Mới đây, truyền thông đưa tin cô bé Maddison Raines, đến từ bang Arizona (Mỹ), từng khiến cảnh sát cùng nhiều người Mỹ phải thán phục trước sự nhanh nhạy, tự giải thoát mình khỏi nguy cơ bị kẻ lạ bắt cóc.
Theo đó, chia sẻ với Good Morning America vào năm 2018, Raines và mẹ cô bé, bà Brenda James, đã kể lại câu chuyện trên.
Cụ thể, thời điểm tháng 11/2018, Maddison, khi ấy 10 tuổi, cùng một người bạn đang đi bộ gần một công viên thì bị một người đàn ông lạ mặt, lái chiếc SUV trắng, tiếp cận.
Cũng theo cô bé, kẻ gian không để lộ mặt mà nói rằng, anh trai cô bé vừa gặp "tai nạn nghiêm trọng" và nhờ hắn tới đón cô bé.
Thấy lạ, cô bé có phần sợ hãi nhưng rồi cô nghĩ về câu chuyện từng được mẹ dạy và bắt đầu hỏi hắn.
Cụ thể, cô bé bất ngờ hỏi gã đàn ông về mật mã gia đình mình. Câu bất ngờ khiến hắn "đứng hình" trong vài giây và lẳng lặng quay xe bỏ đi.
Khi trở về nhà, Maddision đã kể lại những gì xảy ra với gia đình mình khiến ai nấy vừa bất ngờ nhưng cũng thở phào nhẹ nhõm vì cô bé bình yên trở về.
"Khi cháu hỏi, sắc mặt hắn đột nhiên tái mét và lẳng lặng quay xe bỏ đi. Cháu đã vô cùng sợ hãi vì cháu không biết nếu cháu lên xe, hắn sẽ làm gì với mình", cô bé chia sẻ với báo chí.
Nói thêm về cách dạy con, bà James, mẹ của Maddision tiết lộ gia đình đã quyết định đặt mật mã như những gì cô bé đã nói để đề phòng trường hợp tương tự xảy ra.
Về việc chia sẻ câu chuyện của con, người mẹ cho hay bà cũng mong những đứa trẻ khác khi rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng có cách ứng phó nhanh nhẹn và dũng cảm.
Trong một bài đăng trên Facebook của Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Pinal, Cảnh sát trưởng Mark Lamb đã ngợi khen sự nhanh nhạy của cô bé Maddision và ca ngợi cách dạy con cũng như truyền cảm hứng cho dư luận của cha mẹ bé. Qua đây, có thể thấy việc đặt mật mã và dạy con ứng phó những tình huống này là vô cùng quan trọng.
Từ các tình huống trên, các chuyên gia cũng chỉ ra một số kỹ năng giúp trẻ thoát khỏi cái bẫy của bọn bắt cóc như:
Quy ước mật khẩu với bé: Quy tắc này rất quan trọng nếu như trẻ thường xuyên phải đi học một mình. Mẹ hãy dạy cho con một từ hoặc một câu đặc biệt mà chỉ những người trong gia đình mới biết.
Nếu như mẹ nhờ người đón con thì hãy cung cấp cho họ mật khẩu này. Nhiều kẻ xấu cũng lợi dụng sự lo lắng của trẻ con để dụ dỗ con đi theo. Chúng có thể sẽ nói với bé cha mẹ đón về, mẹ đang bị ốm, đưa trẻ đến chỗ mẹ,…
Lúc này hãy dạy cho trẻ hỏi mật khẩu, nếu đúng thì hãy đi theo còn nếu sai thì tuyệt đối không đi. Nhớ là đừng nên chọn mật khẩu quá dễ vì kẻ xấu có thể sẽ đoán ra được. Hãy chọn một cụm từ quen thuộc với con nhưng đủ đặc biệt không dễ đoán.
Hét thật to khi người lạ động vào: Cha mẹ hãy dặn dò con khi thấy có người lạ động vào và kéo con đi thì phải hét thật to tìm kiếm sự cầu cứu.
Cha mẹ nên dạy trẻ khi bị 1 người lạ mặt cố tình lôi, kéo cần sẵn sàng giằng co, cắn, đá và tìm cách thu hút sự chú ý của người đi đường bằng cách giãy giụa, hét lớn “Tôi không quen biết người này, họ đang muốn bắt cóc tôi!”.
Cảnh giác với người lạ trong thang máy: Với trường hợp bé ở nhà một mình, dặn dò trẻ không được mở cửa cho người lạ. Nếu như bé đi thang máy thì hạn chế vào cùng người lạ mà hãy đi theo đám đông. Nếu như ở trong thang máy bị dụ dỗ thì con cần phải la hét, đạp và cắn mạnh vào kẻ xấu.
Không được nhận quà từ người lạ: Chiêu thức phổ biến nhất của những kẻ bắt cóc là sẽ dụ dỗ bé bằng những món quà hấp dẫn như kẹo bánh, đồ chơi, quần áo,…
Nguy cơ những món đồ chơi kẹo bánh sẽ tẩm thuốc mê và con hít vào sẽ không kiểm soát được, do đó mẹ cũng phải dạy con sau khi từ chối không nhận thì hãy tìm đến chỗ có người lớn để tránh bị kẻ đó dụ đỗ.
Cảnh giác với những lời gạ gẫm nhờ giúp đỡ: Kẻ xấu sẽ thường lợi dụng sự ngây thơ và lòng tốt của các em bé để dụ dỗ các bé ra khỏi vòng an toàn. Vì vậy, hãy dạy con không giúp đỡ người lạ.
Nếu như có người yêu cầu giúp đỡ thì hãy chạy ngay đến với người lớn xung quanh đó để nhờ họ. Giảng giải với con rằng, nếu người ta thật sự cần giúp đỡ, họ sẽ tìm đến người lớn chứ không phải là trẻ em.
Hà Lan (Tổng Hợp)