Bi kịch đau đớn đằng sau mỗi vụ tự tử

Bi kịch đau đớn đằng sau mỗi vụ tự tử

Thứ 3, 19/03/2013 10:25

Kinh tế suy thoái, kiếm việc, kiếm tiền khó khăn, nợ nần nhiều mà không có khả năng để trả, thậm chí, chỉ đơn giản bị ám ảnh tâm lý "phong bì" theo "cơ chế thị trường", bị đồng nghiệp, bạn học, thầy cô hiểu lầm; ghen tuông tình ái - tất cả những áp lực đó nếu rơi vào bế tắc, bỗng chốc sẽ trở thành bi kịch với chính những người trong cuộc khi họ tìm đến cái chết, để lại nỗi đau dai dẳng cho gia đình và xã hội.

Cách đây đã lâu, vô tình người viết đọc ở đâu đó một nội dung liên quan đến hành vi tự sát. Đó là, một con người chỉ có thể tự cầm dao đâm vào mình, hoặc tự kết thúc cuộc đời bằng các cách khác nhau, chỉ khi họ coi mình là kẻ thù của chính mình, bởi lúc đó, họ tự căm ghét bản thân đến tột độ. Chẳng hiểu điều tôi đọc được đó có đúng với mọi hoàn cảnh không, nhưng ai cũng hiểu rằng, đằng sau mỗi vụ tự tử là kết cục bi thảm của chính nạn nhân và là nỗi đau dai dẳng cho người còn sống...

Công việc

Sự việc Thành Xuân Thịnh (SN 1989) ở Ninh Thuận đã bế tắc vì không tìm được việc làm đến mức tự thiêu ngay tại trung tâm giới thiệu việc làm ở TP.HCM mới đây đã nói lên nhiều điều. Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hoà Bình (viện Xã hội học) phân tích: Bi kịch này sẽ ám ảnh chúng ta mãi mãi trên con đường phát triển của xã hội và kinh tế. Thịnh là một thanh niên có ước mơ, hoài bão, ngoan ngoãn. Ước mơ của Thịnh rất giản dị và chính đáng là tìm được việc làm, có thu nhập ổn định để lo cho bản thân, gia đình... Thế nhưng, thời kinh tế khủng hoảng, tìm việc làm không dễ, mệt mỏi, chán chường, Thịnh đã tìm tới cái chết rất đau đớn về thể xác là tự thiêu bằng xăng. Quả thật, đây là nỗi ám ảnh kinh hoàng, là cái giá của thời kinh tế khó khăn, thất nghiệp mà chúng ta đang là những người phải chứng kiến.

Xã hội - Bi kịch đau đớn đằng sau mỗi vụ tự tử

Kinh tế khó khăn, nợ nần đang là áp lực lớn đến với không ít người.

Một vụ việc đau lòng khác là trường hợp của một giảng viên đại học Quảng Bình. Ông này đã treo cổ tự tử tại nhà riêng với lý do áp lực công việc quá lớn. Khi đi làm về vợ ông Hoàng Thanh H. (40 tuổi, là giảng viên trường đại học Quảng Bình, kiêm cán bộ phòng tổ chức hành chính), đã phát hiện thấy chồng mình treo cổ tự vẫn. Nghe tiếng hô hoán, người dân quanh đó đã chạy sang cùng vợ ông H. đỡ ông xuống, tuy nhiên ông này đã tắt thở từ trước đó. Tại nhà riêng, mọi người đã tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh của ông H. để lại, với nội dung cho biết, nguyên nhân khiến ông phải tìm đến cái chết là do không chịu được áp lực từ công việc.

Hiểu lầm

Một tiến sỹ nhãn khoa (quê ở Bắc Ninh), tu nghiệp ở Pháp về, được người trong giới công nhận là bác sỹ hàng đầu về nhãn khoa. Anh có công việc ổn định ở bệnh viện lớn, có những hoài bão về chuyên môn. Người bác sỹ này đã ôm nỗi đau thế sự "ra đi" mà chẳng biết phải giãi bày, chia sẻ cùng ai. Một bệnh nhân bị bệnh về mắt rất nặng. Theo chẩn đoán của các chuyên gia, chỉ còn cơ hội cứu chữa 3%-4%. Anh vẫn xin được phẫu thuật với hy vọng những gì mình được học ở nước ngoài và kinh nghiệm của mình sẽ giúp bệnh nhân cải thiện được thị lực. Sau ca phẫu thuật, mắt bệnh nhân vẫn không hề cải thiện hơn được chút nào như anh mong muốn.

Về chuyên môn, anh rất thanh thản, bởi mình đã cố gắng hết sức, Hội đồng khoa học y khoa thẩm định ca mổ cũng thừa nhận điều đó. Thế nhưng, có ai đó xúi giục gia đình bệnh nhân kiện, anh bị điều chuyển về làm giảng viên trường đại học Y Hà Nội. Làm giảng viên, anh rất tâm huyết với nghề, sinh viên rất quý anh. Nhưng, anh vẫn ám ảnh về những lời nói của người nhà bệnh nhân, của những đồng nghiệp xung quanh với những xì xèo như: Tiến sỹ Pháp à, có hơn gì đâu. Rằng, người ta nghèo thế, vẫn "đè" ra mổ để lấy công... Những "ai oán" của thế thái nhân tình đã làm người giảng viên này cứ thơ thẩn ở công viên của trường sau những giờ giảng. Và rồi anh tìm đến cái chết...

