Bi kịch những phụ nữ dân tộc phải gửi vào làng trẻ S.O.S

Bi kịch những phụ nữ dân tộc phải gửi vào làng trẻ S.O.S

Thứ 4, 23/10/2013 11:50

Sinh ra con, ai cũng mong muốn che chở, nuôi dưỡng con khôn lớn trưởng thành. Song đối với những người phụ nữ góa bụa ở La Pán Tẩn, ước mơ ấy bỗng dưng trở nên quá xa vời bởi sự ra đi của người chồng, khiến mẹ con họ chia lìa đôi ngả.

Người đàn ông trụ cột trong gia đình bị vùi lấp theo mỏ quặng lấp lánh đã để lại gánh nặng đói nghèo lên vai người vợ và những đứa con thơ. Giữ lại con bên mình, không có cơm ăn, áo mặc thì con đói rét mà xa con thì như đứt từng khúc ruột. Những người đàn bà quanh năm ở nhà thêu thùa giờ bỗng dưng phải đối diện với tấn bi kịch của cuộc đời mình: Phải gửi con đi làng trẻ S.O.S trong khi chính mình còn đang sống.

Cuộc chia ly đẫm nước mắt

Xã La Pán Tẩn có khoảng 200 hộ dân với gần 800 nhân khẩu. Dù các cấp chính quyền đã tích cực tuyên truyền nhưng không ít vợ chồng vẫn sinh rất nhiều con. Song có lẽ, không khi nào những người Mông ấy lại nghĩ đến chuyện sẽ có ngày mình nhờ người khác nuôi con. Trong gia đình người Mông, người đàn ông có vai trò rất quan trọng. Đó là chỗ dựa tinh thần và cũng là trụ cột về kinh tế. Phụ nữ thường chỉ tham gia công việc mỗi khi mùa màng, còn phần lớn thời gian họ ở nhà thêu thùa và nuôi dạy con cái. Sau khi tai nạn không may ập đến, người chồng xấu số qua đời, không ít gia đình buộc phải làm đơn xin xã gửi con đi làng trẻ S.O.S Việt Trì (Phú Thọ). Nhà ít thì một đứa, nhà nhiều thì hai, thậm chí cả ba đứa con. Ông Giàng Chứ Ly, Bí thư xã La Pán Tẩn cho hay, khi trò chuyện với các gia đình về việc đưa con đi làng trẻ S.O.S, ông rất khó xử. Cho con đi là để những đứa trẻ bớt khổ nhưng cũng là chia lìa tình cảm mẹ con thiêng liêng cao quý. Nhưng thà có thể nhẫn tâm còn hơn để lũ trẻ ở nhà rồi đói rét, bệnh tật không ai đỡ đần.

Xã hội - Bi kịch những phụ nữ dân tộc phải gửi vào làng trẻ S.O.S

Những giọt nước mắt đau khổ khi nhớ lại chính tay mình đưa con đi làng trẻ S.O.S của người phụ nữ Mông mất chồng. Ảnh Phạm Hạnh - Dương Thu.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Ly vẫn nhớ như in buổi các gia đình tiễn biệt con thơ đi làng trẻ S.O.S. Hình ảnh người mẹ thất thần nhìn con và gương mặt nhạt nhoà nước mắt của những đứa trẻ khiến ông cứ ám ảnh mãi. "Trong một thời gian ngắn, họ phải chịu những nỗi đau quá lớn: Mất chồng, xa con. Đau xót hơn, có những đứa trẻ còn quá nhỏ, chưa ý thức được chuyến đi của mình mà cứ nghĩ rằng mình được ngồi ô tô lên tỉnh chơi, vài hôm sau lại được về với mẹ. Cũng có gia đình, dù trước đó đã đồng ý cho con đi S.O.S nhưng đưa con lên xã, xót xa quá lại nhất quyết đưa con về. Tuy nhiên, về đến nhà, ngồi khóc lóc suy nghĩ, họ lại đưa con quay ra cho kịp chuyến xe vì chẳng cam lòng nhìn con ở nhà sống trong đói khổ. Đúng là cực chẳng đã mà phải làm như vậy. Cả xã có tới 8 cháu "được" gia đình đưa đi làng trẻ S.O.S", ông Ly tâm sự.

