LTS: Ông Trần Tề, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao. Trong cuộc đời mình, ông từng tham gia giải quyết nhiều vụ án phức tạp, thay đổi thân phận pháp lý, tránh oan ức cho nhiều người.
Những câu chuyện dưới đây được ghi từ hồi ức của ông. Được phép của gia đình, chúng tôi xin công bố một phần trong cuốn hồi ức này.
Năm 1978, Lê Văn Tước người tỉnh Kiên Giang, 25 tuổi, có vợ và hai con nhỏ dưới năm tuổi, bị tòa án tỉnh kết án tử hình về tội giết người, cướp của. Theo đó Tước đã giết một cô gái đi mua hàng trên chiếc ghe nhỏ để cướp tài sản.
Nhận tội thay cho cha vợ
Ông Trần Tề nhớ lại: “Sáng ngày thi hành bản án tử hình, quần chúng đến dự đông đảo, cọc và lỗ đã có sẵn, đội xạ thủ đã sẵn sàng. Bất ngờ trong lời nói cuối cùng trước khi ra pháp trường, Tước nói: “Tôi không giết người, cướp của, tôi nhận tội thay cho cha vợ, nay tôi xin chịu chết nhưng được nói ra sự thật để lòng thanh thản...”.
Hội đồng thi hành án gồm viện trưởng kiểm sát, chánh án, giám đốc công an tỉnh sửng sốt, phải cho tạm hoãn. Mỗi ngành cấp tốc điện xin ý kiến cấp trung ương của mình là cho bắn hay trì hoãn.
Ngành công an (Bộ Nội vụ) và Tòa án Tối cao đều nhất trí cứ cho bắn vì vụ án đã qua ba năm xem xét, qua các cấp xét xử thấy chứng cứ đã rõ ràng. Tước đã thú nhận tội ngay từ đầu, nay trước cái chết, nó sợ nên bịa đặt nói bừa, không có cơ sở gì để đình việc thi hành bản án, nhất là Hội đồng Nhà nước xem xét đơn xin tha tội chết đã nhất trí bác đơn của Tước. Chủ tịch nước Trường Chinh đã ký lệnh cho thi hành bản án này.
Riêng tôi thay mặt VKSND Tối cao có ý kiến phải tạm hoãn việc thi hành bản án để nghiên cứu kỹ lại hồ sơ, phúc tra chứng cứ. Bắn Tước thì dễ nhưng nếu bắn oan thì không thể nào sửa chữa được nữa...
Nghi vấn: Thủ phạm không thể hành động một mình
Tôi nghe các kiểm sát viên báo cáo lại vụ án rồi lấy hồ sơ trực tiếp nghiên cứu. Trong hồ sơ, Tước từ đầu đã thú nhận tội, chứng cứ phù hợp với lời khai. Tuy nhiên, có một điểm đáng ngờ: Nạn nhân đi mua hàng tạp hóa bằng chiếc ghe nhỏ, Tước cũng đi đánh bắt cá bằng thuyền nhỏ. Vụ giết người, cướp của xảy ra trên sông, vào ban đêm, cùng một lúc vừa thực hiện hành vi giết người, vừa phải giữ cho hai chiếc thuyền nhỏ đứng yên một chỗ để sau khi giết người xong thì chuyển hàng hóa từ thuyền nạn nhân sang thuyền của Tước. Như vậy ắt là phải có người giúp sức giữ thuyền nhưng Tước khai chỉ hành động một mình.
Tôi trực tiếp báo cáo sự việc với đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch nước và đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhà nước. Hai đồng chí bảo tôi: Việc này phải cân nhắc kỹ vì chưa có tiền lệ, từ khi thành lập nước đến nay chưa có khi nào một vụ án Chủ tịch nước đã không tha tội chết, cho thi hành án tử hình mà còn ghi là oan sai, phải xét lại!
Tôi kiên trì trình bày, cuối cùng hai đồng chí đồng ý cho phúc tra và tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tôi về báo cáo với anh Trần Hữu Dực, Viện trưởng VKSND Tối cao, anh Dực nói: “Nếu anh thấy đúng và cần làm thì cứ làm, anh chịu trách nhiệm chính, còn tôi chỉ liên đới trách nhiệm mà thôi”.
Tôi ký đề nghị ba ngành cùng tham gia phúc tra. TAND Tối cao từ chối với lý do tòa án căn cứ hồ sơ để xét xử, còn việc điều tra chứng cứ là do công an và kiểm sát. Bộ Công an cũng từ chối với lý do công an các cấp từ tỉnh đến bộ trước sau đều xác định chứng cứ trong hồ sơ là đúng, không có gì phải tham gia phúc tra. Nay viện kiểm sát chưa tin thì viện cứ cho đi phúc tra về báo cáo để Hội đồng Nhà nước quyết định.
Trước những ý kiến này, tôi đề nghị Chủ tịch nước đồng ý cho TAND Tối cao không dự, còn Bộ Công an phải cùng cử cán bộ trực tiếp phúc tra, nếu ngành công an không tham gia vẫn giữ ý kiến trong khi VKSND Tối cao phúc tra có nhận xét khác về chứng cứ vụ án thì Hội đồng Nhà nước dựa vào ai để quyết định. Cuối cùng đồng chí Trường Chinh chỉ thị cho Bộ Nội vụ phải cử cán bộ cùng tham gia phúc tra.
