Bi kịch hai người đàn bà trong căn nhà nặng hơi men

Bi kịch hai người đàn bà trong căn nhà nặng hơi men

Lại Duy Cường

Lại Duy Cường

Thứ 2, 24/10/2016 10:29

Đến nay dân làng coi chuyện của bố con Đông chính là hệ quả tất yếu từ những việc làm của cha hắn. Đời cha cuồng loạn lại sinh ra rằng con cuồng loạn hơn.

Chúng tôi gặp người đàn bà khốn khổ ấy khi bà đã có một thời gian dài trốn chạy khỏi bi kịch của cuộc đời, so với quãng đời tăm tối trước đó bà Hai đã khác xưa nhiều. Ở tuổi 59 mà quá nửa đời người phải chịu đắng cay bà đã biết tự chăm sóc mình hơn song đứa con điên loạn của bà đã không cho bà những ngày tháng bình yên.

Nhắc đến gia đình bà Nguyễn Thị Hai ở thôn Đường Lội (xã An Lạc, Sơn Động, Bắc Giang) ai cũng ái ngại về ngôi nhà hoang lạnh cuối làng.

Bà Hai vốn là người con gái Kinh Bắc nết na thùy mị. Đến năm 30 tuổi vì mãi không chịu lấy chồng, cha mẹ ép bà lấy một chàng trai ở xã bên. Để bố mẹ yên lòng, bà chậc lưỡi theo một chàng trai bên xã kế bên.

Về làm dâu được ít ngày, bà Hai theo chồng khăn gói lên xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang làm công nhân lâm nghiệp. Lên đây rồi bà mới biết, ông Lò Văn Sinh – chồng bà mắc bệnh động kinh. Biết chồng bệnh tật, đôi vợ chồng trẻ cũng gắng gượng chạy chữa cho chồng. Thế nhưng, thay vì cùng vợ xây dựng hạnh phúc, ông Sinh lại tự biến mình thành “con sâu rượu”.

Từ sáng tới tối, người ông lúc nào cũng nồng nặc hơi men. Chính vì vậy, làm công nhân được đôi tháng, ông Sinh bị đuổi việc. Cuộc sống nơi đất khách quê người, ruộng vườn không có, người thân thì không khiến vợ chồng bà Hai rơi vào cảnh khốn cùng.

Đúng lúc này thì bà Hai mang thai. Dẫu vậy, vì chồng không có việc nên bà phải ôm bụng đi làm kiếm tiền. Nhưng hễ có đồng nào, ông Sinh vùi đầu vào những trận rượu không biết ngày tháng.

Càng uống rượu thì bệnh động kinh của ông Sinh càng nặng hơn. Mỗi lần lên cơn động kinh, bao nhiêu đồ đạc trong nhà từ chén bát, bàn ghế, quần áo, tivi… lần lượt đều bị ông Sinh đập phá hết. Đi cùng với đó là những trận đòn vô tình trút xuống người vợ bất hạnh.

Công lý trái tim - Bi kịch hai người đàn bà trong căn nhà nặng hơi men

 Căn nhà "đau khổ" của gia đình ông Lò Văn Sinh.

“Có hôm tôi không đủ tiền đưa cho ông ta mua rượu, tôi bị dìm đầu xuống chum nước, may mà có hàng xóm can thiệp không thì tôi cũng đã chết từ lâu. Mang thai hai đứa con tôi chưa bao giờ được tẩm bổ hay ăn một bữa no. Thậm chí, tôi bị ông ấy hất bát nước canh nóng vào mặt, bị ông ấy dùng búa đánh khiến chân tôi mang tật. Tôi còn bị chồng đạp vào bụng đến mức suýt sẩy thai…”, bà Hai rùng mình nhớ lại.

Không những vậy, bà Hai còn bị chồng liên tục bạo hành và biến thành nô lệ tình dục. Bất kỳ lúc nào, bất kỳ hoàn cảnh nào bà Hai cũng phải “phục vụ” chồng khi có ham muốn.

Nhiều lần bà con thôn Đường Lội ngán ngẩm khi thấy cảnh ông Sinh tồng ngồng chạy ra đồng đòi quan hệ với vợ. Không được, ông Sinh lại “tra tấn” bà Hai ngay tại cánh đồng. Không ngày nào bà Hai không gặp những chuyện tủi hổ.

Những đứa con sinh ra tưởng chừng như hi vọng mới sẽ làm cho ông Sinh thay đổi thế nhưng những cuộc bạo hành cứ thế diễn ra khiến các con bà phải bỏ học sớm. Quá chán ngán gia đình, đứa con gái đầu lòng của bà Hai phải bỏ nhà lên thành phố làm công.

Cũng từ đó đến nay, cô gái này chưa một lần về lại nhà. Đứa con út Lò Văn Đông, niềm hi vọng cuối cùng của bà Hai khi lớn lên lại trở thành một bản sao của bố, nghiện rượu và cũng “điên cuồng” với vợ .

Sống trong nhà với hai người đàn ông điên loạn, bà Hai quyết tâm rời bỏ căn nhà “quỷ ám” đó để xuống Quảng Ninh giúp việc và bắt đầu cuộc sống mới. Ở nhà ông Sinh và Đông tựa vào nhau để sống. Thế nhưng cuộc sống tăm tối của họ không hề chấm dứt.

