Xót xa hoàn cảnh ngặt nghèo của học trò
Đặt chân đến vùng đất đặc biệt khó khăn tại xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) để lập nghiệp và bắt đầu sự nghiệp “trồng người” vào năm 2011, cô giáo Hồ Thị Hương (SN 1989, quê tỉnh Đắk Lắk) đã tìm chứng kiến không ít khó khăn, vất vả của người dân và học sinh nơi đây.
Nói đến đây, cô Hương nhớ lại: “Khi tôi về đây công tác, đường xá đi lại rất khó khăn. Những con đường đất bụi mù mịt vào mùa khô và sình lầy, trơn trượt vào mùa mưa. Không ít ngày mưa, em phải nhờ người dân lắp sên (xích) vào hai bánh xe máy để đến trường đi dạy. Thế nhưng, đi đến những đoạn sình lầy tôi chỉ biết đứng nhìn bất lực và chờ người dân đi đường hỗ trợ vì không thể chạy xe qua. Có hôm, tôi phải lội bùn đất quá đầu gối, thậm chí trượt ngã liên tục trên con đường đến trường”.
Đối diện với những hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, cô giáo trẻ dự định chỉ công tác tại xã vùng khó một vài năm rồi xin chuyển công tác về nơi khác. Thế nhưng, khi chứng kiến học sinh của mình phải đối diện với những khốn khó, thiếu thốn đã khiến cô đi đến quyết định ở lại bám lớp, bám trường.
Cô Hương lý giải: “Học sinh tại địa bàn xã Đắk Ngo chủ yếu là con em của người đồng bào dân tộc H’Mông. Có nhiều lần vào các bản Giang Châu, Sín Chải của xã Đắk Ngo, tôi đã chứng kiến bữa cơm của gia đình các em học sinh chẳng có gì ngoài cơm trắng chan với nước lọc. Thậm chí, nhiều gia đình còn không có gạo ăn... Vì hoàn cảnh quá khó khăn, nhiều phụ huynh phải để các con ở nhà để đi làm ăn xa. Không có bố mẹ bên cạnh, nhiều em phải lặn lội lên rừng đào, bẫy chuột, hái rau rừng,... mang về làm thức ăn cho các em. Đồng thời, phải thay cha mẹ lo toan tất cả mọi việc trong nhà”.
Không chỉ vậy, vào những ngày mùa đông lạnh lẽo, các em đến trường chỉ với bộ quần áo mỏng manh, đen đúa, thậm chí thường xuyên đi chân đất đến trường.
Với vẻ mặt trầm ngâm, cô Hương cho hay: “Những thiếu thốn về vật chất đã khiến cho chất lượng học tập của các em học sinh bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa kể, do không được ăn uống đủ chất dinh dưỡng nên sức khỏe của nhiều học sinh không đảm bảo và mang trên mình nhiều bệnh tật. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, không ít phụ huynh không mảy may quan tâm đến việc học tập của con em mình. Nhiều học trò phải bỏ học để lên nương, lên rẫy phụ giúp bố mẹ”.
Tất cả những những hình ảnh đó đã khiến cô giáo trẻ không khỏi nghẹn ngào, xót xa và quyết tâm làm gì đó để hỗ trợ các em.
Thầm lặng nuôi dưỡng ước mơ cho học sinh
Nói là làm, cô Hương đã tìm cách kêu gọi các nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm đến địa phương để chung tay hỗ trợ, chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Mặt khác, cô cũng đến tận nhà tìm hiểu và không quên chụp hình ảnh về hoàn cảnh của từng học sinh, rồi đăng lên trang Facebook của Liên đội trường, các trang mạng xã hội để kết nối tấm lòng hảo tâm của mọi người. Theo đó, mỗi khi có hoàn cảnh học sinh cần giúp đỡ, cô lại kêu gọi các giáo viên, cán bộ, công nhân viên trong trường cùng nhau đóng góp. Đồng thời, nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của các Liên đội trong toàn huyện để trao quà, tiền mặt, quần áo, nhu yếu phẩm... đến tận tay các em học sinh.
Trước tấm lòng vì học trò nghèo của cô Hương, không chỉ các đồng nghiệp trong trường mà nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân khắp nơi đã thông qua mạng xã hội để chung tay đóng góp. Không chỉ vậy, từ những thông tin mà cô Hương cung cấp, nhiều ban ngành, đoàn thể cũng tìm đến hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Đắk Ngo.
