Bí kíp khổ luyện Khẩu lợi công và "dị nhân" 13 năm không ngủ

Bí kíp khổ luyện Khẩu lợi công và "dị nhân" 13 năm không ngủ

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Chủ nhật, 18/02/2018 14:28

Một trong những đặc dị công phu được cho là thiên hạ vô song của Thăng Long Võ Đạo là Khẩu lợi công. Để dùng miệng cắn và nhấc bổng chiếc bàn nặng trên 80kg trong khi cơ thể chỉ 52kg, Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng đã phải đánh đổi cả cuộc đời khổ luyện đạt đến mức dị thường 13 năm nay không ngủ.

Mòn răng, hở tủy

Chỉ mất vài giây có thể viết 3 từ “Khẩu lợi công” một cách tròn trịa, nguyên nghĩa, nhưng để đạt được đặc dị công phu này phải trải qua một quá trình tập luyện lâu dài, gian khổ. Hiện nay, ngoài Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo Nguyễn Văn Thắng, một số đệ tử sau ông cũng làm được điều này, tuy nhiên số lượng không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo võ sư Thắng, có thể chỉ mất vài ba năm để thực hiện được Khẩu lợi công nhưng đạt được trình độ cao phải đánh đổi bằng cả cuộc đời. Khi thực hành công phu này (cắn, nâng một cái bàn), trọng lượng từ 10-20kg sẽ khác với 30-40kg hoặc 70-80kg. Thêm nữa, Khẩu lợi công khi đứng dưới đất không giống như đứng trên cọc sắt. Còn như việc ông đã từng biểu diễn, ngoài cái bàn, đặt các linh vị trên bàn mà vẫn giữ được tất cả chúng trên mặt phẳng, không di chuyển là câu chuyện khó hơn nữa.

Theo võ sư Thắng, giữa bí kíp và việc đạt được đỉnh cao về Khẩu lợi công là một khoảng cách rất xa. “Tôi có thể dạy một học trò có khí công thực hiện Khẩu lợi công sau 2-3 năm, nhưng đó là trình độ thấp, ví dụ như nâng một cái bàn 20-30kg và chỉ đứng ở mặt đất. Còn muốn đạt trình độ cao hơn, phải tập công lực: Vừa phải tập ngoại ngạnh, tức là ngạnh công (luyện gân, cơ, xương rất rắn chắc) – nếu không có khung hình cơ thể rắn chắc thì không thể nâng được cái bàn; phải có bộ pháp, tức là thân pháp rất chắc và tấn pháp rất khỏe mới trụ được khi nâng vật nặng và đứng ở trên cao; phải luyện cột sống, đốt sống cổ và đặc biệt là bộ mồm phải qua quá trình rèn luyện vô cùng gian khổ”, võ sư Thắng cho biết.

Võ sư Thắng lấy luôn ví dụ về hàm răng của mình, hiện giờ gần như hở tủy, mòn, ngắn hẳn đi là vì quá trình khổ luyện Khẩu lợi công từ thời thanh niên cho đến tận bây giờ. Thế nhưng, không phải ai luyện cũng có thể giữ được hàm răng khỏe như vậy vì quá trình luyện tập bắt buộc sẽ phải mòn dần. Để giữ được hàm răng khỏe, phụ thuộc vào việc luyện nội lực, độ va chạm của răng. Điều này không thể giống với những người bình thường ăn cơm, gặm xương. Người tập luyện Khẩu lợi công thậm chí phải nhai cả sỏi.

“Theo đó, phải đưa 3-5 viên sỏi vào đảo trong miệng, tăng dần lên 5-7 viên rồi 7-10 viên, đến khi gần như kín miệng vẫn phải đảo, nhai trong miệng như đảo lạc rang. Làm như vậy là để cho toàn bộ khung hàm rắn chắc, luyện độ tì của hàm răng. Thêm nữa, phải tập luyện lực cho từng cái răng một. Ngoài ra, cần luyện gõ, nhai, nghiến, ngáp tức là phải gõ hàm răng vào nhau rất nhiều, tăng độ chắc của chân răng, nhai để khí huyết lưu thông, làm cho toàn bộ vùng lợi xung quanh – dây chằng cột cơ, rắn chắc, nghiến (đay – cắn chặt 2 hàm răng) để toàn bộ khung quai hàm càng thêm mạnh; ngáp để nội khí khỏe, chống chấn thương cột sống, đốt sống cổ, đưa được khí lên não. Năng lực khí huyết phải đưa được lên vùng thượng đan, tức là đưa lên não rất mạnh mới có thể chịu đựng được việc nâng vật nặng”, võ sư Thắng chia sẻ.

Xã hội - Bí kíp khổ luyện Khẩu lợi công và 'dị nhân' 13 năm không ngủ

Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo Nguyễn Văn Thắng (áo đen bên phải).

Kỹ thuật và sự khổ luyện

Chia sẻ về “bí kíp” luyện công phu của mình, võ sư Thắng khuyên những người muốn tập môn này, trước hết phải tuân thủ nguyên tắc về sức mạnh tăng dần. “Như tôi nói, có thể 2-3 năm cũng luyện được khẩu lợi công nhưng chỉ đạt mức độ nâng vật nhẹ. Qua thâm niên luyện tập, bên trong nội khí mạnh, bên ngoài gân cơ xương vững vàng và luyện thêm một loạt công phu khác thì có thể đạt được đến trình độ như tôi đã làm được. Như vậy người ta gọi là các giai tầng của công phu”, võ sư Thắng khẳng định.

