Có lẽ khoảng sáng le lói còn lại của đời Hoàng Mai chính là cuốn hồi ký về đời mình và những bài thơ chưa được công bố.
Sau khi cai nghiện ma túy lần thứ ba ở trại về, Trần Thị Hoàng Mai đã yêu và sống như vợ chồng với một chàng trai cùng đồng cảnh nghiện ngập và nhiễm HIV mặc dù gia đình anh ta luôn phản đối. Thật kỳ lạ, tình yêu ấy như ngọn gió tốt lành đã làm vơi bớt đi những tháng ngày sống trong đày đọa, khổ ải của Mai. Và, với một năng khiếu đặc biệt bẩm sinh không mấy người có, cô bắt đầu bí mật làm thơ ở tuổi 25 mà bài thơ “Lập thu 1” dưới đây là một ví dụ:
Anh có nghe thấy không
Thu vàng đượm trên lá
Biết bao điều kỳ lạ
Sau tiếng ve cuối cùng
Ước gì em là nắng
Ngủ trên bờ vai anh
Ước gì em tựa gió
Thì thầm khúc tự tình
Khoảng chiều xa ngun ngút
Mình em đứng mong manh
Tiếng chim kêu đơn lạc
Như tiếng em gọi anh
Đêm vằng vặc ánh trăng
Đêm mùa thu vời vợi
Thoáng mùi hương hoa sữa
Xen vào giấc ngủ vùi
Nhưng cảm xúc trong sáng và yêu thương ấy của thơ Mai đã bị phủ một màn sương ảm đạm khi cô nhất quyết sinh một đứa con bất chấp việc cả hai vợ chồng đều nhiễm HIV và bà mẹ không muốn cô nuôi đứa con ấy.
Sau khi sinh con phải sống trong “Nhà tạm lánh”
...Nằm trên giường sản phụ, Mai lại căng ra trong sự chờ đợi, nước mắt ướt đẫm gối! Còn mẹ cô cứ nhấp nhổm đi ra – đi vào, vẻ mặt co lại…
1 giờ 45 nhân viên bệnh viện yêu cầu Mai đưa chiếc giây đeo tay có in số dấu của con mình. Vậy là họ sắp trao trả đứa nhỏ cho cô rồi! Vợ chồng người bạn còn chưa tới, làm sao đây?
Cuống cuồng ngồi dậy, Mai đưa tay vén chiếc váy sản phụ rộng thùng thình, dài quét đất lên, lom khom đứng dậy ngó dáo dác ra các góc hành lang. Đúng lúc này, một y tá bế đứa trẻ sơ sinh bước vào, sau khi nghe hỏi đúng tên Mai thì trao lại đứa bé.
Mẹ đưa mắt nhìn tôi như có ý chăm chăm dò hỏi:
- “Bây giờ mày tính sao đây?...”.
Ôm con trong tay, Mai ngắm nhìn nó - đầu óc mông lung… Những giọt nước mắt nhỏ tong tỏng xuống bầu má thằng bé còn đỏ hỏn. Nó hé mắt nhìn mẹ lơ láo, miệng tóp tép có vẻ đang thèm bú mẹ khiến lòng Mai trào dâng niềm xót xa. Lại lom khom bế nó ngóng ra phía hành lang…
Mai mừng quýnh lên khi bóng vợ chồng T. xuất hiện! Lại cả cái Trang nữa kìa! Mai mỉm cười - một nụ cười như mếu máo, suýt nữa cô đã hét toáng lên vì mừng rỡ!
“Trước mặt mẹ, đám bạn tôi cũng diễn y như là thật… Họ đem đến đủ thứ: nào tã lót; mũ mão; tất tay; bình pha sữa; lại cả con dao nhỏ; đôi đũa tre cùng với nhọ nồi… cả thái độ, lời nói của họ đều giống y như thật vậy khiến tôi ngồi ngây ra đó… Họ nháy mắt với tôi rồi đón đứa bé đi, còn tôi theo mẹ trở về nhà, ngồi trên taxi – tôi cứ ngoái đầu nhìn mãi chiếc xe máy chở theo đứa con bé bỏng của mình. Tội nghiệp quá! Mới sinh được một ngày mà thằng bé đã phải chịu gió máy ngoài đường”.