Tiến sỹ Trịnh Hoà Bình nói rằng, trường hợp tự tử trên, cũng có thể được xếp vào dạng "tự kỷ" nhưng là "tự kỷ" của người lớn, của người có suy nghĩ chín chắn mà đến mức không thể nghĩ khác ngoài... cái chết. Họ bế tắc đến mức không thể chia sẻ, không thể tìm được sự bấu víu, không tin tưởng vào ai. Bản thân mình thì cái tôi đã bị người khác làm cho tổn thương đến mức không thể tự phục hồi được.

Xã hội - Bi kịch đau đớn đằng sau mỗi vụ tự tử (Hình 2).

Anh Đ. (ngồi ghế) được người thân đưa về đưa tang người vợ cả nghĩ đã tự vẫn sau khi lên cơn cuồng ghen.

Nợ nần

Đang có công việc mà nhiều người hàng mơ ước, nhưng không may vướng phải món nợ lớn, xin gia đình không được đáp ứng, nên sinh ra buồn chán, Trần Văn H. đã uống thuốc trừ sâu tự tử. Được biết, H. sinh năm 1988, tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Trước khi tự kết liễu đời mình, H. đang công tác tại một cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước. Sự việc xảy ra với H., gây ra nỗi xót xa khôn tả cho những người thân. Được biết, trước khi xảy ra sự việc, H. đến nhà người thân để xin tiền trả nợ, nhưng do người nhà không còn tiền nên cũng đành chịu. Ngay khi xin tiền không được H. đã nói "nếu không có tiền, sẽ không thể cứu được cháu" và đi vào nhà vệ sinh. Sau đó khoảng 30 phút, không thấy H. quay trở ra, người nhà chạy vào nhà vệ sinh để xem thì ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu nồng nặc. H. nằm  bất động trên nền nhà. Ngay lập tức gia đình nạn nhân đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng thương thay, H. đã qua đời vào ngày hôm sau.

Hay như trường hợp của chị Võ Thị Kh. 36 tuổi (ở TP. Cà Mau). Giữa đêm khuya, người nhà chị tá hoả tam tinh khi phát hiện chị đã treo cổ chết từ bao giờ. Ngay lập tức người nhà trình báo cơ quan công an TP. Cà Mau để làm rõ sự việc. Cơ quan công an vào cuộc khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân tử vong. Đồng thời, người nhà đã cung cấp lá thư tuyệt mệnh của chị Kh. cho cơ quan công an. Nội dung lá thư thể hiện, do làm ăn thất bại, chị Kh. còn thiếu một khoản nợ lớn, không có khả năng trả nên tự tìm đến cái chết.

Một trường hợp khác cũng phải treo cổ tự vẫn do nợ nần là trường hợp của bà Phạm Thị T. trú tại phố Thụy Khuê (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội). Buổi sáng, không thấy bà T. đâu, mọi người trong gia đình vội vàng đi tìm thì phát hiện bà đã treo cổ, người nhà khẩn trương đưa bà đi bệnh viện, song thật đau xót bà T. đã không qua khỏi. Một trong các lý do  dẫn đến cái chết thương tâm của bà T. là do bà nợ một khoản tiền không có khả năng thanh toán nên cũng  tìm cách quyên sinh.

Song có lẽ trường hợp khiến dư luận ám ảnh, day dứt là trường hợp của vợ chồng anh chị Trần Văn Q. và Nguyễn Thu Y., trú tại khu đô thị Bắc Linh Đàm (Hà Nội). Cả hai vợ chồng đều sinh năm 1983, khi người dân phát hiện sự việc, hai vợ chồng đều đã tử vong. Qua khám nghiệm, cơ quan công an xác định, cạnh phòng có bếp than tổ ong, có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 2 người trên. Hai người có để lại một bức thư tuyệt mệnh, nói về việc tự tử. Trong đó có hàm ý là, họ rơi vào bước đường cùng, không còn lối thoát.

Ghen tuông

Ngày 8/3, bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang tiếp nhận trường hợp chị N.T.T.H (27 tuổi, ngụ khóm Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, An Giang) uống thuốc diệt chuột tự tử sau khi cắt “của quý” chồng. Được biết, sau đó chị H. đã tử vong. Theo cơ quan điều tra, trước đó vào khoảng 21h ngày 7/3, chị H. đã dùng kéo cắt đứt dương vật của chồng mình là anh L.H.Đ. (32 tuổi). Sau khi cắt “của quý” chồng đứt lìa, chị H. đem ném xuống sông. Ngay sau đó, anh Đ. được người nhà chở đến bệnh viện cấp cứu. Vào thời điểm này, chị H. đã lấy ba gói thuốc diệt chuột uống tự tử, đến sáng hôm sau người nhà mới phát hiện H. nằm vật vã và đưa đi cấp cứu. Hiện phần vết thương của anh Đ. đã được khâu lại và sức khỏe dần bình phục. Theo thông tin từ người nhà, với lí do H. cho rằng Đ. ngoại tình và đã có con riêng. Bức xúc quá, chị H. đã ra tay cắt đứt “của quý” chồng mình rồi tự tử.        

Nguyên nhân tâm lý đóng vai trò chủ đạo

Việc gia tăng số vụ đắng lòng liên quan đến tình cảm trong thời gian qua, câu hỏi được đặt ra: Đâu là căn nguyên và giải pháp ngăn chặn hệ lụy đau lòng? Theo một chuyên gia tâm lý về gia đình cho biết, có nhiều lý do dẫn đến việc nhiều phụ nữ tìm đến cái chết (tự tử), song đều xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản là tâm lý và bệnh lý. Trong đó nguyên nhân tâm lý đóng vai trò chủ đạo. Thường thì các nguyên nhân này tương tác với nhau nên khi họ có ý định tự tử, họ thường khó dừng lại để cân nhắc trước hành vi mà chúng ta (người ngoài cuộc) cho là nông nổi, dại dột...

Nhóm phóng viên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.