Những tháng ngày lạc lối
Chị Hoa ngồi co ro trên manh chiếu rách trước ban thờ. Thỉnh thoảng chị lại khóc ngất, đầu đập vào mép ban thờ kêu khóc. Thấy khách lạ vào thăm, chị đưa tay lên gạt nước mắt, mếu máo: "Buồn vì nghèo, vì mẹ đi bán dâm phải vào Trung tâm phục hồi nhân phẩm nên nó mới lao đầu vô tàu tự tử". Vừa nói, chị vừa chỉ lên ban thờ, chúng tôi nhìn lên thấy hương trầm bay nghi ngút, trong di ảnh là cậu con trai tuổi chừng đôi mươi.
Nguyễn Thị Hoa - Người đàn bà phong sương một thời
Chị sinh ra trong một gia đình nghèo ở chợ Đông Ba lắm xa hoa. Thời chị còn trẻ, biết bao người xuýt xoa trước vẻ đẹp của chị, không những thế chị lại chịu thương chịu khó, gánh trên vai cả gia đình. "Thời ấy, mẹ tôi tự hào về tôi lắm. Mẹ mong tôi sớm lấy chồng, để mẹ nhìn thấy tôi hạnh phúc những ngày cuối đời. Tuy biết mong mỏi của mẹ, nhưng thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em còn nhỏ nên dù có bao chàng trai đến hỏi tôi về làm vợ, nhưng tôi vẫn một mực khước từ.
Người ta dạm hỏi, tôi khước từ, mẹ khóc suốt nên tôi đành nghe theo. Thật trớ trêu khi người đàn ông ấy bị vô sinh, không những không thương vợ, để bảo vệ cho lòng sĩ diện của mình, ông ta không ngừng mắng nhiếc, đánh đập tôi thậm tệ. Vậy là hạnh phúc vỡ tan, đôi người đôi ngả, tôi quay về sống bên mẹ với kiếp nghèo đằng đẵng".
Thương mẹ già yếu, thương các em nhỏ dại, trong thời khắc không làm chủ được bản thân, Hoa đã buông mình vào trò chơi "già nhân ngãi non vợ chồng" với những người đàn ông háo sắc. "Ngã vào vòng tay những người đàn ông, tôi biết cuộc đời mình như thế là đã hết. Ba đứa con lần lượt ra đời là kết quả của những lần tôi "cặp bồ". Những đứa con không cha cứ thế lớn lên. Trời sinh voi, nhưng trời không sinh cỏ, Hoa lại một mình gánh thêm nỗi nhọc nhằn đông con. Ba lần trở dạ, ba lần Hoa đều một mình vượt cạn. Sinh con chừng vài tháng tuổi, người mẹ ấy bỏ chúng ở nhà trông coi lẫn nhau để đi... bán dâm.
Tuổi thơ lắm đắng cay, mồ côi cha từ nhỏ, mẹ già ốm yếu cũng sớm về trời, càng hiểu nỗi thiệt thòi của trẻ mồ côi, Hoa càng mong sẽ kiếm bất chấp bằng cách gì để có được nhiều tiền để nuôi lũ con tội nghiệp. "Anh chị em ruột thấy mình làm nghề này nhục quá, ai nấy đều từ mặt vì xấu hổ. Mỗi lần đạp xe đi khách, đều phải lầm lụi, cúi mặt xuống đường vì sợ gặp họ hàng", Hoa kể.
"Càng lớn tuổi, "đi khách" càng cực, có những lần kiếm sống trên đường Ngô Quyền, rồi công viên Lê Lợi chỉ được 20 nghìn, bạn bè rủ đi uống cà phê là hết. Rồi không có tiền nộp cho côn đồ, bị đánh bầm dập là chuyện thường ngày. Biết sao được, một mình một đôi bàn tay trắng, sinh cơ giữa chợ đời. Có những lần gặp 3 đến 4 khách trẻ măng cùng một lúc, ít hơn tuổi con trai mình. Nhiều khi muốn tránh đi, nhưng vì đồng tiền, bèn chiều khách như kẻ mất hồn, đắng cay không tả hết"- Hoa cắn môi thật chặt, đau đớn như muốn bật máu.
Nợ con cả cuộc đời
Hơn 50 tuổi, ba đứa con cũng dần khôn lớn, nhưng cái nghèo, cái đói vẫn bám riết gia đình Hoa. Nghĩ đời mình đã khổ, không muốn đời con, đời cháu cũng như mình, nên ngày thì Hoa đi bán hàng rong, tối đến chị lại đạp xe ra công viên bán dâm. "Mình đã già nua nên việc đi bán dâm cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng không làm thì các con cũng cực. Thôi thì kiếm được đồng nào hay đồng ấy...", Hoa thở dài.
