Bi kịch từ cảnh dì ghẻ con chồng
Nguyễn Thị Mai (SN 1989), được đưa vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội I trong một đợt truy quét gái mại dâm của công an tại bãi biển Diễn Thành (Diễn Châu, Nghệ An).
Bi kịch cuộc đời dậy sóng của cô bé Mai bắt nguồn từ một gia đình túng bấn vì nghèo khó. Lớn lên trên mảnh đất chưa nắng đã khô, chưa mưa đã nhão của một huyện miền núi cực nghèo của Tân Kỳ (Nghệ An), ngôi nhà tranh liêu xiêu của gia đình Mai lẫn vào trong một xóm núi lay lắt. Rồi mẹ ngã bệnh, sau một thời gian nằm liệt giường đã bất ngờ trở dậy nói cười như người lãng du. Chẳng có lấy nổi một xu mà chữa trị, cả nhà bất lực nhìn người đàn bà tội nghiệp héo hon từng ngày vì điên dại.
Rồi bố Mai bất ngờ sang xã bên, cắp một người đàn bà về làm vợ, ngang nhiên sống trong ngôi nhà rách nát có người đàn bà điên loạn. Thương em và không chấp nhận nổi cảnh chướng mắt đó, ông cậu Hà đã đón cô em gái tội nghiệp về chăm sóc. Con bé Mai mới lên 7 sống đời con chồng dì ghẻ từ đấy.
Người ta vẫn nói “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, những lời đay nghiến, chì chiết, rồi cả những trận đòn roi thừa sống thiếu chết của bà dì “trên trời rơi xuống” cứ như đã cắm rễ trong ký ức tuổi thơ em. Cho nên, bao năm qua lạc bước trên con đường đầy gai góc của đời mình, phải đối mặt với bao nỗi đau tinh thần quằn quại, em luôn nhẫn nại vượt qua. Mà cũng chỉ để nhớ vậy thôi chứ Mai không muốn nhắc đến hay kể lại dù chỉ một lần, tự ru vỗ mình để quá khứ được ngủ yên.
Sau bao năm tháng sống chung với nhau dưới một mái nhà, bỗng một ngày bà dì ghẻ thay đổi giọng xưng hô, may cho em nhiều bộ quần áo mới, thậm chí còn mua phấn son bắt em trang điểm. Mai cảm thấy háo hức lạ, nghĩ đời mình chắc đã sẽ tươi sáng hơn, em ngoan ngoãn làm theo với một sự hàm ơn to lớn mà đâu biết rằng, đó chỉ là màn dạo đầu ngọt ngào của một hành vi mất nhân tính. Tử tế được khoảng một tuần thì Mai được bà dì ghẻ "tốt bụng" thông báo là đã xin được chỗ làm cho em ở huyện Yên Thành, Mai đón nhận với một tâm thế phấn khởi, không một mảy may nghi ngờ.
Chuyến xe đêm lao mình vút đi, chở theo cô thiếu nữ 16 tuổi, bỏ lại phía sau làng quê yên tĩnh không một ánh đèn. Sau một đêm ngủ mệt, khi tỉnh dậy thì đã thấy mình bị nhốt trong một phòng lạ, bà dì ghẻ cũng bỏ đi đâu mất hút. Nghe mấy cô tiếp viên thì thầm với nhau, Mai mới lờ mờ nhận ra được sự trớ trêu của mình, bà dì đã bán cô cho một quán cà phê P.V ở thị trấn Yên Thành (Nghệ An). Để ra khỏi đây Mai chỉ còn cách làm việc cật lực mỗi tháng trả cho chủ quán 2 triệu đồng trong vòng 1 năm mới đủ tiền xóa nợ.
Và ở chính nơi nhơ nhớp đó đã không biết bao nhiêu lần Mai phải cắn răng phục vụ các loại đàn ông trong nước mắt hờn tủi ròng rã suốt nửa năm trời. Mai đã làm việc như một cái máy, có lẽ, bản tính cam chịu từ bé, lại không được học hành tử tế nên sức phản kháng của em cũng chỉ dừng lại ở mức độ chấp nhận. Cay nghiệt với số phận nhưng em tình nguyện sống chung với nó. Đến độ, trong một lần chấp nhận lời đề nghị quan hệ nhưng không sử dụng bao cao su của một khách làng chơi, em đã có bầu. Bị bà chủ đuổi, Mai ê chề vác bụng về nhà thì mụ dì ghẻ đã giãy nẩy như đỉa phải vôi, kiên quyết bắt em từ bỏ đứa bé khi cái thai đã 22 tuần tuổi.