Từ lúc về tới nhà, Mai thấp thỏm, lo lắng! Đứng ngồi không yên nhớ con cồn cào trong lòng. Theo dự tính thì đã được bàn bạc, Mai sẽ phải ở nhà mấy ngày cho mọi việc lắng xuống rồi mới tìm cách bỏ trốn lúc mẹ vắng nhà. Điểm hẹn là nhà nghỉ Thanh Bình – các bạn của Mai, cùng đứa con sẽ đợi cô tại đó… Không! Mai không thể chờ thêm vài ngày nữa! Ngay lúc này cô phải đi thôi: “Tôi cũng sẽ nói với mẹ tất cả sự thật, sẽ ra đi! Mặc cho cuộc sống của tôi và con mình rồi đây có ra sao – tôi chưa lường được hết, chỉ biết đó sẽ là một cuộc sống không có phương hướng! Tôi chưa từng làm mẹ, sức khoẻ thì còn đang rất yếu, lại không có người thân ruột thịt nào bên cạnh. Còn đám bạn tốt bụng thì cũng chỉ giúp đỡ đến thế là hết lòng lắm rồi! Lẽ nào cứ làm phiền đến họ mãi được sao! Tiền bạc trong tay tôi chẳng có, chị Hạnh có thanh toán tiền thuê nhà nghỉ giúp tôi thì cùng lắm chỉ là tạm thời dăm bữa. Vậy rồi sau đó mẹ con tôi sẽ đi đâu về đâu? Tôi sẽ làm thế nào để nuôi mình, nuôi con trong hoàn cảnh ấy…? Thôi cũng đành phó mặc cho ông trời, tôi không thể tính toán thêm được gì nữa cả”.
Nghĩ đến đó, Mai lập tức quỳ xuống dưới chân mẹ, đem mọi chuyện nói hết với bà. Vừa nghe xong, bà nổi trận lôi đình, quơ chiếc điện thoại trên bàn ném vào cô cho hả giận:
- “Á…à, đồ lưu manh, lừa đảo! Tất cả chúng mày đều là một lũ lừa đảo… dám… dám lừa tao… Mày… mày cút ngay… cho khuất mắt… Nhớ… có chết đói… cũng đừng mò về nhà tao… nghe chưa… Mày đi ngay đi…!”.
Mai bước loạng choạng về hướng cửa, đau râm ran với vết thương còn mới vẫn rỉ đầy máu huyết, nước mắt xối xả lần mò ra khỏi con ngõ nhỏ! Đi bộ không được bao xa thì gặp một cụ ông đang trên đường đi thể dục buổi chiều, cô xin cụ làm ơn cho gọi nhờ một cuộc điện thoại…
...Tùng lái xe tới đón Mai, đến nơi họ, vừa gặp con, cô đã chằm bặp ôm nó riết vào lòng, nước mắt không ngừng chảy tràn xuống hai bên gò má.
Biết không thể nỡ lòng bỏ mặc mẹ con Mai, chị H. đã âm thầm liên hệ với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tìm kiếm sự giúp đỡ. Sau khi được chỉ đạo, hai hôm sau họ sắp xếp cho Mai nơi ở là một ngôi nhà có tên: “Nhà tạm lánh” – đó là chương trình hỗ trợ, giúp đỡ của hội giành cho những phụ nữ là nhóm đối tượng nằm trong dự án “Chống bạo hành gia đình”.
Ngôi nhà này là một địa chỉ bí mật nép trong con hẻm nhỏ trên đường Thuỵ Khuê… Có rất nhiều thành viên “nhà tạm lánh” đều là phụ nữ đã gánh chịu nạn bạo hành gia đình, người thân, nhưng ngoài thời gian tạm trú, ban ngày ai cũng đều có công việc riêng để mưu sinh cuộc sống. Chỉ có một cán bộ hội sau giờ hành chính mới trở về hỗ trợ mẹ con Mai. Cô thực sự hiểu được nỗi vất vả của chị khi phải tạm xa gia đình và chồng con, vì công việc mà tới ở cùng Mai. Vả lại chị ấy cũng bận rộn nhiều với công việc khác, do vậy nên Mai cũng không muốn phiền thêm cho chị! Vì thế mà phần lớn việc chăm thằng bé cô vẫn luôn cố gắng tự mày mò một mình: Cho nó ăn, Tắm rửa, thay, giặt tã lót… Mai không kiêng cữ gì được như những bà mẹ mới sinh khác!