Bên cạnh đó, cô Tổng phụ trách đội cũng tổ chức nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa như: “Kế hoạch nhỏ”, “heo đất tình thương”, “nụ cười tôi yêu”, “đóng góp giấy vụn, ve chai”,... nhằm lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách” của các học sinh trong trường cũng như nhân dân trên địa bàn.
Những nỗ lực kết nối của cô Hương đã giúp cho nhiều học sinh có điều kiện tiếp tục duy trì học tập và cố gắng vươn lên. Đơn cử như hoàn cảnh của em Giàng A Vành (trú tại bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo, hiện là học sinh lớp 10 Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác).
Mẹ mất sớm, Vành ở với bố. Thế nhưng, năm em lên lớp 8, bố không may bị tai nạn lao động qua đời. Kể từ đó, Vành và một người em trai trở thành những đứa trẻ mồ côi. Không còn người thân bên cạnh, Vành và người em trai được một người thân đưa về chăm sóc nhưng hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Ngay khi nắm được hoàn cảnh của em Vành, cô giáo Hương đã nhanh chóng lặn lội vào tìm hiểu, rồi kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Trên cơ sở đó, năm 2021, nhiều đơn vị đã chung tay hỗ trợ, xây một căn nhà tình thương cho hai anh em Vành, trị giá 70 triệu đồng.
“Ngày khởi công xây dựng nhà cho anh em Vành, tôi vô cùng xúc động và vui sướng. Bởi từ đây, các em không còn phải sống trong cảnh nhà cửa đột nát nữa. Căn nhà nhỏ ấy cũng sẽ giúp cho cuộc sống của các em ấm cúng hơn dù không có bố mẹ bên cạnh” – công Hương nói.
Ngoài ra, chương trình “cặp lá yêu thương” của Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Đức còn hỗ trợ 1 suất học bổng đến 18 tuổi cho Vành, với số tiền 300.000 đồng/tháng. Đây sẽ động lực để các em cố gắng hơn trong học tập và cuộc sống.
Hay đó là trường hợp của em Nguyễn Ngọc Như (trú tại thôn 1, xã Đắk Ngo). Cô Hương kể: “Sau khi bố mẹ ly, Như và một người em của mình ở với ông bà nội. Tuy nhiên, ông bà già yếu, lại thuộc diện hộ nghèo nên đối diện với nhiều thiếu thốn. Sau khi biết được, tôi đã đến tận nhà tìm hiểu và phát động kêu gọi các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ cho hoàn cảnh của em Như. Sau đó, ngoài việc được hỗ trợ vật chất thì từ năm lớp 8, em Như còn được các nhà hảo tâm trao học bổng đến năm 18 tuổi, với số tiền từ 300-500.000 đồng mỗi tháng”.
Không phụ lòng giúp đỡ của cô giáo và mọi người, em Như ngày càng vươn lên và đạt được nhiều kết quả trong học tập. Theo đó, em là học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện nhiều năm liền. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp THCS, em tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đến trường, thi đậu vào một trường THPT chuẩn quốc gia và tiếp tục duy trì kết quả học tập loại giỏi.
Ngoài các trường hợp nói trên, từ nguồn huy động của một nhóm thiện nguyện, đến nay có 5 học sinh trên đại bàn xã Đắk Ngo được trao học bổng đến năm 18 tuổi, với số tiền 500.000 đồng/tháng. Đồng thời, kêu gọi trao tặng 1 điểm vui chơi tại bản Giang Châu để học sinh có sân chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe.
Từ năm 2020 đến nay, cô Tổng phụ trách cũng nhờ sự đóng góp của nhóm giáo viên âm nhạc trên toàn quốc cùng đồng hành, hỗ trợ cho nhiều học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 500.000 đồng/năm/học sinh.
Ngoài việc chăm lo về đời sống vật chất, cô còn đi vào các thôn, bản để chỉ dạy cho học sinh tự vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ nhằm phòng, chống bệnh tật.
Công tác cùng cô Hương 10 năm nay, cô Trần Thị Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học Tô Hiệu (xã Đắk Ngo) – nơi cô Hương đang công tác chia sẻ: “Cô Hương không chỉ hòa nhã với đồng nghiệp mà còn thân thiện, gần gũi với học sinh nên được nhiều người yêu mến. Đặc biệt, cô đã huy động nguồn lực ngoài xã hội giúp đỡ nhiều học sinh nghèo có quần áo mặc, nhất là về mùa đông. Đồng thời, kêu gọi để mua sắm đồ dùng học tập, sách vở cho các em bước vào năm học mới. Thậm chí, cô còn bỏ tiền của mình và lan tỏa để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được ăn sáng đầy đủ”.
Khánh Ngọc