Ba gia đình, ba vụ án đau lòng
7h30 ngày 9/8, anh Trần Anh Q. (20 tuổi, trú thôn Vân Tây, xã Bình Triều), chồng của chị Nguyễn Thị A. (19 tuổi, trú cùng thôn) xảy ra mâu thuẫn cãi vã với vợ. Sau đó, anh Q. bất ngờ dùng dao tấn công chị A. rồi tìm cách tự sát. Lúc đó, có em Nguyễn Thị M. (em ruột của chị A.) vào can ngăn cũng bị Q. dùng dao tấn công làm bị thương.
Ngay sau đó, người dân địa phương đã đưa Q. và chị A. đi cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, còn em M. được mọi người đưa đi sơ cứu. Đến tối 9/8, thông tin từ bệnh viện được biết, hai người đã qua cơn nguy kịch.
Cũng trong ngày 9/8, tại Nghệ An xảy ra vụ chồng đổ xăng đốt vợ trong đêm khiến dư luận dậy sóng. Ông Trương Công Thuyên, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết, vào 2h ngày 9/8, giữa anh Th. và chị H. (trú tại xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) xảy ra mâu thuẫn vì con khóc nhiều.
Trong lúc tức giận, anh Th. đã lấy một can xăng trong nhà ra đốt vợ khiến nạn nhân bị bỏng. Nạn nhân sau đó được người dân đưa lên bệnh viện Đa khoa Tây Bắc cấp cứu.
"Sau khi đổ xăng đốt vợ, anh Th. đã ôm con lên xe máy bỏ đi khỏi nhà. Hiện chúng tôi đang vận động và tìm anh Th. về để làm rõ vụ việc", ông Thuyên thông tin thêm.
Trước đó, chiều 8/8, tại Hòa Bình cũng xảy ra vụ án thương tâm chồng sát hại vợ. Cụ thể, khoảng 2h ngày 8/8, Xa Văn T. (SN 1979, trú tại xóm Búa, xã Trung Thành, huyện Đà Bắc) đã dùng gậy gỗ tấn công vào vùng đầu vợ là chị Lường Thị Th. (SN 1979, trú cùng địa chỉ trên) khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Sau khi xuống tay với vợ, Xa Văn T. đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng do bị ngộ độc quá nặng, T. đã tử vong.
Vì sao vợ chồng “đầu gối tay ấp” nhẫn tâm sát hại nhau?
Nhận định về thực trạng đau lòng này, chuyên gia tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) cho rằng, hành vi bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình không còn là hiện tượng đơn lẻ, mà đã “bùng phát” trong những năm vừa qua. Thậm chí đây còn được xem là một xu hướng hành động đã lan ra nhiều nhóm xã hội (kể cả thành niên và vị thành niên, nam giới hay nữ giới).
Trung tá Hiếu dẫn nghiên cứu của trung tâm Điều tra tội phạm học cho thấy tội ác trong gia đình chủ yếu do con người sống vì lợi ích cá nhân, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh...
Trên nền tảng đó, nếu phát sinh mâu thuẫn, xung đột, va chạm, xích mích, họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, vì không quan tâm đến nỗi đau của người khác, dù là người thân dưới một mái nhà.
Một chuyên gia tâm lý cho rằng: “Hiện nay, vấn đề về các mối quan hệ trong gia đình ngày càng phức tạp. Không chỉ là chuyện cơm, áo, gạo tiền, sự ghen tuông, mà còn từ sự nghi ngờ, sống thiếu trách nhiệm, đánh đập, rượu chè, dùng chất kích thích... Từ đó dẫn đến những vụ án đau lòng như vậy”.
Theo vị chuyên gia này, có thể trong một phút nóng giận, con người thiếu sự kiềm chế, không có kỹ năng giải quyết những xung đột. Hoặc các cặp vợ chồng không thể dung hòa trong việc thực hiện quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, sự nhẫn nhịn chịu đựng bị dồn nén lâu ngày gây ức chế về mặt tâm lý, có thể gây ra tội ác.
Hành động thật “nhiễm” từ hành động ảo
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (viện Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định: “Xã hội hiện đại ẩn chứa nhiều mặt trái kích thích hành vi phạm tội.
Những đối tượng thanh niên xem quá nhiều phim đồi trụy, phim bạo lực và bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong đó. Những vụ việc trên cho thấy đối tượng quá ác thú và man rợn.
Ở một khía cạnh nào đó có thể nhận định đối tượng bị nhiễm từ những trò chơi điện tử bạo lực với những cảnh phim bạo lực khiến người xem bị ảo tưởng. Tâm lý đó kéo khoảng cách giữa “hành động ảo” và hành động phạm tội gần nhau hơn.
Người bình thường thì thấy đó để phòng ngừa, nhưng kẻ thủ ác lại bắt chước theo. Chính vì thế mới xảy ra những vụ án giết người, chồng sát hại vợ gây rúng động”.
Nhóm PV