Vẫn theo võ sư Thắng, muốn đạt được Khẩu lợi công phải có cơ thể rất mạnh, không chỉ mạnh về gân, cơ, xương mà còn mạnh về nội khí và tất cả các khung của giác quan ở vùng mặt phải có độ tập trung. Chân không mạnh thì không trụ được, cột sống không mạnh cũng không trụ được, cổ không mạnh sẽ kéo gập cổ ngay.

Khi đã luyện đạt Khẩu lợi công có thể nâng dần độ khó lên một cách đơn giản. Độ nặng được đánh giá theo trọng lượng, còn độ khó có thể nâng các vật nặng đó đi dưới đất, trên cọc, trên bàn đinh, trèo thang…

“Nói bí kíp (tức là tính năng kỹ thuật, nắm chắc các quy trình) có thể cho bất cứ ai, nhưng làm ở mức độ nào lại là do khả năng của từng người. Tôi dạy học trò nhảy trên thủy tinh có thể chỉ 5 phút sẽ thực hiện được nếu truyền cho bí kíp, còn không có thì không bao giờ làm được. Nhưng nếu truyền bí kíp cũng chỉ làm thành công ở mức độ rất thấp. Khẩu lợi công cũng vậy, nếu tôi truyền bí kíp, người luyện có thể thực hiện cắn bàn 15-20kg đứng trên mặt đất sau một thời gian tập nghiêm túc. Nhưng bí kíp và công phu (sự khổ luyện) phải song hành thì mới đạt được một động tác nào đó, như khẩu lợi công”, võ sư Thắng khẳng định.

Nói về việc, một người vóc dáng nhỏ bé nhưng lại nâng các vật nặng thậm chí hơn cả trọng lượng cơ thể mình, võ sư Thắng nói, đó là kết quả của quá trình khổ luyện. Đa số các chân sư có ngoại hình rất nhỏ nhưng lại đạt công năng rất cao. Luyện công phu đòi hỏi nội lực ở bên trong cơ thể mình. Một người 50-60kg có thể đạt nội lực (nội khí – sức mạnh bên trong cơ thể) cao hơn người nặng hàng tạ.

Ví dụ như gỗ rất rắn nhưng có nhiều loại, nếu là gỗ lim sẽ rắn hơn gỗ dổi chẳng hạn. Vì vậy, người nhỏ nhưng khổ luyện thành công sẽ chịu được những áp lực rất cao. Để đạt Khẩu lợi công cần luyện thêm các công phu bổ trợ.

Người tập luyện võ công, khi đã tu luyện công phu đạt đến đỉnh cao sẽ dần đạt đến độ “thần vượng không ham ngủ, khí vượng không ham ăn, tinh vượng không ham sắc”. Thông thường, khi tinh thần mệt mỏi, người ta ngủ nhiều, nghỉ nhiều. Càng ngủ nhiều càng rối loạn giấc ngủ. Tinh thần càng yếu, việc ngủ càng chiếm thời gian lớn, như trẻ con tinh thần chưa hoàn thiện hay người già tinh thần suy giảm sẽ có tổng thời gian ngủ nhiều hơn người bình thường.

“Nhưng khi đã tu luyện công phu đạt đến đỉnh cao thì ngủ không còn là quá quan trọng, kể cả “trường tọa bất ngọa” như tôi 13 năm nay không cần ngủ, tinh thần vẫn tốt, thần thái khỏe mạnh, khí huyết lưu thông. Tương tự, khí vượng không ham ăn giống như có các chân sư ngồi thiền nhiều năm không cần ăn gì. Như tôi đã 31 năm nay không ăn đến một hạt ngũ cốc. Đôi khi ăn cho vui chứ không phải là cần thiết. Tinh vượng không ham sắc tức là luyện khí để đạt nguyên thần, khi tinh vượng, thần sẽ sáng, người tu luyện thì tinh hóa khí, khí hóa thần, khí mạnh. Khi các chân sư tu luyện thành công công phu, họ không cần nhu cầu dục vọng bình thường. Khi tu đạt đến ngưỡng nhất định, các nhu cầu đó giảm đi, đến giai đoạn nhất định thì không còn cần nữa”, võ sư Thắng nói thêm.

Qua tìm hiểu được biết, năm 1989, tại liên hoan Võ thuật cổ truyền toàn quốc, võ sư Thắng khi đó nặng chỉ 52kg nhưng đã dùng khẩu lợi công nhấc cả chiếc bàn với đỉnh đồng, nến, hạc, kiếm, ảnh Đạt Ma Sư tổ... nặng xấp xỉ 80kg. Sau mấy chục năm tu luyện, bây giờ, khẩu lợi công của võ sư Thắng đã đạt tới mức thượng thừa. Ông bảo, với hàm răng thép của mình, ông có thể nhai vỡ liền lúc mấy trăm chiếc cốc thuỷ tinh.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.