Cái Trang dặn dò Mai trước lúc đưa mẹ con cô vào nơi này:
-15 phút kiểm tra tã lót cho bé một lần để kịp thay, vì đó là thời kỳ bé “tè” liên tục - để ẩm ướt lâu sẽ bị hăm loét. Còn việc bú mớm thì cứ 2 giờ một bữa.
Trong nỗi đau HIV lại tìm đến “cái chết trắng”
Mai nuôi con hoàn toàn bằng sữa bột nên phải học cách pha sữa đúng tỉ lệ, cách vệ sinh thường xuyên để dụng cụ pha sẵn không bị nhiễm khuẩn. Sinh con vào đúng những ngày đông buốt giá, rét cắt da cắt thịt, ấy vậy mà Mai cứ ngồi chồm chỗm, giặt giũ sà sã trong nước lã.
Khổ nhất là chuyện tắm rửa cho thằng bé lúc rốn nó chưa rụng, lần nào cô cũng vừa tắm lại vừa khóc thút tha thút thít. Dù cũng nghe sơ qua về quy trình tắm từng bước, tuyệt đối không được để ướt rốn bé. Nhưng con của Mai lúc đó quá nhẹ cân, chỉ vẻn vẹn có hai ký lô, nó lại cứ quẫy đạp khiến cô vô cùng lúng túng! Lóng ngóng mãi, chỉ sợ loay hoay thế nào không khéo lại đánh rơi mất thằng bé xuống chậu nước thì khốn.
Ngày cũng như đêm, Mai thực hiện đúng cứ cách 2 giờ thì pha sữa cho nó bú một lần, không sai một tích tắc theo đồng hồ tôi đặt. Loanh quanh với con không lúc nào ngơi tay, cô thấy lòng háo hức đến kỳ lạ! Không ngừng tự tìm tòi cách chăm sóc khối hình hài bé xíu đáng yêu vô cùng kia! Rồi luôn thắc thỏm lo sợ rằng mình chăm thằng bé không tốt thì sẽ xảy ra điều này - chuyện nọ!
Đêm đầu tiên trong “nhà tạm lánh”, Mai ngủ quên mất tới tận sáng mà không dậy pha sữa lần nào, thằng bé cũng ngủ li bì. Thế rồi khi thức giấc, cô hốt hoảng mắt nhắm, mắt mở cuống cuồng pha sữa - vừa cho con ăn vừa khóc rồi luôn miệng:
“Ôi…mẹ xin lỗi con! Cái con mẹ “quạ mổ” này “tha” con đi để con phải chịu khổ thế này đấy!”.
Sau cùng, Mai quyết định ép mình không được ngủ nữa, kẻo lại bỏ đói thằng bé! cô sưu tầm một đống sách báo để đầu giường. Đêm nào cũng ngồi đọc như một pho tượng, lúc nào chuông đồng hồ báo thức thì buông xuống, đánh thức thằng bé cho nó bú xong mới để nó ngủ tiếp, còn cô lại ngồi đọc cho tới 7h sáng – cho ăn một bữa nữa! Lúc này thì không thể chống cự cơn buồn ngủ được thêm, cô mới đặt báo thức rồi nằm còng queo (không dám cả đắp chăn vì sợ ấm chỗ sẽ lười dậy!)
Hơn một tháng ròng rã với quỹ thời gian 24 giờ - một ngày, Mai chỉ cho phép mình có 2 giờ để ngủ như thế thôi! Cũng may là cảm ơn trời! Nguồn sữa bột nuôi con được viện trợ theo chế độ của Viện Sản trong thời gian 9 tháng, nếu không Mai chẳng biết phải xoay xở làm sao…
“Một tháng bốn ngày sau sinh, tôi bỗng sốt cao, toàn thân phát đầy các ban đỏ, nằm lịm bên cạnh đứa con mình. Bị bỏ đói và tè ướt đẫm tã lót không được thay, nên cu cậu khóc hờn tím tái mặt mũi – tôi vẫn chẳng hề hay biết gì. Tình trạng của tôi ngày một xấu đi: li bì, mê man lại thêm tiêu chảy kéo dài phải chuyển viện cấp cứu.
