Nhưng… bất ngờ thay… sau hai tháng tập trung cai nghiện ở đó, khi sức khoẻ của Mai đang hồi phục rất tốt thì bỗng choáng váng, ngỡ ngàng bởi cái tin sét đánh: Mai được phát hiện đã nhiễm căn bệnh HIV trong một đợt xét nghiệm máu toàn trại!
Hết thời hạn 6 tháng, Mai trở về gia đình như một thủ tục hoàn tất cho các quy trình cai nghiện - Phục hồi. Không biết từ đâu, nguồn thông tin Mai vừa đi cai về, lại bị HIV rò rỉ rồi mau chóng loan khắp ngõ phố. Hàng quán của gia đình cô bỗng dưng không một bóng khách ghé vào mua – bán. Có hôm Mai vừa bước ra đường, một đám trẻ con đang nô đùa chạy nhảy, chợt chúng xúm lại thì thầm với nhau nhưng cô nghe rất rõ: “SIDA đấy…Eo ơi…Sợ thế nhở!”.
Ảnh minh hoạ
Trong tự truyện của mình, Mai giãi bày: “Thời điểm ấy, mẹ tôi vẫn vậy – luôn đay nghiến dù không còn đánh đòn tôi như lúc trước! Mối quan hệ “Mẫu - Tử” giữa chúng tôi vốn đã có nhiều mâu thuẫn ẩn sâu bên trong, nay lại càng trở nên tồi tệ hơn vì lý do tôi là “đứa hư hỏng”! Miệng tiếng thế gian khiến mẹ tìm cách giam lỏng tôi giữa bốn bức tường. Thậm chí, tôi bị cấm không được lai vãng xuống nhà dưới, chỉ quanh quẩn trên căn gác xép mà ánh sáng mặt trời chỉ lọt được vào qua mấy khe cửa thông gió.
Mẹ không cho tôi đụng vào việc gì trong nhà, mọi vật dụng sinh hoạt đều được bà sắp riêng cho tôi từ cái bát, đôi đũa. Mà sau mỗi bữa ăn việc thứ nhất tôi phải làm là tự tay rửa riêng bát đũa của mình. Đôi khi, tôi tìm cách gợi chuyện – hy vọng phá đi sự ngăn cách giữa hai mẹ con tôi. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ cho phép tôi ngồi sát gần bên cạnh, nếu đoán biết tôi có ý định ấy. Bà sẽ nhắc nhở tôi trước rằng hãy ngồi xa ra một chút. Tôi thấy mình sao mà buồn tủi quá! Cô đơn và mặc cảm cứ ngày một chất đầy!”.
Cuộc sống gia đình Mai chỉ trông cậy cả vào quán hàng. Nhưng từ khi cô về nó rơi vào tình trạng ế ẩm kéo dài khiến điều kiện kinh tế lâm vào thế khó khăn, quẫn bách. Không làm ăn được gì, mẹ cô sinh ra bực dọc, cáu gắt, chì chiết, còn Mai chỉ biết ôm đầu ngồi thở dài trên căn gác xép mà cõi lòng như thắt lại! Để xoay chuyển tình thế, mẹ bảo cô hãy dọn ra ngoài, đi thuê nhà ở riêng, khoản tiền mỗi tháng bà đồng ý sẽ chi trả. Bà còn thẳng thừng yêu cầu Mai từ nay về sau vĩnh viễn đừng bao giờ quay về ngôi nhà này! Chẳng còn cách nào khác, cô buộc phải làm theo ý bà. Như một kẻ giữa lúc gặp cơn hoạn nạn, sóng gió thì bị bỏ rơi, Mai lủi thủi một thân, một mình trong cái thế giới tách biệt và bế tắc bức bối oán hận cuộc đời, lòng thù hận đã làm tối mắt cô!
