Do nghèo nên liều mình đánh đổi
Không phải quá lời khi nói xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là một trong các xã giàu nhất xứ Nghệ, thậm chí nhiều người còn đánh giá đây là một trong những xã có nhiều tỉ phú nhất ở Việt Nam. Bởi chỉ cần đặt chân từ đầu xã đã có thể chứng kiến được những ngôi nhà cao tầng san sát, những ngôi biệt thự hạng sang tiền tỉ nhiều vô kể và không hề thua kém tại những thành phố lớn.
Điều đáng nói, từ những năm 1980, xã Đô Thành là địa phương nghèo nhất huyện Yên Thành. Nơi đây là vùng trũng, quanh năm ngập nước, ngoài làm ruộng thì người dân không biết làm gì để sống. Do đói khổ bám riết, nhiều người đã liều mình tìm cách để làm giàu.
Cho đến những năm 90, một số gia đình chính sách bắt đầu đi lao động theo con đường chính ngạch sang các nước châu Âu như Đức, Tiệp, Ba Lan... Những người sang làm ăn ổn định có tiền gửi về xây nhà cao tầng, mua xe hơi dần dần kéo theo anh em ruột thịt sang. Phát hiện cách làm giàu nhanh chóng, những người khác bắt đầu tìm các cách khác nhau để đi theo. Cứ thế số người lao động ở nước ngoài ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết, toàn xã có 17.258 nhân khẩu, trong đó khoảng 9.000 người đang ở độ tuổi lao động. Tuy nhiên, có tới 1.471 người đang làm việc tại các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức.... Ngoài ra, hơn 1000 người buôn bán tại Lào và hơn 500 người làm việc tại nhiều nước trên thế giới.
“Hầu hết thanh niên ở trong làng đều đi lao động ở nước ngoài. Một ít thì đi Nhật, Hàn, Đài Loan và Lào. Nhưng phần lớn mọi người đi các nước châu Âu. Mặc dù đi các nước này chi phí cao hơn rất nhiều nhưng tiền kiếm được cũng gấp 5 gấp 6 lần. Bởi thế gia đình nào cũng cố vay mượn cho con em mình đi các nước châu Âu”, ông Hà nói.
Có 2 con đường để đi nước ngoài, đó là đi xuất khẩu lao động hợp pháp ở các nước đã có hợp tác với Việt Nam. Sau khi hết thời hạn thì bỏ trốn ra ngoài và tìm cách đến các nước khác. Con đường thứ 2 là xuất khẩu lao động “chui”, bằng việc di chuyển đến các nước trung gian rồi sẽ băng rừng hoặc vượt biển để sang Đức hoặc Anh.
Nhưng không phải ai cũng thành công, có những lao động đã phải đánh đổi bằng cả sức lực của tuổi trẻ, đánh đổi cả nước mắt hay thậm chí là máu và tính mạng của mình. Nhiều trường hợp ở xã Đô Thành trong quá trình đi làm tại nước ngoài đã tử vong. Bởi hầu hết họ chỉ là những lao động chui không có giấy tờ hợp pháp, không được bảo hộ, không được bảo vệ mỗi khi có sự cố xảy ra.
Giấc mơ đổi đời được xây bằng máu
Là một trong những gia đình mất liên lạc với con trong nhiều ngày nay, ông Nguyễn Đình Sắt (65 tuổi), trú xã Đô Thành, huyện Yên Thành đứng ngồi không yên khi đọc được thông tin phát hiện 39 người tử vong trong xe container ở Anh. Do thời điểm này anh Nguyễn Đình T. (26 tuổi) cũng đang trong quá trình vượt biên sang Anh, nên ai cũng cho rằng anh là nạn nhân trong vụ việc trên.
“Tháng 3/2019, T. đi xuất khẩu lao động sang Rumani. Do việc không ổn nên nó sang Đức. Mới đây, T. gọi về báo sẽ sang Anh để làm vì ổn định hơn. Hơn tuần trước nó gọi về báo đang ở Pháp chuẩn bị sang Anh, sau đó chúng tôi không thể liên lạc được với con nữa”, ông Sắt cho hay.
Mới đây, bộ Ngoại giao thông báo có thể có nạn nhân Việt Nam nên gia đình đã lập bàn thờ để thắp hương. Ông Sắt cho hay, để chuẩn bị tiền cho con đi Anh, gia đình ông đã phải mang sổ bìa đỏ đi cầm cố.
Cách đó không xa, gia đình ông Lê Mạnh Tuân cũng mất liên lạc với người con trai Lê Văn H. khi đang trên đường sang Anh. Từ những thông tin có được, ông Tuân nghi ngờ con trai mình là nạn nhân trong số 39 người chết ở Anh.
Ông Tuân kể, cũng vì cuộc sống nghèo nên con trai ông đã phải tìm cách ra nước ngoài mưu sinh kiếm sống. Sau khi tìm hiểu đường đi với chi phí sang Anh hết khoảng 800 triệu đồng, ông Tuân cầm cố 2 mảnh đất vay mượn 700 triệu đồng, rồi mượn thêm của người thân để cho con làm thủ tục.
3 tháng trước, H. vào TP.HCM để chuẩn bị sang châu Âu làm việc khi đứa con thứ 2 sắp chào đời. Để đi được sang Anh, H. phải đi qua nhiều nước và rất ít khi được liên lạc về với gia đình. Lâu lâu, H. mới điện thoại về nhà báo tin đang ở đâu, đi qua nước nào và sức khỏe ra sao.
Hơn 1 tuần trước, H. gọi điện về báo tin cho gia đình rằng đang ở Pháp và chuẩn bị lên xe sang Anh. Tuy nhiên, khi chưa được đặt chân đến miền đất hứa thì H. đã bị mất liên lạc với gia đình.
“Chúng tôi đã nghĩ đến phương án xấu nhất nên lập bàn thờ cho con. Nhưng đến nay chưa có thông tin nào từ châu Âu gửi về cả nên gia đình đang chờ đợi”, ông Tuân kể.
Đến nay, không chỉ gia đình của các nạn nhân trên mà có 3 trường hợp ở xã Đô Thành trong tổng 21 trường hợp ở tỉnh Nghệ An trình báo lên cơ quan chức năng việc mất người thân khi đang trên đường sang Anh. Con đường đi lao động sang các nước châu Âu vô vàn vất vả, hiểm nguy. Nhưng giấc mộng đổi đời đã khiến nhiều người bất chấp, liều mình để đi.