Tại đây, các bác sỹ cho hay tôi phải cách ly hoàn toàn khỏi đứa nhỏ. Thấy vậy, nhóm cán bộ “nhà tạm lánh” đã cùng phối hợp với hội phụ nữ địa phương nơi tôi thường trú - tổ chức gặp gỡ mẹ tôi - thuyết phục, động viên bà giang tay đón nhận thằng bé về. Để chấn an tâm lý bà, họ đã khéo léo nói rằng thằng bé có kết quả xét nghiệm ban đầu là âm tính với HIV. Mẹ tôi gật đầu gượng gạo.
Một mặt đón thằng bé về, mặt khác bà nhanh chóng làm các thủ tục chuyển tôi vào “Viện Điều dưỡng – Chăm sóc HIV/AIDS” (Trung tâm 09 – nơi giành riêng cho bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối)”.
Vừa mới đón cháu ngoại về, mẹ Mai đã khăn gói sang tận Bắc Ninh tìm thầy bói. Nhiều lúc ngẫm lại, Mai nhận thấy rằng cái thói mê tín dị đoan của bà lần ấy thế mà lại hoá hay! Ông thầy lên giọng rất trịnh thượng phán như sau:
- Thằng bé là nguồn “Đại lộc - Đại cát” mà “Bề trên” ban cho gia đình ta! Nó có số làm quan to! Sau này ba họ được nhờ cả vào nó đấy nhé!
Vậy là bỗng dưng mẹ cô đột ngột thay đổi thái độ – bà chăm bẵm, yêu thương, chiều chuộng thằng bé như một báu vật ngàn vàng!
Ô... hô! Buồn cười thật đấy! Mai chẳng bao giờ lại ngốc nghếch đi tin vào mấy cái ông mà “số thầy thì để cho ruồi nó bâu…: Nhưng quả tình, lần này cô lại phải cảm ơn ông thầy kia mới chết chứ! Ông ta vô tình lại hoá ra giúp cô lật ngược đối với số phận đứa con của mình!
Những ngày nằm trong Trung tâm 09, thể trạng Mai suy kiệt dần tới mức chỉ còn 24 kí lô. Bác sỹ trực tiếp điều trị đã nói riêng với cha cô:
- Gia đình chú hãy về chuẩn bị hậu sự cho bệnh nhân, căn cứ theo diễn biến trong quá trình điều trị - bệnh nhân này có thể sẽ không cầm cự được bao lâu nữa!
“Nghĩ đến cái chết… tôi không chút lo sợ! Ở trung tâm này ngày nào mà chẳng diễn ra cái cảnh một – hai xác chết được khiêng xuống “Nhà đại thể”! Tôi đón nhận điều đó với một tâm trạng hết sức bình tĩnh: “Trót dính phải căn bệnh này, ai cũng sẽ đến lúc phải ra đi như thế thôi!” chỉ là tôi thực sự rất luyến tiếc vì mình mới vừa làm mẹ, đã sớm phải rời xa mãi mãi đứa con thân yêu kia! Không được tận mắt chứng kiến từng ngày nó lớn lên. Nhưng giao được thằng bé cho mẹ tôi; thấy được cảnh bà –cháu cứ quấn quýt với nhau là điều tôi cũng mãn nguyện ngoài sự tưởng tượng! Và nếu có phải chết tôi cũng đã có thể ra đi một cách thanh thản rồi”.
Đối mặt với đau đớn và sự tàn phá của bệnh tật kéo dài, dù sao cũng khó tránh khỏi những phút giây yếu đuối, đớn hèn và trở nên tiêu cực! Mai mong muốn được mau chóng thoát khỏi cuộc sống đầy ải trên giường bệnh lạnh lẽo màu kim loại… Quẫn trí, u mê, cô đã cố ý sử dụng một lượng ma tuý quá liều để tự cắt đứt sự sống!
Được cứu sống sau lần tự sát bằng ma túy
Mai bị sốc thuốc trong tình trạng nguy kịch! Song cuộc sống này vốn là bao điều kỳ diệu, lạ lùng… Dù xác định khả năng cứu sống cô thành công chỉ là rất ít, song với nỗ lực hết lòng, hết sức bằng lương tâm của người thầy thuốc – các bác sỹ đã đưa được cô từ cõi chết trở về!
