Nhận xét của nhà chức trách
Nhận xét về vụ sử dụng "phép thuật" để rút vốn tại Cty Ba Đình, một văn bản của Bộ KH&ĐT nhận định: “Hành vi rút vốn của giám đốc, tổng giám đốc công ty trái với quy định nêu trên là vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp”. “Đối với trường hợp của quý Công ty (Hapulico - PV), nếu quý Công ty có các chứng cứ chứng tỏ việc ký các hợp đồng ngày 19/6/2008, 19/8/2008, 30/9/2008 của TGĐ Công ty với Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình mà chưa được sự chấp thuận của Đại hội cổ đông hoặc HĐQT và việc sử dụng số tiền vay không đúng mục đích, Công ty có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ghi rõ: “Công ty Ba Đình đã không có đủ khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo cam kết nên phải đi vay Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội và Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và thương mại. Và để có thể trả các khoản vay này, Công ty Ba Đình đã “vay” của chính Hapulico, Công ty mà Công ty Ba Đình đã góp vốn bằng các Hợp đồng tín dụng ngắn hạn. Ba hợp đồng tín dụng ngắn hạn này tuy hình thức thể hiện có các điều khoản của một hợp đồng vay nhưng thực chất lại che giấu hành vi rút vốn của Công ty Ba Đình ra khỏi Hapulico”.
Văn bản của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp - Bộ Tư pháp khẳng định: “Qua nghiên cứu nội dung vụ việc và quá trình thực hiện các hợp đồng tín dụng ngắn hạn này cho thấy, về thực chất các hợp đồng này chỉ là công cụ để che giấu cho việc Công ty Ba Đình rút vốn khỏi Công ty Hapulico để trả lại cho các chủ nợ đã cho Công ty Ba Đình vay để góp vốn vào Công ty Hapulico mà không phải là các hợp đồng cho vay đích thực”.
Một công văn của TAND tối cao gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Trên thực tế, ông Nguyễn Tiến Trung lợi dụng chức vụ TGĐ Công ty Hapulico đã sử dụng vốn của Công ty Hapulico bảo lãnh cho Công ty Ba Đình vay tiền và dùng số tiền này để góp vốn cho Công ty Hapulico. Sau đó đã sử dụng hợp đồng tín dụng để hợp thức hóa cho Công ty Ba Đình rút vốn ra trả các khoản nợ đã vay ngắn hạn để góp vốn trước đây của mình. Đây là hình thức sử dụng hợp đồng tín dụng để che đậy việc rút vốn, không chỉ lấy lại toàn bộ mà còn lấy vượt quá số vốn đã góp là 4 tỉ đồng chỉ sau 9 ngày kể từ ngày góp đủ vốn theo thỏa thuận”.
Hủy án, cổ đông lại dài cổ chờ
Căn cứ nội dung khởi kiện của Công ty Ba Đình, TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ án. Án sơ thẩm tuyên bố: “Xét việc rút vốn góp cổ phần dưới hình thức tín dụng đã làm Công ty Ba Đình đương nhiên mất tư cách cổ đông tại Công ty Hapulico theo quy định tại Điều 84 Luật Doanh nghiệp. Quyết định số 31/1/2009/NQ-ĐHĐCĐBT ngày 11/8/2009 là không vi phạm pháp luật vì lúc này Công ty Ba Đình không còn là cổ đông của Công ty Hapulico. Nay Công ty Hapulico đã huy động các cổ đông khác nộp đủ số vốn theo quy định của pháp luật, đã hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh và đã ổn định đi vào sản suất kinh doanh”.
Bản án quyết định: “1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình; 2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico; 3. Buộc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình phải hoàn trả cho Công ty cổ phần đầu tư bất động sản hapulico số tiền 4 tỷ động và tiền lãi phát sinh là 520 triệu đồng...”. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm.
Công ty Hapulico có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 14-9-2011, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã có quyết định giám đốc thẩm, khẳng định: Mặc dù luật đã nghiêm cấm việc rút vốn dưới mọi hình thức, nhưng trên thực tế, ông Trung lợi dụng chức vụ TGĐ Công ty Hapulico đã sử dụng vốn của Công ty Hapulico bảo lãnh cho Công ty Ba Đình vay tiền và dùng tiền vay này để góp vốn cho Công ty Hapulico. Sau đó, đã sử dụng hợp đồng tín dụng để hợp thức hóa cho Công ty Ba Đình rút vốn ra trả các khoản nợ đã vay ngắn hạn để góp vốn trước đó. Đây là hình thức sử dụng hợp đồng tín dụng để che đậy việc rút vốn, không chỉ lấy lại toàn bộ mà còn cho lấy vượt quá số vốn đã góp là 4 tỷ đồng, bắt đầu chỉ sau 9 ngày, kể từ ngày góp đủ vốn theo thỏa thuận. Như vậy, trong thời hạn Luật doanh nghiệp quy định các cổ đông phải góp vốn thì Công ty Ba Đình không còn vốn góp tại Công ty Hapulico.
"Việc Công ty Hapulico triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để họp và thông qua quyết định bãi miễn chức danh ủy viên HĐQT của ông Nguyễn Tiến Trung tại Công ty Hapulico, tiến hành sửa đổi bổ sung điều lệ Công ty, chọn hình thức góp đủ vốn điều lệ theo quy định tại Điều 96, 97 Luật Doanh nghiệp và Điều 26 Điều lệ Công ty là có căn cứ"
Quyết định ghi rõ: Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 80 Luật doanh nghiệp nhận định Công ty Ba Đình đã rút vốn để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Ba Đình; chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Hapulico là có căn cứ. Tòa cấp phúc thẩm không thấy được giữa yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với yêu cầu phản tố của bị đơn có quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời; do đó, khi xét xử đã không xem xét đầy đủ, toàn diện, không đánh giá đúng bản chất tranh chấp và yêu cầu của hai bên, dẫn đến giữa phần nhận định của Bản án với phần quyết định mâu thuẫn nhau … Việc Công ty Ba Đình rút nhiều hơn số tiền mà Công ty Ba Đình đã đóng góp vào là có thực, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại bác yêu cầu là không đúng. Đây là sai lầm nghiêm trọng về pháp luật tố tụng và nội dung.
Vì lẽ đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quyết định hủy cả bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại.
Có thể thấy, bản chất rắc rối của vụ việc nằm ở chỗ là do một doanh nghiệp không có năng lực, yếu kém về tài chính như Công ty Ba Đình tham gia vào một liên doanh khá quy mô như Hapulico để kinh doanh thương mại. Trong quá trình đó, những việc làm khuất tất kiểu “tranh tối, tranh sáng” của người đứng đầu DN đã chứng minh điều đó. |
Nhóm PV thời sự