Ma tuý luôn khôn khéo và ranh mãnh, hình như nắm bắt được tâm trạng mu muội của Mai, nó kéo cô quay trở lại trong cám dỗ, nó ru ngủ đi nỗi hận đời của Mai bằng những cơn ảo giác ma mị… Mai lại trượt dốc! Tự mình nhấn chìm xuống bao khát vọng làm lại cuộc đời đã đôi lần từng nhen nhóm! Như một quy luật tất yếu sẽ phải diễn ra: Vòng tay của ma tuý đưa Mai ra – vào trại cai nghiện hết lần này cho tới lần khác!
Tình yêu với người chồng đồng cảnh HIV
Đi cai lần thứ ba, Mai quen biết rồi yêu một thanh niên cùng cảnh ngộ, anh ấy cũng từng mắc nghiện và đang mang căn bệnh HIV trong mình như cô. Họ đến với nhau bằng tất cả mối đồng cảm, chia sẻ, động viên cùng nhau vượt qua bao tháng ngày gian nan cai nghiện. Và quyết tâm cùng nhau hướng tới một tương lai hoàn lương – giã từ những quá khứ đã có nhiều vết nhơ của ngày hôm qua!
Cuộc đời của Mai như vừa tìm thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm: “Rời khỏi nơi ấy, chúng tôi cùng trở về gặp nhau. Anh dẫn tôi tới giới thiệu với gia đình, sau đó xin phép họ cho chúng tôi kết hôn. Nhưng khi biết rõ quá khứ và gia cảnh không mấy tốt đẹp của tôi, họ tỏ ý ngăn cấm, kiên quyết không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Dù đã nhiều lần phân tích, thuyết phục mà kết quả không như chúng tôi mong muốn! Đành vậy! Chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ để chung sống – hy vọng rằng sau này khi chúng tôi có một cuộc sống tốt – lương thiện, gia đình anh sẽ từ từ thay đổi cách nhìn mà chấp nhận những nỗ lực của chúng tôi”.
“Bắt tay vào việc xây dựng “tổ ấm” của mình dù chỉ từ con số “0” nhưng tôi và anh đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, háo hức hoà nhập trong cuộc sống của bao người dân lao động chân chính, bình dị! Xã hội bây giờ trình độ - bằng cấp không, sức khoẻ cũng không có, vậy để xin được một việc làm đàng hoàng còn khó hơn “mò kim đáy bể”. Tôi đành sắm sửa vài vật dụng: thuốc, nước, kẹo bánh… xếp vào vừa đủ chiếc làn, rồi xách “quán trà di động” đi rong ở một bến xe khách. Tôi chen lấn giữa các đầu xe đỗ trên sân, mời chào và bán cho những bác tài cùng khách hàng trên xe.
Sáng sáng, anh ấy chở tôi ra đó, rồi tới làm thuê cho một cửa hàng cắt tóc nam. 8h tối anh lại về đón tôi, gặp hôm tôi còn khách mua hàng, anh dựng xe kiếm thêm vài đồng bằng một, hai cuốc xe ôm. Cũng long đong lắm cái cảnh cánh hàng rong liên tục bị đội cảnh sát trật tự đuổi, cuống cuồng chạy đôn chạy đáo, có khi phải “bỏ của chạy lấy người”! Nhưng rồi sau mỗi ngày rong ruổi nắng mưa với bụi bặm bê bết – Chúng tôi lại nhìn nhau bằng những nụ cười đầy ắp ánh sáng bừng trên môi! Giá như cuộc sống chỉ có vậy thôi thì cũng đã mãn nguyện biết bao…!”, Mai tự sự.
Nhưng ma tuý lại một lần nữa len lỏi vào cuộc sống ấy, nó không buông tha cho vợ chồng Mai! Không biết tự lúc nào, anh ta lén lút, giấu giếm vợ việc anh sử dụng lại. Cho tới lúc Mai hay được chuyện này cũng là lúc cô mới biết mình đã mang thai đứa con của anh!
