Tình già tay ba
Vừa qua, TAND huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) đã đưa ra xét xử sơ thẩm một vụ án hết sức hy hữu nhưng lại được dư luận đặc biệt quan tâm. Hy hữu ở chỗ cả bị cáo, người bị hại và nhân chứng đều đã lên chức ông, chức bà, con cháu đề huề, nhưng trót “dấn thân” vào chốn tình trường nghiệt ngã để rồi cuối cùng phải nhận trái đắng. Hung thủ là cụ ông Nguyễn Văn Nho (61 tuổi, ngụ xã Quế Thọ), nạn nhân là ông Trần Đức (57 tuổi, ngụ xã Bình Lâm) và “người đẹp” là bà Nguyễn Thị Kim Yến (52 tuổi, ngụ xã Quế Thọ).
Theo cáo trạng, ông Nho với bà Yến vốn được mệnh danh là cặp “thanh mai, trúc mã” của xã Quế Thọ. Nhưng rồi chiến tranh ly tán đã khiến hai người không đến được với nhau. Sau giải phóng, bà Yến đi lấy chồng. Không lâu sau, ông Nho cũng yên bề gia thất, hai người cũng mất liên lạc với nhau từ dạo đó. Cuộc sống như thế cứ bình lặng trôi đi cho đến một ngày cách đây đúng 3 năm. Năm 2010, ông Nho gặp lại bà Yến trong một đám cưới ở quê. Lúc này, vợ ông Nho đã mất được 5 năm, ông ở vậy nuôi ba đứa con, các con ông cũng đã lớn, lập gia đình ra ở riêng. Bà Yến thì chồng bỏ đi từ gần hai chục năm trước, bà cũng ở vậy nuôi hai đứa con gái chứ cũng chưa có ý định đi bước nữa.
Căn nhà ông Trần Đức - hiện trường xảy ra vụ án.
Như một định mệnh, mối tình gần ba chục năm về trước lại “trỗi dậy” mạnh mẽ khiến trái tim hai người già một lần nữa phải đập... loạn nhịp. Ông Nho ngỏ lời yêu, bà Yến gật đầu ưng thuận. Mấy đứa con cũng chẳng đứa nào phản đối vậy là hai ông bà dọn về ở chung với nhau kể từ bữa đó.
Hai năm trôi qua, đôi vợ chồng già ngày ngày lại cùng nhau lên rừng trồng keo, chặt củi về bán, cuộc sống tuy chật vật nhưng vẫn vui vì sớm hôm bầu bạn. Nhưng rồi, củi rừng dần cũng cạn, phụ nữ trong làng rủ nhau lên Tây Nguyên hái cà phê thuê để kiếm tiền. Tháng 8/2012, nghe lời mấy bà hàng xóm bà Yến cũng lặn lội lên Đăk Lăk làm thuê. Ông Nho dù không đành lòng, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận để bà Yến ra đi.
Ở tận cao nguyên Đăk Lăk xa xôi, ngày chỉ biết lên rẫy hái cà phê, tối về ăn bữa cơm rau đạm bạc cho qua ngày nên bà Yến đâm ra buồn chán. Cũng trong thời gian này, bà Yến gặp ông Trần Đức, người cùng quê. Dù đã ngoài 50 nhưng vóc dáng cao to, cộng thêm khuôn mặt góc cạnh khiến ông Đức vẫn còn rất phong độ. Ông Đức vốn sống trong cảnh “gà trống nuôi con” đã lâu. Vợ ông Đức mất từ sáu năm trước, ông có ba người con thì hai đã lập gia đình ra ở riêng, đứa con út cũng mới ra Đà Nẵng làm việc rồi cũng ở luôn ngoài đó.
Thấy cha lủi thủi một mình trong căn nhà vắng, mấy đứa con ông Đức cũng tán thành việc cha đi bước nữa, đồng thời bắn tin đi các nơi tìm người sớm hôm bầu bạn cho ông Đức. Cũng đã có nhiều “mối” được giới thiệu để ông “tìm hiểu” nhưng vẫn không thành. Đến khoảng tháng 11/2012, một người ở Tây Nguyên biết bà Yến đang hái cà phê thuê tại đây, nên giới thiệu để bà làm quen với ông Đức. Nhận thấy có sự đồng cảm, hơn nữa bà Yến lại chủ động làm quen, nên ông Đức cũng cảm thấy yên tâm mà tính chuyện lâu dài. Cuối năm 2012, ông Đức chính thức dắt bà Yến về nhà mình ở thôn Bình Lâm để cùng “góp gạo thổi cơm chung”.
Trước khi đi theo ông Đức, bà Yến cũng điện thông báo với ông Nho rõ ràng: “Tui đã có người yêu mới, tui không ở với ông nữa nghe”, rồi khăn gói về ở chung với ông Đức. Sống ở nhà được khoảng một tháng, cặp vợ chồng già dắt díu nhau ra Đà Nẵng thuê nhà trọ, ông làm nghề chạy xe ôm, bà đi bán vé số kiếm sống. Về phần ông Nho, nghe bà Yến ra đi một cách phũ phàng như vậy nên buồn chán, đâm ra rượu chè. Ba tháng sau, thì ông Nho sinh bệnh, phải vào TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) điều trị. Hay tin ông Nho phải đi cấp cứu, nghĩ lại một thời mặn nồng thương yêu, bà Yến không quản đường sá xa xôi, lặn lội gần trăm cây số vào thăm người tình cũ.