Từ ngày đứa con trai mất vì tuyệt vọng trước cảnh nghèo, Hoa như người mất hồn. Gạt đi những lọn tóc lòa xòa trên mái đầu đã chuyển hết sang màu tiêu muối, người đàn baồphng sương cực khổ tiếp tục trần tình về những trang đắng đời mình. Nhiều năm coi thân thể như món hàng, đã không ít lần Hoa bị đưa vào Trung tâm phục hồi nhân phẩm. "Vào trại mới thấy xót con vô cùng. Nỗi nhớ con càng cào xé, tôi càng cảm thấy mình có tội, sinh ra rồi để chúng bơ vơ trong cảnh bần hàn".
Mỗi lần từ trại trở về, Khôi (con trai lớn) đều khuyên mẹ bỏ "nghề". "Nó bảo mẹ lớn tuổi rồi, mẹ ở nhà đi, con sẽ đi làm nhiều hơn để cấp thêm tiền cho mẹ. Lúc nghe con nói thế, mình chỉ trả lời: "Mẹ phải suy nghĩ đã". Người mẹ lạc lối chưa kịp hiểu lòng con thì Khôi đã lao đầu vào cột điện do buồn phiền vì mẹ làm cái nghề nhơ nhớp. Lần đó, Khôi không chết mà chỉ mang theo tật nguyền đau đớn. Khuyên mẹ không được, nó quyết tâm kết liễu đời mình cho đến cùng, vì nghĩ rằng, cuộc sống cơ cực này sẽ chẳng bao giờ thay đổi.
Những ngày cuối năm 2010, con mất, Hoa được bảo lãnh trở về từ trung tâm phục hồi nhân phẩm để lo đám tang. Nghĩ đời đã đủ cực mà chẳng khiến các con no đủ hơn, và đặc biệt sau cái chết của Khôi, người mẹ lạc lối tỉnh ngộ và quyết định bỏ "nghề". Niềm an ủi cuối cùng của người mẹ tội lỗi ấy vẫn lại là những đứa con còn lại, đứa con gái thứ hai cũng đã biết đi làm thêm để phụ mẹ, đứa thứ ba là con trai cũng vừa đi phụ việc trong phố, vừa cố gắng học tới lớp 11.
Trở về, gạt đi nỗi ám ảnh bùn nhơ, ngày chị Hoa đi bán vé số, tối về bán trứng vịt lộn trước hiên nhà. Những cơn mưa Huế dầm dề như ngăn bước chân của người đàn bà đã từng một thời tội lỗi. "Tuổi già đã chuẩn bị ập đến trên đầu, những cơn đau bệnh khiến tôi như muốn kết liễu đời mình mãi mãi, nhưng nghĩ đến cái chết oan nghiệt của đứa con trai, tôi biết mình nợ nó cả cuộc đời. Và tôi lại miệt mài sống tiếp".
Bài học xương máu
"Đó là một người đàn ông tạt vào cuộc đời tôi như bao người đàn ông khác. Tưởng như chỉ là khách qua đường, nhưng ông ấy đã tận tụy trò chuyện với tôi, cho tôi những lời khuyên, muốn tôi đừng quay lại con đường cũ. Khi tôi ở trong trại, ông ấy tới thăm nom, rồi thỉnh thoảng ông ấy lại tới nhà giúp các con tôi những bữa rau bữa cháo. Quá nửa đời người, trải qua bao cay đắng, tôi chẳng ngờ tình thương cuộc đời dành cho tôi vẫn còn quá nhiều"- lau nước mắt, chị Hoa sụt sùi xúc động kể.
Chị Hoa cho biết, khi trở về, chị được cho ở nhờ căn nhà cũ của phường để bắt đầu lại cuộc sống mới. "Đoạn tuyệt với những tháng ngày đen tối rồi tôi ra đường vẫn cúi gầm mặt vì xấu hổ, nhưng người ta nói với tôi rằng "đánh kẻ chạy đi chớ không đánh người chạy lại", niềm tin về tình người, tình đời tưởng như đã nát vụn trong tôi bỗng như được hồi sinh nhanh chóng lạ thường."
Cứ thế, sau những tháng ngày tăm tối, trong căn nhà gỗ mượn tạm, xộc xệch với những thứ đồ chuẩn bị cho buổi tối bán hàng ăn, chị Hoa cùng các con nâng niu từng ngày sự hồi sinh ấy. Cõi lòng người mẹ ấy như những mảnh vụn đầy lệch âm hỗn tạp, nhếch nhơ bỗng được chắp lại, tuy chẳng vẹn nguyên nhưng cũng đã bớt đau đớn bội phần. Đến bây giờ chị Hoa hiểu ra rằng con đường mình đã lựa chọn là một sự sai lầm, chẳng có viễn cảnh nào cho cái nghề bán thân nuôi miệng.
Ngô Hùng - Nguyễn Thu
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi