Kẻ gian vùng cao
Ông Chu Văn Thanh - Chánh án TAND huyện Sa Pa kể, cách đây không lâu có một vụ án đòi ngựa cười ra nước mắt tại huyện nhà.
Theo đó, gia đình ông A có một con ngựa thồ rất khỏe, hai vợ chồng coi đó là một tài sản quý trong nhà nên chăm sóc ngựa rất cẩn thận. Vào một đêm mưa gió, sấm sét rền vang khắp núi rừng, con ngựa nhà ông A xổng chuồng, phi nước đại biến mất vào núi rừng đen thẫm.
Mưa tạnh, gió thổi hiu hiu leo lắt qua từng tán lá cây rừng, trời đất trở lại yên bình, nhưng chú ngựa không thể tìm được đường về nhà. Vợ chồng ông A mất ngựa, buồn mấy ngày liền. Đối với người dân vùng cao Tây Bắc, con ngựa không chỉ là một tài sản lớn trong nhà, còn như người bạn, giúp gia chủ thồ hàng hóa một cách hữu hiệu.
Một hôm, nghe nói gia đình bà B ở xã bên có một con ngựa giống nhà mình, ông A lập tức đến xem. Sau khi ngắm nghía, ông A quả quyết đó là con ngựa nhà mình đã mất trước đó. Nhận ra chủ cũ, con ngựa đứng im, hý vang như muốn nói: “Xin chào ông chủ”.
Ngặt nỗi, gia đình bà B không chịu trả ngựa, nói rằng đây là ngựa nhà mình. Hai bên không tự giải quyết được tranh chấp. Cuối cùng, ông A làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Sa Pa.
Vụ án “chặt đôi con ngựa”
Bình minh ló rạng. Những giọt sương ban mai trắng muốt vẫn còn đọng trên ngọn cỏ, bà con các dân tộc trong huyện Sa Pa đã tập trung đông đủ tại khu đất rộng, im lặng xem Tòa án xử lưu động.
Quá trình giải quyết vụ án, hai bên gia đình ông A, bà B đều cho rằng con ngựa là của mình. Chờ đến khi tranh chấp lên đến đỉnh điểm, vị thẩm phán- chủ tọa phiên tòa phán: “Chặt đôi con ngựa ra, mỗi bên một nửa”.
Mặt ông A buồn rười rượi, trong khi gia đình bà B phấn khởi ra mặt. Những cử chỉ tâm lý đó không qua được mắt vị thẩm phán. Qua đánh giá nội tâm, vị chủ tọa phán đoán con ngựa là của gia đình ông A. Vì người chủ thật sự không muốn giết chết con ngựa mình yêu quý.
Trước sự chứng kiến của mọi người, cán bộ Tòa án cho con ngựa thồ một lượng hàng hóa lớn, bất ngờ vung roi quất mạnh vào mông nó. Bị đánh đau, chú ngựa tung vó chạy nhanh về phía trước. Nhiều người không hiểu mục đích của cán bộ Tòa đánh ngựa để làm gì.
Chỉ đến khi, chú ngựa chạy đúng về nhà ông A (ngựa quen đường cũ), thì mọi người mới tâm phục khẩu phục tài xử án của thẩm phán TAND huyện Sa Pa.
Ông Chánh án TAND huyện Sa Pa Chu Văn Thanh tâm sự: “Xử án vùng cao, ngoài áp dụng đúng pháp luật, thẩm phán còn phải biết áp dụng linh hoạt kiến thức xã hội mới xử án được công tâm”.
TL