tên là Mina cơ mà”. Sau vài lần như vậy, hễ muốn giới thiệu tên bé với ai, ba mẹ đều phải nói kèm tên Mina của bé. Có lần, thấy tờ giấy khai sinh của mình để trong tủ, bé liền lấy bút ghi tên Mina bên cạnh tên chính vào đó. Chiếc áo đồng phục trắng tinh cũng được bé dùng bút bi ghi tên tiếng Tiệp lên phía tay áo. Một hôm, bà nội bỏ sổ hộ khẩu mang lên phường xác nhận vài thủ tục, Minh Thư mở ra xem và cũng án ngữ luôn cái tên Mina bên cạnh tên tiếng Việt. Ba mẹ Minh Thư phải mất cả tháng trời để xin cấp lại sổ hộ khẩu mới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều bậc phụ huynh vì thần tượng một nhân vật nổi tiếng nào đó của nước ngoài thì lấy tên đó đặt cho con. Anh T. (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) là bếp trưởng trong một khách sạn có tiếng ở Hà Nội, vì ngưỡng mộ một vua đầu bếp người Ý tên Bob nên đã lấy tên đó đặt tên gọi ở nhà cho cậu con trai 5 tuổi của mình.

Trao đổi với PV Người đưa tin, một cán bộ (đề nghị giấu tên) của trường Tiểu học Thành Công A (khu D, tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trường hợp các bậc phụ huynh đặt tên nước ngoài cho con phần nhiều xảy ra với những trẻ theo học trường quốc tế. Có một số gia đình cũng đặt tên nước ngoài cho con nhưng chỉ gọi ở nhà. “Bản thân là một người công tác trong ngành giáo dục, tôi nghĩ các gia đình không nên đặt tên Tây cho trẻ, tên Việt Nam vừa dễ gọi lại thân thiết nữa”, vị cán bộ này nói.

Học trường quốc tế phải có tên Tây

Anh Đ.T.B (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) khẳng định, từ nhỏ, gia đình đã hướng cho cháu theo học trường quốc tế nên phải đặt một tên Tây cho cháu, ngoài tên Việt ghi trên giấy khai sinh. “Tôi nghĩ, học trường quốc tế mà vẫn để tên con có các chữ đệm như “Thị” hay “Văn” nghe nó quê lắm. Khi cháu nhỏ, ông bà bắt đặt tên khai sinh là Nguyễn Trần Na, sau tôi bàn với vợ đặt tên nước ngoài cho cháu là Elizabeth (tên của Nữ hoàng Anh).

Không riêng gì anh B., rất nhiều gia đình Việt hiện nay chọn tên nước ngoài đặt cho con còn với mục đích sau này cho con du học, làm việc và định cư ở nước ngoài luôn. Ngoài ra, có nhiều bé ở nhà gọi bằng tên gọi Việt nhưng từ khi theo học một lớp tiếng Anh ở trung tâm thì được các thầy cô giáo bản ngữ đặt cho một tên tiếng Anh cho dễ gọi.

Có những gia đình, khi được hỏi lý do tại sao đặt tên nước ngoài cho con thì nói rằng đặt cho… hợp thời, cho giống với các gia đình trong cùng khu nhà. Anh N.V.P (36 tuổi, Hàng Chiếu, Hà Nội) chia sẻ: “Ông bà nội ngoại đều muốn đặt tên ở nhà cho cháu gái là Mít cho nó dân dã nhưng tôi thấy nó quê quê, khó nghe lắm. Mấy ông bạn cùng khu đều đặt tên Tây cho con, không chỉ vậy, đưa bé đến lớp tiểu học, tôi thấy các bé khác đều có tên nước ngoài. Ở lớp tiếng Anh cuối tuần thì 100% các bé có tên theo tiếng nước ngoài. Tiếp nữa là tôi cũng định 2, 3 năm nữa xin cho bé vào học ở một trường quốc tế nên phải đặt cho bé một cái tên Tây”.

Là giáo viên dạy piano của Trung tâm nghệ thuật và kỹ năng sống Neverland (khu phụ trợ nhà CT2B, khu đô thị Mỹ Đình 2, Hà Nội), thầy Nguyễn Phi Long cho biết: “Học sinh của tôi có ở mọi độ tuổi khác nhau, tuy nhiên, chỉ những em học tiểu học là có tên gọi nước ngoài, chẳng hạn như Quinn, Tom, Chip, Bob; còn những học sinh lớn hơn không có”.

Bà Nguyễn Hồ Thụy Anh, chuyên viên tiếng Anh Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, các trung tâm tiếng Anh nên tôn trọng tên tiếng Việt của các học sinh, không nên đặt thêm tên tiếng Anh cho học sinh. Theo bà Thụy Anh, tên của các giáo viên nước ngoài đến từ khắp các quốc gia, khó thế mà các học sinh Việt Nam vẫn phát âm được, vậy thì tại sao các giáo viên nước ngoài không học phát âm tên của các học sinh Việt Nam?

Theo đó, trên thực tế, những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, dù cho tên họ có dài, có khó đọc như Del Piero, Alexandra thì họ cũng không bao giờ đổi. Chị Lan, nhân viên một công ty của nước ngoài nói: “Khi mới vào công ty, nhân viên chúng tôi phải phát âm thật chuẩn tên tiếng Anh của sếp, nếu không sẽ bị khiển trách”. Anh Hoàng Đình Nguyên (phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) nói: “Mình tên Nguyên, làm cho công ty nước ngoài toàn bị gọi là Win, dù không thích tý nào nhưng là quy định công ty nước ngoài nên đành chấp nhận”.

Trao đổi với PV Người đưa tin, thầy Nguyễn Phi Long nêu quan điểm: “Theo tôi, việc đặt tên Tây cho trẻ là hoàn toàn không nên. Điều mà chúng ta cần chứng minh cho người nước ngoài thấy mình đã hòa nhập đó là trí tuệ thì nhiều người lại không mấy quan tâm. Vì sao chúng ta lại phải tự đánh mất mình như vậy? Một số trung tâm tiếng Anh cho rằng tên Việt khó gọi nên đặt cho mỗi học sinh một tên tiếng Anh nhưng tôi không tán đồng. Chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan, nếu tâm lý sính ngoại ăn sâu, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng Tây không ra Tây, ta không ra ta, lai căng pha trộn và rất khó chấp nhận”.

Theo thống kê năm 2010, TP.Hồ Chí Minh có 36 trường mầm non quốc tế nhưng có nhiều trẻ em Việt Nam theo học (có trường tỷ lệ 50% sĩ số), chương trình hầu hết được giảng dạy bằng tiếng nước ngoài (Anh, Pháp). Ngay cả những chuyên đề về văn hóa, phong tục Việt Nam cũng được dạy bằng tiếng nước ngoài. Có trường hợp trẻ em người Việt nhưng lại không được học tiếng Việt ở trường mẫu giáo, khi cần viết tên tiếng Việt, người lớn phải điền tên giúp học sinh này.

Yến Dương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.