Mong muốn được đến thăm một vài gia đình trong số đó, chúng tôi theo chân anh Hảng A Trừ, cán bộ xã La Pán Tẩn. Anh dẫn chúng tôi đến nhà của chị Thào Thị Sàu và Giàng Thị Dê ở bản Trống Páo Sang. Họ là vợ của anh em Lý A Lềnh và Lý A Xinh - hai người không tìm thấy xác trong tai nạn sạt lở núi. Ngôi nhà nằm cách trung tâm xã chừng 2km nhưng dường như lâu lắm mới có khách đến chơi nên chị Sàu vui mừng ra đón. Khi biết chúng tôi đến để hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình sau sự ra đi của chồng, nét mặt chị Sàu có phần chùng xuống.

Đứt ruột chia lìa 3 con thơ

Chị Sàu và anh Lý A Lềnh lấy nhau và sinh được bốn người con. Cháu lớn nhất 10 tuổi, hai cháu sinh đôi 8 tuổi và một bé trai đang lẫm chẫm tập đi. Ngày A Lềnh còn sống, ba đứa lớn vẫn rủ nhau đi học ngoài xã, tối về lại ríu rít bên cha mẹ. A Lềnh thường đi mót quặng, đi hái thảo quả nên kinh tế gia đình cũng có đồng ra đồng vào. Rồi ngày chồng mất, chị Sàu sợ lắm. Sau mấy ngày trời ăn ngủ trên rừng để chờ tìm xác chồng, chị về nhà ngây dại ngồi nhìn bốn đứa con. Đứa con nhỏ còn đang phải bế ẵm, chị đành lòng phải viết đơn nhờ xã gửi ba đứa lớn đi làng trẻ S.O.S. Dù rất yêu thương con, không muốn xa con nhưng vẫn phải nuốt nước mắt đưa ra quyết định đau lòng. Để con ở nhà, đồng nghĩa với việc chúng sẽ phải chịu đói, chịu rét, ốm đau bệnh tật không thuốc thang, thậm chí có thể không giữ được tính mạng.

Xã hội - Bi kịch những phụ nữ dân tộc phải gửi vào làng trẻ S.O.S (Hình 2).

Trong ngôi nhà nền đất của chị Sàu không có lấy một thứ vật dụng có giá trị. Ảnh Phạm Hạnh - Dương Thu.

Dường như cũng ít nhiều hiểu được chút tiếng Kinh, nên chị Sàu bắt đầu bộc bạch nỗi niềm trong nước mắt. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhem nhuốc bụi đất và màu của chỉ thêu, trong tôi dậy lên một niềm cảm thương khó tả. Chị Sàu kể cho chúng tôi nghe cuộc gặp gỡ ngắn ngủi duy nhất kể từ khi con xa nhà gần chục tháng nay. Lần ấy, còn dư lại chút tiền được hỗ trợ sau khi chồng bị tai nạn, vì quá nhớ con, chị khăn gói lên đường sang Việt Trì thăm con. Cuộc gặp gỡ chỉ có nước mắt và nước mắt. Bốn mẹ con không nói được gì nhiều mà chỉ ôm nhau khóc. Trong môi trường ấy, họ không tiện nói tiếng Mông nên chỉ hỏi qua được tình hình sức khoẻ và chuyện ăn uống. Thấy các con béo lên, trắng ra, nhưng gương mặt đứa nào cũng rầu rầu. Chị Sàu lo sợ sau khi con đi học ở dưới xuôi, sẽ quên mất tiếng Mông. Lúc ấy, mẹ con còn cơ hội gặp nhau thì chẳng biết sẽ giao tiếp bằng cách nào.