“Trải qua cửa ải này, lẽ ra tôi phải biết quý trọng sự sống, song tôi lại phụ công những người từng cố gắng giành giật lấy sinh mạng cho mình… Bấu víu vào một thứ lý do vô cùng hèn nhát: là không chịu đựng nổi sự đau đớn trong bệnh tật, tôi lại điên cuồng làm nô lệ cho ma tuý một lần nữa! Rồi cái kết cục buồn cười cũng đã đến: lưới pháp luật nghiêm minh không dung thứ cho kẻ nào cứ cố tình đắm chìm mãi trong hành vi phạm tội! Với tội danh “tang trữ trái phép chất ma tuý”, tôi bị bắt rồi kết án mức hình phạt là 7 năm tù giam - một cái giá phải trả vì tư tưởng và suy nghĩ ngu dốt của tôi”.
Khi đã là một phụ nữ ngoài 30 tuổi – Mai trở thành một phạm nhân thụ án tại phân trại số 03 - Trại giam Thanh Xuân. Những ngày được học tập, cải tạo nơi đây, nhận được sự giáo dục – cảm hoá của Ban giám thị và tập thể cán bộ Công an đang công tác tại trạm giam, Mai đã được thay đổi một con người - một cuộc đời - một niềm tin mới.
Mai giãi bày trong tự truyện: “Đã từ lâu rồi, tôi không còn nhiều khái niệm về tình thân ruột thịt! Nhưng hôm nay, khái niệm ấy lại được khơi lên như những ngọn lửa sưởi ấm trái tim của một tội nhân lầm lỗi suốt bấy lâu nay trong dày vò, mặc cảm! Những ngọn lửa ấy chính là bao tấm lòng ẩn sâu bên trong cái vẻ ngoài lạnh lùng, sắt thép của người cán bộ công an! Họ đến, chan hoà giữa cuộc sống của tôi bằng sự nhân ái, yêu thương bao dung cùng với sự cảm thông và chia sẻ chân thành! Mỗi bài học không nên xuất phát từ tất cả những tấm lòng ấy - họ từng bước vực tôi đứng lên trong một niềm tin mới - niềm tin giữa một thế giới yêu thương đầy ắp, không còn tồn tại lòng thù hận! Một khát vọng hướng thiện có sức mạnh phá vỡ bóng đen của quá khứ hôm qua”.
Kỷ niệm sâu sắc nhất và cũng thật giản dị mà Mai kể dưới đây, hẳn sẽ mãi in sâu trong tâm trí cô. Kỷ niệm này sẽ theo Mai như một hành trang quý giá – là một động lực lớn lao giúp cô mạnh mẽ, can đảm thêm mỗi khi sau này – cô gặp phải sự khó khăn nào trong cuộc sống:
“Ấy là vào một chiều cuối năm, giáp Tết nguyên đán 2010, tôi mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội: toàn thân phù thũng, lở loét, đau đớn, bốc mùi khó ngửi do tôi không thể tự vệ sinh cá nhân. Tôi biết, dù có lòng thương cảm nhưng không ít đồng phạm cũng có chút dè dặt và ái ngại khi tiếp xúc với tôi trong tình cảnh ấy! Trong lúc chờ đợi chuẩn bị tư trang cùng một số đồ dùng cá nhân chuyển theo xe đưa tôi ra bệnh viện tuyến trên, tôi được dìu tay ngồi xuống chiếc ghế tựa. Bỗng tôi thấy bóng dáng bộ sắc phục xanh của một nữ cán bộ trẻ xuất hiện cứ nhạt nhoà trước mắt. Đặt tay lên vai tôi, cô ấy ân cần động viên – an ủi bằng những lời chứa chan sự thân tình! Rồi cô ấy khóc – ôm lấy tôi như một người bạn; một người chị em rất đỗi thân thiết với tôi đã lâu rồi vậy! Dường như trong giây lát, chẳng hề tỏ ra bận tâm gì tới những vết loét ri rỉ ướt cùng cái mùi hôi bốc ra từ cơ thể tôi! Vậy là tôi vẫn sống trong nước mắt. Nhưng đó là nước mắt của tình thương”.
Duy Việt (ghi lại)
(Còn nữa)