Cứ ngỡ hạnh phúc đã tìm về
Đợi Mai hồi sức sau phá thai, bà dì ghẻ lại thuyết phục, dỗ ngon ngọt cô trở lại quán cà phê trá hình, lần này phận bạc của Mai được thắp lên bởi một người đàn ông đồng cảnh ngộ, đó chính là người lái xe ôm nghèo chuyên chở em đi làm. Những tâm sự ngắn ngủi nhưng thường xuyên trên đường đi đã giúp họ hiểu và cảm thương cho số phận của nhau, rồi hai mảnh đời ấy đã khớp lại như một bến đỗ của sự bình yên.
Ở Trung tâm giáo dục lao động I Nghệ An, những con người có số phận lầm lỡ đều được học nghề
Mai kể cho tôi nghe về hạnh phúc ngắn ngủi của mình mà cặp mắt như vô hồn nhìn ra cửa phòng: "Anh ấy tên H, đã có gia đình nhưng vì quá nghèo nên chị vợ đã bỏ anh đi. Anh làm nghề xe ôm đầu ngõ, vẫn hay chở em đi mỗi khi khách gọi phục vụ tại gia. Mỗi người có một phận đời riêng nhưng đều cùng chung cảnh ngộ nên sớm tìm được ở nhau sự đồng điệu. Sau một thời gian tích góp từ đồng tiền xe ôm ít ỏi, anh quyết định chuộc Mai ra khỏi quán. Để bắt đầu cuộc sống mới, hai người đã quyết định về quê anh lập nghiệp, hòng quên đi những tháng ngày tủi hổ trước, dĩ nhiên thân phận Mai thì cả hai không hé nửa lời.
Rời xa chốn nhơ nhuốc để náu mình trong cuộc sống không bon chen nơi làng quê, những tưởng hạnh phúc đã tìm về. Sống với chồng được 3 năm êm ấm, thì bỗng một ngày, bố chồng phát hiện ra quá khứ của cô con dâu. Thay vì làm ầm lên, thì ông già 65 tuổi này lại thừa lúc con trai đi vắng đòi được quan hệ với cô con dâu như một khách làng chơi thứ thiệt. Khi Mai phản ứng thì ông ta liền cao giọng mỉa mai quá khứ chẳng mấy tốt đẹp của em, để rồi cứ mỗi khi chồng đi vắng, hai mẹ con ở nhà ông ta lại giở trò. Cực chẳng đã, trong một đêm mưa to gió lớn, Mai đã chạy trốn để lại cho chồng một đứa con vừa tròn năm.
Chẳng có lối đi, bước chân vô định của cô gái trẻ lại tìm về lối mòn của lầm lỡ. Thương vợ, H. lại về chốn xưa tìm. Nhưng rồi bố chồng vẫn không chịu buông tha, hành động đòi hỏi phi đạo đức đó lại tái diễn buộc Mai phải dứt áo ra đi. Đến lần thứ ba thì H. đã không đi tìm vợ nữa. Cô theo đồng nghiệp đến kiếm kế sinh nhai ở khu mại dâm bãi tắm Diễn Thành.
Tình yêu với H. là thứ tình yêu rất thật, và cũng gần như là đầu đời dù rằng anh không phải là người đàn ông đầu tiên của cuộc đời cô. Nhưng vì chồng quá nhu nhược, thấy bố hạ nhục vợ nhưng anh bất lực, thậm chí có hôm ông bố còn gọi vợ là đĩ ngay trước mặt nhưng anh cũng chẳng dám bảo vệ Mai, để rồi sau đó vào buồng ôm vợ khóc tức tưởi, nên cô không còn cách nào khác, phải bỏ hạnh phúc ngắn ngủi sau lưng để chạy trốn ông bố chồng. Nhiều hôm Mai thấy nhớ chồng, nhớ con đến quay quắt nhưng chẳng dám tìm về.
Cũng như bao cô gái có bước chân lầm lỡ hay dòng đời xô đẩy, Nguyễn Thị Mai về với mái nhà chung Trung tâm giáo dục lao động xã hội I Nghệ An từ cuộc truy quét gái bán dâm tại bãi biển Diễn Thành. Tại đây, cô đã được ăn bữa cơm ấm áp tình người mà từ bé cô hiếm hoi có, được chăm sóc và quan trọng hơn là được học một cái nghề tử tế. Trước khi chia tay, Mai nói: "Dẫu chưa biết ngày mai ra sao, cuộc đời em sẽ trôi dạt về đâu, nhưng em vẫn tin, lối về của em sẽ bớt chông gai, bởi em đã không còn sống đời cam chịu nữa mà đã trở thành con người khác ngay từ khi bước chân vào đây".
Loan Nguyễn
* Tên nhân vật đã được thay đổi