Sau 5 năm biệt xứ, một ngày bà Hai nhận được tin Lò Văn Đông cưới vợ. Cô thôn nữ Hoàng Thị Thắm, dù không đẹp nhưng cùng cảnh với Đông, cũng mong một Đông thay đổi để cuộc sống tốt hơn.

Bà Hai lại một lần tất tả quay về lo ngày hạnh phúc cho con. Sau ngày hạnh phúc, bà Hai chỉ dặn dò con trai và con dâu: “Các con cố gắng bảo ban nhau làm ăn, sinh con đẻ cái thì dạy dỗ chúng nên người. Đó là mong muốn cuối cùng của mẹ”.

Thế nhưng mong ước đó không thể thành hiện thực bởi Đông cũng y hệt bản sao của ông Sinh, nghiện rượu và “hoang dại” với vợ. Những cảnh éo le của ông Sinh và bà Hai lại lặp lại với Đông và Thắm. Mới cưới được 1 tháng, Thắm đã phải trốn chạy khỏi căn nhà đó.

Ngày 5/9/2016, trong lúc đi tìm vợ, Lò Văn Đông đã dùng dao chém chị Nguyễn Thị P.(34 tuổi, hàng xóm của Đông) vào cơn thập tử nhất sinh. Hôm đó, thấy Đông chân nam đá chân chiêu, chị Phương khuyên gã nên về nhà nằm nghỉ. Nghe người phụ nữnày nói, Đông bất ngờ vớ lấy con dao cạnh đó rồi điên cuồng lao vào chị P.. Chỉ đến khi chị này nằm bất động, Đông mới dừng tay. Sự việc xảy ra quá nhanh khiến hàng xóm không kịp can ngăn.

Tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội, các bác sĩ phải rất nỗ lực mới giữ lại được tính mạng cho chị P.. Đến nay, sức khỏe của chị dù đã ổn định, nhưng các sĩ cho biết, di chứng để lại với sức khỏe của chị là rất nặng nề.

Công lý trái tim - Bi kịch hai người đàn bà trong căn nhà nặng hơi men (Hình 2).

 Người đàn bà đau khổ phải trốn chạy khỏi cuộc sống địa ngục trần gian.

Ngay sau đó, Đông bị công an huyện Sơn Động bắt giữ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, Đông đã được thả vì có giấy chứng nhận tâm thần. Từ đó người dân thôn Đường Lội lại càng hoảng sợ hơn bởi một kẻ tâm thần điên loạn trong làng. Lần chém chị Phương không phải lần duy nhất Đông gây án, trước đó ngay cả với người già, trẻ em Đông cũng không tha.

Đến nay dân làng coi chuyện của bố con Đông chính là hệ quả tất yếu từ những việc làm của cha hắn. Thậm chí ngay chính bản thân ông Sinh cũng phải kiêng dè con trai mình. Ông không còn dám ngồi “chén chú, chén anh” với con, không dám ngủ cùng và không dám to tiếng với Đông.

Thậm chí, nhiều lần ông bị chính con trai đánh đập tàn bạo đến chảy máu đầu, sưng tím mặt mũi trong lúc say rượu. Không có tiền đưa con trai mua rượu, ông còn bị Đồng cầm dao rượt quanh nhà.

Được biết, cha con ông Sinh hiện đang bấu víu vào những đồng tiền trợ cấp mất sức lao động của ông. Nhưng cứ cuối tháng, ông Sinh phải đưa gần hết tiền cho Đông, số còn lạichỉ đủ mua chút gạo cho hai bố con.

Biết Đông như vậy nhưng bà Hai nhất quyết không chịu trở lại, cuộc điện thoại cụt ngủn của bà khi nghe tình trạng của Đông chỉ là “từ bây giờ tôi không còn liên quan gì đến căn nhà đó nữa”. Âu cũng là một sự trốn chạy giải thoát của người đàn bà bất hạnh và khốn khổ.

Nói về chuyện của bố con ông Sinh, bà Nguyễn Thị Yến (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đường Lội) cho biết: “Đời bà Hai khổ, khổ vì chồng, khổ vì con. Cũng vì có người cha như vậy, nên sau này thằng Đông mới giống bố. Nó ngấm hơi men, rồi nghiện rượu từ khi còn là một thằng nhóc. Đông bỏ học khi chưa học xong cấp 1.

Nguyên nhân cũng một phần vì quá túng quẫn, bà Hai không lo cho con được. Nhưng quan trọng hơn là do bố mẹ lúc nào cũng đánh nhau nên Đông đâm chán nản. Con nghiện rượu, bố nghiện rượu nên từ sáng tới tối 2 người đó lúc nào cũng “chén chú, chén anh”. Khi say, thỉnh thoảng bố con họ lại quay sang đánh nhau.

Nhiều lần Đông đánh bố chảy máu đầu và còn đuổi bố ra khỏi nhà. Nhìn cảnh chồng con như vậy, hơn nữa lại bị thường xuyên bạo hành, bà Hai mới bỏ nhà đi. Khi bà Hai vừa đi khỏi thì Thắm lại về làm dâu, cuộc sống bi kịch lại lặp lại. Chúng tôi đã cố gắng khuyên can nhưng đều bất lực bởi cứ sau khi tỉnh táo bố con ông Sinh lại đâu lại vào đó”.

Tên nhân vật đã được thay đổi

T.P

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.