Những thử thách quá lớn ở đất người đã làm họ phải bỏ mạng giữa mùa đông lạnh giá của nước Nga, khiến cho người thân tuyệt vọng khi thi thể nạn nhân cũng không có cơ may được chuyển về nước.
Ông Lê Công Hoàng thắp hương cho con trai
“Muốn đưa xác vỡ: 3 tỷ”
Qua đường dây nóng, chúng tôi nhận được thông tin từ nước Nga xa xôi ngày 14/12/2011, có 3 người quê Nghệ An bị chết trong một vụ ngạt khí gas nhưng không được mai táng. Chúng tôi rất buồn và trăn trở vì biết rằng, các lao động bị chết đều đi theo diện bất hợp pháp và hầu như không có một cơ sở pháp lý nào để đòi quyền lợi, kể cả khi biết rõ tên, địa chỉ người đưa họ đi.
Sau ba ngày điều tra, tìm kiếm, chúng tôi cũng tìm được nhà của nạn nhân đầu tiên thường trú tại xóm 3B xã Quỳnh Lộc huyện Quỳnh Lưu. Thấy chúng tôi, ông Lê Công Hoàng, bố của nạn nhân Lê Công Khoa (SN 1992) đang đứng bên di ảnh con trai khóc thảm thiết.
Ông Hoàng kể: "Tháng 2/2011, Khoa lên máy bay sang Nga cùng với 2 người khác trong làng là Hồ Sĩ Hồ và Hồ Đức Thiêm. Trước khi đi, mỗi người phải nộp cho chị Lành, vợ của Đinh Quang Phúc, trú xóm 3 xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu 2.700 USD. Ngày 10/12/2011, Hồ gọi điện về báo tin Khoa bị ngạt khí gas nên đã tử vong cùng với hai người khác quê Diễn Châu. Khổ lắm chú ạ, nó mới gửi về được hơn 20 triệu đồng, trong khi số tiền vay mượn ngân hàng và anh em cho cháu đi lên đến 50 triệu đồng. Giờ lãi mẹ đẻ lãi con chúng tôi biết lấy gì để trả? ".
Vừa khóc, ông Hoàng vừa nói tiếp: "Người ta nói rằng muốn đưa thi thể cháu về nước, phải mất 3 tỷ đồng. Nhưng cả họ nhà tôi góp lại cũng không thể có số tiền đó..."!
Chia tay ông Hoàng, chúng tôi tìm về Diễn Đoài, nơi có gia đình nạn nhân từ Nga gọi điện về kêu cứu. Khó khăn lắm mới thuyết phục được anh trai của nạn nhân cung cấp thông tin về cuộc "hành trình chui" của cả đoàn hàng trăm người do Đinh Quang Phúc đưa đi. Tuy nhiên, theo anh trai của nạn nhân, vì nhiều lý do, người đưa đi không phải chịu trách nhiệm về cái chết của những lao động "chui" đó. Cùng lúc đó, có một nạn nhân gọi điện thoại từ Nga về cũng đề nghị được giấu tên bởi "rất nguy hiểm" khi họ chưa về nước được. Ngại cung cấp thông tin, người anh trai của nạn nhân xấu số đề nghị chúng tôi giữ bí mật về danh tính và đuổi khéo chúng tôi về.
Rời Diễn Đoài, chúng tôi tìm đến xóm 2 xã Diễn Hạnh, nơi có nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn cũng chung số phận như Lê Công Khoa. Kể chuyện trong nước mắt, Đức - con trai anh Tuấn cho biết: "Bố cháu năm nay bước sang tuổi 43, còn mẹ cháu tên Đặng Thị Nhung, 40 tuổi, bán hàng quần áo tại chợ Phú Diễn. Nhà cháu kinh tế khó khăn lắm, giờ bố mất, cả nhà không biết thế nào..." .
Chúng tôi tiếp tục hành trình đến với những gia đình đang có người thân cầu cứu từ nước Nga. Ông Nguyễn Đức Vinh, bố của nạn nhân Nguyễn Văn Dũng tại xóm Phúc Nguyên, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu buồn rầu cho biết: "Dũng đi bộ đội về tháng 12/2009 thì đến 10/2/2011, nó nộp 50 triệu đồng cho chị Lành vợ anh Phúc để đi xuất khẩu lao động “chui” mong kiếm công ăn việc làm ổn định để đổi đời. Đi chưa đầy năm, mới gửi về được 20 triệu đồng thì nó ra đi trong một vụ ngạt khí gas. Gia đình tôi những tưởng trông chờ vào nó, vậy mà...".
Đánh cược mạng sống
Khác với Khoa và anh Tuấn bị "vùi" chung một chỗ không được đắp mộ, Dũng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và nhờ sự quen biết của người nhà tại đó nên họ đã mai táng “trộm” cho cháu trong vòng 30'. Thông tin trên được một người bạn của Dũng cung cấp cho ông Vinh (bố Dũng) sau đó 2 ngày.
Bà Trần Thị Nguyệt, mẹ nạn nhân Dũng nói: "Gia đình tôi thuần túy nông nghiệp, số tiền 50 triệu đồng vay mượn là cả hàng chục tấn thóc. Nhưng khó khăn là một chuyện, tôi mong sao người đưa cháu đi tìm mọi biện pháp đưa thi thể cháu về nước để vợ chồng tôi yên lòng khi nhắm mắt xuôi tay".
Chia tay những gia đình khốn khổ, chúng tôi không khỏi xót xa. Người thân của họ đã chết nhưng nay không thể mang xác về Việt Nam, bởi họ ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp. Chúng tôi cố gắng tìm đến địa chỉ của người đã đưa các nạn nhân đi lao động nước ngoài "chui" nhưng không thể tiếp cận do hiện tại, họ không có ở địa phương.
Có lẽ, hàng năm trên cả nước có hàng trăm lao động ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp bằng hộ chiếu phổ thông và một số không ít lao động này phải bỏ mạng tại xứ người vì tranh chấp lao động, vì cuộc sống kham khổ và hàng ngàn lí do khác. Biết rằng lao động "chui" là vi phạm pháp luật, là sẽ trông chờ vào may, rủi nhưng nhiều người vẫn lao vào, tiếp tay cho kẻ khác kiếm tiền bằng con đường vi phạm pháp luật.
Trong khi đang thực hiện bài viết này chúng tôi lại nhận được điện thoại từ nước Nga gọi về thông báo đến nay lại có thêm 3 người nữa quê Hà Tĩnh cũng chung số phận hẩm hiu. Không biết, danh sách lao động "chui" thiệt mạng ở nước ngoài còn tăng lên bao nhiêu khi người nông dân bất chấp rủi ro hòng đi nước ngoài để đổi đời, trong khi các tay "cò" thì luôn chờ đợi cơ hội để kiếm tiền từ dịch vụ môi giới, bất chấp pháp luật.
Kim Thoa - Xuân Bảy