Năm 2007, chị Dương Thị Oanh nên duyên chồng vợ với anh Trần Đình Nam ở thôn 10, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Sau khi cưới, anh chị được bố mẹ cho ra ở riêng trên mảnh đất của tổ tiên.
Một năm sau đó, ngôi nhà nhỏ sáng bừng hạnh phúc khi tiếng khóc của đứa con trai đầu lòng cất lên. Bé được đặt tên là Trần Đình Tiến với nguyện ước sau này, cháu có cuộc sống tốt đẹp như bao đứa trẻ khác.
Nhưng ngày tháng trôi đi, con có lớn mà không có khôn. Vợ chồng anh dắt con đi khắp các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương để cứu chữa. Đến khi, cầm trên tay tờ kết luận: Bé Tiến bị bại não, mọi thứ quay cuồng, sụp đổ dưới chân vợ chồng trẻ.
Một năm sau khi chào đời, Tiến trút hơi thở cuối cùng, rời xa vòng tay bố mẹ. Buộc vành khăn tang lên đầu cũng là lúc người bố người mẹ trẻ ấy đau từng khúc ruột.
Những năm sau đó, họ đã sống rất khó khăn về mặt tinh thần. Thế rồi, niềm vui lại một lần nữa “gõ cửa” ngôi nhà lạnh lẽo ấy, khi chị Oanh tiếp tục mang thai 3 đứa con. Tưởng hạnh phúc đã tìm về với họ, nào ngờ…bão tố lại ập đến dữ dội hơn.
Năm 2011, anh chị sinh cháu Trần Đình Tuấn (5 tuổi), tiếp đó thêm 2 cháu Trần Thị Hằng (4 tuổi) và Trần Thị Ngọc Hà (1 tuổi). Tuy nhiên, nối gót anh, Hằng và Hà cũng bị chuẩn đoán mang bệnh bại não.
Lần thứ 2 cầm trên tay tờ kết quả sức khỏe của các con, anh Nam chỉ biết lặng lẽ khóc, còn chị Oanh thì ngất lịm đi. Nỗi đau ập đến với họ quá lớn, sức người không chống đỡ nổi.
Được biết, hiện tại gia đình chị Oanh không có một thu nhập nào khác ngoài ngày công bữa được, bữa mất của anh Nam. Do sức khỏe yếu, cộng thêm nỗi đau tinh thần, người đàn ông trụ cột gia đình này hầu như không có khả năng lao động nặng. Ai biết hoàn cảnh vợ chồng anh, thương tình may ra mới thuê. Cơn ăn vào bụng chưa đủ no, còn phải chạy vạy từng bữa.
Đưa tay quệt ngang dòng nước mắt, chị Oanh nghẹn ngào: “Sau tai nạn, một tay của anh Nam không còn làm được việc nặng. Anh đi làm thuê, họ chỉ trả tiền công bằng 1/2 người khác. Vợ chồng em sinh được 4 cháu, thì đứa đầu chết, 2 con sau bị bại não. Gia đình lấy tiền đâu mà chữa trị cho các cháu khi cơm còn phải lo từng bữa. Người làm cha làm mẹ mà phải bất lực nhìn con chết dần, chết mòn”.
"Giá mà xã công nhận hộ nghèo, gia đình sẽ đỡ phải nộp các khoản nghĩa vụ, được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm thì đỡ biết bao”, chị Oanh nghĩ đến một phép màu.
Theo quan sát của PV, trong căn nhà của vợ chồng này, không có lấy một góc để làm bếp núc nấu ăn, tấm chăn cũng không nguyên vẹn để chắn gió, chiếc xe đạp cũng không có đi. Hoàn cảnh gia đình này, còn bi đát hơn cả nhiều hộ nghèo khác, trên địa bàn xã.
“Gia đình chú Nam, dì Oanh cực kỳ gia cảnh. Chúng tôi ở gần nên thương lắm. Bà con thỉnh thoảng cũng góp cho ít ký gạo, vài gói mì tôm. Nhưng cũng chỉ giúp được vậy thôi, bởi ai cũng đang khó khăn cả. Mà đáng ra nhà này phải được hộ nghèo mới đúng chứ, đằng này không có gì”, bà Hà Thị Mai, hàng xóm nhà anh Nam chia sẻ.
Trao đổi với PV về trường hợp trên, ông Võ Văn Lệ, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Đồng cho biết: “Gia đình anh Nam đúng là trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã.Anh chồng bị tật ở tay do tai nạn, một con đã chết, 2 con thì bị bại não nằm liệt giường, họ lại không có điều kiện về kinh tế”.
Lý giải việc tại sao gia đình như anh Nam không được bình xét hộ nghèo, ông Lệ phân trần: “Cái này do cấp xóm trình lên. Sắp tới chúng tôi sẽ đưa vào danh sách hộ nghèo ngay”.
Cho đến nay, việc một gia đình xếp vào diện “đặc biệt” nghèo khó như vậy mà vẫn không được bình xét là điều khiến nhiều người bất ngờ.
Hiện, hoàn cảnh của gia đình anh Trần Đình Nam, rất cần sự chia sẻ của các nhà hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ cho trường hợp trên, xin gửi về: - Anh Trần Đình Nam và chị Nguyễn Thị Oanh - Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung |
Hồ Thắng