Đành đưa nhau về cầu cứu sự giúp đỡ của hai phía gia đình song vợ chồng Mai không nhận được sự ủng hộ. Không một ai tán thành việc giữ lại cái thai để sinh nở bởi lý do chúng tôi đều bệnh tật như thế! Mẹ Mai chính là người phản đối gay gắt nhất – bà làm toáng mọi chuyện lên với chồng Mai, bắt anh cam đoan sẽ đưa cô đi nạo phá. Mặc dù ngoài mặt tỏ ra tuân theo ý mẹ, nhưng thực chất Mai đã âm thầm giấu giếm để lại cái thai cho tới khi cái bụng lùm lùm lớn dần lên.
Đột ngột vào một ngày, Mai hụt hẫng chứng kiến người chồng bị cưỡng chế bắt vào trại cai nghiện thêm một lần nữa! Bụng cô đã nặng nề, lại phải sống ở ngoài một thân một mình nếm trải đầy cơ cực. Nghĩ thương cho đứa bé trong bụng! Mai tìm về van nài để mẹ cho cô trở về nhà. Nói hết nước hết cái thì bà cũng chịu đồng ý, song với một điều kiện: sau khi sinh nở xong, cô phải lập tức bỏ lại đứa trẻ ở bệnh viện chứ không được mang về nuôi nó.
“Thôi thì trước mắt cứ đành gật đầu, rồi sau ra sao thì tính tiếp! tôi quay về, lại ru rú trên căn gác xép tăm tối, chẳng dám thò mặt để ai thấy mình! Dường như sự khó chịu của mẹ tỉ lệ thuận theo độ lớn - nhỏ của cái bụng tôi! Hễ đi thì chớ, về đến nhà chạm mặt tôi là bà lại cau có, eo xèo.
Của nợ… Đúng là của nợ! Mày cứ ở rịt trên đấy đi đừng có mà xuống để hàng xóm họ trông thấy cái “nghiệp chướng” này… Ô nhục cái mặt tao lắm!... Nghe chưa con kia! Mang thai ở tháng thứ 5, làm xét nghiệm máu thì được bệnh viện kết luận; tôi chuyển sang giai đoạn AIDS - khả năng lây nhiễm cho đứa trẻ sẽ rất cao! Hơn nữa với tình trạng sức khoẻ như vậy - tôi có thể bị nguy hiểm đến tính mạng trong lúc sinh nở! Và thế là - tôi - một người mẹ trẻ cứ mong chờ sự ra đời của con mình bằng trạng thái tâm lý hồi hộp, căng thẳng và đầy nỗi hoang mang…!”.
Tới tháng thứ 7, áp lực mẹ tạo ra cho Mai và đứa bé ngày một nặng nề hơn! Để thực hiện quyết định lạnh lùng, dứt khoát, bà áp đặt cho cô hai sự lựa chọn: Một là bà sẽ đứng ra thanh toán toàn bộ số tiền viện phí nếu sau khi sinh - Mai chấp nhận bỏ mặc đứa nhỏ tại đó rồi ra về một mình. Ngược lại, nếu cố tình lưu luyến không cắt đứt với nó, coi như cô sẽ phải bế nó mà trốn viện vì không có tiền trả, rồi muốn bồng bế nhau đi đâu thì đi…
Mai chua xót cho biết: “Tôi đã khóc ròng! Nhiều đêm thức trắng hai hốc mắt thâm sâu mà ruột gan rối lên như tơ vò! Làm sao tôi có thể nhẫn tâm bỏ rơi đứa con mình dứt ruột đẻ ra trở thành kẻ vô thừa nhận cho được! Hoặc cùng lắm tôi ôm con bỏ trốn khỏi viện… Nhưng như vậy thì sẽ không lấy được giấy tờ chứng sinh – sau này khó làm được khai sinh, và hơn nữa sẽ còn gặp nhiều rắc rối, bất lợi cho các hồ sơ thủ tục liên quan đến tương lai của đứa nhỏ…? Phải làm sao đây chứ? Chợt nhớ đến đôi vợ chồng đứa bạn mới cưới nhau gần đây, cả hai đều là người có HIV. Ba chúng tôi cũng là thành viên trong nhóm giáo dục đồng đẳng của địa phương…”.