Tại đây, sau những lời “rút ruột” của ông Nho, bà Yến chịu ở lại chăm sóc ông và hai người tạm thời thuê phòng trọ ở TP. Tam Kỳ và lại cùng nhau “góp gạo thổi cơm chung”. Ngày ngày đôi “tình nhân” này mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ngoài mưu sinh ở TP. Tam Kỳ, bà Yến cũng đôi lần dắt ông Nho ra Đà Nẵng bán vé số và đưa về sinh sống ở ngay tại căn phòng mà bà từng ở với ông Đức. Lúc này, ông Đức hay tin được, liền tức tốc chạy xe máy ra Đà Nẵng đòi lại hết vật dụng mà mình đã sắm dùng chung và tuyên bố: “Từ nay sẽ không qua lại với người phụ nữ lẳng lơ như bà Yến”.
Xách dao tới nhà tình địch trị tội cướp “vợ hờ”
Đến tháng 4/2013, bà Yến về ăn đám cưới của đứa cháu họ ở xã Bình Lâm. Thế nhưng, oái oăm thế nào bà lại đụng ngay ông Đức. Rượu vào, lời ra trái tim người phụ nữ đa đoan này lại một lần nữa “rung động” trước lòng nhiệt thành của người tình cũ. Thế là, không ai bảo ai, ông Đức và bà Yến tự động tìm đến nhau thề non, hẹn biển, rồi bà Yến lại dọn về sống với ông Đức, “quên” luôn ông Nho đang “mòn mỏi” chờ đợi mình ở TP. Tam Kỳ. Ở với tình mới được vài bữa, bà Yến bèn gọi điện cho tình cũ thông báo: “Tui về sống lại với Đức rồi, thôi ông khỏi chờ tui nữa nghe”.
Nghe bà Yến nói lời chia tay với tình cũ, ông Đức cũng hoan hỉ “đế” thêm vào: “Bả cũng đâu phải vợ mi, mi đừng có mà léng phéng vợ tau nữa hỉ, bả về ở với tau rồi nghe”. Nghe đến đây, ông Nho điên tiết hỏi: “Tụi bay đang ở chỗ mô”. Ông Đức cũng không kém, lên tiếng thách thức: “Ở nhà tau chứ đâu, mi giỏi thì xuống thôn 8, xã Bình Lâm mà tìm”. Bực tức vì bị ông Đức mấy lần cướp “vợ” mình, ông Nho tức tốc chạy xe từ TP. Tam Kỳ lên xã Bình Lâm để gặp xử “tình địch”.
Đang “hú hí” với "vợ hờ" tại nhà của mình, ông Đức bỗng nghe tiếng xe máy dừng ngay ngõ, rồi nghe tiếng người thăm dò nhà mình, nên lò dò mở cửa bước ra. Chưa kịp cất tiếng hỏi xem ai phía trước, ông đã thấy lưỡi dao cắm vụt vào hông trái. Đau đớn, ông la làng, đồng thời theo phản xạ tự nhiên, ông đưa tay đỡ nên bị nhiều cú đâm nữa. Trong lúc hoảng loạn, trời lại tối nhưng ông cũng kịp nhận ra ra hung thủ là tình địch Nho. Sau khi đã đâm “kẻ cướp vợ”, thủ phạm vào trong nhà tìm “kẻ phản bội” nhưng người phụ nữ này nhanh chân chạy trốn.
Lời tâm sự của những người tình già
Gác lại công việc hàng ngày, rất đông người dân Hiệp Đức đã có mặt tại phiên toà xét xử vụ án đặc biệt này. Cảm thông! Đó dường như là cảm nhận chung của những người đến tham dự phiên toà. Cả ông Nho, ông Đức, bà Yến... ở tuổi xế chiều nhưng lại chẳng còn “một nửa của mình” để bầu bạn nên họ tìm đến nhau là điều dễ hiểu. Chỉ trách người đàn bà vì “đam mê” bản thân mà đã đẩy hai người bạn già “đầu ấp tay gối” của mình, người phải vào nhà thương, kẻ phải vướng vòng tù tội.
Giây phút đứng trước toà, bị cáo Nho thành khẩn khai báo mọi chuyện. Gương mặt hốc hác, cái nhìn đăm chiêu về xa xăm, chốc chốc ông lại đưa mắt hướng về hàng ghế phía sau lén nhìn bà Yến, rồi lại liếc mắt về phía ông Đức nhưng ánh mắt ông đã không còn long lên hằn học như cách đây mấy tháng nữa. Dường như, ông vẫn còn thương bà Yến nhiều lắm và cũng muốn gửi lời xin lỗi chân thành đến “tình địch” một thời của mình.
Về phần ông Đức, gương mặt ông trông bình thản một cách lạ kỳ. Với ông, dù ông Nho có đi tù hay không cũng vậy. Ông cũng không căm giận vì ông biết, bản thân ông Nho đau ốm, cũng nghèo khó. “Có trách thì nên trách chúng tôi ngu dại, cuối đời vẫn để một người đàn bà lẳng lơ, bắt cá nhiều tay chen vào rồi gây nên những mâu thuẫn không đáng có”, ông Đức ngậm ngùi.
Bài học đắt giá cuối đời Vừa qua, TAND huyện Hiệp Đức đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án cố ý gây thương tích. Xét thấy ông Nho có nhân thân tốt, là thương binh, thành khẩn khai báo, hành động trong lúc bị kích động, HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Văn Nho 24 tháng tù giam. Ngoài ra, bị cáo còn phải bồi thường cho ông Trần Đức 48 triệu đồng. |
Bạch Hưng