Nhận tội vì ân nghĩa
Trả lời đoàn phúc tra, Tước khai cha mẹ đẻ của Tước và cha vợ của Tước ở cùng xã, vốn là bạn thân, cùng là dân nghèo sống bằng nghề chài lưới trên sông. Khi Tước lên ba tuổi, cha mẹ đẻ bị dịch tả đều chết cả. Cha vợ Tước đưa Tước về nuôi, khi lớn lên thì gả con gái đầu lòng cho Tước. Thấy vợ chồng Tước cuộc sống quá khó khăn, trong xã có cô gái con nhà khá giả, buôn bán tạp hóa, thường đi lại trên chiếc ghe nhỏ, có hôm đi về đêm nên cha vợ Tước nảy ý nghĩ giết cô này để lấy tiền của giúp cho vợ của Tước đỡ khổ.
Cha vợ Tước đã chặn ghe cô gái trong đêm, giết và cướp tài sản đem về cho vợ Tước. Khi phát hiện vụ án, Tước và cha vợ đều bị bắt, giam ở hai phòng giam cạnh nhau. Tối đến cha vợ đã xoi vách bảo Tước: “Tội này là tội của cha chứ con không có tội gì nhưng nay hai cha con đều bị nghi và bị bắt giam, ở ngoài không có ai giúp chạy án, cho nên cần phải có một người được ra để lo chạy án. Nếu con ra thì con không quen biết nhiều, không có kinh nghiệm, không có điều kiện để lo chạy, vì vậy con có thể nhận tội thay cha thì cha sẽ ra được và sẽ lo chạy án cho con, thế nào cũng được giảm nhẹ, còn vợ con của con thì cha sẽ lo chăm sóc nuôi chúng nó thay con”.
Bởi tình sâu nghĩa nặng với cha vợ và nghe ý của cha vợ cũng có lý nên Tước đã sớm nhận tội trước cán bộ điều tra. Anh ta dựa vào lời kể lại tỉ mỉ về hành động giết người của cha vợ nên sự khai báo của Tước đều khớp với chứng cứ khác và hiện trường vụ án.
Tước bị kết án tử hình. Mãi đến khi bản án sắp được thi hành thì Tước mới nói mình không phải là hung thủ. Khi cán bộ điều tra hỏi: Có chứng cứ gì cụ thể để Tước nêu ra minh oan cho mình không? thì Tước bế tắc vì việc anh ta nhận tội thay cho cha vợ chỉ có hai người (cha vợ Tước và Tước) biết thôi... Nhưng khi kiểm sát viên cao cấp của VKSND Tối cao hỏi Tước (theo nội dung gợi ý của tôi): “Có khả năng là có người thứ ba khi xảy ra vụ cướp đã giữ cho hai thuyền nhỏ không bị trôi không?” thì như bừng tỉnh lại, Tước khẳng định phải có người giữ thuyền và người đó phải là thằng em vợ của Tước lên 10 tuổi, thỉnh thoảng cha vợ Tước đưa nó theo để giúp thêm...
Khi hỏi cha vợ Tước, ông ta đã thú nhận có thằng con này và lâu nay nó đi ở giúp việc nhà cho người họ hàng ở huyện khác. Đoàn cán bộ phúc tra lập tức dùng xuồng máy, buộc ông ta dẫn đường đến nơi và được em vợ Tước kể lại rõ ràng hành động giết người, cướp của của cha vợ Tước. Thằng bé khẳng định hôm đó không có anh rể của nó là Tước tham gia...
Trước chứng cứ sống không thể chối cãi, cha vợ Tước đã cúi đầu nhận tội trước và bị xử chung thân (vì ông ta đã trên 60 tuổi và vụ án đã lâu nên có khoan hồng), còn Tước bị phạt ba năm tù giam (bằng với thời gian đã giam giữ) vì phạm tội che giấu tội phạm và đã nhận tội thay cha vợ làm sai lệch án.
“Khi tôi đề nghị Chủ tịch nước cho phép phúc tra. Cán bộ của VKSND Tối cao đều khuyên tôi không nên đặt lại vấn đề vì vụ án đã lâu, chứng tích không còn gì, nếu giả định là Tước bị oan thì cũng không thể lấy gì chứng minh được. Nếu Tước bị oan thì mọi người tham gia vụ án đều có phần trách nhiệm chứ không phải chỉ có tôi. Còn nếu không chứng minh được Tước oan thì VKSND Tối cao mà trực tiếp là tôi phải chịu trách nhiệm vì đã không đủ trình độ, năng lực nhận thức vấn đề. Quan trọng hơn là đã coi thường ý kiến của các ngành công an, tòa án các cấp và không tin cả quyết định của Chủ tịch nước, mà nghe theo lời của kẻ tử tội... Trước những lời khuyên, tôi cũng cân nhắc nhưng đã cảm thấy bị án có thể bị oan, tôi không thể vì sợ mất chức mà để họ chết oan.” - Ông Trần Tề, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao |
Theo Nguyễn Tý (Pháp luật TP HCM)