Ảnh minh hoạ
Dàn dựng một vở kịch để được nuôi con
Vậy là một ý tưởng loé lên trong đầu – Mai vội vã tìm đến gặp họ. Khi nghe xong câu chuyện của cô cùng lời khẩn cầu xin được họ giúp đỡ, đắn đo trong giây lát… cuối cùng họ cũng giúp Mai trong vai diễn giả làm một đôi vợ chồng đi xin con nuôi vì lý do nhiễm HIV nên không muốn sinh con.
Sau khi bàn bạc cùng nhau, Mai sắp xếp thời gian để họ tới nhà nói chuyện với mẹ cô. Theo yêu cầu của bà, buộc họ viết tay một bản cam kết sẽ chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm với đứa bé! Cam kết sẽ đến đón nó lập tức ngay sau khi sinh, giấy tờ chứng sinh sẽ được giao cho họ, còn việc đăng ký khai sinh được uỷ thác toàn quyền quyết định thuộc về họ, phía gia đình Mai không còn liên quan nào tới đứa trẻ.
Nghe mẹ Mai nói, “giấy trắng, mực đen; bút sa, gà chết!” họ nhìn nhau lúng túng, dè dặt tỏ vẻ ái ngại! Nhưng rồi bắt gặp ánh mắt cầu khẩn đến tuyệt vọng của Mai - họ không thể lỡ lòng từ chối! Thực sự là Mai chẳng biết kết cục của “vở kịch này sẽ đi đến đâu”. Một cách làm liều giữa lúc đang bế tắc và vô vọng! Đành bất đắc dĩ tạm thời dàn xếp bằng “hoãn binh” như vậy thôi chứ biết tính sao.
Những ngày sau cùng của thai kỳ, vác cái bụng khệ nệ Mai đi bộ tới gõ cửa nhà từng người bạn quen biết một, huy động mọi sự giúp đỡ của họ vào vở kịch đang sắp diễn ra những tình tiết quan trọng nhất. Tính toán kỹ lưỡng Mai phân công thế này: Vợ chồng T. – N. trong vai xin con nuôi sẽ đến bệnh viện lúc Mai sinh con, cầm được giấy chứng sinh trong tay rồi thì đưa con Mai về một nhà nghỉ nào đó… Cái M. có nhiệm vụ trông nom, chăm sóc đứa nhỏ những lúc tôi chưa kịp có mặt (vì nó là đứa từng làm mẹ nên sẽ có nhiều kinh nghiệm chăm trẻ). Còn chị H., mọi chi phí ban đầu trước mắt, chị ấy đã chuẩn bị sẵn một khoản – tình nguyện hỗ trợ “miễn hoàn lại” cho hai mẹ con Mai sau khi cô bỏ trốn khỏi nhà – tìm đến với con mình – (Bởi Mai biết chắc dù không làm thế, mẹ cũng sẽ đuổi tôi đi khi chuyện lừa dối này bại lộ!)…
Mai trở dạ lúc 10h đêm, mẹ chở cô đến viện sản trên chiếc xe máy. Do được tư vấn từ trước rằng Mai có thể tử vong ngay trong lúc lâm bồn. “Mang tâm trạng lộn xộn bao lo lắng bồn chồn! Để tự trấn an mình, suốt dọc đường đi, dù đau nhưng tôi vẫn hướng mặt lên trời; môi không ngừng mấp máy khe khẽ cầu nguyện – mong sao mọi sự được bình an, không xảy ra điều bất trắc; rủi ro ấy”. Đau suốt một đêm, 8h sáng hôm sau Mai lên bàn đẻ thì mẹ về dọn hàng để dì tới trông thay. Nằm trong phòng hộ sinh thời gian trôi đi một cách nặng nề, chậm chạp… Mai thấy như không còn cảm giác với từng cơn đau dồn dập đến! Chỉ còn những cảm giác tưởng chừng như thoi thóp trong hồi hộp; đầu óc căng lên như sắp đứt toang từng sợi dây thần kinh.
