Theo tìm hiểu của PV, cách đây không lâu, bệnh nhân H.K.L (54 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) đã phải nhập viện điều trị do uống thực phẩm chức năng Nuskin, có xuất xứ từ Mỹ. Do mệt mỏi, khó ngủ, bà L. được tư vấn uống thực phẩm chức năng để giải độc, da mịn màng và đẹp. Tuy nhiên, khi uống đến ngày thứ 5, bà thấy có đốm đỏ nổi ở bàn tay, kèm ngứa. Bà phản ánh thì nhân viên công ty bán thực phẩm chức năng nói đây là phản ứng tốt. Tin lời, bà uống thêm 3 ngày nữa thì các đốm đỏ lan khắp người. Đầu tiên là đau nhức hai bàn chân đến lở miệng, hai lỗ tai, mặt mũi và toàn thân nổi đỏ, nổi bóng nước rất đau đớn.
Bệnh nhân H.K.L bị lột da do uống thực phẩm chức năng.
Đem thắc mắc về trường hợp ngộ độc trên đến BS. Nguyễn Trung Nguyên, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Mọi thứ đều là chất độc nếu dùng sai liều lượng. Ngay cả thực phẩm cũng có thể gây bất lợi khi ăn không đúng cách. Ví như: Muối là chất không thể thiếu trong thực phẩm nhưng nếu ăn quá nhiều cũng trở thành chất độc gây suy tim, phù, tăng huyết áp. Nhiều loại thực phẩm cũng có thể gây dị ứng và nguy kịch cho người ăn ngay lập tức. Thực phẩm chức năng cũng vậy, nếu chúng ta sử dụng mà chưa biết nó có phù hợp với cơ địa của mình không, có tương tác với các thuốc đang dùng không, thực phẩm chức năng cũng có thể gây sốc phản vệ như dị ứng. Vì thế, người sử dụng nó phải hiểu nó thành phần có gì, tác dụng ra sao và phải có sự tư vấn của nhân viên y tế để phòng các nguy cơ này”.
BS. Nguyễn Thu Hà, bệnh viện Xanh - Pôn khuyến cáo, không thể tùy tiện dùng thực phẩm chức năng, bởi dùng không đúng cũng rất nguy hiểm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Thực tế có người dùng bị phù do dị ứng thực phẩm chức năng, người bị luput ban đỏ mà dùng thực phẩm chức năng không phù hợp làm bệnh tình nặng thêm. Vì thế, rất cần phải có hướng dẫn để người dân dùng đúng. Khi đó, nguy cơ bị tai biến, dị ứng sẽ giảm đi vì được giám sát, tư vấn của nhân viên y tế. “Người kê đơn cũng phải là người hiểu biết về sản phẩm, hiểu biết tổng thể về thể trạng bệnh nhân chứ không phải ai cũng giống ai. Bác sĩ phải minh bạch trong kê đơn thuốc và thực phẩm chức năng. Bác sĩ phải hướng dẫn cụ thể cho họ về công dụng, mục đích sử dụng của thực phẩm chức năng đó và quyền quyết định vẫn sẽ thuộc về người sử dụng”.
Liên quan đến vấn đề kê toa thực phẩm chức năng, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng bộ Y tế cho biết: “Vấn đề kê đơn thực phẩm chức năng, bộ Y tế đã bàn thảo nhiều lần với Hiệp hội thực phẩm chức năng, các nhà sản xuất, hiệp hội người tiêu dùng và khối cận lâm sàng, bộ Y tế đã dự thảo thông tư và chuẩn bị ban hành. Trong dự thảo sẽ cho phép kê đơn nhưng đơn đó sẽ ghi rõ đơn thực phẩm chức năng để tránh lạm dụng. Thông tư cũng quy định đối tượng được phép kê đơn phải là bác sĩ, cán bộ dinh dưỡng có chuyên môn, đã qua tập huấn. Cho phép kê đơn thực phẩm chức năng sẽ là giải pháp để tránh tình trạng người dân đồn thổi truyền tai nhau dẫn tới sử dụng thực phẩm chức năng không đúng”.
N. Giang