Cuộc sống của chị Sàu dường như bị đảo lộn hoàn toàn từ ngày chồng mất. Phải xa con, kinh tế gia đình đè nặng lên vai chị. Cùng chung cảnh ngộ, người em dâu Giàng Thị Dê có chồng là Lý A Xinh cũng dọn về ở chung một nhà với chị Sàu. Dù mới chỉ sinh được một đứa con 9 tuổi, nhưng vì là vợ chồng trẻ, trong tay chẳng có tài sản gì đáng giá, ruộng đất thì ít nên chị Dê cũng phải gửi con đi làng trẻ. Khi còn người chồng bên cạnh, chị Sàu, chị Dê còn biết đến những chuyến đi xuống huyện, bữa cơm gia đình cũng thường có thêm miếng thịt, con cá. Nhưng giờ đây, thu nhập gia đình chỉ biết trông chờ vào ít thảo quả, mấy mảnh ruộng bậc thang và vài rẫy ngô, bữa ăn quanh năm suốt tháng chỉ có rau su su, rau bí. Tiền bán gà, bán lợn và thảo quả, họ dành để mua phân bón và mua giống cho vụ sau. Việc nặng nhọc như cày bừa cũng phải hết lời nhờ vả, đổi công cho những gia đình khác.

Cuộc đời sầu thảm

Ngôi nhà gỗ của chị đã mục nát và nền đất thì  lổm nhổm, chỗ lồi chỗ lõm, mỗi khi trời mưa nước lại ùn ứ ở những chỗ trũng. Cứ mỗi khi trời mưa giông, sấm chớp, hai chị chỉ biết ôm đứa trẻ co ro ngồi lại một góc mà lòng chỉ lo nhà bị tốc mái, đổ sập. Với kinh tế hiện tại của gia đình, chị Sàu không biết khi nào mới có thể sửa sang lại ngôi nhà cho kiên cố. Cái Tết vừa qua là cái tết sầu thảm nhất trong cuộc đời của hai người phụ nữ. Dù là tết nhưng ngôi nhà buồn tẻ, hoang lạnh hơn những ngày thường vì thiếu chồng, thiếu con. Đi thăm con, chị Sàu biết sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền, cả vài triệu bạc, chẳng biết sẽ lấy đâu ra chi phí cho sản xuất vụ tới nhưng chị Sàu vẫn quyết rằng gần tết này, sẽ viết đơn lên xã, xin cho các con về ở nhà một tháng.

Chia tay người đàn bà bất hạnh, chúng tôi cứ ám ảnh mãi về cái dáng đứng xiêu xiêu bên ngôi nhà gỗ ọp ẹp. Rồi mùa đông tới đây, hai người đàn bà goá bụa ấy sẽ ra sao. Có lẽ từ lúc sinh ra, chưa khi nào chị nghĩ, mình lại phải đơn lẻ bước chân trên đường đời và đối mặt với nhiều niềm đau đến vậy.

Sợ con không quay về

Khi chúng tôi thắc mắc gửi con đi làng trẻ SOS, con được chăm sóc, đứa trẻ vẫn có thể trở về với gia đình, tại sao người phụ nữ ấy lại tỏ ra tuyệt vọng, thậm chí luôn chắc chắn mình không còn cơ hội làm mẹ của chúng, người cán bộ đi cùng giải thích: "Nhiều trường hợp, trẻ em sau khi được gửi đi sẽ không muốn quay về. Bởi về bản, điều kiện sinh sống khổ hơn, lại không có tiền đi học, không có công ăn việc làm. Các em được tiếp cận với môi trường mới sẽ muốn gắn bó với cuộc sống ấy chứ không muốn quay về với gia đình. Nhiều nhà cho con đi rồi nhưng vì nghèo quá, chẳng thường xuyên đến thăm được, gọi điện sang thì không dễ để gặp được con nên nhiều đứa trẻ quên rất nhanh. Môi trường sống mới, được ăn no mặc ấm, được học hành, chúng quên ngôn ngữ, quên quê hương rồi quên cả gia đình".

Phóng sự của Phạm Hạnh - Dương Thu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.