“Nhắm mắt cầu nguyện (đó là một giải pháp tôi thường tìm đến mỗi khi lâm vào nỗi tuyệt vọng không còn sự lựa chọn!). Bám vào thứ niềm tin của thế giới tâm linh, tôi khắc khoải hy vọng vào một thế lực siêu nhiên nào đó sẽ cứu giúp cho tôi. Nhất định tôi phải sống! Phải tận mắt nhìn thấy được mấy phút giây con tôi cất tiếng khóc chào đời! Tôi cứ nằm như vậy một mình, không một tiếng kêu la, âm thanh “tĩnh mịch” đều phát ra từ chiếc máy đo tim thai đặt bên cạnh giường khiến tôi như muốn ngẹt thở”, Mai nhớ lại.
11h trưa, những âm thanh “thình, thịch…” bỗng trở nên hỗn loạn truyền ra dấu hiệu báo động. Bác sỹ phụ trách ca đỡ đẻ bước vội sang từ phòng bên, theo sau là hai nữ y tá. Họ nhìn nhau trong một thoáng rất nhanh… Rồi Mai nghe những tiếng bước chân vội vã… tiếng “lách cách” của kim loại khua vào nhau phía cuối phòng… mọi động tác của họ hết sức khẩn trương nên cô hiểu giây phút quan trọng đã đến…!
“Dì tôi bấm máy gọi về cho mẹ, tôi khẽ nhắm mắt lại – xoa lên cái bụng lần cuối rồi thầm thì: Con yêu! Đừng nóng lòng! Bình tĩnh thêm chút nữa thôi con nhé! Con sắp được nhìn thấy cả thế giới rộng lớn này rồi đấy! mẹ con mình cùng phải cố gắng lên nào! mẹ yêu con biết bao!”.
Người bác sỹ đỡ đẻ luôn miệng khen rằng: Trong cuộc đời làm nghề lương y bao lâu nay, bà hiếm khi gặp người mẹ trẻ nào kiên cường giống như tôi! Đau đớn thế nào cũng không nghe thấy một tiếng kêu.
Mai thiếp đi sau một đêm thức trắng vì những cơn đau. Vừa tỉnh lại đã bắt gặp ngay gương mặt bức bối hối thúc của người mẹ:
- Tao với vừa gọi cho vợ chồng thằng T. chúng nó còn đang dưới Hải Phòng! Mà chiều nay bác sỹ đã cho xuất viện luôn vì quá tải số lượng sản phụ. Giờ mày định thế nào? Nếu từ đây tới 2h chiều, chúng nó không đến, nhớ là trước khi phòng sơ sinh họ gọi để trả đứa bé, tao sẽ ra ngoài làm thủ tục thanh toán tiền viện phí, nhân lúc ấy mày phải trốn luôn rõ chưa!
Mai cứ lặng im không đáp lại. Lòng như có lửa đốt, cô liền bấm máy:
A lô!... Anh T. à?... Sao cơ ạ?... Không về được sao?... Trời đất ơi! Em van xin hai người đấy! Vợ chồng anh đã làm ơn thì làm ơn cho trót đi cố gắng về tới Hà Nội trước 2h chiều nhé! Nếu không mọi việc lỡ dở thì em sẽ phải ân hận cả đời, giúp em với nhé!”.
Duy Việt (ghi lại)
(Còn nữa)